Thursday, 2 September 2021

PHIẾM : ĐƯỢC CAO SƠN ĐẠI VƯƠNG CHO UỐNG TRÀ (Nguyễn Khắc Mai)

 


Phiếm: Được Cao Sơn Đại Vương cho uống Trà

Nguyễn Khắc Mai 

31/08/2021

https://baotiengdan.com/2021/08/31/phiem-duoc-cao-son-dai-vuong-cho-uong-tra/

 

Người họ Mai vốn quê ở Thuận Hóa, ra lập nghiệp ở Thăng Long gần trọn đời người. Tự hào đã làm nhà ở góc thành nam, Ô Đồng Lầm, Hà Nội. Vẫn có thơ tự trào:

 

“Đồng Nai, Thăng Long, thời trai trẻ,

Gió Á, mưa Âu từng bởn chơi.

Cốt nhục, bạn thầy tình nghĩa lọn,

Lấy lề đèn sách chẳng hề lơi”.

 

Vẫn thầm mừng vì mình cũng đã sống đặng như lời người xưa “Hương lý xưng thiện nhân tư vinh túc hỷ”, câu đối ở nhà thờ cụ Ngô Thì Trí, em ruột của Ngô Thì Nhậm, nghĩa là: “Làng xóm khen người tử tế vinh dự ấy đủ rồi”.

 

Hằng năm, đến rằm tháng Ba, thường khăn áo nghiêm túc, sửa lễ mọn thành kính đến dâng hương ở Đền Trấn Nam Phương, làng Kim Liên Hà Nội, nơi mình được sinh sống.

 

Đêm ấy, dự báo thời tiết trên ti vi báo Hà Nội sẽ có mưa nhỏ và vừa, có sấm, trời trở mát. Cơm nước xong vẫn thường nằm ở ghế sofa đọc sách. Không khí mát mẻ, tiếng mưa rả rích đều đều, dễ đưa người vào giấc ngủ. Chợt như thấy có người đứng kề bên lay dậy, bảo, Cao Sơn Đại Vương sai mời ông đến dùng trà. Liền tỉnh dậy sửa soạn lại áo quần, rồi theo người ấy đi như bay. Chỉ trong nháy mắt đến nơi. Vào chính điện, đứng nghiêm lễ ba bái. Bỗng có tiếng trầm ấm từ trên cao, khách đã đến hãy mời vào. Thấy có người nắm khuỷu tay nhấc lên, đưa đến ngồi nơi chiếc đôn nhỏ dưới bệ. Trên ngai lại có tiếng, biết ngươi là người trong xứ, là kẻ có học cũng có tâm, nói: Chiều nay có khách dâng mấy ấm trà ngon, ta cho mời ngươi đến dùng trà và hỏi ngươi vài chuyện ở Long Đỗ (*).

 

– Bẩm, Long Đỗ hiện nay đang có giặc cô vy, chưa đến nỗi trầm trọng như bốn tỉnh phía Nam. Chính quyền và nhân dân đang ra sức chống trả, như làng Kim Liên ta, tuy là khu vực xanh mà dân vẫn tuân thủ lệnh giãn cách nghiêm túc. Nhiều người đứng đầu trong chính phủ đã thay nhau vào Nam chống dịch, bà con thì oằn mình chống chọi gian nan và thảm thương lắm. Cúi mong ơn trên phù hộ đất nước tai qua nạn khỏi, dân chúng đặng trở lại bình yên.

 

– Ta cũng không mong gì hơn, có điều kiếp nạn này do con người tạo nghiệp, vừa tham lam, vừa tàn bạo, ỷ mình có thể sửa lại thiên nhiên, đánh mất tính thiện, làm theo cái ác lợi, nên gây nghiệp nặng chúng sanh vô minh, dua theo kẻ ác nên cũng tự mình gây họa. Chỉ khổ cho người lương thiện. Việc trong nước thì thế, còn đối xử với bên ngoài thì thế nào, biết được gì nói cho ta hay.

 

– Bẩm, gần đây Long Đỗ có chuyện vui. Cùng lúc cả hai nước lớn, Hoa kỳ và Trung Hoa tranh nhau cùng đến thăm. Bà nữ Phó Tổng thống thì có lịch sắp xếp từ lâu, còn Trung Hoa thì đùng một cái, cho sứ giả là Hùng Ba vội vàng dến thăm và làm việc với Thủ tướng, đến hứa sẽ tặng hai triệu liều vắc xin và đe dọa Việt Nam chớ ngã theo Mỹ. Điều xảo trá ở đây là, nếu chỉ tặng vắc xin và gởi chỉ dụ chớ ngã theo Mỹ thì chỉ cần đến Bộ

Ngoại giao hay Bộ Y tế là đủ. Họ đến thẳng Thủ tướng còn để nhấn rõ thêm là, ông này vốn có dư luận là thân Trung Hoa, để gây thêm ly gián. Chúng con mong ông ấy đủ bản lĩnh để chỉ nghe theo lòng Dân, mà không đánh đu với kẻ thù hiểm độc của đất nước. Con nói họ tranh nhau là vì tạm được Bà Phó Tổng thống sẽ bàn với Việt Nam cùng tìm cách nâng tầm quan hệ chiến lược giữa hai nước. Họ hoảng lên mới phải vội vã như vậy. Gần đây, họ sử dụng phép chiến lang trong ngoại giao, vừa hung hăng, vừa thô thiển, khiến các nước bất bình, cho là kém văn hóa, nội bộ chúng cũng đang phê phán lẫn nhau.

 

Ừ, cũng vui đấy. Ngươi nói họ tranh nhau, hay thật. Với ta, ta không lạ gì giặc phương Bắc. Thời chúng ta sống còn nhỗ cả tre ngà để đánh đuổi giặc Ân. Bây giờ nghe ngươi nói cái tên Hùng Ba làm ta nhớ chuyện cũ của nước nhà. Hồi giặc Ngô sang xâm lấn, ở Thanh Hoa (**) có Triệu Thị Trinh, không biết Thủ tướng bây giờ còn nhớ không. Cô Triệu từng nói “Làm người phải dám cỡi cơn sóng dữ, chém cá kình ngoài Biển Đông, cớ sao lại khư khư làm đầy tớ cho người”. Rồi cô cỡi voi bành vàng, đánh đuổi giặc Ngô. Bây giờ giặc Ngô mới cũng đang hoành hành ở Biển Đông, ức hiếp dân ta, nên, bên trong thì phải An Dân, bên ngoài thì phải kết thân với người đồng hội đồng thuyền, may ra mới giữ gìn được giang sơn xã tắc. Ngươi nói giọng lưỡi chiến lang, nhưng thuở xưa, đời Trần, dân ta lại nói khác. Ta nghe nói ngươi đã đem hai câu thi sấm về Biển Đông bố cáo khắp nước có phải không. Hôm nay đãi ngươi trà là cũng vì lý ấy. Uống trà đi.

 

Tôi nghe thế, bèn hai tay nâng tách trà ngang trán tỏ ý cung kính rồi mới dám uống một ngụm. Vừa để chén trà lên án, bỗng nghe tiếng sấm vang, suýt nữa thì đánh rơi chén. Sợ quá, toát mồ hôi. Tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên ghế sofa, quyển Truyền Kỳ Mạn Lục còn để trên ngực.

 

Hóa ra là giấc chiêm bao. Bèn trở dậy bật đèn bàn ghi lại những gì còn nhớ. Ngài nói chuyện nhổ tre đánh giặc Ân, tôi hiểu ngài muốn nhắc nhở một thông điệp của Tổ Tiên, hễ khi nước nhà có nguy biến, hoặc có giặc bên ngoài, hoặc có suy biến bên trong, ắt tuổi trẻ phải biết chóng lớn, trưởng thành gấp. Ngài lại nhắc lời nói của Bà Triệu, cỡi cơn sóng dữ.

 

Tôi nghĩ mãi không ra, chợt nhớ mình từng hỏi tiến sĩ Xuân Diện, có phải Hùng Ba nghĩa là con sóng dữ không. Xuân Diện còn viết chữ Hùng là con gấu, ba là sóng. Hóa ra Ngài đã ám thị cho biết, chớ quên cơn sóng dữ và chuyện Biển Đông. Liệu những người điều hành đất nước hôm nay có dám đem cái tâm, cái dũng, cỡi cơn sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông, hay nghe nói Hùng Ba mà khiếp hãi.

 

Hai câu thi sấm về Biển Đông, là lời dặn của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

 

“Vạn lý Đông Minh, quy bả ác.

 

Ức niên Nam Cực điện long bình”.

 

Nghĩa là vạn dặm Biển Đông dang tay giữ. Mười vạn năm cõi trời Nam sẽ vững vàng thái bình. Minh là vùng biển sâu đến nỗi măt trời không soi tới nên là vùng nước biển tăm tối (minh). Nhắc đến chiến lang, ngài nói đời Trần, dân ta không nói vậy. Bèn giở Văn Thơ Lý Trần xem lại.

 

Hịch Tướng Sĩ Văn nói, sứ giả quân Nguyên: “Trạo hào ô chi thố thiệt nhi lăng nhục triều đình. Ủy khuyển dương chi xích khu nhi cứ ngạo Tể phụ”. Nghĩa là: Uốn lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình. Đem thân dê chó mà khinh rẻ Tể phụ”. (Tể phụ là các bậc ngôi cao của triều đình). Giọng điệu ngoại giao của một đại quốc bị hạ thấp như lưỡi cú diều, đó là một thời.

 

Chợt nhớ cái thông báo của Hùng Ba, kết tội Mỹ ngày xưa, răn đe Mỹ hôm nay, đe nẹt và ly gián Việt Nam cùng các nước với Mỹ, dụ dỗ theo Tàu. Thật là những lời lẽ dối trá. Dư luận trong nước và ngoài nước đã phân tích phê phán nhiều. Bài Giới Vọng Ngữ Văn (Răn lời dối trá) của vua Trần Thái Tông có câu: “Không những kẻ nói, nói lời dối càn, mà còn khiến người nghe theo làm bậy”. Nhà vua còn làm bài thơ tứ tuyệt để răn thêm:

 

So vai cười nịnh khua môi lưỡi,

 

Mang tiếng điêu toa khắp cõi trần,

 

Lựa ý cầu mong kiếm chút lợi,

 

Tránh sao nghiệp chướng buộc vào thân”.

 

(Bản dịch của Trần Băng Thanh và Đổ Văn Hỷ)

 

Chắc chắn dân ta thừa biết giọng lưỡi cú diều và chiến lang của Trung Cộng sẽ không ai theo chúng làm bậy.

 

Nhân giặc cô vy hoành hành, bèn gõ mail thăm hỏi ông bạn già. Nghe kể chuyện chiêm bao thấy hay, nên chép lại gởi bạn đọc khuây khỏa những lúc bị giam chân ở nhà.

________

 

Ghi chú:

 

(*) Long Đỗ (Rốn Rồng) tên xưa của Thăng Long, Hà Nội.

 

(**) Thanh Hoa, tên xưa của Thanh Hóa.

 

-----

 

2 COMMENTS

 

Trung Truong

Ráng mà nhịn nhục, nhịn nhục, nhịn nhục: ấm đảng ấm thân.

.

Van Nguyen

"Con giun bị dẫm mãi cũng phải oằn - Con chó bị dồn vào chân tường cũng phải quay đầu cắn lại..."! Những con vật vô tri, vô giác, mà chúng còn biết coi trọng sự sống còn của nó, có thái độ chống trả khi bị hiếp đáp, chà đạp !
Huống hồ, làm kiếp người mà nhún nhường, nhịn nhục đến "tên" giặc không dám "gọi", giặc vào tới nhà khiêu khích mà không dám đem quân ra chống cự...; Thì chỉ là những kẻ NGU DỐT - ÍCH KỶ - NHU NHƯỢC - HÈN NHÁT !




No comments:

Post a Comment

View My Stats