Thử
ngồi vào căn phòng tối của nạn nhân bị tra tấn
Và trở thành một nhân chứng có
lòng trắc ẩn.
NGUYÊN
SA - LUẬT KHOA
06/07/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/07/thu-ngoi-vao-can-phong-toi-cua-nan-nhan-bi-tra-tan/
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/DD-1024x536.jpg
Ảnh: Shutterstock/ Phase4Studios. Đồ họa: Luật Khoa
Tôi gặp cuốn sách “Witnessing
Torture” (Chứng kiến tra tấn) vào đầu đợt dịch năm ngoái, khi Đại học
Cambridge quyết định mở kho sách giáo khoa của họ cho mọi người đọc và tải về
miễn phí, như một cách hỗ trợ cộng đồng học thuật trên toàn cầu. [1] Cuốn sách
này gây chú ý với tôi vì nó là thứ tôi không tưởng tượng được đến bao giờ mới
có thể xuất hiện ở Việt Nam, đặc biệt là như một cuốn sách giáo khoa.
Tôi chỉ có ý định mở nó ra sau vụ việc của quân
nhân Trần Đức Đô, 19 tuổi, chết không rõ nguyên do trong doanh trại quân đội,
nơi anh đã tình nguyện tham gia như một cách thực thi nghĩa vụ công dân. [2]
Làn sóng phẫn nộ ào lên cao chưa từng thấy, rồi tắt đi rất nhanh. Đâu đó, người
ta chép miệng bảo với nhau rằng, ừ thì bạo lực trong quân đội cũng là chuyện
bình thường ấy mà. Kỷ luật nó phải thế.
Từ khi nào, và bằng cách nào, chúng ta chấp nhận
các hành vi xâm phạm nhân quyền trắng trợn trở thành lẽ thường như vậy?
Những căn phòng tối
Ngày nay, tra tấn là hành vi phạm pháp ở hầu hết
các quốc gia – 132 nước đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống Tra tấn (1984).
Nhưng chỉ tính riêng trong năm 2016, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty
International), chuyên giám sát tình hình nhân quyền toàn cầu, đã ghi nhận các
trường hợp tra tấn tại 122 nước khác nhau, bất kể thể chế. [3]
Ở Việt Nam, báo cáo hàng năm của các tổ chức
theo dõi nhân quyền như Amnesty, Bộ
Ngoại giao Mỹ, [4] hay Project
88 [5] cũng ghi nhận các trường hợp tra tấn dưới nhiều hình thức,
trong nhiều không gian, với nhiều thủ đoạn. Những
vụ việc thì vẫn được kể, nhưng chúng dường như chỉ chạm được đến một cộng
đồng nhỏ những người quan tâm đến nhân quyền. [6]
Số đông thường nhìn các vụ tra tấn như chuyện
xảy ra trong một căn phòng tối (dark chamber) – trong tương quan giữa nạn nhân
và kẻ tra tấn. Đây cũng là cách nhìn phổ biến của truyền thông, điện ảnh, và của
cả các nghiên cứu. Nó bỏ qua bối cảnh mà sự việc diễn ra. Một trong những mục
tiêu của cuốn sách “Witnessing Torture” là đặt căn phòng tối vào trong bối cảnh
của nó.
Mười bốn tiểu luận trong cuốn sách mời gọi người
đọc nhìn việc tra tấn trong không gian mà chúng diễn ra: lịch sử của chúng, thể
chế chính trị nuôi dưỡng chúng, hệ thống cho phép chúng xảy ra, những quan niệm
xã hội dung dưỡng chúng, bao gồm việc biện minh cho bạo lực và giải trí bằng bạo
lực. Tác giả của các tiểu luận này rất đa dạng, từ những nạn nhân sống sót sau
tra tấn tại nhiều châu lục, các nhà hoạt động, cho đến những nhà nghiên cứu, giảng
dạy trong lĩnh vực nhân quyền.
Tiểu luận để lại ấn tượng sâu sắc nhất với tôi
là của tác giả Madelaine Hron, một giáo sư về tra tấn. Bạn có thể giật mình,
nhưng tôi tất nhiên không có ý nói Hron là chuyên gia tra tấn người khác (dù
trong tiểu luận, bà có chỉ ra nhiều điểm tương đồng giữa việc dạy học với tra tấn).
Bà là chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về nhân quyền, với những công trình
đáng chú ý về việc tường thuật/ tái hiện (representation) tra tấn trong truyền
thông và điện ảnh. Những kiến giải của bà có thể giúp rọi sáng vào hiện tượng tầm
thường hóa bạo lực/ tra tấn ngầm ẩn trong quan niệm xã hội ngày nay.
Tôi mạnh dạn đoán rằng phần lớn chúng ta đều
giống như những sinh viên của giáo sư Hron, chỉ hình dung về tra tấn qua những
bộ phim hành động Hollywood. Trong các bộ phim ấy, những nhân vật chính thường
có chung một lòng kiên cường, dù trải qua tra tấn nhưng vẫn không khuất phục,
và sau cùng thì luôn tăng thêm sức mạnh. Các cảnh tra tấn thường được mô tả như
một trải nghiệm mang tính chuyển hóa trong quá trình phát triển năng lực và
nhân cách của vị anh hùng. Lâu dần, tra tấn trở thành một phần không thể thiếu
trong các kịch bản phim hành động. “Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi trong
bộ phim ‘Die Another Day’ (2002), James Bond bị tra tấn ngay trong phần mở đầu,
khi chúng ta mới bắt đầu nhai bắp rang bơ”, tác giả viết.
Cách tái hiện tra tấn như một trải nghiệm cần
thiết và hiệu quả của các bộ phim này không giúp gì
cho việc hiểu về tra tấn trong đời thực – một hành vi man rợ, một sự chà đạp
nhân quyền mang tính hệ thống và để lại những hậu quả nghiêm trọng kéo dài cho
nạn nhân.
Nhìn một cách tổng thể, khi những lời kể của nạn
nhân tra tấn trong đời thực chỉ tiếp cận đến một nhóm đối tượng nhỏ, thì các bộ
phim hành động bom tấn chính là thứ định hình quan niệm về tra tấn cho số đông.
Ở một khía cạnh nào đó, chúng góp phần tầm thường hóa cái ác.
Các cảnh tra tấn
thường xuyên xuất hiện trên những bộ phim hành động. Ảnh chụp màn hình phim
“Casino Royale” (2006), cảnh nhân vật chính James Bond đang bị tra tấn. Nguồn:
Filmaffinity.
Tưởng tượng về nỗi
đau của người khác
thúc có hậu) đến việc đọc những trải nghiệm
đau đớn của các nạn nhân tra tấn thực thụ (như trong cuốn sách này) là một bước
nhảy dài đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Mỗi ngày, chúng ta bị bao phủ bởi những chuyện
đau thương trên khắp thế giới thông qua biển tin tức: thảm họa, dịch bệnh, xả
súng, cháy nhà, chết người. Kết quả là, phản ứng cảm xúc của chúng ta phần nào
bị tê liệt đi như một cách để sinh tồn. Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này
là sự mệt mỏi của lòng trắc ẩn (compassion fatigue). Chúng ta không muốn nghe
nói về đau thương thêm nữa, và đó sẽ là một thảm họa cho những nỗ lực bảo vệ
nhân quyền trên toàn thế giới.
Giáo sư Madelaine Hron cho rằng giáo dục về
nhân quyền trước hết phải tìm cách giúp người học vượt qua sự mệt mỏi này, học
cách tưởng tượng về nỗi đau của người khác. Trí tưởng tượng, theo bà, là chìa
khóa để chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, nhất là đối với những trải
nghiệm như tra tấn, vốn thường vượt ngoài không gian tư duy của một người bình
thường.
Có một ý niệm được nhắc đến xuyên suốt mười bốn
tiểu luận trong cuốn sách “Witnessing Torture”, đó là khả năng tiếp nối và chữa
lành của việc làm chứng. Ngay trong lời nói đầu, biên tập viên của cuốn sách đã
nêu ra hai cách mà ta có thể làm nhân chứng (witness) cho một việc gì đó, từ
khía cạnh thực tiễn và từ khía cạnh đạo đức.
Vì tra tấn thường xảy ra trong những không
gian kín, những người có thể làm chứng cho sự việc (witness) chỉ có thể là kẻ
tra tấn và nạn nhân. Trong một số trường hợp còn có bên thứ ba chứng kiến,
nhưng con số này không nhiều. Những người sống sót dám lên tiếng là những nhân
chứng quan trọng để thúc đẩy quá trình xóa bỏ tra tấn, nhưng bản thân họ lại phải
trải qua rất nhiều sang chấn, nhất là khi phải kể lại những việc đã xảy ra với
mình.
Mặt khác, bất kỳ ai trong chúng ta, bằng việc
tin vào những lời kể của các nạn nhân, cũng có thể trở thành nhân chứng cho những
nỗi đau của họ (bearing witness). Các nhân chứng tinh thần này được chứng minh
là có thể giúp thúc đẩy quá trình chữa lành của nạn nhân, và tiếp nối cuộc hành
trình chống lại những hành vi chà đạp nhân phẩm, nhân quyền.
Aristotle đã khái quát hóa quá trình này thành
bốn điều kiện của lòng trắc ẩn. Đó là (1) tin rằng một tai họa đã xảy ra với ai
đó; (2) tin rằng người khác cũng có phẩm giá như chính mình; (3) tin rằng nạn
nhân không chịu trách nhiệm cho những tai họa xảy ra với họ; và (4), tin rằng
chúng ta cũng có thể gặp phải tai họa đó. [7]
Tại sao chúng ta lại phải quan tâm đến nhân
quyền? Lời kêu gọi này dựa trên một nguyên tắc căn bản thường được gọi nôm na
là “có qua có lại” – những thứ có thể xảy ra đối với một người thì cũng có thể
xảy ra với những người khác. Chúng ta đấu tranh hôm nay cho những nạn nhân của
bạo lực, của tra tấn, là cách để ngăn cho mình và những người xung quanh gặp phải
tai họa tương tự trong tương lai.
Chọn cách chép miệng bỏ qua, hay chấp nhận cho
những hành vi xâm phạm nhân quyền diễn ra là góp phần nuôi dưỡng bầu không khí
sợ hãi. Trong bầu không khí đó, không ai an toàn cả. Trở thành một nhân chứng với
lòng trắc ẩn, dù đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn, mới là cách sống trọn vẹn.
Bạn có thể trở thành một nhân chứng như vậy bằng
việc đọc cuốn sách “Witnessing Torture”. Sách có thể được tải về tại
đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang,
đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm
Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích:
1. Moore, A. S., & Swanson, E.
(2018). Witnessing Torture: Perspectives of Torture Survivors and Human
Rights Workers (Palgrave Studies in Life Writing) (1st ed. 2018 ed.).
Palgrave Macmillan.
2. Chính, Y. K. (2021, July 1). Vụ
quân nhân tử vong: Mô típ hành xử quen thuộc của chính quyền với những cái chết
bất minh. Luật Khoa Tạp Chí.
3. Amnesty International, Amnesty
International Report 2015/16: The State of the World’s Human Rights (London:
Amnesty International Ltd., 2016), available online at https://www.amnesty.org/en/latest/research/2016/02/annual-report-201516/
4. Nguyen, L. (2021, April 20). Sống
ở Việt Nam muốn biết chuyện Việt Nam? Thử đọc báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại
giao Mỹ. Luật Khoa Tạp Chí.
5. Linh, T. H. (2020, November
28). Một báo cáo không thể bỏ qua về vấn đề tra tấn tù nhân ở Việt Nam.
Luật Khoa Tạp Chí.
https://www.luatkhoa.org/2020/11/mot-bao-cao-khong-the-bo-qua-ve-van-de-tra-tan-tu-nhan-o-viet-nam/
6. Nguyễn, V. (2020, May 13). 8
màn tra tấn có thể bạn chưa biết. Luật Khoa Tạp Chí.
https://www.luatkhoa.org/2020/05/8-man-tra-tan-co-the-ban-chua-biet/
7. Aristotle. Rhetoric. Trans.
Rhys Roberts. Internet Classics Archive.
No comments:
Post a Comment