Hallo
Deutschland, lịch sử sang trang ?
Nguyễn
Tường Bách
08/09/2021
https://www.diendan.org/the-gioi/hallo-deutschland-lich-su-sang-trang
Ngày 26.9 tới đây nước Đức sẽ bầu lại Quốc Hội
liên bang. Vì Đức là quốc gia theo chính thể dân chủ đại nghị, Quốc Hội mới sẽ
cử ra Thủ Tướng (Bundeskanzler) mới, vị này sẽ là nắm quyền lực hành
pháp của cả liên bang. Đức cũng có Tổng thống, nhưng khác với Mỹ hay Pháp, Tổng
thống Đức chỉ đóng vai trò lễ nghi.
Được bầu làm đại biểu trong Quốc Hội là các chính
đảng có phiếu bầu ít nhất 5% tổng số cử tri. Thủ Tướng là người đạt sự tín nhiệm
của ít nhất 50% đại biểu. Thường thì không có chính đảng nào đạt đa số tuyệt đối
nên hầu như lúc nào trong lịch sử Đức cũng đều có những liên minh gồm hai đảng
để đạt túc số. Theo một luật lệ bất thành văn thì chính đảng lớn trong liên
minh sẽ là người chỉ định Thủ Tướng.
Vì liên minh các chính đảng trong Quốc Hội là
nền tảng thành lập chính phủ nên chính thể Đại nghị tại Đức thường tạo nên một
nền hành pháp ổn định, so với các quyết sách trong Tổng thống chế của Mỹ vốn
hay bị Lưỡng viện bác bỏ. Thế nên, ngày bầu cử Quốc Hội cũng chính là ngày quyết
định ai sẽ là Thủ Tướng. Thường thì chỉ một tiếng sau khi đóng cửa phòng phiếu,
người ta đã biết ai sẽ làm Thủ Tướng, dựa trên thăm dò sau bầu cử. Năm nay, sau
16 năm cầm quyền bà Thủ Tướng Merkel sẽ rời chính trường. Phải chăng 26.9 sẽ là
ngày sang trang lịch sử Đức?
Từ 4 lên 6
Xưa nay khi nói đến nền chính trị Đức ta nghĩ
ngay đến hai chính đảng „quốc dân“ Volkspartei CDU/CSU (Dân chủ
Thiên chúa giáo) và SPD (Dân chủ Xã hội). Hai chính đảng truyền thống này, với
cử tri khắp mọi thành phần xã hội, thay nhau nắm quyền lãnh đạo trong nhiều thời
kỳ khác nhau, tùy theo phiếu bầu và liên minh với các đảng „nhỏ“ khác. Hai
chính đảng được mệnh danh „nhỏ“ là đảng Xanh (Die Grünen) và FDP (Dân
chủ Tự do). Có khi vì tỉ lệ phiếu bầu đòi hỏi, hai đảng lớn phải thành lập
„đại liên minh“ (Große Koalition) như hai nhiệm kỳ vừa qua tại Đức.
Đến năm 2005 thì Đức chỉ có 4 đảng vừa kể trên sân khấu chính trị, họ liên minh
với nhau trên cơ sở đường lối. Thường thì CDU/CSU gần gũi với FDP và SPD với
Xanh.
Từ năm 2005 nền chính trị Đức biến động mạnh
trên toàn cảnh. Đảng Cánh Tả (die Linke) bao gồm phe tả hai vùng Đông
Tây, kể cả một số thành viên trong đảng Cộng sản cũ của Đông Đức. Họ thắng lợi
trong cuộc bầu Quốc Hội năm 2005 với số phiếu 8,7%, lọt vào Quốc Hội. Hiện nay
Cánh Tả đã là một chính đảng có quần chúng ổn định, họ có đại biểu khắp các tiểu
bang vùng Đông Đức cũ, thậm chí nắm quyền Thủ Hiến một tiểu bang. Chưa đủ, dường
như 5 chính đảng chưa đáp ứng tâm thức chính trị Đức, năm 2017 đảng AfD (tạm dịch
„Giải pháp khác cho nước Đức“) ra đời, họ chiếm ngay 12,6% số phiếu trong cuộc
bầu cử bốn năm về trước.
Từ 4 lên 6, sáu chính đảng đang giành phiếu
trên chính trường Đức, trong đó hai đảng sau được xem là „cực đoan“. Đảng Cánh
Tả (die Linke) thực ra không có chủ trương nào là thái quá, họ thực sự
tôn trọng thể chế của Nhà Nước, nhưng một số thành phần trong đó đòi Đức rút khỏi
NATO. Ngược lại đảng AfD thực sự là nơi tụ hội của chủ nghĩa dân tộc, thậm chí
theo tinh thần phát xít. Họ cho rằng Đức phải rút khỏi Liên minh châu Âu, co cụm
lại trong quyền lợi riêng của Đức. AfD chính là sự sống dậy của tinh thần dân tộc
cực đoan của Đức, một tinh thần thực ra chưa bao giờ biến mất hẳn trong tâm thức
người Đức.
Thế là cử tri Đức sẽ có 6 chính đảng để lựa chọn,
trong đó 2 đảng nằm rìa, Cánh Tả Linke và cánh hữu AfD. Hai đảng này chiếm sơ
sơ gần 1/5 số phiếu. Bốn đảng truyền thống còn lại mà có người gọi là bürgerlich,
nếu phải dịch là „tầm tầm bậc trung“. Họ ôn hòa trong chủ trương, nhưng quyết
liệt khi giành phiếu, họ chỉ còn 80% phiếu để chia nhau. Dấu hiệu đang cho thấy
một trận động đất sắp xảy ra.
Từ 2 lên 3
Hơn hai tuần trước ngày bầu cử, những ai ít
theo dõi tỉ lệ phiếu bầu sẽ tưởng mình nhìn nhầm khi đọc các bảng thăm dò.
Trong nhiệm kỳ trước, cách đây bốn năm, CDU/CSU chiếm một tỉ lệ 32,9% thì nay
đã rơi tự do xuống còn khoảng 21%. SPD thời đó chiếm 20,5%, cách đây vài tháng
chỉ còn 15%, tưởng như sắp rơi vào số phận của đảng Xã Hội tại Pháp, nay lại
chuyển mình lên ngoạn mục đến con số 25%. Đảng Xanh, lúc mới đề cử Annalena
Baerbock làm nữ ứng cử viên Thủ Tướng, mới đầu đạt con số trên 25%, nay trở về
mức khá ổn định quanh 16-17%. Đảng Dân Chủ Tự Do FDP mà ngày trước từng có nhân
vật Philipp Rösler gốc Việt Nam trong hàng ngũ của mình, vững vàng đạt mức 11%.
Tiền vệ cánh mặt AfD 11%, cánh trái die Linke 7%. Dự kiến 6 đảng sẽ có mặt,
không ai sẽ bị loại vì con số tối thiếu 5% cả.
nguồn : dawum.de
Từ nay đến ngày bầu cử còn trên hai tuần hẳn
còn xảy ra nhiều điều chỉnh nữa trước ngày 26.9. Thế nhưng có lẽ Đức sẽ có một
chấn động lịch sử trong cấu trúc các chính đảng. Đó là tổng lực CDU/CSU và SPD
không còn được còn là „đại liên minh“ nữa, họ mất túc số quá bán. Nếu các con số
thăm dò được xác nhận, sẽ không còn liên minh 2 đảng nữa mà 3 chính đảng mới
thành lập được chính phủ. Đây sẽ là cuộc sang trang của chính trường tại Đức.
Thế là 4 chính đảng trung dung sẽ không còn bị
phân biệt là „lớn nhỏ“ như xưa, tỉ lệ phiếu bầu không còn nằm xa nhau quá. Khi
3 thành phần mới đủ túc số thành lập, cấu trúc và tính chất của chính phủ trong
tương lai sẽ hoàn toàn khác trước.
Trong 6 chính đảng có mặt trong Quốc Hội thì
chỉ AfD là hoàn toàn bị tẩy chay không ai chịu liên minh. Đảng Cánh Tả, với mức
thăm dò khoảng 7%, rất có khả năng cùng SPD và Xanh, đạt túc số quá bán đại biểu.
Tóm lại với cấu trúc 3 chính đảng cùng thành lập nội các trong tổng số 5 đảng
phái, người ta có đến 5 khả năng hình thành chính phủ. Đây không phải chỉ là lý
thuyết hàn lâm về các mối liên kết mà sẽ là những cuộc hiệp thương gay cấn mà
có người đoán đến Giáng Sinh năm nay sẽ chưa xong kết quả.
Rồi sao nữa, nước
Đức?
Đức là quốc gia giàu mạnh tại châu Âu và trên
thế giới. Sau thời kỳ 16 năm của bà Thủ Tướng Merkel, nước Đức sẽ bắt đầu một
giai đoạn rất mới. Hiện nay rất khó tiên đoán ai sẽ là người thắng cuộc, các đảng
nào cuối cùng sẽ thành lập nội các. Điều này tùy thuộc vào kết quả bầu cử sít
sao giữa các đảng phái. Khả năng lớn có thể xảy ra là chỉ vài trăm ngàn phiếu
chênh lệch của một chính đảng cũng có thể thay đổi thành phần của chính phủ
tương lai. Có thể trong đêm bầu cử người ta cũng chưa xác định ai có thể liên
minh với ai để chiếm túc số mà phải chờ đến đếm xong những lá phiếu cuối cùng,
nhất là phiếu bầu qua bưu điện. Thế nhưng ta có thể dự đoán một vài tính chất của
cử tri và chính trường Đức.
Ngày nay cử tri người Đức dường như chú trọng
đến tính cách của ứng cử viên hơn chủ trương chính sách của một đảng. Trong các
cuộc thăm dò hiện nay ta thấy một điều rất rõ, là nếu Söder (nhân vật CSU) thay
vì Laschet (CDU) làm ứng cử viên thì CDU/CSU sẽ đạt tỉ lệ cao hơn hẳn. Trong
hai cuộc bầu cử tiểu bang năm nay tại Đức, quan sát viên đã ghi nhận sự biến
chuyển rõ nét đó của người Đức. Sự kiện đảng SPD chỉ trong vòng ba tháng mà tỉ
lệ thăm dò tăng từ 15% lên 25% cho thấy ứng cử viên Olaf Scholz, ôn hòa khiêm tốn,
trở nên „đáng tin cậy“ trong con mắt cử tri.
Luật bầu cử Đức vốn dự kiến phiếu bầu nhằm vào
chính đảng chứ không chú trọng nhân vật (thông qua phiếu „Zweitstimme“). Hiện
tượng người Đức chọn bầu „nhân vật“ chứ không bầu „chính sách“ là một nét rất mới
trong quốc gia này.
Thêm nữa, với dự đoán chính phủ sẽ do 3 thành
phần liên minh thành lập, ta càng có cơ sở để tin các chính sách của các đảng sẽ
bị pha loãng hơn. Một khi 3 đảng liên minh để thành lập nội các, mỗi đảng sẽ
tranh đấu một phần cho chủ trương của mình được thể hiện, nhưng lại sẽ nhượng bộ
tối đa để có sự đồng thuận. Đại liên minh sẽ biến thành đại thỏa hiệp. Một khi
3 chính đảng thỏa hiệp với nhau thì ta có thể tin đường lối của chính phủ sẽ là
một chương trình trung dung „tầm tầm“, không thành phần nào bị thương tổn.
Cuối cùng, là một nước giàu mạnh, Đức ít phải
đối đầu với những vấn đề thuộc về kinh tế xã hội nội bộ. Vấn đề của chính phủ mới
trong tương lai đều đến từ các yêu cầu có tính toàn cầu và đối ngoại: đối phó dịch
bệnh, sự biến đổi khí hậu, liên minh với Mỹ và châu Âu, vấn đề di dân và nhập
cư, tranh chấp địa chính trị trên thế giới, chủ trương toàn cầu hóa và thái độ
với Trung Quốc.
Đối với các vấn đề kể trên thì 4 chính đảng cốt
lõi của Đức CDU/CSU, SPD, Xanh và Dân chủ Tự Do FDP sẽ không có bao nhiêu khác
biệt. Không khó để đoán biết Đức sẽ hiện diện tích cực hơn trên các tranh chấp
địa chính trị kể cả Biển Đông, sẽ liên minh chặt chẽ với với Mỹ và châu Âu, sẽ
cẩn thận hơn với Trung Quốc. Ngay cả khi Cánh Tả Die Linke tham gia chính quyền
thì với số phiếu khiêm tốn của họ, ta cũng có thể tin, nhiều lắm họ chỉ có thể
thực hiện được vài đòi hỏi xã hội nội bộ chứ không thể gây ảnh hưởng đối ngoại.
Trong cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới, nước
Đức có thể thay chính đảng lãnh đạo, tâm thức bầu cử Đức sẽ thay đổi, cấu trúc
chính phủ sẽ khác xưa. Thế nhưng dù chính đảng nào lãnh đạo nước Đức thì quốc
gia này vẫn sẽ đi trên con đường đang đi, đó là phát triển công nghiệp và xuất
khẩu, song song tham gia toàn cầu hóa và trở thành một nước nhập cư.
Nguyễn Tường Bách
7.9.2021
No comments:
Post a Comment