Vận
chuyển hàng hóa đến Châu Âu bằng đường sắt, quá cảnh Trung Quốc: Lợi bất cập hại?
RFA
22/07/2021
Đường sắt Việt Nam
chuyên chở container thẳng đến Châu Âu
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết chuyến
tàu chuyên chở container đi thẳng sang Bỉ lần đầu tiên, được lăn bánh vào ngày
20/7, bao gồm 23 container 40 feet chứa hàng dệt may, gia dày và điện tử.
Đoàn tàu xuất phát từ Ga quốc tế Yên Viên, vận
chuyển đến Trịnh Châu, Trung Quốc và sau đó được kết nối với đoàn tàu Á-Âu chạy
thẳng sang thành phố Liege, Bỉ. Đoàn tàu container này tiếp tục được vận chuyển
bằng đường bộ đến điểm cuối cùng tại thành phố Rotterdam, Hà Lan.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong cùng
ngày 20/7 cho báo giới trong nước biết thêm rằng vận chuyển đường sắt đang là
phương tiện đáng tin cậy để đưa hàng hóa từ Việt Nam sang Châu Âu. Lý do bởi vì
vận chuyển đường biển quốc tế đang gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch
COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.
Một giải pháp hiệu
quả trong bối cảnh cảng ùn tắc do COVID-19?
Theo ghi nhận của trang tin theloadstar.com
qua chia sẻ của một số công ty logistics tại Việt Nam, đăng tải hôm 21/7, cho
biết đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư, đặc biệt nghiêm trọng tại miền Nam Việt
Nam, đã làm gián đoạn các hoạt động sản xuất và tạo ra những tác động tiêu cực
đến hoạt động ở cảng; đồng thời có nguy cơ tồn đọng cao do việc nhận và dỡ
container bị chậm.
The Loadstar dẫn lời giám đốc của Noatum
Logistics tại Việt Nam, ông Jan Segers nhận định rằng tình trạng tắc nghẽn ở
các cảng miền Nam Việt Nam sẽ còn kéo dài trong những tháng tới. Ông Jan Segers
nhấn mạnh rằng vấn đề chính là các tàu chở hàng bị chậm trễ do tình trạng tắc
nghẽn ở các cảng trên tuyến đường vận chuyển. Ví dụ như hàng hóa thường bị ách
tắc tại các cảng trung chuyển ở Singapore hay ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
hiện đang cung cấp dịch vụ vận chuyển container với dịch vụ logistics trọn gói
giữa Việt Nam-Trung Quốc và quá cảnh đi Nga, Châu Âu, các nước ASEAN và các nước
Trung Á. Công ty này đang cùng với đối tác Châu Âu lên kế hoạch vận chuyển tám
chuyến hàng/tháng, xuất phát từ Việt Nam và hành trình mỗi chuyến kéo dài từ 25
đến 27 ngày.
Một nhân viên phụ trách về vận chuyển hàng hoá
của Singapore Airlines, văn phòng tại VN, vào ngày 22/7 lên tiếng với RFA rằng
ông chưa rõ có phải đây là một dư án lâu dài vận chuyển container bằng đường sắt
của Việt Nam hay không; hay đó chỉ là một vài chuyến tàu hàng riêng lẻ.
Tuy nhiên, vị nhân viên ẩn danh nhận xét và
chia sẻ qua ứng dụng Messenger rằng:
“Tất nhiên việc chuyên chở container bằng đường sắt
cũng giúp giải tỏa ách tắt trong tình cảnh bế tắc và chi phí cao của vận tải bằng
đường hàng không và đường hàng hải đi Châu Âu.
Nếu đây là một dự án lâu dài thì các doanh nghiệp vận
tải ở Việt Nam sẽ có lợi, nhất là ở phía Bắc Việt Nam. Vì đây sẽ là một phương
thức vận tải mới, một giải pháp hỗ trợ mô hình vận tải đa phương thức hiện hữu
và góp phần đẩy mạnh xuất khẩu cho Việt Nam.”
Ảnh minh họa: Cảng Sài Gòn tại TP.HCM. AFP
Lợi bất cập hại
khi quá cảnh ở Trung Quốc?
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, ở Na Uy, cũng qua ứng dụng Messenger, chia sẻ với RFA về quan điểm của
ông liên quan thông tin Việt Nam vận chuyển container trực tiếp đến Châu Âu,
quá cảnh ở Trung Quốc.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng về mặt lý thuyết,
con đường này có thể giúp Việt Nam kết nối tốt hơn với vùng Trung Á, mở ra nhiều
cơ hội như du lịch, xuất khẩu, v.v. Tuy nhiên, theo nhận định của tiến sĩ Nguyễn
Huy Vũ thì vùng Trung Á không phải là một vùng giàu có, việc vận chuyển bằng đường
sắt đi một quãng đường dài như vậy khá là tốn kém, phức tạp, v.v. cho nên về mặt
thực tế thì lợi ích kinh tế đối với Việt Nam không có nhiều.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ lo ngại Việt
Nam có thể đối mặt với những bất lợi bao gồm:
“Thứ nhất là vấn đề chiến lược.
Tuyến đường sắt từ Việt Nam qua Trung Quốc rồi tới châu Âu là một phần của dự
án Một Vành Đai Một Con Đường (One Belt One Road-OBOR) của Trung Quốc. Trong dự
án này, Trung Quốc muốn biến mình thành một trung tâm sản xuất và các dự án hạ
tầng như các tuyến đường sắt và đường thuỷ sẽ kết nối Trung Quốc với toàn bộ
Châu Á và Châu Âu. Việc thông qua tuyến đường sắt này có lợi cho Trung Quốc nhiều
hơn là Việt Nam.
Thứ
hai là vấn đề về chi phí và thương lượng. Để vận chuyển được hàng hoá từ Việt
Nam đi các nước Châu Âu chẳng hạn, Việt Nam phải thương lượng với Trung Quốc và
phải trả một mức phí nhất định để có thể dùng đoạn đường sắt rất dài nằm bên
phía Trung Quốc; đó là chưa kể việc phải thương lượng với các nước khác. Cho
nên việc vận chuyển bằng đường sắt qua một quãng đường dài, xuyên qua nhiều quốc
gia như vậy về mặt kinh tế nó chưa hẳn là hiệu quả khi so với đường biển.
Thứ
ba là vấn đề về phụ thuộc và an ninh. Giả sử như việc vận chuyển được thực
hiện một cách trơn tru và theo thời gian một số lượng lớn hàng hoá đáng kể từ
Việt Nam được vận chuyển thông qua con đường này. Con đường này nghiễm nhiên trở
thành một loại vũ khí để Trung Quốc mặc cả với Việt Nam trong các thoả thuận giữa
hai nước.”
Và bất lợi sau cùng, tến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhấn mạnh rằng “ Tuyến đường sắt này có lợi
nhất cho Trung Quốc vì nó giúp hàng hoá có thể được vận chuyển dễ dàng từ các
vùng nội địa của Trung Quốc tiếp cận với các cảng ở miền Bắc của Việt Nam rồi
sau đó thông ra biển.”
Đài RFA trao đổi với một vài doanh nghiệp xuất
khẩu tại Việt Nam và được họ cho biết rằng xuất hàng đến Châu Âu bằng đường sắt
đối với họ là một lựa chọn tạm thời.
Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, có trụ sở tại
Sài Gòn nói với RFA rằng công ty của ông vẫn sẽ chọn phương thức vận tải đường
biển sau khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
“Thật ra nếu sau dịch COVID-19 phục hồi thì các hãng
tàu hoạt động trở lại thì giá cả sẽ bị cạnh tranh và chắc chắn đi bằng đường biển
sẽ chiếm ưu thế hơn đi bằng đường sắt. Tại vì, chẳng hạn như đi bằng đường biển
thì chỉ cập một vài cảng thôi hoặc cũng có thể trung chuyển qua một tàu lớn là
đi thẳng luôn, chứ không dừng lại nhiều chặng. Vận chuyển đường sắt không vận
chuyển được nhiều. Một đoàn tàu vận chuyển khoảng vài chục toa là hết rồi,
nhưng một con tàu chở cả ngàn container thì vẫn có ưu thế hơn chứ.”
No comments:
Post a Comment