Saturday, 11 September 2021

CÁC GIÁO PHÁI CÓ THỰC SỰ ĐÁNG SỢ? (Văn Tâm - Luật Khoa)

 


 

Các giáo phái có thực sự đáng sợ?

VĂN TÂM   -   LUẬT KHOA

10/09/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/09/cac-giao-phai-co-thuc-su-dang-so/

 

Có rất nhiều điều cần cân nhắc trước khi phán xét một giáo phái.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/09/AABB11-1024x536.jpg

Ba nhân vật sáng lập ra các giáo phái đang bị cấm hoạt động tại Việt Nam, từ trái qua: Lý Hồng Chí (Pháp Luân Công), Đặng Thị Trinh (Pháp môn Quán Âm) và Trần Tâm (Pháp môn Diệu Âm). Minh họa: Luật Khoa. Nguồn ảnh: CAND, Supreme Master, Pháp môn Diệu Âm, Epoch Times

 

 

Nhiều năm về trước, một số người đã mời tôi tham gia Nhân Chứng Giê-hô-va, một giáo phái đến nay vẫn chưa được công nhận tại Việt Nam. Tôi nhớ rằng mình đã phản bác các quan điểm của giáo phái này về “Nước trời” và “phép màu được sống lại vào ngày tận thế”.

 

Dù cự tuyệt gia nhập các giáo phái, tôi vẫn cảm thấy bối rối khi ứng xử với những người đang có niềm tin mãnh liệt ở các giáo phái, trong đó có một số người bạn của tôi.

 

Nếu bạn ở trong tình cảnh như vậy, khả năng đánh mất người bạn của mình là rất cao khi khuyên họ rời bỏ các giáo phái. Việc này càng khó khăn hơn nữa khi người đó là bố mẹ, anh chị em của mình.

 

Nếu tin vào báo chí trong nước, chúng ta hẳn sẽ lo lắng về sức khỏe tâm thần của họ, lo ngại việc họ bị lợi dụng, ví dụ như bị đánh đập để “trục vong”, bị dụ dỗ dâng hiến tài sản, bỏ bê gia đình, thay đổi tính cách.

 

Các giáo phái có thực sự đáng sợ như vậy? Tôi đi tìm câu trả lời từ những đất nước cởi mở với các giáo phái. Làm thế nào mà các xã hội đó chấp nhận các giáo phái trong khi một vài đất nước khác thì cấm?

 

Ai mới là người cần giúp đỡ?

 

Khi tranh luận, chúng ta đã quen với việc chọn phe, ủng hộ hay phản đối, chấp nhận hay bác bỏ, đúng hay sai. Khi tranh luận về giáo phái, vô tình chúng ta cũng chọn phe như vậy.

 

Chúng ta tự tin rằng những câu chuyện tiêu cực được lấy từ báo chí sẽ khiến người bạn của mình từ bỏ các giáo phái.

 

Cũng như chúng ta, người bạn đó cũng có bằng chứng cho thấy giáo phái của họ là tốt đẹp. Họ thậm chí còn có thể lập luận thuyết phục hơn vì họ chính là những người trong cuộc.

 

Ở một mức độ cao hơn nữa, chúng ta có thể tự cho rằng mình là người đang giúp họ nhận ra những mặt xấu của giáo phái nào đó.

 

Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể nói rằng họ đang u mê khi có những giáo phái hướng tín đồ đến việc thiền định, ăn chay, làm từ thiện, tập luyện cơ thể, luôn có một mục đích cao siêu để hướng tới?

 

Trong khi đó, chúng ta có thể mới là những người đang không ngừng lo lắng, dằn vặt về những việc đã làm, và mờ mịt về tương lai. Ở một quy mô lớn hơn, nhu cầu tiêu dùng, giải trí bị các doanh nghiệp kích thích đã làm cho thiên nhiên bị tàn phá, ô nhiễm môi trường, bệnh tật đeo bám. Ai mới là người cần giúp đỡ?

 

Nếu không chọn phe ngay từ đầu, người bạn, người thân của chúng ta sẽ cảm thấy được lắng nghe và chia sẻ nhiều thông tin hơn về giáo phái mà họ đang tham gia.

 

Có giáo phái cực đoan, nhưng không phải tất cả

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/09/gettyimages-146382228-1024x1024-1.jpg

Hành khách đang được chăm sóc y tế sau khi hít phải chất độc hóa học sirin do các thành viên giáo phái Aum Shinrikyo rải trên 5 tàu điện ngầm ở Nhật Bản vào ngày 20/3/1995. Ảnh: The Asahi Shimbun via Getty Images.

 

Có rất nhiều vụ việc tàn độc liên quan đến các giáo phái mà bạn dễ dàng tìm thấy qua Google. Tại Nhật Bản, giáo phái Aum Shinrikyo đã để lại nỗi kinh hoàng khi rải chất độc hóa học sirin trên các toa tàu điện ngầm và khu dân cư vào năm 1994 và 1995. Vụ khủng bố đã giết chết 21 người và ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng nghìn người. Các thành viên giáo phái gây ra vụ việc này đã bị tử hình. [1]

 

Sau vụ khủng bố kể trên, giáo phái Aum Shinrikyo đến nay vẫn tiếp tục hoạt động dưới cái tên mới là Aleph. [2] Nhật Bản vẫn là đất nước cởi mở với các giáo phái. [3]

 

Điều ngược lại xảy ra ở Trung Quốc. Chính quyền trừng phạt nặng nề những ai tham gia các giáo phái bị cấm. Các giáo phái thuộc danh sách cấm nếu muốn hoạt động thì chỉ còn cách là cuốn gói ra nước ngoài. [4]

 

Những giáo phái bị cấm ở Trung Quốc lại được chào đón ở Đài Loan. Họ hoạt động bình đẳng như những tôn giáo chính thống của nước này. Dù có những giáo phái cực đoan có hành động giam giữ, tra tấn những người sùng bái nhưng không có nghĩa là các giáo phái đều xấu và phải bị cấm. [5] Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2000, tính đến thời điểm đó người ta phát hiện ở Đài Loan có ít nhất 50 giáo phái mới (new religious groups) đang hoạt động. [6]

 

Năm 2000, Chu Hai-yuan, Giám đốc Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học của Đài Loan (Academia Sinica), người dẫn đầu nghiên cứu nói trên, cho rằng các giáo phái ở Đài Loan cực kỳ đa dạng, và sẽ là quá trớn nếu nhận định rằng các giáo phái mới làm bất ổn và gây rối loạn xã hội. [7]

 

Quay lại Việt Nam, hiện nay, theo Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam có ít nhất 85 “đạo lạ”. [8]

 

Dù các giáo phái tại Việt Nam đa dạng như vậy nhưng bạn khó tìm được bài báo nào nói về mặt tốt của việc tham gia các giáo phái. Các bài báo đều xoay quanh việc cá nhân bị lợi dụng, gây rối trật tự xã hội, phá hoại truyền thống dân tộc, chống chính quyền. Những thông tin một chiều như vậy khiến chúng ta dễ đánh đồng rằng tất cả các giáo phái đều xấu xa.

 

Giáo phái cực đoan là một phần của phong trào tôn giáo mới trên thế giới, bao gồm các hoạt động lệch lạc, có thể gây tổn hại cho xã hội. Tuy nhiên, không phải tất cả các giáo phái đều cực đoan.

 

Sự thần bí của giáo phái có đáng bị lên án?

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/09/Untitled-design2.jpg

Bà Nguyễn Hồng Thuận, một trong những người sáng lập ra Câu lạc bộ Tình Người, đang cầm trên tay cuốn sách Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại. Cuốn sách bị cho là tài liệu tuyên truyền mê tín dị đoan khi đề cập đến vong hồn đeo bám con người. Ảnh: VTC.

 

Tháng 3/2021, Câu lạc bộ Tình Người bị báo Đại Đoàn Kết và các cơ quan của chính quyền tấn công. [9] Câu lạc bộ bị cáo buộc tuyên truyền mê tín dị đoan vì nói về sự đeo bám của linh hồn, kêu gọi quyên góp tiền cho câu lạc bộ làm từ thiện để giúp người tham gia “giải nghiệp”. [10][11]

 

Việc tin vào vong hồn có phải là phát minh riêng của câu lạc bộ này? Đương nhiên là không. Người Việt có niềm tin rất lớn vào vong hồn. Đốt vàng mã đã trở thành phong tục với niềm tin rằng người sống có thể gửi đồ dùng cho người chết. Đạo Mẫu với tục thần linh “nhập” vào người sống từng bị cấm cũng đã được công nhận là tín ngưỡng.

 

Trên thực tế, không chỉ các giáo phái mà tất cả tôn giáo chính thống đều rao giảng về thế giới sau khi chết với những câu chuyện hoặc thần bí, hoặc gây ra nỗi sợ tột độ như niết bàn, địa ngục trong Phật giáo hay thiên đàng, ngày tận thế trong Công giáo.

 

Tiến sỹ Lin Pen-hsuan, thuộc trường Đại học Quốc gia Đài Loan, cho rằng về bản chất, các tôn giáo dẫn con người đến sự huyền bí và siêu nhiên, nếu không thì tôn giáo không còn là tôn giáo nữa. Các tôn giáo chính thống qua hàng nghìn năm phát triển đã hoàn thiện giáo lý của mình, bức màn bí hiểm của nó đã bị vén lên, không còn bị các chính quyền xem là mối nguy hiểm. Trong khi đó, các giáo phái mới với thời gian hoạt động ngắn hơn, giáo lý chưa có chiều sâu như các tôn giáo lâu đời, nên các lý giải siêu nhiên được xem là công cụ chính để thu hút người tham gia. [12]

 

Tại Việt Nam, vào những ngày đầu tiên Phật giáo Hòa Hảo được sáng lập, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ được ca tụng là có thể chữa bệnh cho người dân bằng nước lã, đọc kinh. [13] Tương tự, theo đạo Cao Đài, tín đồ có thể giao tiếp với thượng đế và các linh hồn qua việc “cầu cơ”. [14]

 

Phải là người kém hiểu biết mới gia nhập giáo phái?

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/09/gettyimages-607397268-1024x1024-1.jpg

Bà Đặng Thị Trinh, hay còn gọi là Thanh Hải Vô Thượng Sư, người sáng lập ra Pháp môn Quán Âm tại Đài Loan, xuất hiện trước các tín đồ ngày 27/4/1995. Năm 2015, giáo phái có khoảng 300.000 tín đồ tại Đài Loan. Ảnh: Alain Nogues/ Sygma via Getty Images.

 

“Những người thiếu hiểu biết mới tham gia các giáo phái” không chỉ là quan điểm của chính quyền, báo chí Việt Nam mà còn là nhận định của nhiều người.

 

Trên thực tế, quan điểm này thiếu thuyết phục. Người tham gia vào các giáo phái cũng có thành phần đa dạng như các tín đồ của các tôn giáo chính thống.

 

Câu lạc bộ Tình Người bị báo chí phanh phui có thành phần tín đồ rất đa dạng, có cả quan chức, đảng viên từ cấp cơ sở đến cấp cao. [15]

 

Pháp Luân Công trước khi bị cấm tại Trung Quốc đã thu hút rất nhiều quan chức và gia đình của họ tham gia.

 

Hay như trường hợp của Pháp môn Quán Âm. Thanh Hải Vô Thượng Sư, người sáng lập giáo phái này tại Đài Loan, là một phụ nữ gốc Việt có tên thật là Đặng Thị Trinh. Chính quyền Trung Quốc đã chính thức cấm giáo phái này, một số chính quyền địa phương Việt Nam xem nó là “tà đạo”. [16][17] Nhưng ở Đài Loan, giáo phái này hoạt động hợp pháp, thu hút nhiều tín đồ, trong đó có các chuyên gia công nghệ tại Công viên Khoa học Tân Trúc. [18]

 

Tại Đài Loan, Hiệp hội Giáo lý T’ienti hay còn gọi là The Lord of Universe Church là giáo phái cổ vũ cho sự hòa hợp các tôn giáo, cho rằng mình có công cụ để con người giao tiếp với cõi vô hình. [19] Giáo phái này cho rằng có thể chữa bệnh dựa vào câu thần chú dài gồm 20 chữ tiếng Hoa như “trung thành, tha thứ, thành thật, đạo đức…”. Sau năm 1994, ông Li Wei-sheng lãnh đạo giáo phái. Ông Li từng là giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc trường Đại học Tamkang, một người có tiếng trong giới học thuật tại Đài Loan. [20]

 

Lý do tham gia vào các giáo phái rất đa dạng. Có người tham gia vì lý do chữa bệnh, có người tìm kiếm sự bình yên, có người muốn giải nghĩa cho những câu hỏi lớn lao mà chưa tìm được đáp án trong xã hội thế tục.

 

Cởi mở với các giáo phái là cách giải quyết vấn đề

 

Các giáo phái là một hiện tượng xã hội không thể tránh né. Khi nào còn người tham gia tôn giáo chính thống thì vẫn còn người tham gia các giáo phái.

 

Sự đa dạng của các giáo phái đã đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau trong xã hội, những người có cùng niềm tin tìm được cách tụ họp với nhau. Điều đã được chứng minh ngay trong xã hội Việt Nam với các tôn giáo mới chỉ có lịch sử chưa đầy 100 năm như Cao Đài hay Phật giáo Hòa Hảo.

 

Cấm các giáo phái có phải là giải pháp hiệu quả? Nếu bị cấm, các giáo phái sẽ rút vào hoạt động trong bóng tối, thông tin về họ sẽ trở nên mù mờ hơn, và biết đâu họ sẽ có nhiều cơ hội để tránh khỏi sự đánh giá của xã hội. Việc cấm đoán sẽ làm người dân tăng thêm sự tò mò về các giáo phái.

 

Để liên tục trấn áp các giáo phái, một quốc gia cần một nguồn lực lớn về con người và tài chính, nhưng việc này có thể khiến họ bị cộng đồng quốc tế lên án. Trung Quốc là quốc gia bị bêu riếu nặng nề trên thế giới vì các hành động cấm đoán, trừng phạt hà khắc các giáo phái.

 

Việc cố gắng tuyên truyền một chiều về sự nguy hiểm của các “đạo lạ”, dùng công an để đe dọa, trù dập các giáo phái mới nhìn chung không mang lại hiệu quả tại Việt Nam.

 

Dù bị báo chí, chính quyền cáo buộc đủ điều nhưng các thành viên hiện tại của Câu lạc bộ Tình Người vẫn tiếp tục hoạt động. [21] Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết Pháp Luân Công đã có hơn 8.000 học viên với 600 điểm tập luyện trên khắp các tỉnh, thành. [22] Các trung tâm thiền định của Thanh Hải Vô Thượng Sư vẫn được tổ chức âm thầm tại Việt Nam.

 

Giống như các nước khác, Việt Nam đang đối diện với các giáo phái lấy mạng Internet làm công cụ truyền giáo (Cybersects). Thanh Hải Vô Thượng Sư có kênh truyền hình với nhiều ngôn ngữ. Pháp môn Diệu Âm cho rằng người tham gia có thể cảm nhận giáo chủ, tham gia giáo phái qua mạng Internet.

 

Chúng ta luôn sợ những thứ chúng ta mà không biết rõ. Cởi mở với các giáo phái là cách mà các nước châu Á như Đài Loan và Nhật Bản đang làm.

 

Các chính sách cởi mở có thể giúp hạ bức màn bí hiểm của các giáo phái, từ đó, công chúng có thể thấy tường tận về các giáo phái, có thông tin đầy đủ để đánh giá về giáo lý, người tham gia các giáo phái tự tin chia sẻ thông tin, dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.

 

Thực tế diễn ra tại các quốc gia chấp nhận các giáo phái cho thấy không phải cứ cởi mở thì mọi người đều bị các giáo phái “dẫn dụ”. Tham gia các giáo phái cũng giống như nhu cầu tham gia các tôn giáo khác của con người. Những người khác nhau có các nhu cầu tâm linh khác nhau. Chọn lựa niềm tin là thứ không thể bị cấm đoán.

 


 

Chú thích:

 

1.  Public Security Intelligence Agency, Japan. (2020). 25 Years After the Tokyo Subway Sarin Gas Attacks. Public Security Intelligence Agency, Japan.

https://www.moj.go.jp/psia/25years_after_the_tokyo_subway_sarin_gas_attacks

 

2.  Nikkei Aisa. (2021, 21 Mar). Japan cults target lonely college students isolated by pandemic

https://asia.nikkei.com/Spotlight/Society/Japan-cults-target-lonely-college-students-isolated-by-pandemic 

 

3.  Gulf News. (2019, July 18). The fatal lure of cults in Japan

https://gulfnews.com/world/asia/the-fatal-lure-of-cults-in-japan-1.65299887

 

4.  Forum for Religious Freedom-Europe. (2018, October 15). CHINA’S BLACKLIST OF FORBIDDEN RELIGIONS – The Chinese Communist Party’s War on Religious Liberty

https://foref-europe.org/blog/2018/10/15/chinas-blacklist-of-forbidden-religions/

 

5.  Taiwan News. (2019, September 25). 5 arrested, 19 rescued from Chinese cult led by female “living Buddha” in central Taiwan

https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3783991

 

6.  Taiwan Panorama. (2000, September). Taiwan’s New Age Cults

https://www.taiwan-panorama.com/Articles/Details?Guid=95d67bfc-9651-4055-9214-ab6a1e03ba4e&langId=3&CatId=11

 

7.  Xem [6]

 

8.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, June 17). Hội thảo về thực trạng đạo lạ, tà đạo ở Việt Nam hiện nay

http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-thao-ve-thuc-trang-dao-la-ta-dao-o-viet-nam-hien-nay-postn4A71Zqj.html

 

9.  Câu lạc bộ Tình Người. (2021, August). Câu lạc bộ Tình Người, hoạt động

http://tinhnguoi.vn/hoatdong?id=22

 

10.  Đại Đoàn Kết. (2021, March 23). Vén bức màn bí ẩn CLB Tình Người mang màu sắc “ma mị” giữa Thủ đô

http://daidoanket.vn/ven-buc-man-bi-an-clb-tinh-nguoi-mang-mau-sac-ma-mi-giua-thu-do-556912.html

 

11.  Đại Đoàn Kết. (2021b, March 29). ‘Tôi đã sai lầm khi lấy tiền ra để trả nghiệp.’ 

http://daidoanket.vn/toi-da-sai-lam-khi-lay-tien-ra-de-tra-nghiep-557512.html

 

12.  Xem [6]

 

13.  Phật giáo Hòa Hảo. Vài nét về Đức Huỳnh Giáo chủ. Accessed 2021, August 9.

 https://www.hoahao.org/p5471/duc-huynh-giao-chu

1

4.  Luật Khoa. (2019, October 6). Nguồn gốc đạo Cao Đài giữa đất Nam Kỳ

https://www.luatkhoa.org/2019/10/nguon-goc-dao-cao-dai-giua-dat-nam-ky

 

15.  Đại Đoàn Kết. (2021c, April 15). Những ai là ‘lá chắn’ cho CLB Tình Người? – Kế hoạch ‘chăm sóc’, ‘khai thác’ đáng sợ.

 http://daidoanket.vn/nhung-ai-la-la-chan-cho-clb-tinh-nguoi–ke-hoach-cham-soc-khai-thac-dang-so-559231.html

 

16.  Xem [3]

 

17.  Người Lao Động. (2021, March 19). Công an cảnh báo người dân cần hiểu rõ bản chất của “tà đạo” “Thanh Hải vô thượng sư.” 

https://nld.com.vn/thoi-su/cong-an-canh-bao-nguoi-dan-can-hieu-ro-ban-chat-cua-ta-dao-thanh-hai-vo-thuong-su-20210319111931782.htm

 

18.  Xem [6]

 

19.  Taiwan Panorama. (2000a, September). Li Wei-sheng of theT’ienti Teachings Association

https://www.taiwan-panorama.com/Articles/Details?Guid=7f6820e3-0e7a-4353-bce9-65f811b9fd88&langId=3&CatId=11

 

20.  Xem [14]

 

21.  Đại Đoàn Kết. (2021d, June 18). Bất chấp chỉ đạo của TP Hà Nội, nhóm hội viên CLB Tình Người tổ chức ‘tụ tập đông người’

http://daidoanket.vn/bat-chap-chi-dao-cua-tp-ha-noi-nhom-hoi-vien-clb-tinh-nguoi-to-chuc-tu-tap-dong-nguoi-5654581.html

 

22.  Luật Khoa. (2021a, January 24). Pháp Luân Công đối diện với tương lai đầy rắc rốihttps://www.luatkhoa.org/2021/01/phap-luan-cong-doi-dien-voi-tuong-lai-day-rac-roi

.

.

.

No comments:

Post a Comment

View My Stats