The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy
biên dịch
15/07/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/07/15/the-gioi-hom-nay-15-07-2021/
Trong năm 2020 Mỹ ghi nhận con số kỷ lục
93.000 người chết vì quá liều ma túy, tăng 29% so với năm trước đó. Ngoài làm
trầm trọng thêm tình trạng lo lắng và trầm cảm của một số người, các biện pháp
phong tỏa trong đại dịch còn làm giảm khả năng tiếp cận các chương trình trao đổi
kim tiêm, các nhóm hỗ trợ và các biện pháp cấp cứu khác. Nhiều loại thuốc gây
chết người, chẳng hạn như fentanyl, cũng trở nên phổ biến hơn.
Các quan chức cấp cao Nam Phi đã kêu gọi
mọi người không thành lập các nhóm tự vệ, trong bối cảnh cảnh sát và binh lính
vất vả trước tình trạng bất ổn trên khắp đất nước, vốn đã khiến 72 người thiệt
mạng. Tại nhiều vùng của tỉnh Gauteng và KwaZulu-Natal, người dân đã thành lập
các nhóm vũ trang để bảo vệ nhà cửa và cơ sở kinh doanh của họ. Các cuộc biểu
tình hiện nay khởi phát sau khi cựu tổng thống Jacob Zuma bị bỏ tù, rồi sau đó
leo thang vì sự bất mãn đối với tình trạng bất bình đẳng.
Taliban ở Afghanistan đã
chiếm được Wesh, một thị trấn nằm trên tuyến biên giới quan trọng với Pakistan.
Các quan chức địa phương cho biết tổ chức này đã cho dừng giao thông trên tuyến
đường, mặc dù thường ngày có khoảng 900 xe tải đi qua. Hiện các tay súng
Taliban tấn công khắp Afghanistan ngay khi Mỹ vừa rút quân.
Norwegian Cruise Line đệ đơn kiện phản đối một luật của bang Florida theo đó cấm các
công ty du lịch yêu cầu hành khách xuất trình bằng chứng đã tiêm vắc-xin
covid-19. Scott Rivkees, người đứng đầu bộ phận y tế của Florida, nói việc yêu
cầu chứng nhận tiêm vắc-xin là phân biệt đối xử. Trong khi đó, một chiếc du
thuyền khác đã phải quay về Singapore sau khi một hành khách xét nghiệm dương
tính với covid-19, buộc tất cả hành khách phải tự cách ly trong cabin.
Tranh cãi nổ ra xoay quanh nguyên nhân vụ nổ
khiến một chiếc xe buýt ở miền bắc Pakistan rơi xuống khe núi, khiến ít
nhất 13 người thiệt mạng, trong đó có 9 người Trung Quốc. Trung Quốc nói
có một quả bom, trong khi Bộ Ngoại giao Pakistan nói là do lỗi kỹ thuật. Người
Trung Quốc trước đây đã từng là mục tiêu của những kẻ khủng bố ở Pakistan, đặc
biệt là lực lượng ly khai Baloch và Taliban Pakistan.
Tỷ lệ lạm phát của Anh tăng 2,5% trong
12 tháng tính đến tháng 6, so với mức 2,1% hồi tháng 5, theo số liệu do Văn
phòng Thống kê Quốc gia. Lạm phát được dự đoán sẽ đạt đỉnh 3% vào cuối năm nay.
Các số liệu cao hơn dự kiến cho thấy giới doanh nghiệp đang phản ứng trước việc nới lỏng phong tỏa
bằng cách tăng giá.
Ủy ban Châu Âu
công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính của
khối vào năm 2030 so với mức năm 1990. Kế hoạch “Fit for 55” đề xuất luật tăng
chi phí phát thải carbon trong một số ngành công nghiệp và nhằm chuyển đổi sang
xe điện. Nó cũng bao gồm khoản thuế nhập khẩu dựa trên lượng carbon thải ra
trong quá trình sản xuất. Gói này có thể mất đến hai năm để hoàn tất quá trình
phê duyệt.
TIÊU
ĐIỂM
Trung Quốc sắp
công bố GDP quý
Các nhà phân tích thường rất chào đón các động
thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng Trung Quốc. Nó giúp cho
vay dễ dàng hơn và có thể kích thích hoạt động kinh tế. Nhưng một quyết định
tương tự của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào ngày 9 tháng 7 đã tạo ra một số
lo ngại. Điều này là vì Trung Quốc sẽ công bố số liệu GDP quý II vào hôm nay: tức
việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ có thể chỉ là một biện pháp đón đầu vài thống kê bi
quan của nền kinh tế.
Bloomberg ước tính tăng trưởng so cùng kỳ năm
trước trong quý II sẽ là 8%, giảm so với mức 18,3% trong ba tháng đầu năm. Những
người khác còn dự đoán thấp hơn. Hiện người ta đang rất chờ đón con số GDP lần
này. Tăng trưởng lành mạnh ở Trung Quốc sẽ giúp kích thích nhu cầu trên khắp thế
giới. Nhưng, quan trọng hơn, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phục hồi sau đại dịch.
Do đó một cuộc phục hồi ấn tượng có thể là điềm báo tốt cho các nước. Trái lại,
tăng trưởng không ổn định sẽ là dấu hiệu xấu.
Mỹ khó lòng cản bước
Nord Stream 2
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay sẽ gặp Tổng
thống Joe Biden ở Washington, với Nord Stream 2 là trọng điểm trong chương
trình nghị sự. Đức ủng hộ mạnh mẽ đường ống trị giá 9,5 tỷ euro (12 tỷ USD) gây
tranh cãi giữa nước này với Nga. Nhưng Mỹ thì không, và đã trừng phạt các công
ty tham gia đường ống này.
Chính phủ Mỹ lập luận NS2 tạo ra quá nhiều quyền
lực thị trường cho Vladimir Putin, nhà lãnh đạo độc tài của Nga. Hiện tại phần
lớn khí đốt từ Nga sang châu Âu đi qua Ukraine, giúp thu về cho hãng khí đốt
Ukraine Naftogaz khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Vì vậy Ukraine rất lo lắng trước khả
năng NS2 dẫn thẳng khí đốt của Nga tới Đức. Còn Nga cho rằng việc Mỹ bày tỏ
quan tâm Ukraine chỉ là vỏ bọc cho mong muốn bán khí đốt cho châu Âu của chính
Mỹ.
Mỹ có khả năng thua trong cuộc đấu này. Thái độ
kiên quyết của Đức và sự ủng hộ của các công ty năng lượng đối với NS2 đồng
nghĩa việc xây dựng sẽ hoàn thành trong năm nay. Và do đó, châu Âu sẽ trở nên
phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga đúng vào thời điểm nguồn cung của chính
họ đang cạn kiệt.
Tình trạng bất ổn
cho thấy sự mong manh của Nam Phi
Vốn đã quen với tỷ lệ thất nghiệp và bất bình
đẳng cao, Nam Phi không xa lạ gì với tình trạng bất ổn. Nhưng làn sóng bạo lực
trong tuần qua – đặc biệt tồi tệ kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc
vào năm 1994 – không chỉ là một tiếng kêu cứu. Nó được kích động bởi những người
thân cận với cựu tổng thống Jacob Zuma. Họ muốn ông phải được thả, và gây khó
khăn cho tổng thống hiện tại Cyril Ramaphosa.
Tình hình hỗn loạn hiện tại thể hiện sự mong
manh của Nam Phi và cho thấy rất khó để thay đổi một hệ thống chính trị tham
nhũng thâm căn cố đế. Ông Zuma bị bỏ tù vào ngày 7 tháng 7 vì từ chối hợp tác
điều tra tham nhũng diễn ra dưới quyền ông. Còn ông Ramaphosa sau khi được bầu
vào năm 2018 đã cố gắng dọn dẹp mớ hỗn độn của người tiền nhiệm, và giao ngành
công tố cho những người trung thực có năng lực phụ trách. Song phe cánh của ông
Zuma không hoan nghênh sự trở lại của nhà nước pháp quyền. Và giờ đây họ có thể
phá hoại nó một lần nữa.
Ba Lan dần tách
mình khỏi EU
Tòa án Hiến pháp Ba Lan hôm nay sẽ tiếp tục
xem xét liệu hiến pháp nước này có được ưu tiên hơn các hiệp ước của EU hay
không. Nếu tòa án quyết định luật Ba Lan được ưu tiên hơn luật châu Âu, thì
theo lời Adam Bodnar, nhà lãnh đạo nhân quyền của nước này, Ba Lan sẽ tiến vào
con đường bị trục xuất khỏi EU.
Phiên tòa này là tình tiết mới nhất trong cuộc
tranh chấp kéo dài giữa Ba Lan và EU xoay quanh cải cách tư pháp của chính phủ,
mà Ủy ban châu Âu nói làm suy yếu nền độc lập tư pháp.
Vì vậy thật phù hợp khi hôm nay cũng là ngày
Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ra phán quyết về một vụ do Ủy ban châu Âu đệ đơn
chống lại Ba Lan, xoay quanh một chế độ kỷ luật mới đối với các thẩm phán Tòa
án Tối cao. Vào ngày 6 tháng 5, Evgeni Tanchev, một trong các luật sư quốc gia
của ECJ, đã viết rằng chế độ Ba Lan không phù hợp với độc lập tư pháp. Nếu ECJ
đồng ý với ông Tanchev, thì vết nứt giữa Ba Lan và EU sẽ còn mở rộng hơn nữa.
No comments:
Post a Comment