Con
virus không gây ra bệnh lộng quyền, nó chỉ làm lộ rõ bản chất của các “đầy tớ”
Y CHAN - Luật
Khoa
15/07/2021
Có một đại dịch
khác nguy hại gấp nhiều lần.
Minh họa: Sheyda
Sabetian/ Transparency International
Cách đây đúng 60 năm, vào tháng 7/1961, nhà
tâm lý học người Mỹ Stanley Milgram thực hiện một thí nghiệm đặc biệt. [1]
Ông cho các tình nguyện viên tham gia vào một
cuộc trắc nghiệm trí nhớ theo cặp. Một người đóng vai giáo viên, một đóng vai học
viên. Họ được xếp vào hai căn phòng riêng biệt, chỉ nghe tiếng nhưng không nhìn
thấy nhau. Giáo viên đọc một loạt các cụm từ, sau đó kiểm tra xem học viên nhớ
đến đâu. Nếu học viên trả lời sai, giáo viên sẽ nhấn nút để truyền dòng điện
khiến học viên bị điện giật. Thêm một câu sai, cường độ dòng điện sẽ được tăng
lên 15 volt, cứ như vậy đến ngưỡng cao nhất là 450 volt.
Cuộc thí nghiệm được sắp đặt cẩn thận. Trong
các cặp luôn có một tình nguyện viên thật sự, còn người kia là diễn viên được
chuẩn bị trước. Việc rút thăm phân vai cũng bị làm giả, sao cho tình nguyện
viên luôn đóng vai giáo viên, còn diễn viên luôn là học trò. Học viên/ diễn
viên được dặn trước sẽ phản ứng theo kịch bản với mỗi mức điện giật, dù trên thực
tế không có dòng điện nào. Giáo viên/ tình nguyện viên thì sẽ nghe các tiếng la
hét, đau đớn, van xin của học viên.
Trong trường hợp giáo viên ngần ngại khi nghe
tiếng học viên “bị điện giật” kêu la đau đớn, một người trong nhóm tổ chức đứng
bên cạnh sẽ yêu cầu họ tiếp tục thực hiện thí nghiệm, với lý lẽ rằng đây là quy
trình cần thiết và tuy dòng điện gây đau đớn nhưng sẽ không có tổn hại lâu dài
nào.
Milgram cùng các cộng sự muốn biết sẽ có bao
nhiêu người nhắm mắt làm theo chỉ đạo khi họ biết việc mình làm khiến người
khác đau đớn.
Kết quả khiến ông bị sốc: trong 40 tình nguyện
viên, có 26 người, tức 65% số người tham gia, liên tục nhấn nút trừng phạt học
viên cho tới mức độ cao nhất của dòng điện, kể cả sau khi học viên đã la hét,
van xin, và cuối cùng ngất xỉu (theo kịch bản).
Vì lý do đạo đức, những thí nghiệm tương tự
như của Milgram sau này không còn được thực hiện.
Tuy nhiên, câu hỏi về việc mù quáng tuân theo
mệnh lệnh (obedience to authority) vẫn luôn mang tính thời sự.
***
Tại các tỉnh, thành phía Nam, chỉ sau vài ngày
phong tỏa, người dân đã được chứng kiến không ít tình huống minh họa cho điều
này.
Ở Long An, hai bạn trẻ đưa mèo đi chữa bệnh bị công an chặn lại, cho là không có lý do chính đáng. [2] Người
công an tự ý quay clip và tung lên mạng để chia sẻ với cộng đồng, có lẽ mong chờ
được ngợi khen là tấm gương tốt. Đến khi nhận được nhiều phản ứng dữ dội, anh mới đăng đàn để tâm sự, [3] cùng với giải thích rằng “tôi có thể
chết nhưng tôi muốn cộng đồng khỏe mạnh”.
Một bạn trẻ ở TP. Hồ Chí Minh thì kể lại trên trang cá nhân việc bị các lực lượng chức
năng chặn lại khi đi rút tiền. [4] Theo câu chuyện, lúc đầu, những người làm
nhiệm vụ cho rằng rút tiền không phải là lý do chính đáng vì người dân “phải
chuẩn bị (tiền mặt) trước”. Sau đó họ nghi ngờ bạn này ra ngoài tập thể dục vì
đi xe đạp. Đến khi bạn mở di động chứng minh được mình vừa rút tiền thì họ vẫn
cương quyết mời về phường để “làm việc”. Cuối cùng bạn phải chịu đóng phạt hai
triệu để được về. Điều lạ lùng là, theo phản ánh của nhân vật, ngay sau khi chịu
đóng tiền, thái độ của lực lượng chức năng lập tức thay đổi, trở nên “vui vẻ ân
cần dịu dàng”, không còn những màn “hạch sách”, “la hét”, “định tội đanh thép”
trước đó.
Hay như sự việc đang gây nhiều chú ý tại phường
Tam Bình, Thủ Đức, khi các camera quay lại cảnh một nhóm công an và dân phòng ập vào nhà
một gia đình đang bán rau trước cửa nhà. [5] Cho rằng họ vi phạm lệnh giãn
cách, nhóm cán bộ tịch thu toàn bộ số thực phẩm, đi thẳng vào trong xô đẩy, sau
đó kéo lê người trong nhà về phường. Sau khi các đoạn clip lan truyền rộng rãi
trên mạng xã hội, báo Công an Nhân dân ngày 14/7/2021 đã có bài viết tố cáo ngược lại, cho rằng những thông tin và
hình ảnh trong clip là “xuyên tạc”, “cắt ghép sai sự thật”. [6]
Lực lượng chức năng
kéo người phụ nữ lên xe về phường. Ảnh chụp lại từ video/ Báo Thanh Niên.
Có rất nhiều phản ánh tương tự xảy ra trong
vài ngày qua được chia sẻ trên khắp các trang mạng xã hội.
Ngoài việc chỉ trích lực lượng chức năng cứng
nhắc, vô cảm trong việc thực hiện quyết định giãn cách, nhiều người còn chỉ ra
vấn đề khác của hiện tượng này: lộng quyền.
Các
câu chuyện trên và nhiều sự việc tương tự những ngày qua cho thấy lực lượng cán
bộ đang cùng lúc thể hiện cả hai đặc tính: mù quáng tuân theo chỉ đạo và lạm
dụng quyền lực được giao.
Đây mới là thứ bệnh dịch nguy hiểm nhất của đất
nước, khi nó đã hoành hành suốt hàng chục năm qua mà không có dấu hiệu dừng lại.
***
Đúng 10 năm sau thí nghiệm gây tranh cãi của
Stanley Milgram, vào năm 1971, một nhà tâm lý học người Mỹ khác có tên Philip
Zimbardo tiến hành một nghiên cứu cũng nổi tiếng không kém. [7]
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford của ông
tuyển chọn một số sinh viên nam tham gia vào một cuộc thử nghiệm mô phỏng lại
sinh hoạt trong nhà tù. Những tình nguyện viên được chia làm hai nhóm, một đóng
vai tù nhân và một đóng vai quản giáo. Mục đích của nghiên cứu là để xem một
người bình thường sẽ hành xử ra sao khi có quyền lực trong tay.
Zimbardo phải chấm dứt cuộc thí nghiệm sớm hơn
dự kiến, khi nhóm nghiên cứu của ông nhận ra những tình nguyện viên đóng vai quản
giáo ngày càng trở nên tàn bạo: họ ngược đãi các tình nguyện viên trong vai tù
nhân không kém gì những tình huống ngoài đời thật.
Nghiên cứu của nhóm Zimbardo, được biết đến với
tên gọi “Stanford Prison Experiment” (Thử nghiệm Nhà tù Stanford), sau này luôn
được nhắc đến trong các sách giáo khoa tâm lý học. Nó được xem là minh chứng
cho thấy quyền lực có thể khiến người bình thường trở nên tàn ác.
Gần đây, đã có nhiều nghi vấn được nêu ra về tính chính xác của
nghiên cứu này. [8] Các điều tra cho thấy những tình nguyện viên có thể đã diễn
theo ý muốn của nhóm nghiên cứu, và nghiên cứu được thiết kế theo hướng đưa đến
kết luận đặt sẵn ban đầu.
Thực tế cũng cho thấy một bức tranh khác biệt
so với những gì nghiên cứu Stanford vẽ ra: không phải ai được trao quyền lực
cũng trở nên thú tính.
Nhiều người cho rằng quyền lực giống như chiếc kính phóng đại, hay
ampli phóng to. [9] Nó chỉ khuếch đại những thứ có sẵn trong mình.
Một người chính trực khi có quyền lực sẽ vẫn
tiếp tục làm một người ngay thẳng. Còn ai chỉ cần có một ít máu gian trá, ác độc
hay hèn nhát thì khi có quyền lực, những đặc tính đó sẽ càng có cơ hội được bộc
lộ.
Vấn đề ở chỗ, hầu như ai cũng có ít nhiều những
phẩm chất tiêu cực trong người. Nếu trao cho họ quyền lực tuyệt đối, ngay cả
người tốt nhất cũng có thể bị tha hóa, trở thành một con nghiện quyền lực.
Đó là lý do quyền lực luôn phải được kiểm
soát.
Và đó là điều người dân sống ở thể chế hiện tại
của Việt Nam không thể tìm thấy.
***
Tất nhiên, hiện tượng lạm quyền kết hợp với việc
mù quáng tuân lệnh cấp trên không phải là vấn đề chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Nhiều
quốc gia khác cũng gặp phải tình trạng tương tự, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh. [10]
Nhưng trong khi người dân ở các nước khác còn
có quyền tự do ngôn luận để lên tiếng, có báo chí độc lập để giám sát, có quyền
tự do tụ tập để biểu tình phản kháng, và còn có tòa án độc lập để xét xử bất kỳ
quan chức nào, thì ở Việt Nam, mọi thứ quyền công dân đều nằm dưới quyền lực độc
tôn của một nhóm người.
Tình trạng lộng quyền của quân đội, công an và
quan chức cán bộ đã được phản ánh từ lâu qua cách chính quyền dùng bạo lực đàn
áp những người bất đồng chính kiến hay qua những cái
chết bất minh đầy nghi vấn. [11] [12]
Dịch bệnh lần này, với các chính
sách chống dịch cứng nhắc, quan liêu và đầy mâu thuẫn, chỉ càng làm lộ
rõ bản chất của lực lượng công quyền. [13]
Những gì trước đây chỉ có một số ít người phải
chịu đựng, giờ đây đang có ngày càng nhiều người trở thành nạn nhân hay nhân chứng
trực tiếp.
Ngay cả khi bị “bắt quả tang”, cán bộ cũng
không phải chịu trách nhiệm gì. Điển hình như văn bản lan truyền trên mạng của
một phường tại quận Gò Vấp, với nội dung giao chỉ tiêu cho cấp dưới đi phạt người
dân thời dịch bệnh. Khi được hỏi, người ra văn bản chỉ việc phủ nhận chính nội dung đã ghi trong đó. [14]
Việc này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, nếu
người ta nhớ lại rằng từ lâu cảnh sát giao thông cũng được công khai giao chỉ tiêu phạt cho đủ số, bất chấp lo ngại
của người dân về tình trạng cảnh sát cố tình bắt lỗi. [15]
Dịch COVID-19 vì vậy không tạo ra vấn đề nào mới
trong quan hệ giữa dân với chính quyền. Nó chỉ khuếch tán một đại dịch khác đã
tồn tại xưa nay. Để chữa nó, không có thứ vaccine nào tốt hơn Sự thật.
Càng để sự thật lan tỏa, càng để bản chất của
những “đầy tớ” được bộc lộ, căn bệnh mãn tính này mới có hy vọng sớm được chữa
lành.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Đính
chính (9:10, 16/7/2021): Khi mô tả về cách sắp đặt
người tham gia thí nghiệm của Stanley Milgram, tác giả sử dụng từ “cặp đôi”
(hai lần). Đây là cách dùng từ không chính xác. Từ thích hợp ở đây là “cặp”.
Chân thành cảm ơn góp ý của độc giả.
Chú thích
1. French, C. (2018, July 25). How
Would People Behave in Milgram’s Experiment Today? Behavioral
Scientist.
https://behavioralscientist.org/how-would-people-behave-in-milgrams-experiment-today/
2. Facebook. (2021).
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1351405341927418&id=100011738966174
3. Xuân, P. (2021, July 14). Tâm
sự của anh CSGT sau vụ ‘tuýt còi’ phạt cô gái đưa mèo đi chữa bệnh. Báo
Thanh Niên.
4. Facebook. (2021).
https://www.facebook.com/baohalovely/posts/4437197312966310
5. Facebook. (2021).
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=893082054884278&id=100025474742676
6. Vi phạm Chỉ thị 16 còn đăng
clip “tố” sai về tổ công tác lên Facebook. Báo Công an nhân dân điện tử.
(2021, July 14.).
7. Bekiempis, V. (2016, April 11). What
Philip Zimbardo and the Stanford Prison Experiment Tell Us About Abuse of Power.
Newsweek.
https://www.newsweek.com/stanford-prison-experiment-age-justice-reform-359247
8. Resnick, B. (2018, June 13). Stanford
Prison Experiment: why famous psychology studies are now being torn apart.
Vox.
https://www.vox.com/2018/6/13/17449118/stanford-prison-experiment-fraud-psychology-replication
9. Grant, A. (2019, February 22). Power
doesn’t corrupt. It just exposes who leaders really are. Washington
Post.
10. A pandemic is no excuse for
police violence. (2020, December 17). Amnesty International.
11. Trúc, T. P. V. R. (2020, October
11). Ai hành hung những người bất đồng chính kiến? Radio Free
Asia.
12. Chính, Y. K. (2021, July 1). Vụ
quân nhân tử vong: Mô típ hành xử quen thuộc của chính quyền với những cái chết
bất minh. Luật Khoa Tạp Chí.
13. Chính, Y. K. (2021b, July 8). 5
câu hỏi trong quyết định phong tỏa thành phố Hồ Chí Minh. Luật Khoa Tạp
Chí.
https://www.luatkhoa.org/2021/07/5-cau-hoi-trong-quyet-dinh-phong-toa-thanh-pho-ho-chi-minh/
14. Online T. T. (2021, July 13). UBND
phường 6, quận Gò Vấp phản hồi văn bản xử phạt theo chỉ tiêu thành tích.
TUOI TRE ONLINE.
15. VnExpress. (2010, April 27). Giao
chỉ tiêu xử phạt cho từng đội cảnh sát giao thông. vnexpress.net.
https://vnexpress.net/giao-chi-tieu-xu-phat-cho-tung-doi-canh-sat-giao-thong-2161207.html
No comments:
Post a Comment