Friday, 3 September 2021

MÊ KÔNG, DÒNG SÔNG ĐANG GIÃY CHẾT! (Lê Văn Truyển)

 


 

Mê Kông, dòng sông đang giãy chết !

Lê Văn Truyển

2/09/21

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/22537-me-kong-dong-song-dang-giay-ch-t

 

Lời tòa soạn : Tác giả Lê Văn Truyển là một chuyên gia cao cấp về năng lượng, từng làm việc nhiều năm trong công ty Total Energie với nhiều chi nhánh tại Châu Á, thuộc Tập đoàn của Pháp.

 

                                                        ***

 

Vài khái niệm về cách xây đập

 

Một cái đập thường có ba nhiệm vụ :

 

- Sản xuất điện nhờ làm quay các turbines với sức nước, qua một hệ thống alternateurs tương tự như trong các máy phát điện xe hơi.

 

- Trữ nước và làm điều hòa dòng sông mùa mưa để tránh lụt lội, thả nước mùa nóng để tránh hạn hán,

 

- Nhờ hệ thống ngăn nước chỉnh độ cao, còn gọi là "âu thuyền" hay "canal lock", giúp tàu bè qua lại những khúc sông gập ghềnh và chảy xiết.

 

Còn một nhiệm vụ thứ tư nữa nhưng không thấy ghi trong các cẩm nang khoa học mà chỉ có trong các chỉ thị quốc phòng : chuẩn bị chiến tranh "nước" và là vũ khí để khống chế các quốc gia ở hạ lưu của dòng sông.

 

Có nhiều loại đập :

 

Những đập nhỏ hay dạng trung thường là những dòng sông có khác biệt cao độ tự nhiên, thác nước chẳng hạn.

 

Những đập lớn nhân tạo, kiến trúc chia ra làm hai loại :

 

https://live.staticflickr.com/65535/51419797139_96a22568ba_o.png

Đập bằng bê tông phẳng (hình trên), đế rộng, vững chắc để chịu đựng sức nước. loại này thường làm trên các triền núi nhỏ hẹp (50-70m). Sức nước ép vào chân đập rất lớn, tùy theo cao độ của đập.

 

Thay vì thẳng, các đập này có bề mặt hình cong (hình dưới) để làm giảm áp lực của nước và giảm lượng bê tông. Đây là kiến trúc những đập rất lớn trên sông Mekong bên Trung Quốc (Lan Thương giang).

 

Bê tông và đá núi/sông không thể dính chặt lấy nhau mà thường có đường co giản. Sức ép bề đáy có thể lên đến 200 bars, vì vậy mỗi đập phải có nhiều đường thoát khẩn cấp rất tinh vi, đập càng lớn càng nhiều rủi ro nguy hiểm.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51420014645_88b30504a3.jpg

Đập Xiaowan bên Trung Quốc trên dòng Lan Thương (Mekong phía Trung Quốc) với bề mặt cong.

 

Thường thì người ta chỉ xây đập trên các phụ lưu để dòng sông trôi chảy bình thường, không chặn các loài thủy sản lên xuống dòng nước. Và nếu phải xây trên dòng sông chính, con đập chỉ chiếm một góc chiều rộng sông để phần còn lại nước trôi chảy tự nhiên.

 

 

Lợi hại của việc xây đập

 

Xây đập có nhiều lợi điểm :

 

- Sản xuất điện với giá rẻ nhất so với các phương tiện khác như nguyên tử, quạt gió, mặt trời,..

 

- Vận hành lâu dài, trên 50 năm

 

- Giúp tránh lụt lội hay khô cạn dòng sông,

 

Đó là về mặt lý thuyết, trên thực tế có nhiều bất lợi :

 

- Chỉ riêng việc xây đập với một lượng bê tông khổng lồ cũng đáng kết án về tội phá hoại thiên nhiên, Phá hủy hệ thống sinh thái của các loài thủy sản, phá hoại sự cân bằng của thiên nhiên :

 

* ngăn cản các loài cá qua lại dòng sông,

 

* khai hoang một vùng đất rộng lớn để làm bể chứa nước thay vì để trồng trọt.

 

- Các đập thường ở xa các trung tâm kỹ nghệ, do đó phải dẫn điện bắng cáp điện cao thế, nhiều khi đi rất xa, gây thêm ô nhiễm và mất rất nhiều đất đai cũng như tiền đầu tư :

 

* gây ra những chấn động mặt đất khi tích lũy một lượng nước quá cao.

 

* xua dân ra khỏi làng mạc nơi họ đã sống bao đời, làm mất đi văn hóa và lối sinh sống cổ truyền.

 

* khi đập vỡ, tai nạn sẽ vô cùng khủng khiếp, vừa cho người, vừa cho thiên nhiên.

 

* việc trữ nước và xả nước không phải lúc nào cũng đúng theo yêu cầu của người dân hay của dòng sông. Những cửa sông lớn như Cửu Long bên Việt Nam hay sông Dương Tử bên Trung Quốc lắm khi cạn kiệt vì các đập không chịu xả nước. Khi trong cùng một quốc gia còn có chính phủ làm trọng tài, khi xảy ra giữa hai quốc gia, ai xử ?

 

- Công trình xây đập sử dụng nhiều máy móc nặng trong nhiều năm, thải ra một lượng bioxde de carbone (CO2) đáng kể.

 

Xác suất đập bị vỡ thường thấp nhưng không phải là không có, nhất là trong các vùng có khả năng động đất cao. Đặc biệt là vùng giáp cao nguyên Tây Tạng nơi lục địa Ấn Độ xích gần lục địa Châu Á 2 cm mỗi năm, (gọi là hiện tượng tectonic).

 

Con sông Mekong và các đập Trung Quốc trong vùng từ Trùng Khánh đến Vân Nam nằm trong diện có nhiều rủi ro nhất, cho dù lúc nào các kỹ sư Trung Quốc cũng nói họ đã tính toán tất cả rồi. Năm 2008 vụ động đất ở Tứ Xuyên làm 80.000 người chết, các nhà nghiên cứu đại học Colorado cho rằng việc xây đập Zipingpu nằm trên vùng có chỗ nứt (failles) với một bể chứa 1 tỉ mét khối nước, khi xả nước ra có thể đã gây ra vụ động đất.

 

Trên bình diện kinh tế, một đập với năng xuất 900 MW giá khoảng 2,5 tỷ USD (2.500 triệu USD !). Trên thực tế giá này có thể tăng gấp đôi vì độ khó khăn tùy theo địa thế, diện tích đất quy hoạch và số làng phải đền bù cho người dân ra đi.

 

 

Sông Mekong, con sông năng lượng và chiến lược !

 

Phát xuất từ phía đông cao nguyên Tây Tạng, con sông đổ ra Biển Đông trên vùng biển Việt Nam, dài khoảng từ 4.400 đến 4.800 km, sau khi chảy qua bảy nước : Tây Tạng, Trung Quốc, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Cam-bốt và Việt Nam.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51419029201_4f0a7477b5.jpg

Sông Mekong khởi thủy từ Tây Tạng (shoesyourpath.com)

 

Bên Trung Quốc, con sông được mệnh danh là Lan Thương giang (Lancang river), dòng sông sôi động, dài gần 2.200 km, tức một nửa chiều dài của sông Mekong. Nếu điểm bắt nguồn ở cao độ là 4.500m, con sông chỉ quanh quẩn ven núi và khi ra khỏi Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam, nó vẫn ở cao độ 500 m, vì vậy làm đập tương đối dễ. Tuy vậy nguyên vùng con sông chảy qua, đã có nhiều vụ động đất lớn xảy ra như ở Trùng Khánh, Vân Nam (tính theo độ Richter : năm 1974 : 6,8 độ, 1996 : 7 độ, 2014 : 6,1 độ), Tứ xuyên (2008 : 7,3 độ, 2013 : 6 độ).

 

200 km phân ranh giữa Lào và Miến Điện : Con sông vào sâu đất Lào sau đó trở thành biên giới "thiên nhiên" giữa Lào và Thái Lan. Tôi nói "thiên nhiên" nhưng thật ra đây là vùng đất trước kia của Lào, thực dân Pháp và Anh dàn xếp để Thái lấy một phần đất của Lào vào thế kỷ thứ 19 khi hai bên chia nhau Châu Á. Đoạn này dài nhất trên vùng trung lưu, khoảng 1.000 cây số. Tên của dòng sông ở khúc này là Ma Nam Khong (mẹ của các dòng sông), chữ Mekong do những nhà thám hiểm Pháp cuối thế kỷ thứ 19 đọc trại ra từ đó.

 

Dòng sông chảy tiếp vào xứ Chùa Tháp (Cam-bốt hay Căm-bốt), vào mùa mưa nước tụ vào Biển hồ Tonle sap thành một hồ nước thiên nhiên nuôi sống dân Cam-bốt, mặt hồ Tonle-sap thay đổi từ 2.600 đến 15.000 km vuông tùy theo mùa khô hay mùa mưa. Thể tích nước của hồ là 40 tỉ mét khối, so với lượng nước trung bình hằng năm của sông là 400 tỉ mét khối, phải nói là hồ này điều hòa nước không những cho Cam-bốt mà cả cho đồng bằng sông Cửu Long bên Việt Nam.

 

Qua đến Việt Nam, các bạn biết rồi, sông Mekong đổi tên thành Cửu Long với hai con sông Tiền và sông Hậu là chính, và 7 phụ lưu chảy ra biển, được gọi chung là Chín Con Rồng (Cửu Long).

 

Vào mùa khô, dòng sông có nước nhờ tuyết tan từ cao nguyên Tây Tạng, tuy không tràn đầy nhưng đủ nước cho dân sống dọc dòng sông. Vào mùa mưa, 70% lượng nước của sông có được nhờ lượng mưa đổ xuống từ Lào, Thái rồi chảy qua Cam-bốt và Việt Nam rồi đổ ra biển.

 

Lượng nước đổ ra biển tương đương 15.000 m3/giây vào mùa khô và lên đến 70.000 m3 vào mùa mưa (nghĩa là rất mạnh).

 

Diện tích tổng cộng hai bên bờ sông khoảng 795.000 km2, rộng gấp hai lần diện tích nước Viêt Nam.

 

90 triệu dân sinh sống quanh hoặc dọc bờ sông nhờ các hoạt động như canh tác rau màu, ngũ quả, chài lưới, du lịch, vận chuyển…

 

Riêng tại miền nam Việt Nam, 20 triệu người sinh sống nhờ dòng nước Cửu Long.

 

Bảng báo cáo sau đây của ủy Hội sông Mekong cho thấy tiềm năng thủy điện trên sông :

https://live.staticflickr.com/65535/51418288082_b6d0d96fae.jpg

(1) diện tích chung quanh sông Mekong so với tổng diện tích quốc gia - (2) Việt Nam sử dụng khoảng 3000 MW

 

Những con số này có đã lâu và cần phải cập nhật lại. Riêng Trung Quốc đã vượt quá con số 25 GW với những đập đã xây hiện nay.

 

Để so sánh với các nguồn nhiên liệu nguyên tử, một lò nguyên tử sản xuất 900 MW. Trung bình, một nhà máy nguyên tử có thể có từ 2 đến 4 lò, tức khoảng 3600 MW. Điều đó cho thấy sông Mekong có thể tạo một nguồn năng lượng sạch và cao, đó là lý do tại sao các quốc gia trong vùng thi nhau xây đập !

 

Trong cuộc tranh chấp này, Trung Quốc vừa có lợi thế ở thượng nguồn, vừa có kỹ thuật và tiền bạc, những quốc gia nhỏ chúng quanh liệu có đương đầu được không ? Và Việt Nam liệu có một chiến lược rõ ràng hay không ?

 

 

Lợi thế của Việt Nam là lẽ phải, là sự thật với cộng đồng thế giới.

 

Nhưng nếu muốn tranh đấu cho sự thật, thì người mang lý tưởng đó phải có bộ mặt nhân hòa được kính trọng và một sách lược rõ ràng.

 

Hai điều kiện này mới chính là vấn đề của Việt Nam !

 

https://live.staticflickr.com/65535/51419797074_eef833cf85.jpg

 

 

Quá nhiều đập bên Trung Quốc để làm gì ?

 

Như đã nói, sông Lan Thương (Lan Cang River) bắt nguồn từ miền nam cao nguyên Tây Tạng ở độ cao 4000 m và ra khỏi miền Vân Nam ở độ cao 500 m. Trên một khúc sông khoảng 2200 cây số, Trung Quốc cho vào hoạt động 8 đập nước với độ cách xa từ 50 đến 200 cây số.

 

Bảng sau đây cho ta thấy chi tiết hơn về các đập của Trung Quốc trên dòng sông Lan Thương Mekong.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51419029156_7117c8e886_o.png

 

Từ thời Đặng Tiểu Bình mở cửa năm 1976 cho đến Kế Hoạch Ngũ Niên thứ XII (2011-2015), Trung Quốc nhấn mạnh đến thủy điện như một chính sách ưu tiên nhà nước. hiện nay, năng lượng do thủy điện chiếm 20% sau than đá 64%.

 

Trung Quốc xây dựng tổng cộng 11 đập từ những năm 1986 và có thể còn tiếp tục nữa. Tổng cộng điện lực sản xuất 21310 MW bằng 7 nhà máy nguyên tử. Họ dư thừa điện đến nổi bán cả qua Việt Nam, Lào và Thái, chưa kể một phần đưa về miền nam sông Dương Tử. Cái quan trọng hơn cả, các đập này tích lũy 47 tỉ mét khối nước, một lượng nước khổng lồ. Nếu tính theo lưu lượng dòng sông từ cao nguyên Tây Tạng đổ xuống, trong mùa khô, lượng nước này bằng một nửa lượng nước cho cả sáu nước hạ lưu dùng.

 

Hồi tháng giêng năm nay 2020, khi mực nước sông Cửu Long đã thấp, đập Cảnh Hồng thử đập và giảm mức xả nước, Thái Lan và Việt Nam lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng cho sông ngòi.

 

Với các đập trên đây, Trung Quốc phá hủy hoàn toàn sự cân bằng của thiên nhiên và khống chế các quốc gia ở hạ lưu Mekong. Khi tôi đến Vân Nam năm 2010, đập Xiaoman đang vào hoạt động, với 4200 MW tức là hơn hẳn một nhà máy nguyên tử, thành phố Vân Nam và các vùng phụ cận đã dư thừa điện nước.

 

Lúc đó tôi ngỏ ý muốn đi thăm vài cái đập tại Vân Nam, nhưng người hướng dẫn du lịch cho tôi biết vì lý do an ninh, các đập này không được thăm viếng. Thực vậy, rất ít dữ liệu về các con đập này được thông báo công khai (thể tích nước xả ra hằng ngày, thể tích nước nạp vào, khối lượng đất đá di chuyển, công xuất phát điện, …), do đó tất cả các con số này cần phải được kiểm chứng lại, nhiều hơn những con số chính thức.

 

Để tránh gây tai hại cho các quốc gia ở vùng hạ lưu, thường ta người ta xây đập trên các phụ lưu. Thế nhưng Trung Quốc lấy cớ là dòng Lan Thương chảy trong vùng núi non nên không có phụ lưu lớn, vì thế họ xây đập ngay trên con sông và chắn hoàn toàn dòng nước xuống phía dưới.

 

Vì tất cả các đập này đều nằm trên dòng chính, Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn lưu lượng nước sông Mekong. Một nguy hại nữa là nếu một đập xụp đổ vì bất cứ lý do nào, các đập đằng sau sẽ bị cuốn trôi và không ai có thể tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra cho các xóm làng ở hạ lưu. Những cảnh kềm nước lại làm khô hạn các quốc gia bên dưới, ngay cả Thái Lan và Lào nằm ngay phía hạ lưu, thì hỏi làm sao Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam không bị khô hạn.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51419288693_8718a64012.jpg

 

Hình trên đây cho thấy 14 dự án đập nhưng hiện chỉ có 11 đập xây xong thôi. Có thể họ sẽ tiếp tục thực hiện, nhưng cũng có thể họ ngưng lại vì hai lý do :

 

https://live.staticflickr.com/65535/51418288062_3edab0e08b.jpg

Đập Cảnh Hồng, ảnh AP

 

https://live.staticflickr.com/65535/51420014550_a1ab309dc9.jpg

Đập Daochaoshan, Vân Nam, ảnh AP.

 

 

Phát triển đập của Lào, Thái, Cam-bốt và Việt Nam

 

Cao độ của sông Mekong từ biên giới Lào qua Thai Lan, Cam-bốt và Việt Nam được cho thấy bởi đồ thị sau đây. Từ Luang Pravang qua đến Việt Nam, sự cách biệt cao độ khoảng 283 m. Với độ cao này, để gia công một cái đập thủy điện, chỉ ở vùng Tây Bắc Lào là có thể làm được đập cao, càng xuống phía Nam những đập càng nhỏ, nhất là về phía trung phần Việt Nam.

 

Kèm với bài này là bản đồ tóm tắt các đập của Việt Nam sát với biên giới xứ Cam-bốt.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51420014530_333c095419.jpg

 

Không phải chỉ Trung Quốc mà các xứ hạ lưu đều rắp tâm xây đập.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51420014525_ba2e3b8e5d.jpg

 

Phần lớn các đập này do Trung Quốc đầu tư dưới dạng xây cất sau đó hoặc tiêu thụ hoặc bán sang Thái, Cho đến lúc này, các đập của Thái và Lào đều nằm trên phụ lưu ngoại trừ đập Xayaburi nhưng trên nguyên tắc, nó không trữ nước (xem hình). Nếu bạn có sang Lào sẽ thấy các bảng quảng cáo China Power Investment nhan nhãn, hãng này điều khiển các hoạt động khai thác vừa bên Vân Nam vừa bên Lào.

 

Đập Xayaburi được khởi đầu từ năm 2008 với kinh phí 3.5 tỉ USD, do hãng Thái CKPower xây dựng và cũng là khách hàng tiêu thụ. Việt Nam và Cam-bốt phản đối nhưng không thành công, tuy vậy Lào phải ngưng lại một thời gian để trả lời các yêu cầu của họ.

 

Điều đáng ngạc nhiên là tại sao Lào, một xứ ít kỹ nghệ lại xây nhiều đập như thế ? Chúng ta sẽ nói về sau.

 

Đập Luang Pravang đang còn trong vòng thảo luận, PetroVietnam tham dự vào công trình này với đầu tư lên đến 37% tổng số vốn nhưng khách hàng là Thái.

 

Mới tháng 7/2018 công trình xây đập trong vùng Attapeu của Lào gần biên giới với Việt Nam do nhà thầu Thái xây cất bị vỡ, 5 tỉ mét khối nước (tôi không nói sai, hơn 5 tỉ mét khối) kéo theo 6 làng và hằng trăm người mất tích, một tai họa cho người và cho môi trường ít người nói đến.

 

Tại xứ Cam-bốt, đập Lower Sesan 2 được xây dựng năm 2018 vốn xây dựng 750 triệu USD với Royal Group 39% do Trung Quốc giúp vốn với sự đóng góp của hãng HydroLancang IE 51% của Trung Quốc và Electricy Việt Nam với 10%. Sau 40 năm hoạt động, đập sẽ thuộc sở hữu Cam-bốt. Đập này nằm trên phụ lưu Stung Treng của song Mekong.

 

 

Về phần nước Việt

 

Tưởng cũng cần nhắc lại là Việt Nam khai thác rất nhiều thủy điện, từ Bắc vào Trung. Thủy điện chiếm 40% tổng số điện tiêu dùng hằng năm, khoảng 64 TWh trên 165TWh. Đập thủy điện lớn nhất nằm ở Sơn La với 2400 MW.

 

Trên các phụ lưu sông Mekong từ xứ Cam-bốt và Lào qua, Việt Nam có nhiều đập như Yali, Plei Krong, Se San 3, Se San 3A, Se San 4, Buon Kop, Dray H’linh 1 et 2, Buom Tun Sreh. Ngoài ra, Việt Nam còn đầu tư vào nhiều đập trong các quốc gia lân bang.

 

Hai đập chính là :

 

https://live.staticflickr.com/65535/51419029106_0371a72b9b.jpg

 

 

https://live.staticflickr.com/65535/51419797174_c9b1d04ff4.jpg

Đập Yali Fall (Việt Nam, wikipedia)

 

https://live.staticflickr.com/65535/51418288027_b56fe9a97f_z.jpg

Đập trên Tây Nguyên (Vietnam)

 

 

Ủy hội sông Mekong (MRC) và Hiệp hội Lan Thương – Mekong (LMC)

 

Trên bình diện quốc tế mãi cho đến năm 1997 chỉ có những hiệp định song phương giữa các quốc gia có chung một dòng sông hay biển hồ để giải quyết những mâu thuẫn khi phải chia sẻ tài nguyên thiên nhiên. Thí dụ hiệp định giữa Na Uy và Thụy Điển năm 1905, hiệp định giữa Canada và Mỹ năm 1909, hiệp định giữa Pháp, Đức, Thụy Sĩ về dòng sông Rhin.

 

Công ước New York năm 1997 đã trở thành văn bản đầu tiên của Liên hiệp Quốc chi phối cách xử dụng các dòng sông liên quốc gia một cách rành mạch. Trên nguyên tắc, luật quốc tế yêu cầu các quốc gia sống trên cùng một con sông phải thỏa thuận với nhau về cách tổ chức, giải quyết và chia sẻ cách sinh hoạt cũng như cách khai thác chung trên một dòng sông. Hoa Kỳ, Châu Âu và Việt Nam bầu thuận, Trung Quốc chống.

 

Ủy Ban sông Mekong (Mekong River Committee, viết tắt là MRC) được thành lập từ năm 1957 và được bảo trợ bởi Liên Hiệp Quốc khi ấy dưới sự thúc đẩy của Pháp, Mỹ và Nhật. MRC quy tụ bốn quốc gia Thái, Lào, Cambodge và Việt Nam. Miến Điện không có nhiều quyền lợi nên không tham dự vì chỉ có 200 km với biên giới Lào, Trung Quốc lúc đó không tham dự vì không muốn ai can thiệp vào khúc sông Lan Thương (thượng lưu sông Mekong) của mình.

 

Nhiệm vụ của MRC là chung trách nhiệm về dòng sông (chất lượng nước, môi trường,…), các công trình xây dựng phải có sự đồng thuận của tất cả. Một công trình đưa ra bởi một quốc gia có thể bị hủy bỏ nếu có một quốc gia khác chống đối.

 

Ủy Hội Sông Mekong sau đó gặp nhiều khó khăn và không hoạt động vì chiến tranh Đông Dương. Năm 1995 các thành viên bắt đầu sinh hoạt trở lại với một quy ước mới lấy tên là Ủy Ban Sông Mekong (Mekong River Committee trở thành Mekong River Commission) : các quốc gia vẫn chung lo sinh hoạt trên dòng sông nhưng không ai có quyền phủ quyết một đồ án của một quốc gia khác. Đó là điểm quan trọng cho hai nước Việt Nam và Cam-bốt vì nằm ở cuối dòng. Khi ký vào văn bản này, Việt Nam đã ký chấp nhận các sự việc diễn ra từ đó cho đến nay: các đập thay nhau mọc lên cho quyền lợi của Trung Quốc, Lào, Thái Lan và, một cách nào đó, mặc nhiên khai tử Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Người ký vào văn bản Ủy hội Sông Mekong là ông ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, từ đó ông lãnh búa rìu dư luận. Thực ra 1995 không phải là 1957, chúng ta ở hai thời điểm khác nhau. Năm 1957 Mỹ và Pháp bàn giao bán đảo Đông Dương, Ủy Ban Sông Mekong do Mỹ Pháp và Nhật đứng ra điều khiển được sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc để bảo đảm vấn đề an ninh khu vực, mọi tác động trên dòng sông đều được kiểm soát. 1995, hai năm trước khi có Công Ước New York, các cường quốc đã rút lui, để lại 4 quốc gia hàng xóm ngang hàng với nhau, không ai bảo được ai, thế thì hy vọng trở lại như Ủy Ban trước đó là điều khó thực hiện. Nếu không ký, Việt Nam sẽ hoàn toàn bị loại ra ngoài mọi cơ hội đàm phán về các dự án trên dòng sông Mekong.

 

Thực vậy, nếu có một đồ án không ưng ý trong vùng, MRC cho phép mỗi quốc gia có quyền phản kháng trong các giai đoạn chuẩn bị. Năm 2012 khi Việt Nam và xứ Cam-bốt phản đối đồ án đập Xayaburi của Lào, công trình này phải dừng lại để trả lời cho hai xứ đó trước khi tiếp tục công việc xây cất. Trường hợp đập Luang Pravang bên Lào, Việt Nam đầu tư vào 38% trên tổng số 2.3 tỷ USD, muốn can thiệp vào đồ án này, theo Bác sĩ Ngô thế Vinh, người theo dõi các vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long từ hơn 20 năm nay "tuy các quốc gia thành viên không còn quyền phủ quyết nhưng Lào vẫn phải tuân thủ tiến trình ba giai đoạn (gọi tắt là PNPCA) : (1) Thủ tục Thông báo / Procedures for Notification, (2) Tham vấn trước / Prior Consultation, (3) Chuẩn thuận / Agreement đã cùng ký kết, để bảo vệ con sông Mekong như một mạch sống cho toàn lưu vực".

 

Năm 2002 đập Yali Falls của việt Nam xả nước gây lụt lội làm trôi một làng bên Miên với nhiều người chết, mùa màng hư hại. Hai bên đưa nhau ra Ủy Hội sông Mekong nhưng rồi chẳng ai làm gì được ai. Nói như vậy để thấy vị trí của Ủy Hội MRC rất tế nhị, nó chỉ có giá trị tham khảo (consultative) chứ không có giá trị quyết định (executive). Khi cả bốn quốc gia có những quyền lợi mâu thuẫn với nhau, ký hay không ký cũng thế thôi. Tưởng cũng cần nhắc lại, Công ước Liên Hiệp Quốc 1997 về việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia, Việt Nam ký năm 2014, với sự biên soạn đặc biệt nhằm bổ sung và hạn chế những bất cập trong các hiệp định lưu vực hiện có như Ủy Hội Sông Mekong 1995, Trung Quốc đã từ chối không ký. Nói chung, Trung Quốc tùy tiện gia nhập cũng như rút lui khỏi các cơ chế thế giới tùy theo quyền lợi của mình.

 

Trụ sở của Ủy Hội Sông Mekong tại Việt Nam nằm trên phố Hàng Tre … Hà Nội, nơi có những chuyên viên lo lắng cho Đồng bằng sông Cửu Long cách đó … 1600 cây số.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51419796994_f01953daf6_z.jpg

Đập trên sông Mekong

 

Năm 2015 Trung Quốc lập hiệp hội Lan Thương – Mekong (Lancang Mekong Cooperation, gọi tắt là LMC). Riêng cái tên của hội cũng gây thắc mắc : Lan Thuơng chính là sông Mekong bên xứ Tàu, tại sao lại đặt tên như thể Lan Thuơng là một dòng sông khác ?

 

Đây là cách xử dụng quyền lực mềm (soft power) của Trung Quốc để gây ảnh hưởng trong vùng và cũng là một bẫy xập của họ. Trên danh nghĩa Trung Quốc "tỏ thiện chí" hòa giải vấn đề bằng những thảo luận chung. Tuy vậy dưới con mắt quốc tế, vấn đề không hoàn toàn như vậy :

 

- Vào Hiệp hội LMC tức là các thành viên đương nhiên mặc nhận những lề lối làm việc của hội có nghiĩa là khước từ bản luật quốc tế Công Ước New York. Trung Quốc làm như vậy để che mắt dư luận thế giới. Mọi tranh chấp đều nằm trong khuôn khổ LMC.

 

- Không vào Hiệp hội tức là bị loại ra mọi bàn luận về những vấn đề trên sông Mekong.

 

Lần này tất cả các xứ đều tham dự : Việt Nam, Lào, Cam-bốt, Thái, Miến và Trung Quốc. Mục đích là phát triển dòng sông và các dịch vụ sông Mekong. Thái độ của Viêt Nam có khác với các thành viên khác như xứ Cam-bốt và Lào. Việt Nam vào hội nhưng khi cần vẫn lên tiếng bằng đường lối ngoại giao trên các diễn đàn bên ngoài của hội LMC và đã nhiều lần làm bực mình Trung Quốc.

 

Trên nguyên tắc, để bảo đảm các dịch vụ này, Trung Quốc phải xả nước theo yêu cầu của các quốc gia hạ nguồn, nhưng trên thực tế họ làm ngơ mỗi lần có quốc gia nào lên tiếng hỏi.

 

Đàng sau hiệp hội có mục đìch gì ? Trung Quốc bây giờ đã nắm giữ tất cả thượng nguồn, từ nước đến điện, chỉ thiếu sự di chuyển trên sông. Trong phần mở đầu nói về kỹ thuật xây đập, tôi có nói các đập có thể điều chỉnh độ cao của nước để cho tàu bè qua lại theo phương cách "âu thuyền" hay "canal lock", (các bạn muốn biết thêm, xem youtube về kinh đào Suez). Người ta cũng biết rằng các giang thuyền của Trung Quốc đều nằm trong lực lượng bán quân sự của nhà nước Trung Quốc, một loại giang cảnh. Những chiếc thuyền này có thể lên đến 100 ngàn tấn, được trang bị súng đạn, đã bắt đầu vượt Vân Nam xuống hạ lưu nơi có nhiều lâm sản và đá quý của Miến Điện và Lào để chở về Tàu.

 

Trung Quốc làm áp lực trên Lào qua những gói viện trợ "nhân đạo" và thúc đẩy Lào xây đập, cũng vậy xứ Cam-bốt cũng vừa mới thi hành xong 2 đập do Trung Quốc cho vay vốn nhưng do China Power Investment xây dựng . Dân Lào cùng những cơ quan thiện nguyện (NGO hay Non Governement Organisation) phản đối việc xây đập Xayaburi nhưng không thành công. Nay mai thêm đập Luang Pravang, người dân được hưởng gì khi toàn bộ điện phát ra sẽ qua Trung Quốc hay qua Thái để trả món nợ kếch xù mượn khi làm đập ?

 

Với Lancang Mekong Cooperation, các quốc gia hạ lưu lo ngại Trung Quốc sẽ quân sự hóa dòng sông bằng cách cho những pháo thuyền di chuyển và đóng dọc sông Mekong : Việt Nam sẽ bị kềm bên phải bởi biển đông, bên trái bởi Mekong, và họ sẽ dùng nước để sai khiến các quốc gia trong vùng! Thuận thì họ thả nước ra, nghịch họ sẽ giảm nước lại. 50% lúa gạo của Việt Nam tùy thuộc vào đó !

 

https://live.staticflickr.com/65535/51418288007_8cb8e09e7a_z.jpg

 

Hai mũi tiến công của Trung Quốc vào vùng Đông Nam Á, kẹp chặt lấy Việt Nam. Một chiến lược bắt đầu từ những năm 2000 hay trước đó. Bên phải là Biển Đông đang bị chèn ép ở Vịnh Bắc Bộ về quân sự, bên trái bị dồn vào chân tường với mũi dùi Mekong và các quốc gia láng giềng ngả về phía Trung Quốc, Việt Nam sẽ đương đầu ra sao nếu không có một quốc sách rõ ràng, một bên là biển đảo, một bên là Đồng bằng sông Cửu Long ?

 

 

Những vấn đề đặt ra cho Đồng bằng sông Cửu Long

 

Con sông dài thậm thượt như vậy nhưng chỉ có hai xứ Cam-bốt và Việt Nam được hưởng đất bồi trên một vùng bình nguyên hơn 3 triệu hectares, trước khi có những con đập oái ăm trên vùng thượng lưu, phù sa và các giống nguyên sinh đổ xuống làm cho đồng bằng thêm mầu mỡ.

 

Bốn vấn đề quan trọng của Cửu Long Giang là : khô hạn, đất bồi, sụt lở và hiện tượng muối tràn vào.

 

1. Khô hạn : Nếu ngập lụt vừa hay nhỏ rất có lợi vì đem phù sa bồi đắp cho khu vực đồng bằng (delta), ngược lại nếu mực nước lên quá cao và quá lâu, trên nửa tháng, thì là một thiên tai khủng khiếp cho các ngành trồng trọt và chăn nuôi. Phải nhớ là lưu lượng sông Cửu Long rất cao, 23000m khối vào mùa mưa nhưng chỉ khoảng 3000 m khối vào mùa nắng. 70% lượng nước bắt đầu từ Lào, do có nhiều rừng và nhiều mưa. Sự phá hại rừng rất quan trọng, nó làm giảm thiểu mức nước đổ xuống trong vùng. Nhưng đó là mùa mưa. Vào mùa nắng sông Mekong từ Lào ra đến hạ nguồn cần nước từ Trung Quốc, thế nhưng lấy lí do hết nước, Trung Quốc xả nước tùy tiện không theo một quy luật nào cả, dù các quốc gia có phản đối hay không. Vào mùa khô bây giờ Đồng bằng sông Cửu Long trở nên khô cằn. Vụ việc được đưa lên các ủy hội MRC rồi LMC nhưng chẳng đi đến đâu.

 

2. Đất bồi hay sediments bây giờ cạn kiệt. Đất bồi bị các đập ngăn cản làm bình nguyên không còn tươi tốt nữa. Các thủy ngư cũng giảm đến 70%. Các con số về dân cư cho thấy có nhiều người bỏ vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra đi (hơn 2 triệu người), nhiều ngư dân phải đổi nghề.

 

3. Sạt lở : Từ nhiều năm nay, lượng phù sa giảm gần 90%. Con sông không được bồi đắp như xưa nên có nhiều hiện tượng sụp lở. Những túi nước ngầm bắt đầu cạn kiệt vì bị khai thác để làm giếng và vì khô hạn nên hiện tượng đất lún càng ngày càng nặng. Không phù sa nước sông không còn màu bùn mà trở nên trong xanh, có cạn kiệt, các cây sống dưới nước cũng hao mòn. Giòng sông dãy chết !

 

4. Hiện tượng muối tràn vào là do độ thủy triều quá cao, khoảng 3,5 m, nhất là vào mùa nắng cao điểm tháng 3 và tháng 4 trong năm. Lấy thí dụ Cần Thơ cách biển 90 km, cường độ nước biển ùa vào là 1,5 m và Châu Đốc, cách biển 190 km là 1 m. Chất đạm vùng này cao nên gây ra hiện tượng acid hóa nền đất hại cho ngành trồng lúa. Chưa kể là diện tích phủ muối rất lớn, có thể lên tới 20 000 km3, tức 40% của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng thay đổi khí hậu là vấn đề cấp bách, nếu không làm gì cả, tỷ lệ này có thể lên tới 60%, tức 60% vựa lúa miền Nam sẽ mất đi. Nếu xảy ra hạn hán hai ba năm liên tiếp thì rất là nguy hại !

 

Ngoài các hiện tượng trên, còn những vấn đề khác do chính người Việt Nam làm ra :

 

- Khai thác và tận dụng tài nguyên sông Cửu Long : nạn vét cát làm dòng sông bị lở bờ, nạn đắp bè làm ao nuôi cá nước mặn làm acid hóa đất bị cằn không thể trồng trọt trong nhiều năm. Một chính sách thủy lợi không khoa học mà chỉ nhằm vào mục tiêu xã hội hay chính trị cũng làm cạn kiệt vùng đất tốt này.

 

- Đốt rừng và tận dụng rừng phía thượng nguồn làm mưa lụt.

 

- Thái độ khó hiểu của nhà nước Việt Nam khi các hãng nhà nước đầu tư vào các đập trên thượng nguồn. Thực vậy, công ty Điện Lực Việt Nam đầu tư vào đập Lower Sesan 2 bên xứ Cam-bốt, Petro Việt Nam vào đập Luang Pravang, dù chính phủ Việt Nam đều biết rằng càng nhiều đập trên thượng nguồn, thì Đồng bằng sông Cửu Long càng khô cạn. Một cách cắt nghĩa khác : hay có thể nếu họ không can thiệp vào, Trung Quốc hay Thái Lan sẽ nhảy vào thay thế ? Cũng có thể là Việt Nam muốn hiện diện ở trên thượng nguồn và với 10% trong đập Cam-bốt hay 37% vốn đầu tư trong đập Lào, Việt Nam có thể có mặt trong ban điều hành để còn có thể điều nước xuống hạ lưu trong trường hợp khô hạn ? Có thể lắm, nhưng cũng lạ là Việt Nam lại cử hai hãng quốc gia khác nhau đầu tư tại hai đồ án trên cùng một con sông, tại sao không để hoặc EVN hoặc Petro Việt Nam ? Chúng ta không có dữ kiện để phán xét, nhưng ai cũng thấy rằng chuyện này không được minh bạch lắm !

 

Hậu quả là một vùng mênh mông khô hạn mỗi năm (lên đến 10.000 km2), ngư dân không còn cá để bắt, các ngành trồng lúa hay hoa quả phải đổi sang những hoa màu chấp nhận độ mặn. Ngoài vấn đề kinh tế ra, môi trường cũng bị ô nhiễm nặng nề. Và hiện tại không có giải pháp tức thời nếu Trung Quốc tiếp tục không tuân xử luật pháp quốc tế.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51420014495_5a3c952b90_w.jpg

 

 

Có giải pháp nào cho Đồng bằng sông Cửu Long ?

 

Giải pháp duy nhất và tốt nhất là các đập trên thượng nguồn phải thi hành những gì Trung Quốc nói, đó là điều hòa lưu lượng cho dòng Mekong chạy và nhất là họ phải trong sáng (transparency) trong cách giải quyết vấn đề nước cho hạ nguồn. Song chuyện đó xem như không tưởng.

 

Hội nghiên cứu của Mỹ Stimson https://www.stimson.org/ chỉ ra Trung Quốc đang muốn thâu tóm tất cả nước thượng nguồn để chi phối miền Nam và bắt lọn mọi quốc gia bằng nước.

 

Những biện pháp nhà nước Việt Nam thực thi từ sau 1975 đến giờ không giải quyết được gì, tình trạng sông Mekong vẫn chưa giải quyết xong mà lại còn có chiều thảm hại hơn : đất vẫn xụp, muối vẫn tràn ngập và các đập phía trên thượng nguồn vẫn tiếp tục ngăn ngư sản cũng như đất bồi xuống phía nam.

 

Tưởng cũng nên cần biết là sự lên xuống thủy triều của sông Cửu Long rất đặc biệt : Thuỷ triều từ Biển Đông là bán nhật triều, sáng và chiều hai lần trong ngày; hai lần nước lớn tiếp theo hai lần nước ròng, mực nước lên xuống bốn lần trong một ngày. Để ngăn nước muối, nhà nước đã cho xây một đập ngăn mặn tại cửa sông Ba Lai với chức năng chặn mặn giữ ngọt. Sau 15 năm hoạt động hiệu quả vẫn chưa thấy. Thật vậy, mặc dù cửa sông chặn được nước mặn nhưng hệ thống kinh đào chằng chịt dẫn nước mặn vào, cuối cùng khúc sông nầy trở thành vùng biển mặn. Nghe nói vào mùa khô, đất Định Tường thiếu nước ngọt phải mua nước từ các vùng khác tải về. Chưa hết, sự hiện diện của đập này làm mất đi phần nước lợ với những thủy sản đặc biệt nước lợ vốn rất nhiều, nay biến mất.

 

Giải pháp đập ngăn mặn có thể tốt nhưng phải biết cách giải quyết cách nước sông ra vào (với hệ thống monitoring cách cho nước ra vào) tùy theo thủy triều lên xuống và mùa mưa mùa nắng, nếu chỉ là một cái đập ngăn mặn không điều hòa nước ra nước vào, dòng sông sẽ chết !

 

Cửa Ba Thắc đã bị bồi đắp từ lâu, con sông Ba Lai đang dãy chết. Chín con rồng nay đã chết hai. Cửu Long trở thành Thất Long.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51418287987_033ca6a624_o.jpg

Đập ngăn mặn Ba Lai (hình của Lê Quỳnh, báo Người Đô Thị, nguồn internet)

 

Chưa hết, đập này vẫn còn đang lấn cấn thì nghe nói chính phủ sẽ cho xây tiếp một đập khác trên sông Cái Lớn Cái Bé thuộc tỉnh Kiên Giang với một ngân khoảng lên đến 150 triệu USD !

 

Chúng ta có thể bàn một chút về nguồn năng lượng thủy điện rồi từ đó bàn sang một chính sách nhiên liệu và nguyên liệu cho Việt Nam.

 

 

Thủy điện có phải là một năng lượng sạch và rẻ hay không ?

 

Nếu nói rằng thủy điện có giá rẻ hiện nay thì chắc ai cũng đồng ý, nhưng đưa về tương lai 20 năm tới đây thì chưa chắc. Một đập thủy điện có giá thành khoảng 3 đến 4 tỷ USD (rẻ hơn một chút so với một lò nguyên tử), chưa kể hệ thống phân phối đi xa. Có ai đến Vân Nam, nhìn lên bầu trời mới thấy hệ thống những giây cáp cao thế chằng chịt. Những sợi dây này từ 120 kV trở lên kéo đi về các thành phố gần bờ biển rất tốn kém. Chưa kể đất đai quy hoạch để làm bể chứa nước, chiếm đất dân chúng làm vùng đất an toàn, tóm lại, rất nhiều vùng đất thay vì để trồng trọt bị huy động chết dí như thế qua nhiều thập niên nếu không nói là thế kỷ. Với các quạt gió hiện nay có năng xuất cao (có thể lên đến 7MW cho mỗi quạt và còn tăng lên nữa) có giá thành nhẹ (khoảng 100 kUSD), và nhất là chiếm ít đất, xây dựng gần nơi tiêu thụ nên không cần câu điện đi xa, tôi e rằng thủy điện về lâu về dài sẽ mất đi thế thượng phong. Một cái ferme chứa khoảng 200 cái quạt gió có thể bằng một lò nguyên tử !

 

Về nguyên liệu mặt trời, theo một nghiên cứu của J.Waldman và S.Sharma, người ta có thể thay thế tất cả lượng thủy điện của Mỹ 275 TwH năm 2016 bằng các tấm nhiệt mặt trời chiếm diện tích của thành phố Delaware, nhưng chỉ là 13% diện tích của các đập thủy điện bên Mỹ thôi.

 

Trung Quốc bắt đầu xoay hướng và bớt xây các đập bên nước họ nhưng lại đi khắp nơi để làm đập. Thử hỏi một cái đập bên Lào hay xứ Cam-bốt trong 40 năm nữa khi trở về với Lào sẽ có ai là khách hàng ?

 

Có thể trong tương lai Trung Quốc sẽ bỏ dần các đập thủy điện, tuy vậy tôi e rằng các nước này tiếp tục giữ đập làm bể nước. Có đồn đoán họ muốn đổi dòng nước đi ngược về phía bắc, vùng Shanxa, nơi có hạn hán từ nhiều thập niên qua, nhưng chuyện này chưa được kiểm chứng !

 

Như đã nói ở trên, các đập của Trung Quốc và cả Lào đang được xây dựng trên vùng hoạt động của đất. Đã có những trận động đất cả phía bên Trung Quốc và phía Lào, may mắn là lúc đó chưa có nhiều nhà thủy điện. Nhưng nếu chuyện sẽ xảy ra trong tương lai, mọi sự sẽ ra sao ? Nên nhớ rằng cách xây đập liền lạc với nhau như vậy, một cái đổ kéo theo những cái khác phía đằng sau như quân domino, liên quốc gia.

 

Tôi không biết nhiều về Môi Trường học nên không dám bàn về những giải pháp này. Tuy vậy theo một số chuyên gia, chuyện nên làm là :

 

- Xây một cái hồ nước ngọt thiên nhiên đủ rộng để tự trữ nước ngọt vào mùa mưa để tránh lụt lội và điều hòa nước ra vào mùa nắng ! Các bạn có qua Singapore cũng đã thấy nước này xây hai hồ nước ngọt dự trữ phòng khi Mã Lái Á cắt đứt nguồn nước ngọt. Hai hồ này chiếm một diện tích đáng kể cho tiểu quốc này nhưng Lý Quang Diệu chủ trương đó là hồ chiến lược, phải làm.

 

- Xây đập ngăn mặn nhưng phải tùy theo chuyển động của thủy triều và được điều động thông minh (monitoring).

 

- Nghiên cứ để xử dụng hệ thống sông ngòi chằng chịt của miền nam để làm một loại hệ thống điều hòa nước ngọt,

 

- Xây một nhà máy lọc nước mặn thành nước ngọt để xử lý nước mặn vào phá hoại mùa màng. Kinh Nghiệm của Singapore một lần nữa cũng nên học thêm của người. Các bạn ở San Diago USA chắc đã từng nghe đến nhà máy Carlbas Desalination lọc nước biển lấy nước ngọt cho người dân.

 

- Phải xử dụng những nhân tài trong nước, có lòng với tổ quốc, và các chuyên viên hải ngoại có nhiều kinh nghiệm.

 

- Phải trừng phạt nạn cát tặc trên dòng sông và những nạo vét không kế hoạch.

 

- Xin viện trợ cho chương trình tài nguyên thiên nhiên từ World Bank, IMF.

 

- Và xin chớ thọc bàn tay nhám vào quỹ cứu Đồng bằng sông Cửu Long !

 

 

Kết luận

 

Để kết luận bài này, theo tôi, Việt Nam phải có :

 

Một chiến lược được đưa lên tầm quốc gia cho Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam nếu không muốn nói là của thế giới nếu tính theo mức xuất cảng hiện nay (thứ nhì sau Thái Lan) :

 

- Phải có một kế hoạch lâu dài : vừa tìm cách giải quyết các vấn đề nhất thời như lụt lội, hạn hán, … vừa phải có sách lược đầu tư vào các trang thiết bị kỹ thuật, đào tạo chuyên viên về sông ngòi, môi trường, …

 

- Phải có sự hậu thuẫn của thế giới bằng cách khuyến khích các cơ quan thiện nguyện thế giới NGO vào giúp sức và tuyên truyền cho lẽ phải của mình.

 

- Liên kết với các hiệp hội như The World Commission on Dams với sự ủng hộ của của các quốc gia thành viên.

 

- Phải đem vấn đề Mekong ra các quốc gia trong vùng như ASEAN, APEC, Hội đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc và thế giới nhờ giải quyết.

 

Có như vậy mới có thể cứu được Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tạm chấm hết.

 

Lê văn Truyển

(02/09/2021)

 

Thư tịch (và tác giả cảm ơn các nguồn này) :

 

Website MRC

 

Les travaux sur le Mekong de Paul Bourrières

 

Website Stimson

 

Larousse online.

 

Association Save the Mekong

 

Bác sĩ Ngô Thế Vinh, hiện sống tại Mỹ, người đã đi dọc con sông Mekong và cảnh báo chuyện này từ trước năm 2000. Bạn có thể đọc quyển Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng của ông, viết bằng hai thứ tiếng, Việt và Anh ngữ.

 

Website Eyes on Earth

 

Wikipedia (plusieurs articles)

 

Báo Vietnam Express, Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ gồm nhiều tin tức trong nhiều năm.

 

Hồ Tá Khanh : Le vietnam et les aménagements hydroélectriques dans le bassin versant du Mekong.

 

Website của Mekong Environment Forum và Can Tho University

 

Website của MEF (Mekong Environment Forum) và Đại học Cần Thơ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats