Monday, 13 September 2021

BLINKEN BẢO VỆ VIỆC RÚT QUÂN KHỎI AFGHANISTAN TẠI QUỐC HỘI (Người Việt / Cali Today)

 



Blinken bảo vệ việc rút quân khỏi Afghanistan tại Quốc Hội

Người Việt

September 13, 2021

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/blinken-bao-ve-viec-rut-quan-khoi-afghanistan-tai-quoc-hoi/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Ngoại Trưởng Antony Blinken hôm Thứ Hai, 13 Tháng Chín, mạnh mẽ bảo vệ quyết định của chính quyền Biden về việc rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và Bộ Ngoại Giao tiến hành nhiệm vụ di tản trong cảnh hỗn loạn và chết chóc tại phi trường Kabul.

 

Ông Blinken cho rằng chính phủ đương nhiệm “lãnh quả” thảm hoạ bắt nguồn từ hoà đàm với Taliban dưới thời Tổng Thống Donald Trump.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/09/TS-blinken-dieu-tran-1-1-1068x713.jpeg

Ngoại Trưởng Antony Blinken. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

 

“Chúng tôi thừa hưởng một ‘hạn chót.’ Chúng tôi không kế thừa một kế hoạch nào,” vị ngoại trưởng nhấn mạnh chính phủ hiện tại bị trói tay vì thoả thuận của ông Trump với Taliban, khi đồng ý giảm quân số xuống còn 2,500 binh sĩ vào thời điểm Tổng Thống Joe Biden nhậm chức.

 

Năm 2011, thời điểm có lực lượng bình định đông nhất, quân số Mỹ ở tại Afghanistan lên tới 110,000 người.

 

Ngoại Trưởng Blinken cho biết, với việc Taliban tiếp tục các hoạt động quân sự đối kháng “không ngừng nghỉ” với quân đội Mỹ bất kể thỏa thuận với chính phủ Trump ra sao, khiến  Tổng Thống Biden “ngay lập tức phải đối mặt với sự lựa chọn giữa chấm dứt chiến tranh hay leo thang chiến tranh.”

 

“Nếu tổng thống không tuân theo cam kết của người tiền nhiệm, các cuộc tấn công vào lực lượng quân sự của chúng ta và đồng minh sẽ tiếp tục và Taliban sẽ bắt đầu mở các cuộc tấn công vào các thành phố lớn của Afghanistan,” ông Blinken trình bày.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/09/TS-blinken-dieu-tran-2-1068x712.jpeg

Cảnh người Afghanistan di tản tại phi trường Kabul hồi Tháng Tám. (Hình: Master Sgt. Donald R. Allen/U.S. Air Forces Europe-Africa via Getty Images)

 

Trong phiên điều trần trước Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện, Ngoại Trưởng Blinken cho biết chính phủ cam kết di tản khoảng 100 người Mỹ vẫn muốn rời khỏi Afghanistan.

 

Tuy nhiên, ông Blinken từ chối cho biết liệu Hoa Kỳ có thể di tản hàng ngàn đồng minh Afghanistan được cấp visa và những người có nguy cơ bị Taliban trả thù hay không.

 

Các nhà lập pháp của cả hai phía đều chỉ trích chính quyền Biden vì sao không bắt đầu di tản những người Afghanistan có rủi ro bị trả thù sớm hơn, đặc biệt là những người nộp đơn xin tỵ nạn cùng với gia đình của họ. 

 

Nhiều người trong số họ đã từng là thông dịch viên cho quân đội Mỹ trong suốt cuộc chiến.

 

Sự chậm trễ di tản gây ra một cuộc tranh cãi tại Mỹ, khi Tổng Thống Biden điều hơn 5,000 quân đến bảo đảm sân bay chính ở Kabul, nơi đặt trụ sở chính của cơ quan phụ trách việc di tản do Mỹ dẫn đầu.

 

Ngoại Trưởng Blinken một lần nữa giải thích rằng chính phủ Biden đã “kế thừa” một chương trình di tản người Afghanistan tệ hại, bao gồm tồn đọng hơn 17,000 thị thực không được giải quyết.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/09/TS-blinken-dieu-tran-3-1068x712.jpeg

Quân đội Mỹ giữ trật tự tại phi trường Kabul để di tản kiều dân Mỹ và người Afghanistan. (Hình: Staff Sgt. Victor Mancilla / U.S. Marine Corps via Getty Images)

 

“Không hề có một cuộc phỏng vấn nào về một người Afghanistan đã nộp đơn tị nạn ở Kabul trong vòng 9 tháng, kể từ tháng 3 năm 2020. Về cơ bản, chương trình này đã rơi vào tình trạng bế tắc,” vị ngoại trưởng giải thích.

 

Trước những lời chỉ trích từ các đảng viên Cộng hòa về việc công dân Mỹ bị bỏ lại Afghanistan, ông Blinken cho biết các nhân viên ngoại giao Mỹ đã bắt đầu thúc giục người Mỹ rời khỏi đất nước Trung Á này sớm nhất là vào Tháng Ba. 

 

Tuy nhiên, vào tháng trước, Tổng Thống Biden thừa nhận rằng “điều này diễn ra nhanh hơn chúng tôi dự đoán”, nhưng lập luận rằng sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan cho thấy việc rút quân Afghanistan là “quyết định đúng đắn”.

 

Ngoại Trưởng Blinken nhấn manh: “Không có bằng chứng nào cho thấy việc tiếp tục ở lại lâu hơn sẽ khiến lực lượng quân đội Afghanistan hoặc chính phủ Kabul trở nên kiên cường hơn hoặc tự vệ tốt hơn.”

“Nếu 20 năm và hàng trăm tỷ đô la hỗ trợ, thiết bị và đào tạo vẫn không đủ để có một chính phủ và quân đội có phẩm chất, tại sao thêm một năm, hoặc năm, hoặc 10 năm nữa, lại có thể tạo ra sự khác biệt?” Ông Blinken nêu nghi vấn trước các tấn công của các nhà lập pháp đối lập. (MPL)

.

 ------------------------------------------------------------------------------

.

.

Chỉ có hạn chót, không có kế hoạch nào – Ngoại trưởng Mỹ bênh vực rút quân Afghanistan

Cali Today   (Theo USA Today)

September 13, 2021

https://www.baocalitoday.com/hoa-ky/chi-co-han-chot-khong-co-ke-hoach-nao-ngoai-truong-my-benh-vuc-rut-quan-afghanistan.html

 

 WASHINGTON (USA Today) – Ngoại trưởng Antony Blinken tại phiên điều trần đầy tranh cãi trước Quốc hội vào thứ Hai nhất mực bảo vệ việc chính phủ Tổng thống Joe Biden rút quân khỏi Afghanistan. 

 

Phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nhấn mạnh sự chia rẽ đảng phái về cuộc chiến dai dẳng nhất của Mỹ. Phiên điều trần đánh dấu lần đầu tiên một viên chức hàng đầu của chính phủ Biden công khai điều trần về việc rút quân Mỹ cũng như nỗ lực di tản công dân Mỹ và đồng minh Afghanistan đầy hỗn loạn.

 

Cộng hoà gọi quyết định và việc thực hiện rút quân của Biden là “sự nhục nhã” và là “một thảm hoạ không thể cứu vãn nổi” khiến cho đồng bào Mỹ trở nên yếu thế, dễ bị  tấn công khủng bố trong tương lai. 

 

Dân chủ lại cho rằng, kết thúc hỗn loạn đối với sự hiện diện quân sự 20 năm của Mỹ ở Afghanistan không tránh khỏi được, và họ đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump đã thương lượng rút toàn bộ quân trong thoả thuận đạt được với Taliban vào năm 2020. 

 

Chỉ một thời hạn chót, không có kế hoạch

 

Blinken và các nhà lập pháp Dân chủ nhấn mạnh, sau khi nhậm chức, Biden đối mặt với hạn chót rút quân vào 1 tháng 5 theo thương lượng giữa chính phủ Trump với Taliban. Tổng thống gia hạn thời hạn này đến 31 tháng 8 với lưu ý, bất cứ trì hoãn nào thêm nữa sẽ có nguy cơ khơi mào lại xung đột và gây nguy hiểm đến sinh mạng lực lượng Mỹ. 

 

“Khi các ông nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, chúng ta cam kết rút tất cả ra khỏi Afghanistan trong vòng 3 tháng,” Dân biểu Brad Sherman (Dân chủ – California) nói. “Chính phủ Trump có để lại một chồng sổ sách ghi lại chính xác sẽ thực hiện kế hoạch đó như thế nào hay không, kế hoạch tỉ mỉ như thế nào?”

 

“Chúng tôi thừa hưởng một hạn chót. Chúng tôi không thừa hưởng một kế hoạch,” Blinden đáp. 

 

Ngoại trưởng lưu ý, thoả thuận của ông Trump với Taliban dọn đường cho việc thả 5000 tù nhân Taliban, trong đó có nhiều tên là chiến binh hàng đầu của tổ chức Hồi giáo và bọn chúng đã nhanh chóng quay trở lại chiến trường.  

 

“Sau 20 năm, 2.641 người Mỹ bị thiệt mạng, 20.000 bị thương, và $2 nghìn tỉ Mỹ kim đổ vào đó, đây là lúc phải chấm dứt cuộc chiến kéo dài của Mỹ,” Blinken nói trong phần mở đầu. 

 

Di tản vẫn tiếp tục, khoảng 100 người Mỹ vẫn còn ở lại muốn rời Afghanistan

 

Blinken cho hay, có khoảng 100 công dân Mỹ còn kẹt lại ở Afghanistan và tất cả đều muốn đi. Ngoại trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ cho nhân viên phụ trách mỗi một hồ sơ công dân Mỹ, và cam kết sẽ di tản những người muốn rời Afghanistan. 

 

“Người ta đưa ra quyết định liệu có đi hay không theo từng giờ, không phải từng ngày,” Blinken nói. Bộ Ngoại giao đề nghị 60 chỗ cho công dân Mỹ trên hai chuyến bay  rời quốc gia vào tuần trước, nhưng chỉ có 30 người chuẩn bị ra đi vào lúc đó. “Chúng tôi đề nghị chỗ trên những chuyến bay khỏi Afghanistan trong tuần qua cho khoảng 60 người Mỹ,” Ngoại trưởng nói. “Một số từ chối trên những chuyến bay đầu tiên vào thứ 5 và thứ 6, vì những lý do cần có thêm thời gian sắp xếp, muốn ở lại thêm với  thân nhân họ hàng, hay những vấn đề sức khoẻ không cho phép đi lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ những người Mỹ và người Afghanistan mà chúng tôi có cam kết đặc biệt ra khỏi quốc gia nếu họ muốn.”

 

Blinken cho hay, hiện tại ông không thể nói có bao nhiêu người Afghanistan có thẻ xanh hay bao nhiêu người Afghanistan hội đủ điều kiện có chiếu kháng đặc biệt vì họ đã phục vụ các lực lượng Mỹ trong cuộc chiến đã bị bỏ lại. 

 

Nhìn chung, Mỹ đã di tản hơn 120.000 công dân Mỹ và đồng minh Afghanistan trước khi Mỹ rút toàn bộ quân vào ngày 31 tháng 8. Blinken hứa sẽ có con số cụ thể về số người vẫn còn ở lại trong những tuần tới. 

 

“Ông nên từ chức!”

 

Một số nhà lập pháp Cộng hoà, trong đó có Dân biểu Lee Zeldin (New York) và Joe Wilson (South Carolina) đã sử dụng phiên điều trần để kêu gọi Blinken từ chức. 

Zeldin cho rằng, Mỹ không đặt ra thời hạn rút quân một cách tuỳ tiện. “Những gì chúng ta nên làm là báo cho Taliban biết, chúng ta sẽ rời Afghanistan khi đưa tất cả mọi người Mỹ về nước,” Dân biểu nói. “Ông nên từ chức, đó mới là lãnh đạo.” 

 

Wilson tố cáo Blinken và Biden phớt lờ cố vấn từ giới lãnh đạo quân sự. Ngoại trưởng tỏ ra không bối rối trước những lời kêu gọi từ chức, và những công kích khác từ Cộng hoà trong suốt phiên điều trần kéo dài hàng giờ. “Hãy cho tôi được cám ơn dân biểu vì sự hỗ trợ của ông đối với những người đàn ông và những phụ nữ trong Bộ Ngoại giao. Tôi đánh giá cao phần này trong tuyên bố,” Bliken đáp lời Dân biểu Wilson. 

 

Blinken bị chất vấn gay gắt về số vũ khí Mỹ bỏ lại 

 

Quân đội Mỹ có vẻ như đã bỏ rơi số vũ khí trị giá hàng chục triệu Mỹ kim như phi cơ, xe bọc thép, và những hệ thống phòng thủ phức tạp khi vội vã rời phi trường Kabul an toàn. Và một số nhà lập pháp Cộng hoà yêu cầu Blinken phải giải thích về số trang thiết bị quân sự đó. 

 

Blinken lưu ý, những thiết bị hàng triệu Mỹ kim như vậy đã được giao cho các lực lượng an ninh Afghanistan vốn là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến. Nhưng những chiến binh này lại đầu hàng Taliban chỉ trong vài ngày. Trong khi đó, Cộng hoà lại chỉ ra, một số những vũ khí đó bây giờ đang nằm trong tay tổ chức quân sự Hồi giáo. 

 

“Người của chúng tôi làm việc cật lực để vô hiệu hoá và tháo dỡ những thiết bị chúng ta kiểm soát,” Blinken nói. Những gì chưa được vô hiệu hoá sẽ sớm bị vô hiệu hoá, Ngoại trưởng giải thích, bởi vì trang thiết bị cần phải bảo dưỡng, và Taliban không có khả năng làm điều đó.

 

Dân biểu Sherman nhấn mạnh, không có cách nào đưa những thiết bị đó ra khỏi Afghanistan mà không phản bội lực lượng an ninh Afghanistan hoặc gây nguy cơ thương vong lớn cho người Mỹ. 

 

Hương Giang (Theo USA Today)




No comments:

Post a Comment

View My Stats