Tuesday, 13 July 2021

TIẾN SỸ NGỮ VĂN CHU MỘNG LONG THI TÚ TÀI MÔN NGỮ VĂN (Chu Mộng Long)

 


TIẾN SỸ NGỮ VĂN CHU MỘNG LONG THI TÚ TÀI MÔN NGỮ VĂN   

Chu Mộng Long

00:05  13/07/2021   

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4866816263332578

 

Lời ngỏ: Nhiều bạn hỏi tôi về Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn. Nhiều người phê phán, chỉ trích, rằng đề chọn văn bản sai, đáp án sơ sài. Tôi nghĩ khác. Đã dạy học phát triển năng lực thì đề gì mặc xác nó, đáp án càng sơ sài càng tốt. Điều quan trọng là người thi chứng tỏ được năng lực sáng tạo của mình. Có khi cái sai sẽ thành một cảm hứng cho người thi. Sáng tạo bắt đầu từ phản biện. Và tôi thử thi như một học trò thi tú tài đây.

 

Đã gọi là kiểm tra, đánh giá năng lực mà người thi đoán đáp án rồi làm theo đáp án, đến lượt người chấm cũng theo đáp án mà chấm, thì còn tệ hơn vịt con tập kêu kẹc kẹc theo tiếng kêu cạc cạc của vịt mẹ.

 

Nói thẳng thắn, nếu giám khảo của kỳ thi này không chấm được bài thi của tôi hoặc cho tôi ăn điểm kém thì càng chứng tỏ, cuộc cải cách “từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển năng lực” mà mấy ngài giáo sư tiến sỹ đang hăm hở làm với số tiền hàng ngàn tỷ là một cuộc cải cách đểu của bọn buôn lậu giáo dục.

 

Trong thời gian bị FB khoá mồm, tôi nhờ anh Quách Hạo Nhiên đăng giùm, phải cắt bớt một số đoạn. Nay đăng đủ cho các giám khảo là dân mạng chấm.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=4866816206665917&set=a.1250972568250317

Bài thi : NGỮ VĂN

 

                                                   ***

 

BÀI LÀM

 

I. Đọc hiểu

 

Câu 1. Theo đoạn trích, sự ra đời của một dòng sông diễn ra như thế nào thì tác giả đã trả lời ngay trong đoạn đầu.

 

Câu 2. Trong đoạn trích, món quà cuối cùng nước tặng cho loài người trước khi hoà vào biển cả là gì thì tác giả cũng đã trả lời ở đoạn cuối.

 

Xin lỗi các giám khảo. Em không cần phải chép các đoạn theo yêu cầu, vì môn “tập chép” em đã học xong từ lớp ba. Sau này lên các lớp cao hơn, em chỉ bị chép phạt mỗi khi không thuộc bài, tức thầy cô cho em xuống học lại lớp ba. Em nhường phần tập chép này cho các thầy giáo sư tiến sỹ, vì theo em biết, các thầy giáo sư tiến sỹ rất giỏi chép bài, mặc dù họ không thuộc bài và cũng không bị ai phạt.

 

Câu 3. Em không rõ tác giả đoạn trích là triết gia, nhà tiên tri, nhà văn hay một nhà khoa học khi luận về dòng sông.

 

Trong tri giác và trải nghiệm của em, kể cả những gì em học được, đọc được từ sách vở đều không thấy có dòng sông nào chảy ra từ những kẽ hở trên mặt đất, trừ phi đó là dòng thạch nham trào ra từ miệng núi lửa hay từ vết nứt của vỏ trái đất. Nước chỉ chảy ra từ khe núi, nơi rừng cây hút nước từ trên trời rơi xuống rồi nhả ra từ rễ của cây. Các mạch ngầm là do nước chảy trong phần rỗng của bề mặt quả đất chứ không phải do cái bụng quả đất tham lam uống quá nhiều nước rồi đái xì ra thành sông. Và nữa, không có dòng sông nào chỉ có êm đềm mà không có ghềnh thác, chỉ bình lặng mà không có lũ lụt, chỉ có xanh tươi mà không có ô nhiễm. Và nữa, vì sao một con sông khi ra gần đến biển thì đang ở “tuổi xế chiều”? Sông ra biển thì thành sông chết à? Mà ở tuổi xế chiều thì ủ rũ chứ sao lại “dịu dàng”?

 

Những câu văn: “Một ông lão băng qua cây cầu. Một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi. Cứ chầm chậm và cứ mãi xanh, dòng sông chứng kiến lũ trẻ chơi đùa trong công viên hai bên bờ và người cha cùng cậu con nhỏ đang chơi bắt bóng” làm cho em chẳng thể hiểu tác giả nói gì. Triết gia Heraclite nói “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Một ông lão hay một cô gái trẻ đạp xe qua cầu, một đôi tình nhân ngồi cạnh bờ sông hay một lũ trẻ chơi đùa, thậm chí tắm sông, tất cả chỉ hiện hình nhất thời trên mặt sông rồi biến mất. Dòng nước sẽ cuốn đi tất cả thì làm gì có chuyện dòng sông là ký ức. Cựu ước và tất cả các huyền thoại về nước ghi rõ, nước xoá sạch tội ác của loài người, hiện thực hơn, nước rửa sạch tất cả mọi thứ nhơ bẩn, trừ phi nguồn nước bị chính loài người đã gây ô nhiễm.

 

Em dám chắc tác giả đoạn văn trên là người vô học, không biết triết học lẫn khoa học, kể cả không có chút tâm thức huyền thoại và tôn giáo. Nếu anh ta không ngu ngơ thì cũng bị mất trí nên viết nhảm.

 

Câu 4. Với sự hiểu của em, em thấy chẳng rút ra được bài học gì về “lẽ sống” từ đoạn trích trên. Sống ngu ngơ, mất trí, ăn nói nhảm nhí thì chẳng nên sống, trừ phi người lớn bắt em phải sống như vậy để dễ sai khiến như kẻ chăn cừu chăn dắt đàn cừu.

 

II. Làm văn

 

Câu 1: Nói đến sự “cống hiến” hiển nhiên ai cũng nhớ đến phát ngôn nổi tiếng của Tổng thống Mỹ John Kenedy: “Đừng nói Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy nói ta đã làm gì cho Tổ quốc”. Đó là phát ngôn bịp bợm của kẻ thống trị. Ai cũng hiểu đa số người Mỹ vô Tổ quốc. Lẽ nào họ đánh chiếm châu Mỹ, châu Úc rồi chiếm đất nước khác để cống hiến cho Tổ quốc Anh của họ? Một khi khái niệm Tổ quốc không được xác định rõ ràng thì chính kẻ thống trị sẽ nhân danh Tổ quốc mà bắt mọi người phải đổ xương máu, mồ hôi nước mắt để phụng sự cho lợi ích của kẻ thống trị. Cho nên để chống sự bịp bợm tuôn ra từ miệng lưỡi kẻ thống trị, ngoài bị buộc phải cống hiến cho Tổ quốc, cho cộng đồng, mỗi cá nhân còn phải có quyền đòi hỏi quyền lợi cho mình. Quyền cá nhân không được đảm bảo thì mọi cống hiến trở nên vô nghĩa, thậm chí hành vi “cống hiến” tự nó biến con người thành nô lệ; và tất yếu, các cá nhân sẽ nổi loạn lật đổ những ông chủ nhân danh Tổ quốc. Điều này cũng giống như dòng sông trên kia sinh ra từ khe những con nước nhỏ và trở thành bà mẹ của những cánh đồng phì nhiêu, nhưng khi núi rừng bị chặt phá, dòng sông bị ô nhiễm bởi chất thải và chất độc, dòng sông sẽ biến thành thác lũ cuốn phăng tất cả để làm lại từ đầu.

 

Câu 2: Sóng là bài thơ tự bạch về trái tim yêu của Xuân Quỳnh. Đoạn thơ nói về cái “nghĩ” của Xuân Quỳnh về “anh, em”, nghĩ về “biển lớn”. Nhưng nghĩ lớn quá thì thành mông lung, lẩn quẩn của kẻ mụ mẫm về tình.

 

Những câu hỏi: “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng không biết nữa…” là kết quả của cái nghĩ cao siêu về tình yêu. Càng cao siêu thì càng mông lung, lẩn quẩn. Cái tội của nhà thơ là học không đến nơi đến chốn. Đã biết sóng bắt đầu từ gió mà không biết gió bắt đầu từ đâu thì thi trượt tiểu học là cái chắc. Trượt tiểu học thì thành nhà thơ sao? Rất có thể Xuân Quỳnh học bài trả bài rồi quên mất? Và cũng rất có thể khi vục đầu vào hố thẳm tự cho là biển lớn của tình yêu, Xuân Quỳnh bị mụ mẫm nên không biết dòng đối lưu của không khí là gì? Câu hỏi: “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau” thật ngớ ngẩn. Chỉ có yêu hời hợt mới không biết, không nhớ cái lần Thần Tình yêu bắn thủng trái tim hay buổi đầu gặp gỡ người mình yêu. Không chỉ hời hợt mà còn tham lam, bởi dục vọng hoá thành trăm con sóng giữa trùng khơi thì biết đâu là bến bờ tình yêu? Nôm na là yêu một chàng thì còn nhớ chứ hoá thành nhiều con tim để yêu nhiều chàng thì còn nhớ được ai và nhớ cái gì?

 

Cho nên nỗi nhớ trong bài thơ rốt cuộc là không nhớ gì, dẫu là nhà thơ nói “cả trong mơ còn thức”. Con sóng là của tự nhiên, có sóng ngầm (con sóng dưới lòng sâu), có sóng nổi (con sóng trên mặt nước). Có vẻ giống tình yêu của con người, khi thầm lặng lúc sôi nổi, khi ưu tư lúc dữ dội. Nhưng chắc chắn con sóng của tự nhiên và tình yêu của con người là khác biệt. Với lẽ tự nhiên, con sóng thì theo chiều gió, trong khi với trái tim yêu, sóng gió cuộc đời chỉ là thử thách. Rung động đích thực của tình yêu có thể vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.

 

Em nghĩ sóng có thể mang tâm trạng riêng tư của Xuân Quỳnh chứ không phải mang cái “nữ tính” nào đó dành cho cả phái nữ mà đề thi áp đặt. Đề bảo em chỉ ra “nữ tính” trong đoạn thơ thật khó. Chẳng nhẽ mọi phụ nữ khi yêu đều có khao khát chung chạ trong cái gọi là “biển lớn tình yêu” để “vỗ bờ” đàn ông nào cũng được? Nếu đã như vậy thì đàn ông, nếu thả tự do hoan lạc thì có khác gì phụ nữ? Nếu cho các đối cực cảm xúc vừa dịu êm vừa dữ dội, vừa ồn ào vừa lặng lẽ là nữ tính thì chẳng lẽ trái tim tình yêu của đàn ông chỉ có một cực? Trái tim không có xung động bởi các đối cực thì là trái tim chết à? Khi Xuân Diệu dùng con sóng nói về tình yêu của mình: “Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ thật êm/ Hôn êm đềm mãi mãi/ Đã hôn rồi hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Anh mới thôi dào dạt/ Cũng có khi ào ạt/ Như nghiến nát bờ em…” thì cũng là nữ tính?

 

Nhiều sách mẫu của các giáo sư viết: Thơ Xuân Quỳnh mang đậm nữ tính ở sự dịu dàng nhưng dữ dội, biến đổi nhưng thuỷ chung, hiến dâng và đòi hỏi, kể cả dự cảm về một sự mong manh, đầy bất trắc trên con đường đi tìm tình yêu. Bịa đặt! Tán nhảm! Em là nam, với trải nghiệm về tình yêu của mình, em thấy cái gọi là “nữ tính” ấy cũng hoàn toàn rất “nam tính”. Theo em, tình yêu không phân biệt giống lẫn giới. Khác chăng, ở lẽ tự nhiên, sự phân biệt nam/nữ chỉ là ở cái cọc và cái lỗ, theo ngôn ngữ Hồ Xuân Hương. Có khi nào, người ra đề thi muốn chúng em quay về truyền thống, rằng đàn ông cao quý hơn đàn bà ở chỗ, ăn thì nó ngồi mâm trên, ngủ thì nó đè lên người của mình? Đàn bà suốt ngàn năm chịu đựng thân phận như vậy là “vẻ đẹp nữ tính”? Tình yêu mà phân biệt nam/nữ thì phản động quá mức!

 

Em tin, Xuân Quỳnh không muốn làm đàn bà nhưng bị bắt làm đàn bà. Nói có sách mách có chứng. Ca dao xưa đặt thân phận đàn bà là cái bến, chỉ biết đợi chờ, khao khát và than thở: “Thuyền về thuyền nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”. Bọn đàn ông ngợi ca đó là vẻ đẹp thuỷ chung, vẻ đẹp nữ tính để con thuyền tham lam của mình được tự do chui hết bến này đến bến khác với thứ luật năm thê bảy thiếp. Trong khi Xuân Quỳnh không chấp nhận là bến mà là biển. Biển có nhiều bến, biển nâng thuyền và biển cũng lật thuyền. Biển vừa nữ tính lại vừa nam tính, tức không phân biệt nam nữ: “Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông dường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu…, Những đêm trăng hiền từ/ Biển như cô gái nhỏ/ Thì thầm vỗ tâm tư/ Quanh mạn thuyền sóng vỗ/ Cũng có khi vô cớ/ Biển ào ạt xô thuyền/ Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên?”

 

Chu Mộng Long

 

36 BÌNH LUẬN   

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats