Thư Sài Gòn 4: Mùa dịch nằm
trên giường đi chợ
Nguyễn
Hoàng An
Bài gửi tới BBC từ Sài Gòn
24 tháng 7 2021, 16:00 +07
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-57930446
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5D43/production/_119557832_24supermarketshoppers.jpg
Từ mấy tuần nay, hệ
thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm không thể nào cung cấp đủ và kịp thực phẩm
tươi sống cho gần 15 triệu người dân Sài Gòn
Có một bữa như vậy. Khuya, tôi lẩn mẩn vô mấy group
của dân các quận thì bất ngờ một comment vút qua: "Mưa quá nằm trên giường
họp chợ anh chị ơi! Sáng mai em có bún bò/bánh mì/hủ tiếu/bánh canh/mì quảng/rau
anh chị không tăng giá/chôm chôm 4 ký 100 ngàn/gà mới mổ/giờ dịch vây quanh em
mà thịt cũng vây quanh em nữa anh chị ơi/tôm Cà Mau mới lên nhà em ba đời bán tôm
…"
Ủa tưởng Sài Gòn không cho bán đồ ăn mang về,
rồi dân tình than khóc rền rĩ kêu thiếu rau, thiếu gạo dữ lắm rồi mà?
Hóa ra nói dzậy mà hổng phải dzậy.
Thư Sài Gòn 3: Cảm xúc
chuyện phụ nữ Hà Tĩnh gửi nhút ‘cứu đói’ miền Nam
Thư Sài Gòn 2: Trái bầu quả
bí và mong đợi 'bao giờ cho đến tháng 10'
Thư Sài Gòn 1: 'Dân khổ vì
cách chống dịch Covid-19'
Từ mấy tuần nay, chỉ còn 40/237 cái chợ truyền
thống lớn nhỏ khắp thành phố còn hoạt động. Ba chợ đầu mối khổng lồ cung cấp hải
sản, rau củ quả và thực phẩm tươi sống đã bị đóng cửa trước đó nữa khiến chành
vựa miền Tây không thể đưa rau trái cá thịt về được thành phố. Hệ thống siêu thị
và cửa hàng thực phẩm không thể nào cung cấp đủ và kịp thực phẩm tươi sống cho
gần 15 triệu người dân.
Qua mấy ngày choáng váng thấy ký rau tăng giá
gấp rưỡi cũng không mua được, trong khi rau củ thịt thà tràn trề ngoài ngoại
thành, người dân Sài Gòn vốn lanh lợi tháo vát đã nghĩ ra những cách sinh tồn
trong dịch.
Ừa, không cho họp chợ bên ngoài thì dân mình
đem chợ lên internet.
https://ichef.bbci.co.uk/news/596/cpsprodpb/11CAB/production/_119557827_cho2.jpg
Từ khi Sài Gòn thực
hiện phong tỏa, nhiều người họp chợ trên internet
Từ nhiều năm nay trên mạng facebook có đủ mấy
chục group facebook đồng loạt mang tên Tôi là dân Sài Gòn, Tôi là dân quận 1,
tôi là dân Thủ Đức… tất cả các quận.
Từ khoảng vài tuần nay, sau khi đóng chợ vài
ngày:
10 giờ đêm, tiểu thơ nào đó chắc đang thèm ăn
đêm nên thốt ra một post: "Không biết giờ này gần phường x có ai bán gì ăn
không?"
Ở dưới lập tức một núi:
-Heo quay nóng giòn.
-Bánh mì đặc ruột.
-Bánh hỏi ăn luôn.
Có người nhẹ nhàng rón rén: Ăn trái cây không ạ?
Phía dưới, một sạp phấn chấn viết chữ in hoa
toàn bộ "HÀNG VỀ MỖI NGÀY CẢ NHÀ CHỐT ĐƠN EM GIAO LUÔN NHÉ": cà pháo,
khoai mỡ, củ cải trắng,bí xanh, khổ qua, dưa leo, cà rốt, rau muống, ổi nữ
hoàng… Vô tư vậy đó, kệ, người ta thèm ăn gì kệ, mình có hàng thì mình cứ rao
chớ hà hà ai mua thì mua có mất mát gì đâu!
https://ichef.bbci.co.uk/news/584/cpsprodpb/16ACB/production/_119557829_cho1.jpg
Facebook Tôi là dân
Quận 3
Chợ online không định giờ như chợ truyền thống.
Họp liên hồi kỳ trận, 24/24.
Bất cứ ai hứng lên cũng có thể đứng ra lập chợ.
Có người thuận lợi tới mức vài ngày một lần, sáng ra làm một tờ sớ: Bữa nay em
cần 1 ký cải thảo, 1 ký cà chua, 1 ký sườn non, 2 ký cam, gừng, hành lá. Vậy
thôi, rồi thảnh thơi ngồi dạo chợ, nghe rao ơi ới đủ thứ mặt hàng, thấy chất lượng
giá cả ở đâu ưng thì nhắn tin, hẹn hò địa chỉ, rồi ngồi chờ giao tới.
Có người lại làm biếng tới mức sáng sớm quăng
vỏn vẹn mỗi một câu: "Mình ở phường X". Vậy là đủ, ở dưới cũng ào ào
sạp bán hàng như vũ bão.
Đi chợ online hàng hóa không thiếu thứ gì, chỉ
tốn tiền ship. Thôi thì dịch vật, sợ chết không dám xếp hàng ra siêu thị, hoặc
siêu thị không bán đủ hàng, ra đường sợ chốt vịn lại… thì trả công cho người ta
giao tận nhà cho mình. Đã vậy trời mưa trời gió không lo, tối hôm trước cứ nằm
trên giường đi chợ thì sáng sau có đủ. Mà vui quá trời vui. Thôi thì đủ thứ
icon lửa cháy, trái tim, bông hoa, mặt người kinh ngạc (vì giá quá rẻ!) được
chêm nếm cho đầy "sạp".
https://ichef.bbci.co.uk/news/594/cpsprodpb/0F23/production/_119557830_cho6.jpg
Facebook Tôi Là Dân Sài Gòn
Nhiều khi không cần mua mà dạo chợ một hồi,
ngó đủ các thứ thức ăn tươi rói mọi miền cùng những lời rao ơi ới đủ giọng mà
thấy vui, rồi mềm lòng đặt mua một món gì đó. Khắt khe làm chi, mình ăn cơm
cũng phải cho người ta ăn cháo chớ.
Chợ online của người Sài Gòn đã ít nhiều giúp
hạ cơn sốt thực phẩm, giúp một số tiểu thương tiếp tục buôn bán kiếm tiền và tạo
công việc không ngớt cho shipper. Trên đường phố, ngoài những người còn phải tới
nơi làm việc (cũng không hề hiếm những người buồn chân đi vòng vòng chơi) thì
chỉ có shipper chạy ngược chạy xuôi. Đủ màu áo xanh chuối của Grab, vàng tươi của
Be, đỏ chót của Gojek, các app giao hàng khác thì đủ dạng đồng phục hoặc không.
Họ có giấy thông hành và lịch trình, và giờ ai
cũng cẩn thận ghê lắm, ngoài cái khẩu trang và giao hàng từ xa, hạn chế tiếp
xúc, nhiều người còn mang tấm che mặt. Còn người mới còn của đúng không? Còn
shipper thì mới còn có thể ngồi nhà mà mua thoải mái đúng hông?
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/D273/production/_119557835_cho4.jpg
Một người kêu gọi họp
chợ online trên Group Facebook Tôi là dân Gò Vấp
Buổi sáng trên chợ rất xôm. Khúc này người ta
rủ nhau họp chợ, ai có gì quăng vô nấy đỡ tìm. Khúc kia người ta kiếm đồ mua.
Khúc nọ người ta rao đồ ăn sáng inh ỏi. Muốn bánh mì có bánh mì, hủ tíu có hủ
tíu, bún bò có bún bò, mì quảng có mì quảng, bánh bèo có bánh bèo.
Ăn sáng một tô, nhâm nhi ly cà phê sữa đá, đọc
qua tin tức trong ngày rồi mới giải tán đi làm việc, đó là thói quen, cái lối sống
thị dân Sài Gòn bất di bất dịch mà người giàu người nghèo hầu như ai cũng có,
ai cũng giống nhau. Trong những ngày vắng lặng của Sài Gòn đang bệnh nặng, cái
không khí sôi động của vô số khu chợ trên mạng tiếp thêm cho người ta một phần
sinh khí.
Sài Gòn mà, càng khó khăn càng quẫy cựa mãnh
liệt. Tới đâu chưa biết, cứ xốc dậy đi cái đã rồi tới đâu thì tới. Cái tinh thần
quật cường này nhiều người không diễn tả được, cũng không tự biết chính mình
đang quật cường. Nhưng cứ thế, nó tạo ra một Sài Gòn kể hoài không hết chuyện.
-------------------------------------------------------------------------------------------
*Bài viết thể hiện
cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do ở TP HCM
No comments:
Post a Comment