https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2390031914463558
Con người sinh ra phải đi nên biết đo quãng đường
dài hay ngắn, phải làm việc nên biết ngày đêm mà tính thời gian. Toán học đến với
con người từ cuộc sống. Học Toán là nhu cầu tự nguyện. Tự nguyện đến mức thành
thuộc tính.
Nhưng học Toán ngoài phạm vi nhu cầu sẽ dẫn đến
hoang phí và tội lỗi. Người phải học bị hoang phí về trí não, thời gian, công sức,
tiền bạc. Người bắt học có tội vì gây ra hoang phí cho người học và cho toàn xã
hội. Đó là chưa nói đến tác hại của giận dữ và chống đối.
Con người sinh ra phải chung sống với nhau, phải
chống chọi với thiên nhiên, phải duy trì nòi giống, phải nói chuyện với nhau,
phải đối xử với nhau… – từ đó mà sinh ra Văn. Văn là nhu cầu thiết yếu của con
người. Con người lớn lên không biết mình đã tự nguyện học Văn. Học Văn là thuộc
tính của con người. Nhưng học Văn ngoài phạm vi nhu cầu – cũng như học Toán –
cũng dẫn đến hoang phí và tội lỗi.
Văn không chỉ để cho người theo nghiệp Văn.
Toán không chỉ để cho người theo nghiệp Toán. Tương tự như vậy là các bộ môn Vật
Lý, Hoá Học, Sinh Học, Địa Lý, Lịch Sử, Thiên Văn Học, Triết Học… – không của
riêng ai. Mỗi cá nhân đều có nhu cầu. Chỉ khác nhau ở phạm vi và mức độ mà
không có thước đo chính xác.
Nhân đọc đề thi môn Văn của Kỳ thi Tốt nghiệp
THPT năm 2021, xin mạo muội đưa ra vài điều suy nghĩ. Thực lòng, là đã từ lâu lắm
rồi – phải thay đổi mục đích và cách thức ra đề thi môn Văn. Đi trước đó là
cách dạy Văn và học Văn.
I. BỎ PHẦN “ĐỌC HIỂU”
18 tuổi dư thừa khả năng sinh con cái để nối
dõi giống nòi, trở thành người lính ra mặt trận, trở thành công dân được bỏ phiếu
lựa chọn nguyên thủ quốc gia. Những chức năng trọng đại vừa nêu không yêu cầu
“ĐỌC HIỂU”.
Ai cũng cần “ĐỌC” để “HIỂU”. Nhưng “ĐỌC HIỂU”
là yêu cầu cho người mới học chữ, cho giai đoạn đầu học chữ. Yêu cầu “ĐỌC HIỂU”nên
dừng ở giai đoạn Tiểu học. Nhiều lãnh đạo cao cấp của nhà nước VNDCCH và
CHXHCNVN cũng chỉ học hết bậc Tiểu học. Họ chỉ đạo cả Bộ Giáo Dục và Đại học,
chỉ đạo cả Hội Nhà Văn…Họ không phải thi “ĐỌC HIỂU”. Người khác phải trích dẫn
họ để “ĐỌC HIỂU”!
“ĐỌC HIỂU” (với những câu hỏi mang tính dò câu
chữ để sao chép lại làm câu trả lời) trong đề thi môn Văn TN THPT Quốc gia,
dành cho những người 18 tuổi trưởng thành với 3 chức năng trọng đại vừa nêu trên,
dường như đã hạ thấp giá trị hiểu biết và tư thế của người tốt nghiệp THPT trên
bình diện quốc gia.
Sẽ có người biện luận rằng “ĐỌC HIỂU” trong đề
thi Văn Tốt nghiệp PTTH là thuộc “mức độ cao” (bỗng chợt liên hệ đến mức độ
‘tín nhiệm cao” của QH!). Đó là sự giải thích không có cơ sở, vì không có thước
đo “mức độ cao”. Nếu là “ĐỌC HIỂU” ở “mức độ cao” như có ai đó mong muốn, thì
điều đó được thể hiện ở phần “LÀM VĂN”.
Xin xem phần “ĐỌC HIỂU” của đề thi năm 2021 để
đối chiếu. Các câu hỏi của phần “ĐỌC HIỂU” trong đề thi này mang tính dò câu
trích chữ, không xứng với vị trí và tâm thế của người trưởng thành trước lúc đi
ra “biển lớn”.
Không phải nhà văn nước ngoài nào viết điều gì
cũng đúng, cũng hay, chưa nói đến bản dịch không sát nghĩa, thậm chí còn sai.
Đoạn trích của đề thi Văn năm 2021 là đoạn Văn dài mà chuyển tải ít thông tin –
chưa xứng để trích làm mẫu cho một đề thi Văn Tốt nghiệp THPT Quốc gia. Trong
đoạn văn có lỗi ngữ pháp, có cách biểu đạt chưa chính xác, tối nghĩa. Ví như
“Dòng sông, giờ đã ở tuổi xế chiều”. Chẳng biết thế nào là “tuổi xế chiều” của
dòng sông. Hay như “món quà cuối cùng mà nước dành tặng cho loài người, trước
khi nó hiến mình cho đại dương vào lúc cuối đời”. Sao lại “cuối đời”? Phải
chăng là do dịch sai? Không muốn bàn thêm chi tiết ở đây, vì khuôn khổ hạn chế
của bài viết, dẫu biết rằng sẽ dẫn đến sự tranh luận. Nhưng tóm lại, đoạn trích
dẫn là một sự lựa chọn chưa thoả đáng. Có thể là do yêu cầu mỗi người khác
nhau.
Từ bao giờ, sự trích dẫn tác giả nước ngoài
mong trở thành chiếc khiên che chở khỏi sai sót? Điều này khá phổ biến trong
các đề thi Văn, và trong cả biên soạn sách giáo khoa môn Văn.
II. CÁC HẠN CHẾ
TRONG PHẦN “LÀM VĂN”
Hạn chế thứ nhất, rằng đã hình thành một “thói
quen” – một “thói quen” không sòng phẳng – khi lấy tác phẩm của các nhà văn nhà
thơ trưởng thành từ miền Bắc thời VNDCCH và CHXHCNVN làm đề thi nghị luận cho
môn Văn trong nhiều năm.
Thi Văn tốt nghiệp THPT Quốc gia phải bao quát
văn chương qua suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Thi Văn tốt nghiệp THPT Quốc
gia không dừng lại ở thể chế, vùng miền.
Điểm hạn chế thứ 2 cần lưu ý – là dù nhà văn
nhà thơ có xuất sắc đến đâu cũng có nhiều người không đọc. Lấy tác phẩm của một
người làm nội dung xuyên suốt cho bài nghị luận, không chỉ không công bằng cho
những người chưa biết đến tác phẩm, tác giả, mà quan trọng nữa là sẽ hạn chế khả
năng vùng vẫy của những tài năng (đừng lý luận là có trong chương trình, có
trong chương trình mà không yêu thích thì cũng không nhớ đến).
Kiến thức môn Văn sau 12 năm học mênh mông như
biển khơi. Mênh mông không phải do kiến thức học được. Mà do kiến thức học được
lại được nhân lên cấp số nhân bởi tư duy của người làm Văn. Gò bó trong một tác
phẩm, tác giả – là trói buộc mức độ thể hiện kiến thức. Đừng nghĩ rằng các em
chưa đủ dự trữ để thể hiện. Hãy tạo cơ hội cho các em thoả thích thể hiện tài
năng.
Bởi thế, đề thi nghị luận môn Văn cần khắc phục
các điểm hạn chế vừa nêu. Tránh bám vào một giai đoạn, một thể chế, một vùng miền.
Tránh bám vào một cá nhân, một tác phẩm.
Văn ôn võ luyên. Nhưng thi theo các bài được
ôn kỹ, theo một số tác giả tác phẩm, như thường nói “trúng tủ”, không đưa đến
thành tựu xuất sắc. Điểm cao không phải là điều để khen, càng khó tự hào.
III. ƯỚC MONG MỘT
ĐỀ THI VĂN KHÁC
Ra đề thi như thế nào thì học thi theo cách
đó.
Lần câu trích chữ để trả lời những câu hỏi
trong phần “ĐỌC HIỂU” là cách ra đề vụn vặt.
Bám vào một tác phẩm của một tác giả trong phần
“LÀM VĂN” để nghị luận là hạn hẹp.
Những tài năng Văn Việt là do trời phú và học
hỏi ở đời, chứ không phải sinh ra từ cách thi “ĐỌC HIỂU”, cũng không nhờ cách
nghị luận hạn hẹp trong khuôn khổ một cá nhân, một tác phẩm. Tài năng không thể
trói buộc. Chịu trói buộc không thể hoá tài năng.
18 tuổi lập gia đình riêng. 18 tuổi đi nghĩa vụ
quân sự. 18 tuổi trở thành công dân được quyền bầu chọn nguyên thủ quốc gia. Đó
là tuổi ra biển lớn đề vùng vẫy. Phải chuẩn bị hành trang và dựng xây tâm thế
cho kình ngư, không bao giờ nhồi nhét nghĩ suy của loài quanh quẩn. Đó mới là mục
đích sâu xa của Giáo dục Phổ thông mà môn Văn giữ một vai trò trụ cột.
Người Nhật không chọn loài cá quanh quẩn để ăn
sống. Họ chọn những loài cá vùng vẫy để làm món Sashimi.
Dẫu có phải chết cũng nên là loài vùng vẫy. Muốn
là loài vùng vẫy thì phải được khuyến khích, nuôi dưỡng và dạy dỗ làm loài vùng
vẫy.
Bài
viết có tính phản biện chí lý. Thế nhưng vấn đề ở đây là không thể có sự đột
phá trong ra đề thi môn văn khi mà quá trịnh học không được thay đổi. Ông bộ
trưởng hiện nay và tiếp theo rồi cũng thế cả thôi. Vấn đề là ở chỗ thể chế, đừng
trách hs chán học văn, học sử!
No comments:
Post a Comment