Trung
Cộng 100 tuổi đã quá già!
08/07/2021
https://www.voatiengviet.com/a/trung-cong-100-tuoi-da-qua-gia/5957243.html
https://gdb.voanews.com/7A3DA15C-75A8-41C9-8F72-4EDC9D98B5AD_w1023_r1_s.jpg
Vương Hưng, nhà
sáng lập Mỹ Đoàn, đánh tiếng coòng trong một sự kiện của công ty tại thị trường
chứng khoán Hong Kong, tháng Chín, 2018.
Cộng sản Trung Quốc đang chính thức kỷ niệm
100 năm ngày thành lập đảng, từ một buổi họp bí mật tại thành phố Thượng Hải,
trong tô giới Pháp, năm 1921. Nhưng Tập Cận Bình đang giết “con gà đẻ trứng
vàng” của kinh tế Trung Quốc khi đánh đòn dằn mặt các công ty kỹ thuật cao cấp
nhất.
Hồi tháng Năm vừa qua, anh Vương Hưng vừa mất
tiêu $2.5 tỷ đô la trong hai ngày khi cổ phần công ty anh làm chủ bị mất giá,
chỉ vì anh lỡ đưa lên mạng một bài thơ Đường 28 chữ. Anh đã “biết tội,” xin lỗi
tất cả mọi người và đem xóa bài thơ ngay! Nhà nước chưa nói tiếng nào hết.
Nhưng ai cũng thấy bài thơ đó “có vấn đề” và chỉ bấy nhiêu cũng làm cổ phần tụt
giá một phần năm!
Vương
Hưng (Wang Xing, 王兴) lập công ty
Meituan (Mỹ Đoàn) từ 9 năm nay; chuyên bán hàng giao tận nhà. Đầu năm
nay giá cổ phần của công ty tăng gấp bốn lần so với năm trước. Vì bệnh dịch
Covid, cũng giống như Amazon ở Mỹ, giá trị cả công ty Meituan lên tới $220 tỷ mỹ
kim, đứng hàng thứ ba sau Tencent và Alibaba.
Tại sao một bài thơ “tứ tuyệt” (bốn câu) của
Chương Kiệt nói chuyện Tần Thủy Hoàng lại gây tai họa cho một kỹ sư 42 tuổi?
Bài thơ “Phần Thư Khanh” (Cái hố Đốt sách) có bốn
câu:
Trúc bạch yên tiêu đế nghiệp hư
Quan hà không tỏa tổ long cư
Khanh khôi vị lãnh san đông loạn
Lưu Hạng nguyên lai bất độc thư
Giải thích:
Làn khói đốt giấy lụa làm bằng trúc làm hỏng cả
đế nghiệp.
Giang sơn kinh đô nơi rồng (Tần Thủy Hoàng) cư
ngụ không tránh được nguy hiểm.
Khói trong hố chưa lạnh thì vùng núi phía Đông
đã loạn.
Lưu (Bang) Hạng (Võ) thì vốn không hề đọc
sách.
Bài thơ chỉ phê bình chính sách đốt sách (Đạo
Nho) thời Tần Thủy Hoàng (221-206 BC). Nhưng bây giờ ở nước Trung Quốc hễ nói tới
Tần Thủy Hoàng thì người ta hiểu là ám chỉ Tập Cận Bình! Tập Cận Bình có đốt
sách không? “Đốt sách” có thể là văn ảnh mô tả các hành động đàn áp giới trí thức,
văn nghệ, và kiểm soát các mạng internet! Coi chừng! Khói đốt sách chưa lạnh
dân đã nổi lên! Mà những lãnh tụ nổi dậy họ đâu có đọc sách!
Chỉ vì bài thơ của Chương Kiệt đời Đường
(618-907) mà cổ phần công ty Meituan đã bị giảm mất $26 tỷ trong hai ngày!
Một tỷ phú khác trong ngành kỹ thuật cao cũng
mới bị chính quyền cộng sản làm mất hàng tỷ mỹ kim là Trình Duy (程维, Cheng Wei), người sáng lập công ty Didi (Tích Tích, 滴滴) giống như Uber thay thế các taxi ở Mỹ. Công
ty này mới ghi tên trên Thị trường Chứng khoán New York, được đánh giá $70 tỷ
đô la. Hai ngày sau, cơ quan Quản Lý Mạng (CAC) ở Bắc Kinh loan báo mở cuộc điều
tra về hoạt động của Didi, và ra lệnh lột bỏ trên mạng các “app” của Didi như
“Tích Tích Xuất Hành, Tích Tích Đả Xa). Tức là ai chưa cài sẵn các “áp” này
không thể gọi xe được nữa. Ngày Thứ Ba 6 tháng Bảy, khi thị trường New York mở
cửa, giá trị cả công ty giảm mất $22 tỷ.
Bắc Kinh đã liên tiếp tấn công các công ty kỹ
thuật cao của tư nhân, từ các công ty tài chánh, trò chơi điện tử, đến buôn bán
trên mạng (e-commerce). Trong tháng Sáu, có 129 công ty bị điều tra. Ngày 5 tháng
Bảy, ba công ty giao hàng hoặc chuyên về thuê xe vận tải được lệnh ngưng nhận
khách hàng mới. Một công ty chuyên việc giới thiệu và tuyển người trên mạng
cũng vậy. Mấy công ty vận tải cũng mới ghi tên trên thị trường chứng khoán ở Mỹ,
thâu hơn $2 tỷ đô la trong tháng trước. Các nhà đầu tư quốc tế mất tiền!
Chính quyền Trung Cộng muốn “trù ểm” các công
ty ghi tên mua bán cổ phiếu ở Mỹ hay không? Không có lý. Vì các công ty chỉ
thâu tiền của giới đầu tư Mỹ! Loan báo “điều tra tội lỗi” một công ty “ngay sau
khi” họ bán cổ phiếu trên một thị trường quốc tế đúng là một hành động cố ý, để
trừng phạt tư doanh, trong khi cuộc điều tra chưa kết thúc.
Công ty Ant Group của nhà tỷ phú Jack Ma (Mã
Vân, 馬 云)
may mắn hơn. Công ty tài chánh Mã Nghĩ Tập Đoàn (螞蟻集團) cũng gọi là Alipay,
chuyển tiền giữa người mua kẻ bán, năm ngoái số thương vụ lên tới $20 ngàn tỷ mỹ
kim, với 588 triệu người mua và 80 triệu người bán hàng. Họ định phát hành cổ
phiếu, ước tính trị giá khoảng $37 tỷ đô la, lần đầu vào tháng 11 năm ngoái
trên các thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải. Công ty được lệnh
ngưng trước khi ra mắt giới đầu tư! Chỉ vì Jack Ma, cũng là chủ công ty
Alibaba, đã lỡ miệng phê bình mấy chính sách về thị trường tài chánh của nhà nước.
Nhà nước Trung Cộng đã bắt công ty Ant Group
phải cải tổ, và Alibaba phải đóng tiền phạt ¥18 tỷ đồng nguyên. Jack Ma vốn là
một đảng viên cộng sản. Các công ty Alibaba và Ant Group đều lập chi bộ đảng
trong hơn 200 cơ sở hoạt động, năm 2018 đã có 7,000 đảng viên. Ông ta đã “đi ẩn”
không ló mặt suốt ba tháng. Bà vợ ông, nghe nói, đã xin được quốc tịch
Singapore từ mấy năm nay.
Cộng sản Trung Quốc đang thắt chặt vòng kiềm tỏa
trong lãnh vực tư doanh. Mặc dù vẫn “định hướng xã hội chủ nghĩa,” coi doanh
nghiệp nhà nước mới là “con cưng” của Đảng, nhưng Tập Cận Bình cũng biết 80 phần
trăm công ăn việc làm ở các thành phố là do tư doanh cung cấp. Năm 2017, Tập
đưa ra chỉ thị “củng cố sự lãnh đạo của Đảng” trong các doanh nghiệp tư. Tiêu
biểu là công ty Hodo (Công Đậu Tập Đoàn, 红豆集团) chuyên may quần áo, ở tỉnh Giang Tô. Hodo dùng 30,000 công nhân, với
hàng ngàn đảng viên trong hàng trăm chi bộ. Dù công ty do một gia đình tư nhân
làm chủ, tất cả các chức vụ quản lý đều nằm trong tay đảng viên. Một nửa các
công ty tư nhân ở Trung Quốc đều do một đảng viên đứng đầu.
Chính sách của Tập Cận Bình bảo đảm guồng máy
Đảng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh. Nhưng chính sách đó có giúp
cho nền kinh tế tiến lên để bắt kịp các nước tư bản hay không?
Nếu Trung Quốc chỉ lo bắt chước các kỹ thuật
và phương pháp làm ăn của thế giới tư bản, thì Đảng Cộng sản có thể yên tâm tiếp
tục “lãnh đạo!” Những công ty nổi tiếng nhất hiện nay, như Tencent, Alibaba,
Ant, Didi, Huawei, vân vân, đều học hỏi các kỹ thuật được phát minh trước, rồi
mô phỏng các hoạt động kinh doanh đã được các công ty Âu Mỹ thử nghiệm và thành
công.
Nhưng muốn cho kinh tế vượt lên cao hơn nữa
thì sẽ phải có những sáng chế mới, phát kiến những phương pháp làm ăn mới. Kinh
tế tư bản phát triển không ngừng là nhờ một quá trình “phá hủy để sáng tạo.”
Người ta luôn luôn phát hiện các hiểu biết khoa học mới, tìm ra những kỹ thuật
mới. Trong một thế kỷ qua, những khám phá, phát minh quan trọng nhất trong
ngành tin học thường xuất hiện ở Mỹ và mấy nước Âu châu. Ai đóng vai trò chủ yếu
gây ra những tiến bộ đột phá đó? Phần lớn là những thanh niên “nghịch ngợm”
(hackers) trong các đại học, hoặc làm trong các công ty nhưng được tự do dùng
thời giờ của mình, muốn làm gì thì làm. Và cá nhân họ thường được hưởng kết quả
tài chánh do sáng kiến của mình đem lại.
Những nhà sáng chế đó đã tìm ra chất bán dẫn.
Họ đã tạo ra “con chíp” trên miếng silicon, từ đó có thể làm toán bằng điện tử.
Họ đã làm ra các máy vi tính cá nhân, để trên bàn mỗi người! Họ đã tìm cách nối
các máy đó lại với nhau, nói chuyện với nhau, gửi thư cho nhau được, rồi truyền
âm thanh, hình ảnh cho nhau.
Không thể nào tưởng tượng các “chi bộ đảng”có
thể tạo cơ hội cho các đảng viên biến thành các nhà sáng chế như vậy!
Khi Tập Cận Bình thắt chặt vòng kiểm soát của
đảng trên các xí nghiệp kỹ thuật tối tân, ông sẽ thành công. Đảng sẽ bảo vệ được
quyền hành. Lối sống trên bảo dưới nghe, không được than phiền, cấp dưới không
cần góp ý kiến, không được chỉ trích, sẽ được duy trì. Nhưng tiến bộ kinh tế sẽ
khó lòng đạt được.
No comments:
Post a Comment