Saturday, 11 September 2021

BÀI HỌC NÀO TỪ THẤT BẠI THẢM HẠI CỦA VIỆT NAM TRONG CHỐNG DỊCH COVID (Jackhammer Nguyễn)

 


Bài học nào từ thất bại thảm hại của Việt Nam trong chống dịch Covid?

Jackhammer Nguyễn

11/09/2021

https://baotiengdan.com/2021/09/11/bai-hoc-nao-tu-that-bai-tham-hai-cua-viet-nam-trong-chong-dich-covid/

 

 Công cuộc chống dịch Covid-19 của Đảng Cộng sản Việt Nam đang thất bại thảm hại. Minh chứng cho sự thất bại đó là trung bình có hơn 300 người chết mỗi ngày ở Sài Gòn, trong khi các hoạt động kinh tế và xã hội tại thành phố này đã và đang bị phong tỏa hơn hai tháng qua, mà vẫn chưa thấy lối ra.

 

Với hơn 300 người bị virus giết chết mỗi ngày, dù đã hơn hai tháng phong tỏa, các hoạt động kinh tế, xã hội… bị đóng băng, càng thảm bại hơn khi Việt Nam có những thế mạnh mà không tận dụng được: Hơn một năm rưỡi yên tĩnh để chuẩn bị trong khi các nước trên thế giới và trong khu vực vất vả đối phó với đại dịch; cũng như thái độ tuân thủ chính quyền của dân chúng, và nhất là người dân ở Việt Nam không có tâm lý chống vaccine…

 

Các viên chức tuyên truyền của Đảng có thể dùng chiến thuật ngụy biện cũ rích là Whataboutism (Thế cái này thì sao), để biện minh rằng thì là Thái Lan thế này, Indonesia thế nọ, Mỹ cũng còn thế kia, Ý còn như thế đó… thiết nghĩ, lần này người dân Việt Nam không còn bị thuyết phục bởi sự ngụy biện đó, bởi cái chết đang đến đầu ngõ, cũng như cái đói đang chực chờ họ.

 

Sự thất bại này cho người dân Việt những bài học nào?

 

1/ Xã hội dân sự Việt Nam bị tê liệt

Điều rất quái gỡ là, hơn một tháng sau khi dịch bệnh hoành hành ở Sài Gòn, biến thành phố thật sự trở thành một thành phố chết, người ta mới bắt đầu nói đến việc đưa các bệnh viện tư nhân vào chống dịch.

 

Đây chỉ là một trong nhiều sự việc cho thấy rằng sức lực và trí tuệ của những thành phần khác nhau trong xã hội không được huy động khi đất nước rơi vào khủng hoảng.

Những thành phần khác nhau ấy thường được gọi là xã hội dân sự. Có thể nói không quá đáng rằng xã hội dân sự chính là một xã hội bình thường, trong đó người dân sống tự do, họ rất linh họat để đối phó và phản ứng với những biến động của xã hội. Nhưng xã hội dân sự không bao giờ được những người cộng sản ưa thích, vì sự tự do của nó thách thức sự toàn trị của Đảng.

 

Đảng Cộng sản thường tuyên truyền rằng, họ cũng có những cái gọi là các tổ chức quần chúng, như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… nhưng những tổ chức này đều là những công cụ chính trị, trở thành những ung nhọt hành chính, không hề thấy bóng dáng của họ ở đâu trong những ngày đại dịch đang hoành hoành người dân trên đất nước này.

 

Giả sử không có các tổ chức tôn giáo nấu ăn cho dân nghèo trong những ngày giới nghiêm này, những đội thiện nguyện đi hỏa táng hàng trăm người chết mỗi ngày… chắc hẳn Sài Gòn đã trở thành địa ngục.

 

2/ Nghịch lý của chính quyền toàn trị tập trung

Sự hỗn loạn trong cách điều hành chống dịch của hệ thống chính trị Việt Nam từ trung ương tới địa phương, gợi chúng ta nhớ tới sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô cũ chỉ trong vài ngày.

 

Hệ thống chính trị ở Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, cũng như Đông Âu và Liên Xô ngày xưa là hệ thống toàn trị, với những tầng nấc chặt chẽ từ trung ương đến tổ dân phố. Nhưng hệ thống này cho thấy, nó chỉ hoạt động được theo lối mòn. Những lối mòn đó là: Công nghiệp hóa với các xí nghiệp nhà nước của Liên Xô cũ, tổ chức mô hình phân phối xã hội chủ nghĩa sau chiến tranh thế giới thứ hai ở Đông Âu, xã hội chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam trước 1975, mô hình tư bản nhà nước của Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.

 

Một lối mòn rất điển hình nữa của chế độ toàn trị là lạm dụng bạo lực (cái gọi là bạo lực cách mạng) với sự ưu tiên cho các bộ máy công an và bộ đội.

 

Đại dịch Covid-19, với biến chủng Delta là những điều nằm ngoài những con đường mòn của các chế độ toàn trị, nó cũng giống như vài yếu tố thị trường tự do xâm nhập vào Đông Âu trước kia, làm cho các cán bộ điều hành không biết điều gì đang xảy ra để đối phó.

 

Việc sử dụng những lọ vaccine hiếm hoi đầu tiên cho công an, bộ đội, thay vì cho những người già, những y tá tuyến đầu, những shipper, những người lao động sống trong những con hẽm chật chội,… đã lợi (cho chế độ) nhưng bất cập hại (cho dân chúng), khi những tầng lớp dân chúng dễ tổn thương đó lần lượt gục ngã, tạo sức ép kinh hoàng lên hệ thống y tế vốn đã quá tải, làm tê liệt hệ thống kinh tế cơ sở ở các đô thị phục vụ dân sinh.

 

3/ Cán bộ điều hành quốc gia bất tài

Với cơ cấu tuyển chọn cán bộ theo kiểu “quy hoạch”, các nhà nước toàn trị khó lòng đưa ra được những những nhà lãnh đạo có năng lực thật sự, để có khả năng đối phó với đại dịch. Bộ máy tuyên truyền cộng sản thường hay ba hoa rằng, họ trân trọng cái gọi là “có tâm có tầm” (sic) nhưng về thực chất kiểu quy hoạch cán bộ ở các chế độ toàn trị cho ra những thế hệ sau bất tài hơn thế hệ trước, vì người đứng ra “quy hoạch” không thể chấp nhận kẻ nối nghiệp thông minh và tài giỏi hơn mình. Điều đó dẫn tới một sự suy thoái di truyền trong giới lãnh đạo.

 

Bộ máy cán bộ điều hành tại Việt Nam hiện nay đã và đang lúng túng như gà mắc tóc, cán bộ trung ương thì ba hoa, nói những lời vô nghĩa như bị mê sảng, các cán bộ tại các tỉnh thì ra sức dựng nên các “pháo đài” tại các biên giới tỉnh, đúng theo “chỉ đạo”.

 

Kết

 

Kịch bản tồi tệ nhất, theo những gì chúng ta biết về Covid hiện nay là dịch bệnh lây ra cho toàn bộ dân chúng Việt Nam, và sẽ có khoảng hơn 2 triệu người thiệt mạng (theo tỷ lệ 2,5%). Các lực lượng công an, bộ đội, 200 ủy viên trung ương vẫn toàn vẹn vì đã được chính ngừa.

 

Nhưng có còn Việt Nam nữa không?

 

Cuộc khủng hoảng ở Việt Nam hiện nay có nguồn cơn từ chính cấu trúc chính trị toàn trị của quốc gia. Khi nói như vậy không có nghĩa là ở các xã hội dân chủ, mọi thứ đều có thể diễn ra êm đẹp, vì cuộc khủng hoảng Covid là cuộc khủng hoảng trăm năm có một, không ai biết trước. Nhưng Việt Nam lại là kẻ quan sát suốt hơn một năm rưỡi, khi đại dịch diễn ra trên toàn cầu. Các cán bộ Việt Nam chỉ lo ba hoa những bài ca chính trị, không chuẩn bị gì cả. Các cán bộ lãnh đạo Việt Nam lẽ ra phải biết trước điều gì đang xảy ra ở Sài Gòn và Hà Nội, vì nó đã xảy ra ở New York, New Delhi…

 

Một điều quan trọng nữa là dân chúng tại các quốc gia dân chủ có thể bãi nhiệm các cán bộ bất tài, chẳng hạn như cha con Donald Trump ở Hoa Kỳ, trong khi người dân ở Việt Nam thì không thể đuổi cổ các lãnh đạo quá tệ hại.





No comments:

Post a Comment

View My Stats