Friday, 17 September 2021

BÁO NGA VIẾT VỀ 14 NĂM LIÊN XÔ GIÚP VIỆT NAM ĐÁNH MỸ (Nguyễn Hải Hoành biên dịch)

 


Báo Nga viết về 14 năm Liên Xô giúp Việt Nam đánh Mỹ   

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

17/09/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/09/17/bao-nga-viet-ve-14-nam-lien-xo-giup-viet-nam-danh-my/

 

Sau năm 1945, trên lãnh thổ Bán đảo Đông Dương hình thành hai nhà nước – Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (trong vùng lãnh thổ do quân đội Trung Quốc chiếm đóng) và Việt Nam Cộng hòa (trong vùng do Anh và sau đó là Pháp kiểm soát).[i] Ngày 19 tháng 12 năm 1946, xung đột giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp leo thang, trở thành hành động chiến tranh.

 

Từ đầu những năm 1950, Trung Quốc đã tích cực giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ năm 1953, Liên Xô cũng đã cung cấp cho Việt Nam trang thiết bị quân sự và vũ khí, đồng thời đào tạo sĩ quan. Về phía Mỹ, do bị phân tâm bởi hành động quân sự ở Triều Tiên nên hồi đó Mỹ không can thiệp vào tình hình Việt Nam.

 

Bất chấp hiệp định đình chiến Geneva ký kết năm 1954 và sự rút lui của quân đội Pháp ra khỏi Việt Nam, cuộc nội chiến tại Việt Nam vẫn tiếp tục. Vào tháng 4 năm 1961, những quân nhân Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam. Tổng cộng, trong toàn bộ thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đã có 24 nghìn chuyên gia quân sự và 15 nghìn công dân Liên Xô tới nước này công tác.  Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà các hệ thống tên lửa phòng không SA-75, máy bay MiG-15, MiG-17 và MiG-21, xe tăng T-34-84, T-54, T-55 và PT-76, các trạm radar, các thiết bị khác, vũ khí cỡ nhỏ, v.v. Tổng cộng, từ năm 1965 đến năm 1972, đã có 95 hệ thống phòng không và 7.658 tên lửa được chuyển giao cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa .

 

Từ năm 1961, Mỹ bắt đầu viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam. Sau sự cố ở Vịnh Bắc Bộ vào ngày 2 tháng 8 năm 1964, khi các tàu phóng lôi của Bắc Việt tấn công các tàu khu trục của Hải quân Mỹ, người Mỹ bắt đầu can thiệp vào cuộc chiến ở Việt Nam bằng cách ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ vài ngày sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Lực lượng Không quân Mỹ trong khu vực gồm khoảng 330 máy bay chiến thuật, hơn 200 máy bay hải quân. Lực lượng Phòng không-Không quân của Quân đội Việt Nam được trang bị 60 máy bay chiến đấu và 1.000 hệ thống pháo phòng không.

 

Ngày 24 tháng 7 năm 1965, bộ đội phòng không Việt Nam lần đầu tiên sử dụng hệ thống phòng không SA-75 tấn công máy bay Mỹ. Hôm ấy hai tiểu đoàn quân đội Việt Nam đã tiêu diệt 3 máy bay cường kích F-4.[ii] Hai tiểu đoàn ấy do các sĩ quan Việt Nam chỉ huy, tuy rằng trên thực tế, người chỉ huy cuộc chiến đấu là các Trung tá Liên Xô Boris Mozhaev và Fedor Ilinykh.

 

Thậm chí người Việt Nam còn thử di chuyển hệ thống phòng không SA-75 của Liên Xô đến bờ biển và bắn thẳng vào các tàu của Hạm đội 6, với ý định đánh chìm tàu ​​sân bay Mỹ. Tuy nhiên, đơn vị bộ đội Việt Nam ấy hầu như bị tiêu diệt ngay lập tức bởi hỏa lực pháo trên boong tàu chiến Mỹ.

 

Sự xuất hiện hệ thống tên lửa phòng không đã buộc không quân Mỹ phải thay đổi chiến thuật tấn công, máy bay Mỹ phải chuyển sang bay ở độ cao thấp và cực thấp. Để phá hủy hệ thống phòng không, người Mỹ đã thành lập một phi đội đặc biệt. Tuy nhiên, tổn thất của Không quân Mỹ tiếp tục tăng lên – trong đó có nguyên nhân vì Liên Xô cung cấp máy bay MiG-21 cho Việt Nam.

 

Từ tháng 3 năm 1965, Mỹ bắt đầu chuyển lực lượng mặt đất đến Nam Việt Nam, nhằm thực hiện nhiệm vụ chính là hoạt động trên bộ, tích cực chống lại quân du kích miền Nam Việt Nam và quân chính quy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, do cuộc giao tranh trong rừng rậm rất phức tạp, do phía Việt Nam hiểu biết tốt về các đặc điểm của hệ thống hoạt động quân sự, và do Việt Cộng được dân chúng hỗ trợ, cho nên cuộc chiến chống du kích của người Mỹ trở nên kém hiệu quả.

 

Tháng 5 năm 1968, Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình tại Paris. Ngày 13 tháng 10 năm 1968, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Ước tính thiệt hại kinh tế do Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam gây ra [cho phía Việt Nam] là vào khoảng 320 triệu USD, nhưng giá thành 938 máy bay Mỹ bị bắn rơi trong các cuộc không kích là 911 triệu USD.

 

Từ năm 1968 đến năm 1972, Mỹ giảm dần sự hiện diện quân sự ở miền Nam Việt Nam, ngày càng hạn chế cung cấp vũ khí và hạn chế yểm trợ cho các hành động quân sự  của quân đội Nam Việt Nam. Ngày 18 tháng 12 năm 1972, người Mỹ thực hiện trận đánh bom cuối cùng và lớn nhất trong chiến tranh để buộc lãnh đạo Việt Nam phải ký các thỏa thuận với Mỹ [B52 ném bom Hà Nội]. Tuy nhiên, trong 12 ngày, lực lượng phòng không Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiêu diệt 81 máy bay Mỹ, trong đó có 31 chiếc B-52 (Mỹ đã công nhận có 15 chiếc B-52 bị bắn rơi), sau đó Mỹ đã dừng các cuộc xuất kích máy bay.

 

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. Những người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam vào ngày 29/3/1973. Sau đó, quân đội Nam Việt Nam trong một thời gian đã đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của quân du kích. Tuy nhiên, vào ngày 9 tháng 3 năm 1975, quân đội chính quy Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và các lực lượng du kích bắt đầu cuộc hành quân tấn công chiến lược “Bông sen”, kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 với việc đánh chiếm Sài Gòn.

 

Tổn thất của Liên Xô tại Việt Nam từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 12 năm 1974 lên tới 16 người, trong đó có 12 sĩ quan.

 

Tổn thất của Mỹ trong chiến tranh lên tới 47.355 người thuộc lực lượng chiến đấu và 10.796 người không chiến đấu. Đã có 3.720 máy bay cánh cố định và 4.892 máy bay trực thăng bị tiêu diệt. Chỉ tính trên miền Bắc Việt Nam (nơi có hệ thống tên lửa phòng không của Liên Xô hoạt động) đã có 1.095 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 17 chiếc B-52.

 

Về phía Liên Xô, ngoài việc củng cố được chế độ thân thiện ở Đông Nam Á [tức Việt Nam Dân chủ Cộng hoà], còn được tiếp nhận căn cứ hải quân Cam Ranh theo ý muốn của mình. Ngoài ra, nhiều mẫu thiết bị quân sự của Mỹ đã rơi vào tay Liên Xô, một số trong đó đã được Liên Xô phục chế.

 

Suốt 14 năm liền Moskva giúp Hà Nội đánh đuổi người Mỹ. Cuối cùng, sự giúp đỡ ấy đã thu được kết quả.

 

Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Nga: Война во Вьетнаме. Журнал “Коммерсантъ Власть”. №17 от 04.05.2001, стр. 53.

 

 ————-

 

[i] Theo thoả thuận của Đồng Minh về việc tiếp quản sự đầu hàng của quân đội Nhật tại Việt Nam sau 15/8/1945: – Quân đội Quốc Dân Đảng Trung Quốc (QDĐTQ) phụ trách vùng phía Bắc vĩ tuyến 16; – Quân đội Anh phụ trách vùng phía Nam vĩ tuyến 16. Từ cuối  8/1945, khoảng 20 vạn quân đội QDĐTQ tiến vào miền Bắc Việt Nam. Đồng thời các tổ chức chính trị phản động chống Pháp và chống Việt Minh như Việt Quốc, Việt Cách, cũng theo chân quân QDĐTQ vào nước ta và lập chính quyền tại Lào Cai, Yên Bái. Ngày 6/3/1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp ký Hiệp định sơ bộ Pháp – Việt, cho quân Pháp thay thế quân QDĐTQ giải giáp quân Nhật. Tháng 10/1946, quân QDĐTQ rút hết khỏi Việt Nam. Tại miền Nam, quân đội Anh vũ trang cho 14.000 tù bình Pháp (bị Nhật bắt giam) chiếm Sài Gòn ngày 23/9/1945, mở đầu chiến tranh.

 

[ii] Máy bay cường kích vừa làm nhiệm vụ tiêm kích vừa làm nhiệm vụ ném bom.

 

---------------------------

 

XEM THÊM :

 

Tại sao Liên Xô giúp đỡ Bắc Việt?

 

Nguồn: Sergey Radchenko, “Why Were the Russians in Vietnam?”, The New York Times, 27/03/2018. Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Ngày nay chúng ta đã biết được tại sao người Mỹ lại mất quá nhiều thời gian như vậy trước khi rút khỏi Việt Nam: Rời đi có nghĩa là thể hiện sự yếu đuối … Continue reading Tại sao Liên Xô giúp đỡ Bắc Việt?

 

Nghiên cứu quốc tế




No comments:

Post a Comment

View My Stats