Saturday, 11 September 2021

JOE BIDEN MUỐN GỠ BẾ TẮC TRONG QUAN HỆ MỸ - TRUNG ĐANG CĂNG THẲNG (Trọng Nghĩa - RFI)

 


Joe Biden muốn gỡ bế tắc trong quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 10/09/2021 - 15:31

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210910-joe-biden-mu%E1%BB%91n-g%E1%BB%A1-b%E1%BA%BF-t%E1%BA%AFc-...BA%B3ng

 

Như vậy là vào hôm qua, 09/09/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 90 phút. Sự kiện này được cho là rất quan trọng vì từ ngày nhậm chức đến nay, ông Biden chỉ mới nói chuyện với ông Tập một lần duy nhất là vào tháng Hai.

 

https://s.rfi.fr/media/display/225fd138-2f3f-11eb-9a9e-005056bff430/w:900/p:16x9/2020-11-09T184553Z_1583585510_RC2UZJ9VE2ME_RTRMADP_3_USA-CHINA-BIDEN-TECHNOLOGY.webp

Ảnh tư liêu: Joe Biden và Tập Cận Bình tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 12/2013. REUTERS - POOL New

 

Mục tiêu được tuyên bố công khai của cuộc điện đàm là giảm nhiệt trong một mối quan hệ đang càng lúc càng căng thẳng, tránh để bế tắc kéo dài có hại không chỉ cho hai nước, mà cho cả thế giới. Có điều là dưới bề ngoài hòa dịu đó, Washington vẫn kiên định trên những lãnh vực được cho là giá trị và lợi ich nền tảng của Mỹ.

 

 

Thiện chí giảm nhiệt từ phía Biden

 

Hãng tin Mỹ AP đã ghi nhận một số yếu tố thể hiện thiện chí muốn giảm nhiệt từ phía Hoa Kỳ, đặc biệt là việc chính Washington là bên đã chủ động tổ chức cuộc gọi.

 

Theo AP, cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh phía Hoa Kỳ ngày càng bực bội trước thực tế là các cuộc nói chuyện ở mức cố vấn cao cấp của hai lãnh đạo hầu như không có kết quả, vào thời điểm không thiếu những vấn đề hóc búa giữa hai quốc gia, từ những vụ tin tặc tấn công từ Trung Quốc, việc Bắc Kinh xử lý đại dịch Covid-19, cho đến những hành vi bị Nhà Trắng coi là mang tính chất “cưỡng ép và không công bằng” về mặt thương mại của Trung Quốc.

 

Cuộc nói chuyên hôm qua đã không đề cập nhiều đến những vấn đề nóng đó mà tập trung vào việc thảo luận hướng đi sắp tới cho quan hệ Mỹ-Trung, mà theo ngôn từ của Nhà Trắng bao gồm “các lĩnh vực mà lợi ích của hai bên hội tụ và các lĩnh vực mà lợi ích, giá trị và quan điểm của hai bên khác nhau.”

 

Một cách cụ thể, Nhà Trắng hy vọng hai nước có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề cùng quan tâm - bao gồm biến đổi khí hậu và ngăn chặn khủng hoảng hạt nhân trên Bán Đảo Triều Tiên - bất chấp những khác biệt ngày càng tăng.

 

Lời lẽ của tổng thống Mỹ lần này có vẻ nhẹ nhàng hơn so với lần nói chuyện đầu tiên của ông với chủ tịch Trung Quốc hồi tháng Hai, lúc ông Biden vừa nhậm chức không lâu.

 

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, vào khi ấy, ông Biden đã nêu ra một số vấn đề gai góc bao gồm các hành vi cưỡng bức kinh tế của Bắc Kinh, vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở vùng Tân Cương và “những hành động ngày càng quyết đoán” đối với Đài Loan.

 

 

Nhà Trắng không hài lòng về thái độ các cấp dưới của Tập Cận Bình

 

Thông cáo báo chí Nhà Trắng đưa ra hôm qua về cuộc điện đàm không cho biết là tổng thống Mỹ có đề cập cụ thể đến những quan ngại nói trên của Washington hay không, tuy nhiên, theo AP, trước lúc cuộc gọi được thực hiện, một quan chức Mỹ cấp cao cho biết Nhà Trắng không hài lòng với những cách xử sự gần đây của Trung Quốc.

 

Theo quan chức này, xin ẩn danh vì không được phép bình luận công khai, thì giới chức Nhà Trắng Mỹ hy vọng rằng việc ông Tập nghe trực tiếp từ Biden có thể khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ.

 

Quan chức Nhà Trắng này cho biết là ông Biden đã nói rõ với ông Tập Cận Bình rằng ông không có ý định từ bỏ chính sách của chính quyền ông nhằm thúc ép Trung Quốc về nhân quyền, thương mại và các lĩnh vực khác mà Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đang hành động ngoài các chuẩn mực quốc tế.

 

 

Bắc Kinh hung hăng với Washington chỉ vì mục tiêu đối nội?

 

Phải nói rằng trong thời gian qua, không thiếu những cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ-Trung. Gần đây nhất là vào tuần trước, khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry là quan hệ Mỹ-Trung xấu đi có thể làm suy yếu hợp tác về biến đổi khí hậu.

 

Vào tháng 7 trước đó, khi đến Thiên Tân, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman đã phải đối mặt với một danh sách dài các yêu cầu và khiếu nại, bao gồm cả những cáo buộc theo đó Hoa Kỳ đang cố gắng kiềm chế và kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.

 

Đỉnh cao của thái độ hung hăng của Bắc Kinh được thấy qua cuộc họp vào tháng Ba tại Alaska, giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan với trưởng ban đối ngoại Đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và một số quan chức hàng đầu của Bắc Kinh. Tại cuộc họp đó, ông Dương đã cáo buộc Hoa Kỳ không giải quyết được các vấn đề nhân quyền của chính mình và nêu vấn đề về thái độ mà ông gọi là “đạo đức giả” của Mỹ.

 

Đối với các quan chức Hoa Kỳ, những lời lẽ hung hăng đó chỉ mang tính chất đối nội, nhằm vào công luận bên trong Trung Quốc, chứ không phải là thông điệp gởi đến Nhà Trắng. Chính vì vậy mà tổng thống Biden đã coi trọng khả năng nói chuyện tay đôi giữa hai lãnh đạo để làm rõ các ưu tiên của nhau.

 

 

Dùng vải nhung để bọc quả đấm sắt

 

Theo một số nhà quan sát, động thái bề ngoài mềm mỏng của tổng thống Biden đối với Trung Quốc vào hôm qua rất có thể là cách bao phủ một lớp vải nhung quanh một bàn tay sắt, vì về cơ bản, chính sách Trung Quốc của Mỹ không hề thay đổi.

 

Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Biden đã tìm cách chĩa mũi dùi nhiều hơn vào Trung Quốc, tập hợp các đồng minh để nói lên tiếng nói thống nhất hơn về hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, các hoạt động thương mại mang tính chất cưỡng ép và hành vi ngày càng quyết đoán của quân đội Bắc Kinh khiến các đồng minh của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương phải lo ngại. Ông Biden coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh kinh tế quan trọng nhất với Hoa Kỳ và là mối quan tâm ngày càng tăng về an ninh quốc gia.

 

Hãng tin Nhật Kyodo đã nhắc lại rằng cuộc điện đàm Joe Biden - Tập Cận Bình đã diễn ra vào lúc sắp sửa mở ra trong tháng này hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ (Quad) bao gồm bốn nền dân chủ - Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

 

Theo các nguồn tin thông thạo về quan hệ Nhật-Mỹ, lãnh đạo bốn nước dự kiến sẽ trực tiếp gặp mặt nhau để trao đổi quan điểm về cách giải quyết vấn đề an ninh và mối đe dọa kinh tế đến từ Trung Quốc, đẩy lùi sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

 

Ngoài ra, chính quyền Biden cũng đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan để chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Hoa Kỳ trong lịch sử, một quyết định mà theo chính tổng thống Mỹ, sẽ cho phép Hoa Kỳ tập trung nguồn lực nhiều hơn vào việc đối phó với những thách thức mới do các quốc gia chuyên chế đặt ra, cụ thể là Trung Quốc và Nga.

 

                                                   ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

Nguyên thủ Mỹ-Trung lần đầu tiên có cuộc điện đàm sau 7 tháng

.

Mỹ có thể tăng cường hiện diện ở Biển Đông sau khi rời Afghanistan

.

Sau Afghanistan, Bắc Kinh phải dè chừng Mỹ ở Thái Bình Dương





No comments:

Post a Comment

View My Stats