Thursday, 2 September 2021

BÀN VỀ "BÀI HỌC CHO HOA KỲ" TỪ BIẾN CỐ SÀI GÒN và KABUL (BBC Tiếng Việt)

 


 

Bàn về “bài học cho Hoa Kỳ” từ biến cố Sài Gòn và Kabul

BBC Tiếng Việt

2 tháng 9 2021, 18:53 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-58422784

 

Đã hơn hai tuần kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thừa nhận rằng sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan và việc Taliban giành lại quyền kiểm soát diễn ra nhanh hơn chính phủ Mỹ dự đoán.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/B528/production/_120367364_whatsubject.jpg

Một em bé Afghanistan ngủ trên sàn chiến máy bay Air Force của Mỹ trong chuyến bay di tản từ Kabul

 

Trong bối cảnh chính phủ Afghanistan sụp đổ chóng vánh, các nhà quan sát và truyền thông đã nhắc lại những ngày cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975 và điểm tương đồng trong cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Afghanistan và Việt Nam.

 

Tác giả Vũ Quý Hạo Nhiên từ California mới đây có bài có tựa ‘A lesson for America from the fall of Saigon in 1975’ đăng tại phần ý kiến bạn đọc trên trang web của CNN ngày 31/08. BBC Tiếng Việt phỏng vấn ông quanh nội dung bài viết này.

 

*

BBCTrong bài đăng trên trang CNN, ông nêu ra điều ông gọi là “bài học cho Hoa Kỳ” từ biến cố bỏ Sài Gòn và VNCH ngày 30/04/1975 cho vấn đề Afghanistan vừa qua, nhưng có vẻ như việc rút quân Mỹ và đồng minh khỏi Kabul cũng bị phê phán khá rộng rãi là vội vã, bỏ lại hàng vạn cộng sự cũ, vậy tức là không có bài học nào được rút ra?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/8EAE/production/_119962563_img_0084.jpg

Hàng trăm người dân Afghanistan chen chúc trên một chuyến bay chở hàng của quân đội Mỹ để chạy khỏi quân Taliban.

 

Vũ Quý Hạo Nhiên : Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Afghanistan là chuyện không thể bàn ngược lại nữa. Giới chính khách cả hai đảng ở Mỹ đều không muốn ở lại đó, kể cả cựu Tổng thống Donald Trump, ngay trong tuần qua còn gọi thoả ước rút quân của ông với Taliban là "beautiful" (đẹp đẽ). Bài học tôi muốn nước Mỹ rút ra là ở tương lai, sẽ làm gì khi người Afghanistan trốn chạy chế độ Taliban như người Việt Nam từng trốn chạy cộng sản. Chính quyền Mỹ nhận người tỵ nạn Việt Nam không vì họ "phải" làm, mà vì họ "muốn" làm. Và tôi hy vọng họ cũng sẽ "muốn" nhận người tỵ nạn Afghanistan như vậy.

 

Khủng hoảng Afghanistan: Tướng Mỹ không chắc Taliban sẽ thay đổi

Afghanistan: Quân đội Mỹ đã bỏ lại những gì?

 

*

BBCMột phần câu chuyện ông viết để dư luận nói tiếng Anh ở Hoa Kỳ biết về cảnh hậu chiến ở Nam Việt Nam là về gia đình ông, ông có thể nhắc lại ở đây hay không?

 

Vũ Quý Hạo Nhiên : Lịch sử nhập cư của người Việt tại Mỹ có hai mặt, mặt Việt và mặt Mỹ. Người Việt thường rất rành, rành hơn tôi rất nhiều, về mặt Việt, nhưng thường thì lại hiểu chỉ mập mờ, về mặt Mỹ. Còn người Mỹ, nếu không làm trong ngành ngoại giao hay di trú, thì chỉ biết chung chung là "người Việt Nam nhập cư" thôi chứ chả biết gì nhiều.

Năm 75, khi người Việt Nam được bốc vào Mỹ, đó là một quyết định táo bạo của Tổng thống Gerald Ford. Xét về mặt luật pháp, không có điều gì cấm nước Mỹ cứ thảy hết người Việt Nam một cái trại nào đó ở Subic Bay hay Guam rồi cho ở đó suốt đời. Lý do duy nhất điều đó đã không xảy ra là vì Tổng thống Ford quyết định ngược lại với ý kiến của cử tri. Gia đình cô ruột tôi và nhiều cô chú bác họ vào được Mỹ năm 75 chính là nhờ vào đó. Bộ Tư Pháp cho "parole" hết 130,000 người Việt Nam bất kể giới hạn di trú, rồi sau đó luật Indochinese Refugees mới được thông qua để có kinh phí cho việc định cư mọi người.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/DC38/production/_120367365_whatsubject.jpg

Nhiều người Việt đã bỏ nước ra đi trên những con thuyền nhỏ mong manh trên biển sau ngày 30/4/1975, tạo thành làn sóng thuyền nhân

 

Người vượt biên, như anh ruột tôi đi ghe 6 đêm 5 ngày, được vào Mỹ cũng chả phải vì Mỹ phải làm thế, mà chỉ vì Mỹ muốn. Có thể nêu 1001 lý do địa chính trị vì sao Mỹ muốn, trong đó mẫu số chung là đừng cho các nước Đông Nam Á quay qua liên minh với Việt Nam, nhưng rốt cuộc cũng vì "muốn" chứ không vì "phải."

 

Chương trình ODP đi Mỹ bằng máy bay cũng không phải một chương trình di trú bình thường của Mỹ, mà là một chương trình dành riêng cho người tỵ nạn Việt Nam, do Tổng thống Jimmy Carter lập ra. Chuyện đi theo bảo lãnh gia đình, là di trú bình thường. Đi theo ODP, là chuyện đặc biệt. Nhiều người nhầm lẫn hai thứ, vì trên thực tế ODP có người bảo lãnh sẽ dễ đi hơn, nhưng hai loại di trú là hai diện visa khác nhau. ODP được lập ra để giảm tải các trại tỵ nạn Đông Nam Á. Trên lý thuyết, nếu người Việt Nam có hy vọng đi ODP họ sẽ bớt đi vượt biên và bớt tới các trại tỵ nạn. Tôi được đi ODP là nhờ chính sách này. Ở thế hệ tôi nhiều người vẫn kể là "đứa này đí ODP, đứa kia đi OD ghe," là vậy.

 

Chương trình "hát ô" (HO) cho cựu tù cải tạo thực ra là một phần của ODP và nằm trong ngân sách ODP. Nhiều người đã viết về nguồn gốc của chương trình này và vai trò bà Khúc Minh Thơ cũng như của nhà ngoại giao Robert Funseth, cũng như tu chính của Thượng nghị sĩ John McCain cho các con trưởng thành của cựu tù cải tạo, nên tôi không nhắc lại ở đây. Cuộc thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam kéo dài 7 năm từ thời Tổng thống Ronald Reagan qua tới thời George H.W. Bush tức Bush cha mới đi tới kết luận. Đa số họ hàng nhà tôi vào Mỹ qua ngả "hát ô" và phải nói là thế hệ con cháu các ông bà "hát ô" rất thành công trong cộng đồng.

 

Nhưng tóm lại về phía Mỹ, từ thời Ford tới thời Bush cha và cả sau này, khuynh hướng của các tổng thống cả hai đảng là làm sao để nhận thêm người tỵ nạn Việt Nam. Bất cứ ai trong số họ đã đều có thể làm ngược lại, là "làm sao cho bớt phải nhận người tỵ nạn Việt Nam," và nếu họ làm vậy thì cử tri Mỹ cũng hoan nghênh, nhưng họ đã không làm thế.

 

*

BBCÔng so sánh tình cảnh người dân Nam Việt Nam sau 30/04/1975 và người dân Afghanistan hiện nay sau khi quân Taliban kiểm soát gần như toàn bộ đất nước đó, sẽ có ý kiến nói cách so sánh đó không đúng vì cho rằng lực lượng cộng sản ở Việt Nam khác Taliban, ông nghĩ sao?

Ờ thì khi so sánh thì ai cũng có thể nói là, ơ, A với B khác nhau. Hỏi Stalin với Mao ai tệ hơn ai thì dễ dàng sẽ thấy 2 người trả lời 2 kiểu khác nhau.

Nhưng nếu Taliban tệ hơn Cộng sản, thì Mỹ nên nhận nhiều người tỵ nạn Taliban hơn người tỵ nạn cộng sản phải không? Và đó là kết luận của tôi trong bài đăng trên CNN.

 

Afghanistan: Hoa Kỳ vất vả lo di tản cho những người từng cộng tác

Taliban tấn công vũ bão, Mỹ và Anh đưa quân vào để sơ tán nhân viên

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/10348/production/_120367366_whatsubject.jpg

Những hình ảnh di tản người vào trung tuần tháng 8 ở Kabul làm sống lại những tấm hình di tản bằng trực thăng năm 1975 ở Sài Gòn.

 

*

BBCÝ kiến của ông rằng Hoa Kỳ nay cần có trách nhiệm đón nhận người tỵ nạn Afghanistan, nhưng một phần không nhỏ dư luận Hoa Kỳ và trong cả cộng đồng Việt tại đó không ủng hộ việc nhận thêm tỵ nạn, từ Trung Mỹ, Trung Cận Đông, Nam Á, điều này ông giải thích ra sao?

 

Vũ Quý Hạo Nhiên : Thời 1975 cử tri cũng đâu muốn nhận người Việt Nam đâu. Thời đó muốn góp ý kiến gì phải viết thư qua bưu điện hay đánh điện tín, rất mất công, vậy mà cũng có 2,809 thư và điện tín gửi thẳng vào Nhà Trắng phản đối, số ủng hộ chỉ là thiểu số, 2,451.

 

Hiện nay đã có 35 thống đốc tiểu bang, trong đó có cả những tiểu bang đỏ rực màu Cộng Hoà như South Carolina với Utah, lên tiếng sẵn sàng nhận định cư người tỵ nạn Afghanistan, và chỉ có 2 thống đốc lên tiếng từ chối. Số còn lại im lặng chưa nói gì. Tức là tính về chính trị, chuyện thuyết phục người dân Mỹ của 2021 chưa chắc đã khó gì hơn thuyết phục người dân Mỹ của 1975.

 

Riêng trong cộng đồng Việt Nam, sự hiện hữu của những người tự cho rằng "tôi xứng đáng được vào Mỹ còn nó thì không" thực ra chẳng lạ và cũng chẳng mới.

 

*

BBCNhìn rộng ra về vai trò của chính trị Mỹ với thế giới, nhất là các nước từng bị chiến tranh, nội chiến, gồm cả VN trong quá khứ, ông có tâm tư gì?

 

Vũ Quý Hạo Nhiên : Chính quyền Afghanistan may mắn hơn Việt Nam Cộng Hòa là họ có lịch sử để nhìn lại và biết điều này. Nhưng họ xui xẻo hơn Việt Nam Cộng Hoà là họ biết mà không làm gì được vì họ không có ghế trong bàn đàm phán. Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam là hiệp định bốn bên, Việt Nam Cộng Hoà là một. Trong khi hiệp định Doha rút quân Mỹ khỏi Afghanistan là thoả ước tay đôi giữa Hoa Kỳ và Taliban, Kabul không được tham dự.

 

*

BBCTổng thống Biden gần đây nói thẳng rằng Hoa Kỳ sẽ không dùng quân sự để tạo dựng lại (reshape) các nước khác như đã làm, mà tập trung vào an ninh của Mỹ, tại Mỹ, điều này khiến ông suy nghĩ gì?

 

Vũ Quý Hạo Nhiên : Tổng thống Trump cũng vậy, cũng từng tuyên bố là "không có ý định áp đặt lối sống của chúng tôi." Trừ 3 trường hợp ngoại lệ là Iran, Cuba và Venezuela, ngoài ra thì ngay Kim Chủ tịch còn được khen là được dân chúng kiêng nể lắm, thì phải biết là Trump không hề muốn thay đổi thể chế các nước khác. Đừng cạnh tranh kinh tế với Mỹ là ông ok hết.

 

Biden khéo hơn là chỉ hứa không dùng quân sự thôi chứ còn các biện pháp khác thì chưa biết à nha. Nhưng cả Biden lẫn Trump phản ảnh thực tế là người Mỹ nói chung có máu isolationist. Lấy thí dụ ngày nay Tổng thống Franklin Roosevelt được biết đến là người lãnh đạo nước Mỹ và khối Đồng Minh thắng được Thế chiến thứ hai nhưng trước đó, khi tranh cử, ông thắng một phần lớn là vì hứa hẹn không đem nước Mỹ dính và cuộc chiến của châu Âu.

 

Trong các trường phái chính trị ở Mỹ, chỉ có khối tân bảo thủ tức neoconservativism hay neocon là kêu gọi xuất cảng nền dân chủ đi các nơi. Chủ nghĩa neocon lên tới đỉnh thời Tổng thống George W. Bush (con) và gần đây nhất nhưng có lẽ người neocon cuối cùng có ảnh hưởng chính trị, là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton của Trump, làm được hơn một năm rồi mất chức để rồi sau đó Bolton với Trump thường xuyên chửi bới nhau qua lại qua báo chí và trên Twitter.

 

Mới hôm qua, trên báo Atlanta Journal Courier, nhà hoạt động đảng Cộng hoà Vũ Bảo Kỳ viết bài cho rằng Hoa Kỳ không thể tiếp tục kiểu dùng quân sự truyền thống để đánh chiến tranh du kích rồi lại đồng thời đòi nation building, xây dựng quốc gia người ta. Trong tương lai gần, trường phái neocon coi như hết ảnh hưởng trong cả hai đảng.

 

                                                       ***

TIN LIÊN QUAN

.

Kabul 'thay thầy đổi chủ' tác động ra sao tới Nga, Trung Quốc, Iran và Pakistan?

31 tháng 8 năm 2021

.

Afghanistan: Chuyến bay cuối cùng sau cuộc chiến dài nhất của Mỹ

31 tháng 8 năm 2021

.

Taliban: Từ AK47 lên trực thăng Black Hawk, xe Humvee và súng Mỹ

30 tháng 8 năm 2021

.

Afghanistan: Hoa Kỳ vất vả lo di tản cho những người từng cộng tác

14 tháng 8 năm 2021




No comments:

Post a Comment

View My Stats