Thursday, 15 July 2021

TÔN GIÁO THÁNG 6/2021 : GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM QUYẾT LIỆT BẢO VỆ TIỀN CÔNG ĐỨC (Thái Thanh - Luật Khoa)

 


Tôn giáo tháng 6/2021: Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết liệt bảo vệ tiền công đức

THÁI THANH  -  Luật Khoa

15/07/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/07/ton-giao-thang-6-2021-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-quyet-liet-bao-ve-tien-cong-duc/

 

Các tin khác : Cơ hội thay đổi chính sách đất đai về tôn giáo; “đạo lạ” âm thầm phát triển.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/image-1024x536.png

Ảnh: Phật tử Việt Nam (trái), Thời báo Tài chính. Xử lý ảnh: Luật Khoa

 

Bản tin Tôn giáo tháng 6/2021 có những tin chính:

 

·         [Tôn giáo 360 độ]

·         Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phản đối dự thảo thông tư của Bộ Tài chính về việc quản lý tiền công đức 

·         Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất cho mục đích tôn giáo

·         Ngày kỷ niệm sáng lập Phật giáo Hòa Hảo: Công an tiếp tục lập chốt chặn an ninh tại trụ sở

·         Công an tỉnh Tuyên Quang: Vận động người dân không theo “tà đạo” Dương Văn Mình

·         BPSOS: Giáo dân giáo xứ Cồn Dầu đã an cư như mong muốn sau 10 năm đấu tranh

·         Một nhóm người bị bắt vì liên quan đến tà đạo và phỉ báng chính quyền

·         [Bạn có biết]

·         “Đạo lạ” là gì? Việt Nam có bao nhiêu “đạo lạ”?

 

                                                            ***

 

[Tôn giáo 360 độ]

 

Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phản đối dự thảo thông tư của Bộ Tài chính về việc quản lý tiền công đức 

 

Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính được công bố vào ngày 28/4/2021 liên quan đến quản lý tiền công đức đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Phật tử và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [1]

 

Dự thảo này nhằm hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

 

Hai vấn đề bị phản đối nổi bật của bản dự thảo liên quan đến tiền công đức, cụ thể là (1) không cho phép sở hữu cá nhân đối với tiền công đức và (2) can thiệp vào việc quản lý tài chính (yêu cầu tổ chức tôn giáo phải mở tài khoản, quy định các khoản thu, chi; yêu cầu báo cáo với nhà nước về các vấn đề tài chính liên quan đến tiền công đức).

 

Nhiều Phật tử đã góp ý về bản dự thảo này ngay trên trang web của Bộ Tài chính. [2] Họ cho rằng việc cho, tặng tiền, tài sản cho các cơ sở thờ tự, nhà tu hành là quyền của họ và không đồng ý cho bên thứ ba nào can thiệp vào việc sử dụng và quản lý.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/image-1.png

Người đi chùa bỏ tiền vào hòm công đức. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết họ không được Bộ Tài chính lấy ý kiến trước về bản dự thảo.

 

Trong bản kiến nghị ngày 17/6/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng nội dung dự thảo không hợp hiến, không hợp pháp, không đảm bảo quyền sở hữu. Ngoài ra, dự thảo còn “không bảo đảm sự bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật” khi dùng cách gọi “tiền công đức”, vốn là thuật ngữ chỉ phổ biến ở Phật giáo. [3]

 

Giáo hội Phật giáo cho rằng tiền công đức phải là sở hữu riêng của giáo hội và nhà tu hành thuộc giáo hội.

 

Giáo hội đề nghị nhà nước phải hủy bỏ toàn bộ các quy định về thu chi, quản lý tiền công đức, hoặc phải quy định rõ về tiền công đức đồng thời cam kết nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức của các tổ chức, cơ sở tôn giáo và nhà tu hành.

 

Trong cuộc họp với Ban Tôn giáo Chính phủ vào ngày 30/6/2021, Bộ Tài chính cho biết dự thảo của họ phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, và không có ý can thiệp vào nội bộ của các tổ chức, cơ sở tôn giáo. [4]

 

 

Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất cho mục đích tôn giáo

 

Vào ngày 3/6/2021 trong một cuộc họp với Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết các vấn đề đất đai tôn giáo ngày càng phức tạp và cần những chính sách mới. [5]

 

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Luật Đất đai 2013 còn nhiều vướng mắc, bất cập trong việc quản lý đất đai của các tổ chức tôn giáo như về quy trình giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc sử dụng đất cho các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng khu du lịch tâm linh, giải quyết mâu thuẫn về đất đai, v.v. 

 

Báo cáo này thừa nhận chính sách đất đai hiện tại “chưa có hướng giải quyết đối với đất đai tôn giáo phát sinh, trong khi xu thế của tôn giáo là phát triển, nên nhu cầu đất cho mục đích tôn giáo là có thực”.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/image-2.png

Một cuộc xung đột liên quan đến tranh chấp đất tại Đan viện Thiên An năm 2017. Ảnh: Đan viện Thiên An.

 

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay có khoảng 29.801 cơ sở tôn giáo, tăng 5.801 cơ sở so với năm 2008, nhưng quỹ đất dành cho tôn giáo lại không tăng.

 

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 và Luật Đất đai năm 2013 đang trong giai đoạn tổng kết. Đây là cơ hội cải tổ về chính sách đất đai cho các tổ chức tôn giáo.

 

Chính sách về đất đai là một trong những vấn đề hàng đầu về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Dù đã có nhiều thay đổi về chính sách đất đai nói chung, nhưng chính quyền vẫn duy trì một chính sách mang tính phân biệt đối xử với các tổ chức tôn giáo.

 

Xem thêm: 4 vấn đề đất đai gây bất công cho các tổ chức tôn giáo

 

 

Ngày kỷ niệm sáng lập Phật giáo Hòa Hảo: Công an tiếp tục lập chốt chặn an ninh tại trụ sở

 

Ngày 26/6/2021, ông Lê Quang Hiển, chức sắc thuộc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, cho biết công an tiếp tục lập chốt chặn an ninh như mọi năm để ngăn người đến trụ sở của giáo hội tại xã Long Giang (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) để dự lễ kỷ niệm ngày sáng lập. [6]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/Untitled-design5-1024x576.jpg

Ảnh chụp các chốt chặn trước trụ sở Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy. Nguồn: Facebook Lê Quang Hiển

 

Chưa có báo cáo nào về hoạt động sách nhiễu của công an đối với các tín đồ của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.

 

Việc công an lập chốt chặn ngay tại trụ sở của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy là hoạt động diễn ra thường xuyên vào các ngày lễ lớn để ngăn cản tín đồ tập trung.

 

Không chỉ đối với giáo hội, lực lượng an ninh cũng thường xuyên ngăn cản hoạt động sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở Phật giáo Hòa Hảo độc lập và nhà riêng của tín đồ. Các nhóm này bị chính quyền xem là tổ chức tôn giáo bất hợp pháp nên không được sinh hoạt tôn giáo tập trung.

 

 

Công an tỉnh Tuyên Quang: Vận động người dân không theo “tà đạo” Dương Văn Mình

 

Đầu tháng 6/2021, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết họ đã ra sức vận động 80 hộ dân người Mông ở thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên không theo “tà đạo” Dương Văn Mình. [7]

 

Công an tỉnh này cho rằng Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhưng cũng nghiêm khắc xử lý hoạt động cuồng tín, trái với lợi ích của quốc gia, lôi kéo quần chúng chống chính quyền xã hội chủ nghĩa.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/image-3.png

Một buổi vận động người dân không theo “tà đạo”. Ảnh: Công an tỉnh Tuyên Quang.

 

Đạo Dương Văn Mình ra đời vào những năm 1980, trong đó chủ yếu là hoạt động cải biến các nghi lễ truyền thống cổ xưa của người Mông theo hướng tiến bộ hơn.

 

Đạo này thường xuyên xuất hiện trong các báo cáo quốc tế về tự do tôn giáo tại Việt Nam liên quan đến các vụ việc bị công an tấn công, tháo dỡ cơ sở thờ tự, sách nhiễu, trừng phạt tín đồ bằng án tù, v.v.

 

Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế về Việt Nam năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các lãnh đạo của đạo Dương Văn Mình cho biết chính quyền đã cho phép dùng một số “nhà đòn” để cất chứa dụng cụ làm tang lễ. [8] Nhà đòn là tên gọi của một trong những nơi sinh hoạt tôn giáo của đạo này mà chính quyền từng kiên quyết dỡ bỏ. Hơn 19 căn nhà đã bị tháo dỡ vào năm 2019.

 

Tuy nhiên, bài viết của Công an tỉnh Tuyên Quang cho thấy chính quyền kiên quyết chống đạo Dương Văn Mình. Bài viết gọi đạo này là tà đạo, thế lực thù địch, tổ chức bất hợp pháp và kiên quyết không để người dân tham gia.

 

Cách gọi này không chỉ áp dụng cho đạo Dương Văn Mình mà còn đối với nhiều tôn giáo mới đang nổi lên như một làn sóng đáng chú ý tại Việt Nam.

 

 

BPSOS: Giáo dân giáo xứ Cồn Dầu đã an cư như mong muốn sau 10 năm đấu tranh

 

Sau 10 năm đấu tranh gian khổ, giáo dân giáo xứ Cồn Dầu (thành phố Đà Nẵng) đã được chính quyền cho phép an cư xung quanh khu vực nhà thờ như mong muốn. [9]

 

Tổ chức nhân quyền BPSOS cho biết đầu năm nay, chính quyền đã quy hoạch 170 lô đất quanh nhà thờ để các hộ dân từng tranh đấu được an cư như mong muốn của họ. Đã có khoảng 100 lô đất được cấp cho 50 hộ dân.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/image-4.png

Dãy nhà của giáo dân đang xây quanh nhà thờ Cồn Dầu vào ngày 21/05/2021. Ảnh: Mach Song Media

 

Sự kiện giáo xứ Cồn Dầu nổi lên vào năm 2010 khi chính quyền thành phố Đà Nẵng kiên quyết giải tỏa 4 thôn tại xã Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, trong đó có thôn Công giáo Cồn Dầu, để xây dựng một khu du lịch sinh thái. [10]

 

Quyết định giải tỏa không đạt được sự đồng thuận của giáo dân về giá đền bù cũng như khu vực tái định cư nên đã dẫn đến xung đột giữa hàng trăm hộ dân với chính quyền.

Trong 10 năm khiếu kiện, chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc trấn áp, cưỡng chế khác nhau khiến nhiều người phải vượt biên để tị nạn. Nhiều vụ việc đụng độ với công an đã khiến người dân phải lãnh án tù, bị thương và sống trong tình trạng bất ổn.

 

Đến năm 2017, chính quyền thành phố mới đồng ý tiến hành điều chỉnh quy hoạch khu vực xung quanh nhà thờ Cồn Dầu thành khu vực tái định cư cho các hộ dân của giáo xứ. [11]

 

 

Một nhóm người bị bắt vì liên quan đến tà đạo và phỉ báng chính quyền

 

Đầu tháng 6/2021, trang tin thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết Bộ Công an thông báo về việc bắt giữ một nhóm được cho là tà đạo và có hành vi phỉ báng lãnh đạo, đảng và nhà nước. [12]

 

Bài viết cho biết nhóm này bị bắt theo Điều 331, Bộ luật Hình sự – tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, bài viết không nêu rõ bao nhiêu người bị bắt và danh tính của họ.

 

Bài viết cho biết nhóm này có tên là “Pháph môn cần khaii vữngh trụ luậth làm trính tâm” (Pháp môn cần khai vững trụ luật làm chính tâm) do một tài khoản Facebook có tên là “Mẹ Báich Nhiên” lập ra và điều hành, bao gồm các hoạt động tâm linh như gia nhập nhóm, thờ cúng, cầu nguyện, v.v.

 

Đặc biệt, các thành viên sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội (Facebook và Youtube) để phổ biến các đoạn ghi hình chỉ trích lãnh đạo, đảng, và nhà nước với các hình thức như viết tội ác lên giấy rồi cắt nát tờ giấy bằng dao, kéo, rắc muối lên ảnh, nguyền rủa, v.v.

Trang tin của Bộ Công an chưa đưa ra thông báo chính thức cho vụ bắt giữ này.

 

Các tôn giáo mới đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Những nhóm này thường hoạt động dựa vào mạng xã hội hoặc bí mật để tránh sự can thiệp của chính quyền.

 

 

[Bạn có biết]

 

“Đạo lạ” là gì? Việt Nam có bao nhiêu “đạo lạ”?

 

Vào tháng 6/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết tính đến tháng 4/2021, Việt Nam có 85 “đạo lạ”. [13]

 

Những “đạo lạ” này còn được gọi là “tà đạo” – định nghĩa dành cho các nhóm, tổ chức tôn giáo bị chính quyền xem là hoạt động bất hợp pháp.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/image-5.png

Các tài liệu liên quan đến giáo phái Thanh Hải Vô Thượng sư, một nhóm bị chính quyền xem là “tà đạo”. Ảnh: Báo Công an Nhân dân.

 

Họ có thể là những tổ chức tôn giáo được truyền từ nước ngoài vào Việt Nam như Thanh Hải Vô Thượng Sư, Hội thánh Đức Chúa Trời hay các tôn giáo tự phát trong nước như Hội thánh Tin Lành Đấng Christ ở Tây Nguyên, đạo Dương Văn Mình ở miền núi phía Bắc, v.v.

 

Các đạo lạ này được xem là một phần của các hiện tượng tôn giáo mới tại Việt Nam nhưng có chiều hướng xấu, tiêu cực theo nhìn nhận của chính quyền.

 

Chính quyền Việt Nam vẫn chưa đưa ra định nghĩa chính thức về “tà đạo” hay “đạo lạ”. Các lý do để trừng phạt những nhóm này thường được viện dẫn một cách chủ quan.

Chính quyền và báo chí đã liên tục tuyên truyền một cách thống nhất về “đạo lạ” dựa trên bốn đặc điểm chủ yếu sau đây.

 

Thứ nhất, sinh hoạt bí mật và không đăng ký hoạt động tôn giáo với chính quyền địa phương. Việc này được khắc họa như một cách trốn tránh pháp luật để thực hiện các hoạt động tôn giáo mờ ám, gây hại. Thực tế, những nhóm, tổ chức tôn giáo bị xem là “tà đạo” không thể đăng ký hoạt động tôn giáo với chính quyền địa phương. Họ phải hoạt động bí mật để tránh sự đàn áp của công an.

 

Thứ nhì, hoạt động của các nhóm này bị chính quyền cho là không củng cố hay cố tình phá hoại truyền thống dân tộc, trong đó phổ biến nhất là việc không thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh đó, hoạt động của họ bị xem là ảnh hưởng đến an ninh trật tự như tụ họp tín đồ trái phép, và có hành vi chống đối nhà nước.

 

Thứ ba, để phủ nhận tính chính danh của các “đạo lạ”, chính quyền tuyên truyền rằng các tổ chức, nhóm này vay mượn, tổng hợp, sửa đổi giáo lý của các tôn giáo chính thống thành của mình chứ không sáng tạo ra một giáo lý riêng biệt.

 

Thứ tư, chính quyền và báo chí ra sức tuyên truyền về hậu quả tiêu cực khi tham gia các tôn giáo mới và thực sự đã khiến công chúng có cái nhìn tiêu cực. Phổ biến nhất là dùng những trường hợp cá biệt để tuyên truyền hậu quả nặng nề về sức khỏe, tinh thần, tài chính cho người tham gia.

 

Tóm lại, chính quyền Việt Nam không coi hoạt động tôn giáo là hoạt động dân sự. Trong quan điểm của họ, tổ chức tôn giáo đứng ở giữa lằn ranh dân sự và chính trị, có trách nhiệm giúp nhà nước đảm bảo an ninh trật tự, giúp nhà nước trong việc vận động người dân thực hiện các chính sách. Vì thế, mọi hoạt động tôn giáo phải được thực hiện công khai, dưới sự giám sát của chính quyền (đó là lý do họ không cho phép sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng).

 

Việc người dân tham gia các tổ chức tôn giáo mới không phải chỉ xuất hiện trong những năm gần đây. Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài đều từng là những tôn giáo hoàn toàn mới vào đầu thế kỷ XX.


 

Chú thích

 

1.  Bộ Tài chính. (2021, April 28). Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội

https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/cd/dtvb/ctdtvb?id=15957&_afrLoop=678943850213648#%40%3Fid%3D15957%26_afrLoop%3D678943850213648%26_adf.ctrl-state%3D2f1w9jcy_103

 

2.  Xem [1].

 

3.  Phật sự Online. (2021, June 17). Trung ương GHPGVN góp ý về Dự thảo Thông tư Bộ Tài chính liên quan đến quản lý, thu chi tiền công đức

https://phatsuonline.com/trung-uong-ghpgvn-gop-y-ve-du-thao-thong-tu-bo-tai-chinh-lien-quan-den-quan-ly-thu-chi-tien-cong-duc/

 

4.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021b, June 30). Lấy ý kiến các ngành về Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính về tiền công đức

http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/lay-y-kien-cac-nganh-ve-du-thao-thong-tu-cua-bo-tai-chinh-ve-tien-cong-duc-postApkYvlmE.html

 

5.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021a, June 3). Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng

http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-co-che-quan-ly-su-dung-dat-ton-giao-tin-nguong-postjpR9lP4l.html

 

6.  Lê Quang Hiển. (2021, June 26). Công an đặt chốt hạn chế người đến dự lễ kỷ niệm Ngày Khai đạo của Giáo hội Phật giáo [Hình ảnh]. Lê Quang Hiển. 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1200332783730848&id=100492827048188

 

7.  Ban Dân vận, Tỉnh ủy Tuyên Quang. (2021, June 2). ĐỒNG BÀO MÔNG Ở CAO ĐƯỜNG

https://bdv.tuyenquang.dcs.vn/DetailView/7346/6/DONG-BAO-MONG-O-CAO-DUONG.html

 

8.  2020 Report on International Religious Freedom: Vietnam. (2021, May 12). U.S Department of State. 

https://www.state.gov/reports/2020-report-on-international-religious-freedom/vietnam/

 

9.  Mạch Sống Media. (2021, June 28). Cuộc đấu tranh hơn 10 năm của giáo dân Cồn Dầu đạt mục tiêu cuối cùng

https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi.html

 

10.  Hội đồng Giám mục Việt Nam. (2010, February 1). Thông cáo của Tòa Giám Mục Đà Nẵng về những vấn đề liên quan đến Giáo xứ Cồn Dầu

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-cao-cua-toa-giam-muc-da-nang-ve-nhung-van-de-lien-quan-den-giao-xu-con-dau-25870

 

11.  Cafe F. (2017, April 12). Đà Nẵng cho phép chia lô một số khu “đất vàng.” 

https://cafef.vn/da-nang-cho-phep-chia-lo-mot-so-khu-dat-vang-2017041209403761.chn

 

12.  Cổng thông tin điện tử Thị xã Kinh Môn. (2021, June). Cảnh giác với những hoạt động tà đạo mới

http://kinhmon.haiduong.gov.vn/ViewDetail/4030.aspx

 

13.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, June 17). Hội thảo về thực trạng đạo lạ, tà đạo ở Việt Nam hiện nay

http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-thao-ve-thuc-trang-dao-la-ta-dao-o-viet-nam-hien-nay-postn4A71Zqj.html

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats