Saturday, 24 July 2021

TỪ BÊN NÀY NHÌN VỀ BÊN KIA (Mặc Lâm)

 


Từ bên này nhìn về bên kia

Mặc Lâm

21 tháng 7, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/tu-ben-nay-nhin-ve-ben-kia/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/07/217027809_1652658058261110_5771140007931265189_n-1024x768.jpg

Việt Nam có vô số tổ chức do chính quyền quản lý nhưng cuối cùng chỉ có người dân là tự lo cho nhau (ảnh từ Facebook Nguyễn Huyền Trang – một trong những thiện nguyện viên hoạt động rất mạnh từ đầu dịch đến nay)

 

Người Việt xa quê trong những ngày này nhìn về đất nước mà xót xa như chính mình bị vòng vây của con virus hành hạ. Cảm giác lo sợ cho người thân ngày một tăng cao tỷ lệ thuận với con số người mắc bệnh. Bên cạnh lo lắng là một nỗi giận dữ, giận dữ vì cách mà nhà nước gọi là chống dịch dựa trên những câu chữ ngô nghê, những biện pháp chắp vá, những kế hoạch rách rưới và phương tiện đang dùng để chống dịch là kẽm gai và cây ba trắc.

 

Người xa quê cũng từng bị dịch bao vây và gây không ít sự lo sợ. Ở Mỹ, nơi có con số tử vong cao nhất thế giới, ở Pháp dịch bệnh hành hạ triền miên không ngơi nghỉ. Những nước có người Việt định cư thông tin cho người nhà ở Việt Nam biết sự trải nghiệm của chính mình trước dịch bệnh và trước các ứng phó của chính quyền, trong đó không có bất cứ chi tiết nào giống với Việt Nam đang áp dụng hiện nay.

 

Có lẽ Mỹ là quốc gia có con số nạn nhân lên cao chưa từng thấy, luôn dẫn đầu thế giới về lây nhiễm lẫn tử vong, thế nhưng bên ngoài đời sống xã hội không có bất cứ tình huống khẩn cấp nào xảy ra.

 

Chính phủ yêu cầu bịt khẩu trang, giãn cách, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh bị cấm không được cho phép khách hàng vào quá con số quy định nhưng vẫn cho phép được bán mang về nhà. Uber và hệ thống delivery (mang hàng đến tận nhà) vẫn hoạt động bình thường và nhờ nó mà không ai cảm thấy bị cô lập. Chính sách này giúp thu nhập của những hộ thu nhập nhỏ ổn định và nền kinh tế vì thế không lâm vào bị động.

Không có hoạt động từ thiện nào nhằm giúp người nghèo vì đã có hệ thống an sinh xã hội của chính phủ lo liệu.

 

Khi vaccine được cho phép, nhân viên y tế và điều dưỡng, viện dưỡng lão, người bệnh nền trên 60 tuổi được ghi danh chích ngừa rồi sau đó là những lứa tuổi khác. Không một ai chích nhờ “Ông ngoại” hay nhờ tiền. Mọi giai tầng xã hội được hành xử ngang nhau và khái niệm con ông cháu cha không có ở đất nước này. Cho tới nay hơn 60% dân chúng đã được chích ngừa số còn lại không … chịu chích vì sợ, vì không tin vào sự tồn tại của con virus hay vì chờ một loại vaccine hoàn hảo hơn. Đối phó với thái độ này chính quyền nhiều tiểu bang kêu gọi đủ các cách, kể cả phát tiền, phát vé số, phát quà lưu niệm… để người dân thấy ham mà đi chích!

 

Trong khi đó chính quyền bên nhà lại không làm như vậy, họ làm bằng tư tưởng Hồ Chí Minh, họ chống dịch như chống giặc, hay dễ hơn: ngăn sông cấm chợ.

 

Ngay từ những ngày đầu Sài Gòn bị phong tỏa cả thành phố trở thành u ám và trầm uất. Người ta không biết phải dự trữ loại lương thực nào khi các chợ lớn nhỏ của người dân đều bị triệt để đóng cửa. Trong khi đó nhà nước cho phép các siêu thị mở cửa mà không có giới hạn hay biện pháp chống dịch nào khi hàng ngàn người tràn vào mua lương thực về trữ. Cả thế giới đều biết hệ thống siêu thị với không gian đóng kín vì giữ lạnh cho thực phẩm là nơi tốt nhất cho virus lan truyền, trong khi chợ ngoài trời có thể vừa giúp người dân thu nhập vừa an toàn hơn siêu thị thì lại bị rào kẽm gai cấm đoán!

 

Người dân chỉ được phép ra ngoài mua lương thực thực phẩm, các thứ khác đều bị phạt rất nặng vì chính quyền cho rằng phải làm cứng thì người dân mới sợ! Cách trị dân bằng ba trắc vẫn là nền tảng trong mọi chính sách và vì vậy đây có lẽ là làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh chăng?

 

Cái bất hạnh nhất của dân chúng đang phải chịu đựng là nhà nước nhìn người dân bình đẳng ngang nhau, không có người giàu hay nghèo, tất cả đều là “nhân dân” và nhân dân chỉ khác “đảng viên” mà thôi.

 

Vì là nhân dân nên không có giai cấp. Nhà nước không nhận ra trong cái giai cấp nhân dân ấy có cả giai cấp “ở đợ”, “ăn mày”, “bán vé số” cùng hàng chục loại ngành nghề vô danh khác. Khi bị nhốt, khả năng chết đói rất cao, họ không biết kêu van với ai và người nghe họ cũng chính là “nhân dân” chung quanh họ. Cái khó khăn của Sài Gòn được chính người Sài Gòn giải quyết trong khả năng của mình. Những gói quà cứu đói, những bọc rau xanh, những ổ bánh mì nóng hổi được chuyền tay nhau trong lòng thành phố. Mạch sống được thổi vào không những từ vật chất mà còn đầy ắp niềm bác ái, chia sẻ của người dân. Nó làm người ta tạm quên trận dịch, quên những bất công mà chính quyền đang trút lên đầu họ.

 

Người ta không thể bị nhốt trong nhà khi không có tiền để nuôi cả gia đình, nhất là những người sống ở ngoại ô và làm việc trong thành phố. Vì phong tỏa nên chính quyền ra một biện pháp nhằm “hỗ trợ” cho người đi làm bằng cách khi vào thành phố phải có “giấy thông hành chứng nhận âm tính”. Thế là hàng ngàn người chen lấn để được test và sau ba ngày thì cái giấy chứng nhận ấy lại không còn hiệu lực!

 

Song song với dịch bệnh Covid-19, Việt Nam nảy sinh ra một loại cúm khác: cúm rúm. Đây là loại bệnh nền của những cơ thể tuy lành mạnh nhưng rất sợ hãi mọi thứ chung quanh, sợ mất quyền lực, sợ mất ghế, sợ mất của nả… Từ cái “bệnh nền” này, chính quyền chống dịch bằng kẽm gai và xử phạt thay vì bằng những chính sách khôn ngoan, lấy sự sống của dân làm trọng.

 

Từ Mỹ, từ Pháp, Anh, Đức…, nếu nhìn về Việt Nam lúc này, chúng ta thấy gì trong mỗi đồng bào của mình?

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats