Bài
bình luận của Công Tằng Tôn Nữ Thị Lan
2021-07-24
Hình minh hoạ:
TPHCM ngày 9/7/2021, ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội do dịch
bệnh COVID-19 . Reuters
Vài ngày nay, người dân sống ven quốc lộ 1A bất
ngờ chứng kiến hàng đoàn xe máy chở người và đồ dùng buộc theo xe, kìn kìn chạy
từ hướng Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai về các tỉnh miền Trung. Họ hầu hết là những
người tạm cư tại các địa phương nói trên, là công nhân, sinh viên, người lao động
mất việc do công ty phải đóng cửa vì dịch COVID-19, lao động tự do như buôn
bán, bán vé số, và một số ít người vào thăm người thân rồi bị mắc kẹt lại vì dịch.
Đây là những người xa quê kiếm sống, do ở quê
nhà khó khăn hoặc không tìm được việc làm. Do mục đích là kiếm sống chứ không
phải định cư nên những người dân nói trên đều vô cùng chắt bóp, tiết kiệm. Tại
các địa phương đích, họ sống trong các khu trọ rẻ tiền ở ngoại thành, nhiều người
thuê chung một phòng để giảm tiền nhà. Họ ăn uống tằn tiện, cơm đường cháo chợ,
trong phòng trọ rất nhiều người không có bếp mà thường chỉ một bình nước đóng
chai rẻ tiền giá 10.000 đ-15.000 đ/20 lít nước. Hầu hết họ đều còn ông bà, cha
mẹ hoặc một nửa gia đình ở quê. Tất cả những gì kiếm được, họ dành dụm một lòng
một dạ gửi về nuôi gia đình. Họ cày ngày cày đêm, cố gây vốn để người ở quê có
thể cho con cháu ăn học, xây nhà cửa, mua ruộng vườn, buôn bán. Khi hết sức lao
động, con cái vào đại học và gia đình đã có được nguồn thu nhập ổn định, hầu hết
họ đều trở về quê hưởng cuộc sống quây quần bên gia đình và dòng họ.
Những người lao động tạm cư này chính là nguồn
“kiều hối” nặng lòng, chung thủy và tha thiết nhất của mỗi vùng quê. Không có mặt
ở địa phương nhưng nguồn tiền họ gửi về là một phần quan trọng để xây dựng và
thay đổi cuộc sống ở bất cứ vùng quê nào.
Đối với gia đình, họ là chỗ dựa cả về tài
chính, tình cảm lẫn sự hiểu biết và các mối quan hệ có được khi lăn lộn ngoài
xã hội. Họ chấp nhận sống xa gia đình đằng đẵng vài chục năm thanh xuân, thậm
chí xa cả vợ con, một mình gánh chịu thiếu thốn vất vả cả vật chất lẫn tinh thần,
chỉ để nuôi được gia đình mình ổn định, sung túc hơn.
Họ là đám đông cần lao đáng được nhận lòng biết ơn của những miền đất nơi họ đã
sinh ra.
Những người Huế tự
mình tìm đường từ Sài Gòn về Huế khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở TPHCM.
Hình: FB Người Huế ở Sài Gòn
Các tỉnh có đông người “đi Nam” kiếm sống nhất
là Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Khi dịch bùng phát ở TPHCM, Thủ tướng đã yêu cầu
các tỉnh và các bộ ngành tạo điều kiện đón công dân của mình về quê để giảm tải
cho TPHCM và các vùng dịch nặng, đồng thời để người dân có cuộc sống an toàn
hơn nơi quê nhà.
Tùy điều kiện tài chính, các tỉnh đều lập kế
hoạch đón công dân của mình về quê tránh dịch.
Rất nhanh chóng, chỉ vài ngày sau khi có quyết
định, vào 21/7/2021, tỉnh Quảng Nam đã đưa 10 chiếc xe vào đón bà con ở miền
Nam về quê, ưu tiên đón trước những người không có chỗ ở, già yếu, tàn tật, phụ
nữ mang thai, trẻ em, ốm đau. Trên mỗi xe còn có một cán bộ y tế và một
tình nguyện viên hỗ trợ người dân trong suốt chuyến đi, thiết bị y tế cần thiết,
thuốc men, thức ăn, nước uống miễn phí.
Quảng Nam còn sắp xếp để đón bằng máy bay cho
những người già yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 12 tuổi.
Bình Định, Đà Nẵng khá giả cũng lập tức đón
người về bằng máy bay. Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An… nơi thuê cả
đoàn tàu, nơi đón bằng xe. Các nơi đều nhanh chóng lập danh sách, tổ chức và
thông báo ngày giờ cụ thể. Người dân đăng ký xong thì sắp xếp công việc, trả
phòng trọ rồi yên tâm chờ ngày về.
Huế là một trong những tỉnh đầu tiên lên kế hoạch
đón công dân về quê. Huế rất nhỏ nên trong các địa phương kể trên thì Huế có ít
công dân xa quê nhất.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, tỉnh này đã lập
xong kế hoạch đón công dân về quê từ tận ngày 16/7, trong đó dự kiến sẽ đón 300
người đầu tiên về từ ngày 20/7 đến ngày 24/7. Thế nhưng chẳng hiểu sao đến tận
chiều 25/7 vẫn chưa người nào nhận được thông tin gì. Theo hướng dẫn của tỉnh
và hội đồng hương Huế, dân đăng ký, điền mẫu ưu tiên. Rứa…. rồi im lặng. Người
dân hỏi nhau nháo nhào nhưng chỉ được cho biết đang chờ duyệt.
Trong khi đó, diễn biến dịch ở Sài Gòn và Bình
Dương ngày càng dữ dội. Chính quyền TPHCM đã ban hành lệnh cách ly xã hội
nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Trừ các phương tiện và người
thực hiện công vụ, vận tải thiết yếu, 19 tỉnh thành vùng dịch sẽ gần như nội bất
xuất ngoại bất nhập.
Vậy là hàng đoàn dân Huế đã tự cứu mình mà
không chờ nổi quê nhà ra tay cứu họ.
Xuất phát từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, những
người dân Huế chở nhau đi bằng xe máy, mang theo thức ăn nước uống, không ghé
vào đâu để không làm phiền dân sở tại, ban ngày nắng nóng thì kiếm bóng cây,
đêm đến “lấy vỉa hè làm điểm tựa” chờ sáng dậy tiếp tục đi, như cách họ tự mô tả
chuyến đi kỳ lạ của mình.
Đêm đến, trên hành trình về quê hơn ngàn cây số,
họ nằm lăn ra lề đường ngủ qua đêm, cả thanh niên, phụ nữ và trẻ em.
Họ đâu còn cách nào khác.
Trước đó, vào đầu tháng
7/2021, khi dịch mới vừa bùng phát, tỉnh Thừa Thiên-Huế thậm chí đã quyết liệt
từ chối công dân của mình về quê. Họ làm hẳn văn bản đề nghị ngành đường sắt
không bán vé cho người đi tàu từ TP.HCM về ga Huế từ ngày 06/7/2021. Đã có vài
chục người dân về Huế nhưng không được cho xuống, phải chọn mua vé xuống ga
Đông Hà, rồi được tỉnh Quảng Trị cho cách ly tập trung.
“Huế không thể đẩy khó khăn cho tỉnh khác được”-ông
Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị phát biểu trên báo chí thời điểm
đó.
Không chỉ chặn đường sắt, Huế chặn luôn đường
hàng không. Họ cũng yêu cầu TPHCM dừng bán vé máy bay đi Huế từ ngày 5/7/2021.
Lý do là khu cách ly của Huế đã quá tải.
Nhưng đó chỉ là viện cớ, vì đến
13/7 Bộ Y tế đã cho phép cả nước được cách ly F1 tại nhà. Song, Huế vẫn án binh
bất động.
FB Người Huế ở Sài Gòn
Những tấm ảnh ghi lại trong hành trình của nhiều
nhóm người Huế được đăng trên các group Facebook có tên Người Huế ở Sài Gòn hôm
24/7 gây chấn động cho nhiều người.
Thế nhưng lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn
cố chống chế rằng trong danh sách đăng ký có cả những người a dua, đăng ký theo
phong trào, hay là có gia đình ở TPHCM mà vẫn đòi về Huế tránh dịch (!). Nên họ
phải tỉ mỉ xét duyệt, phải đối chiếu danh sách từng người với nơi người đó sinh
sống ở Huế xem có phải… ăn gian hay không.
Tôi thật không còn lời nào để bình luận về
thái độ của những người tự xưng là “đầy tớ của dân” ở đất Thần kinh. Họ chai lì
trước nỗi lo âu, hoảng sợ của người dân. Các vị lãnh đạo ấy cũng đã làm cha làm
mẹ, nhưng trước cảnh những đứa trẻ bám vào cha mẹ trên chiếc xe máy suốt hành
trình hơn ngàn cây số giữa nắng rát và mưa dầm, đối diện với nguy cơ tai nạn
giao thông, theo cha mẹ ngủ lăn lóc vật vạ trên lề đường giữa đêm tối, họ chỉ
nhìn bằng đôi mắt không có con ngươi.
Không thể biện bạch bằng lý do quá tải khu
cách ly, vì bất cứ người dân nào cũng biết TPHCM mới là nơi đang quá tải thực sự,
y bác sĩ thiếu thốn mọi bề, làm việc gấp ba gấp năm sức lực. Huế tự hào có Bệnh
viện trung ương, là nơi đào tạo nhiều nhân lực y tế cho vùng, và Huế cho đến
nay mới chỉ có chưa đến 10 ca bệnh, thì nhân lực hoàn toàn dư đủ để vận hành
khu cách ly cho vài ngàn người. Nếu quá thiếu, Huế có quyền yêu cầu các tỉnh
khác chưa bị dịch nặng cử người đến giúp.
Nhưng làm gì
Xuyên suốt các sự kiện, chỉ có thể
giải thích đó chính là thái độ chối bỏ, sợ người từ vùng dịch về lây dịch cho
dân Huế, sợ phải chịu trách nhiệm, sợ phải lo lắng chữa chạy cho chính người
dân của mình, sợ tốn kém, và sợ lỡ sơ sót thì bị cấp trên kỷ luật.
Đến tối muộn 24/7/2021, sau khi sự kiện người
Huế chạy loạn về quê gây chấn động trên mạng xã hội Việt Nam khiến nhiều tờ báo
trong nước đồng loạt lên tiếng, Huế đã có động thái bất ngờ. Họ nhanh chóng
thông báo kế hoạch đón người dân về quê bằng tàu không thực hiện được “do có trục
trặc về tiến độ” nhưng 240 người đầu tiên sẽ được đón về bằng… máy bay, vào
ngay ngày 26/7.
Răng tới khúc ni lại lẹ làng ghê hồn rứa Huế?
Có phải vì bị báo chí phanh phui và sợ bên trên hỏi tội khôn rứa?
Thôi, chúc mừng cho 240 người già, không chỗ ở, bệnh tật, phụ nữ có thai và em
nhỏ sẽ được về quê hương tránh dịch trong vài ngày nữa. Nhưng xin các vị đầy tớ
ở Huế ghi tâm khắc cốt một điều, có thanh minh cách nào chăng nữa thì những quyết
định của các vị trong cơn đại dịch đã khiến lòng người dân Huế lạnh giá, còn cả
nước thì … sáng mắt rồi.
________________________
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/sang-nay-quang-nam-dua-xe-vao-tp-hcm-don-nguoi-dan-ve-que-20210721081248333.htm
----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Tin, bài liên quan
·
Việt
Nam ghi nhận 110 trường hợp tử vong do COVID-19, có ca không có bệnh nền
·
Hà
Nội lên án "thế lực thù địch" lợi dụng dịch bệnh để phá Việt Nam
·
Chính
sách chống dịch sai lầm huỷ hoại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn
cầu
·
Góp
ý qua kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn để đối phó dịch COVID-19 ở Việt Nam
·
Facebooker
đăng tin COVID-19 bị khởi tố theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự
·
Quốc
Hội có cần nhóm họp tại Hà Nội lúc dịch bệnh căng thẳng?
·
Hành
xử của cán bộ qua vụ ‘bánh mì không phải thực phẩm’
·
‘Con
ông- cháu cha’ khoe chích vắc-xin Mỹ - “Trại Súc Vật” phiên bản đời thực?
·
Chủ
tịch Nha Trang xin lỗi công dân Trần Văn Em, đề nghị bố trí nơi làm việc
·
Người
dân mong gì nơi Chính phủ trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư?
No comments:
Post a Comment