PHÁT NGÔN CỦA TƯỚNG LÊ TẤN TỚI
VÀ VẤN ĐỀ PHIM ẢNH BẠO LỰC
https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/5070008769679992
Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng
An ninh của Quốc hội cho biết, sau khi VTV1 chiếu bộ phim “Người phán xử”, các
băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen mọc ra và phát triển rất nhiều. Các báo đồng loạt
loan tin như vậy sau cuộc họp ngày 14.9 của UBTV Quốc hội. Ông đề nghị sửa đổi điều
luật trong Luật Điện ảnh về chế tài cấm phim ảnh cổ suý bạo lực.
Ý kiến của tướng Lê Tấn Tới gây tranh cãi đa
chiều và đặc biệt gây sốc cho giới điện ảnh, trong đó, nhiều nghệ sĩ tham gia
phim Người phán xử toàn là Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú do Đảng và Nhà nước
trao tặng.
Tôi không theo dõi phim trên VTV. Đêm qua tôi
phải dành thời gian mở mạng xem lướt qua nhiều tập để có cái nhìn khách quan về
vấn đề này.
Trước tiên, tôi khẳng định, nhận xét của ông
Lê Tấn Tới không phải hoàn toàn sai. Ít nhất, với tư cách là người của UBQPAN,
ông đã mặc nhiên thừa nhận các tổ chức tội phạm (xã hội đen) đã mọc ra nhiều và
đang hoành hành trong xã hội ta. Còn có là do phim Người phán xử không thì phải
tranh luận.
Các nhà điện ảnh, các nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ
ưu tú phản bác phát ngôn của ông Lê Tấn Tới cũng không hẳn vô lý. Đơn giản là,
loại hình phim bạo lực miêu tả các băng nhóm xã hội đen không có gì mới lạ đối
với các nước văn minh, kể cả với Việt Nam, khi mà các phim Hồng Kông, Hàn Quốc,
Mỹ còn sặc mùi bạo lực hơn được trình chiếu tự do tại Việt Nam từ mấy chục năm
nay. Nếu vì một bộ phim mà các nhóm tội phạm mọc ra và phát triển thì chắc chắn
các nhóm ấy đã mọc ra và phát triển từ lâu. Bộ phim Người phán xử (2018) chẳng
là gì so với những bộ phim của các quốc gia kể trên!
Theo tôi, ý kiến của ông Lê Tấn Tới đúng ở chỗ,
nếu ông không nhắm vào các tổ chức xã hội đen mà nhắm vào tầng lớp thanh thiếu
niên. Tầng lớp này không được giáo dục cẩn thận, rằng giữa nghệ thuật và đời sống
luôn là một khoảng cách, chúng chỉ biết cái luận đề thô thiển trong các bài học
từ phổ thông đến đại học, rằng “Nghệ thuật phản ảnh hiện thực”, nên chúng sẽ bắt
chước như trong phim. Chúng dùng dao búa đánh nhau để chứng tỏ chúng là “người
hùng” như trong phim. Điều đó là có thật, nhưng chỉ là sự manh động, bộc phát,
khác hẳn với các băng nhóm xã hội đen. Tất nhiên, thành phần thanh thiếu niên
này sẽ bước chân vào các băng nhóm tội phạm là một bước không xa. Nhưng việc
nào ra việc đó.
Trên thế giới, với trình độ dân trí cao, không
ai đồng nhất nghệ thuật với cuộc sống như cái xứ sở tự cho là đỉnh cao trí tuệ
này. Giáo dục của họ trang bị tri thức tối thiểu về khoảng cách tâm lý
(psychological distance), cho nên họ xem phim chỉ như là sự thư giãn. Sự hư cấu
trong nghệ thuật chỉ là cái cầu nối với cuộc sống, trong khi thư giãn với nghệ
thuật là những suy ngẫm về cuộc sống đang xảy ra. Chính suy ngẫm tích cực, tự
nó tạo ra sự thanh lọc (catharsis) để phân biệt cái tốt cái xấu chứ không có
chuyện bắt chước (mimesis) một cách thô thiển. Cho nên ở các quốc gia có nền
giáo dục tốt, không có chuyện xem phim là sống như phim!
Tất nhiên, người làm nghệ thuật cũng lưu ý về
“tính nghệ thuật” của tác phẩm. Tính nghệ thuật yêu cầu cách dàn dựng phim trường,
đạo cụ, hoá trang, thế giới và tính cách nhân vật phải khác với sự thật để chống
sự đồng hoá nghệ thuật với sự thật.
Một nền giáo dục dạy trẻ bắt chước theo mẫu, ắt
trẻ em học tập và làm theo mẫu, kể cả đó là mẫu rất xấu, mẫu tàn bạo trong nghệ
thuật.
Vậy thì câu hỏi cuối cùng, lẽ ra ông Lê Tấn Tới
và UBTV Quốc hội đặt ra phải là: các băng nhóm xã hội đen mọc ra từ đâu? Trả lời
câu hỏi này không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà cho mọi quốc gia, vì quốc gia
nào cũng có loại tội phạm này.
Tôi trả lời nhanh. Các băng nhóm xã hội đen ở mọi
quốc gia mọc ra và hoành hành không phải do phim ảnh vẽ đường cho hươu chạy, mà
do chính quyền đẻ ra. Ở đâu, chính quyền có loại quan nhân danh đỏ
nhưng ăn tiền đen thì ở đó ắt sinh ra xã hội đen. Đen chỉ sống được nhờ đỏ bảo
kê. Không chỉ xã hội Việt Nam. Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Ý, Hàn… đều có. Có từ lâu,
trước khi những bộ phim bạo lực hay xã hội đen ra đời. Ở Việt Nam, những trùm
xã hội đen như Năm Cam, Dung Hà, Khánh Trắng, Phan Sào Nam, Út Trọc… ra đời trước
khi VTV sản xuất và trình chiếu “Người phán xử”. Sự thật là vậy!
Cho nên, thay bằng sửa đổi Luật Điện ảnh (cũng
cần theo thuyết khoảng cách mà tôi nói trên), nên sửa tận gốc những chế tài
chưa đủ mạnh đối với giới cầm quyền đỏ bảo kê cho xã hội đen! Nôm na là phải có
một cơ chế chặt đứt cái quan hệ hữu cơ giữa đỏ và đen. Cùng với thay đổi luật
là thay đổi tận gốc nền giáo dục chỉ biết dạy trẻ em học và làm theo mẫu.
Chu Mộng Long
No comments:
Post a Comment