Thursday, 9 September 2021

ÁN LỆ & SỰ KHỐC LIỆT (Nguyễn Tiến Tường)

 


ÁN LỆ & SỰ KHỐC LIỆT   

Nguyễn Tiến Tường

09/09/2021  01:30   

https://www.facebook.com/nguyentuong.tuongnguyen.5/posts/4377772472341095

 

Một thanh niên giao đá ở chợ Bình Điền mất việc, về quê Cà Mau và dương tính với Covid. Toà xử anh 5 năm tù vì không khai báo thành thật và lây bệnh cho người khác.

 

Trước đó, BQL chợ và CDC tổ chức xét nghiệm tại chỗ để có vé vào chợ, gây nên một đám đông tụ tập kinh hoàng. Như vậy, hành vi của BQL chợ có xứng đáng cấu thành tội hơn anh thanh niên hay không? Anh thanh niên bị tuyên án, vậy ai lây bệnh cho anh ta?

 

Một người phụ nữ F1 cố thủ trong nhà ở Nghệ An, lực lượng cưỡng chế phá cửa thộc thẳng vào nhà bắt giữ. Chị ta cũng bị khởi tố vì hành vi chống người thi hành công vụ.

 

Tại sao phải khốc liệt với một F1 ở Nghệ An khi ở nơi khác F0 đã được tự điều trị tại nhà? Tại sao phải dùng lực lượng cưỡng chế hùng hậu khi chỉ cần một hai nhân sự gác cửa và khuyên giải là đủ?

 

Rõ ràng xuất phát điểm chính sách có vẻ như không phải là để phân loại và bảo vệ người dân trước nguy cơ; thay vào đó là xem tất cả người dân đều là nguy cơ để áp dụng án lệ và sự khốc liệt đánh vào tâm lý sợ hãi. Điều này hoàn toàn không còn phù hợp trong xu thế hiện tại nữa.

 

Đây là một tâm thế sai lầm và chính nó dẫn đến cơ chế giấy đi đường, tập trung cơ quan hành chính, ùn tắc giao thông… tạo nguy cơ lây khổng lồ. Vì tập trung vào án lệ lẻ tẻ nên đại cục không có tiến triển tốt hơn nhanh hơn như mong đợi.

 

Chính tư duy này tạo ra sự ban phát khi xã hội đang tạm thời điều chỉnh bởi các nghị định. Và vì thế, nhan nhản xuất thiên lệch về quền và nghĩa vụ. Một thanh niên bị ba bốn người bế thốc đi ngoáy mũi nhưng một giám đốc sở thành viên ban chống dịch có thể đi đánh golf. Một người có thể bị xử phạt nếu quyền lực cơ sở nhận diện sai “thực phẩm”, trong lúc quan chức vô tư đi “thăm đất” với giấy thông hành công vụ.

 

Án lệ và sự khốc liệt chỉ có giá trị khơi gợi ý thức xã hội khi nó điều chỉnh mọi đối tượng. Không thể để luật lệ (kể cả văn bản dưới luật) trở thành công cụ của riêng người thi hành. Để rồi, chính họ có thể là nguy cơ bằng việc lạm quyền hoặc điều tiết thiếu hiểu biết mà không phải trả một cái giá nào cả.

 

Phản lực của nó là người dân chỉ tìm cách đối phó với quyền lực hơn là chú tâm cho sự an toàn của chính mình và người xung quanh.

 

Chống dịch không thể thành công khi xem mọi người dân là F0 và nghĩ rằng lỗi luôn thuộc về họ!

 

109  BÌNH LUẬN  




No comments:

Post a Comment

View My Stats