Thursday, 8 July 2021

RA KHỎI HẦM TỐI (Tạ Duy Anh)

 



RA KHỎI HẦM TỐI   

Tạ Duy Anh  (Lão Tạ)  

19:52  07/07/2021   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10223061791150790&id=1160946631

 

Vài lời thưa trước: Tôi chưa có ý định xuất bản cuốn tự truyện “Dưới bàn tay vô hình”, vì mấy lý do hoàn toàn mang tính cá nhân. Chẳng hạn nó sẽ làm tổn thương một vài người thân của tôi ở những phần mang tính “thú tội”, cũng như có thể gây sốc một số chỉ huy quân đội đã đối xử tốt với tôi (nếu họ còn sống) nhưng vì sự công bằng, vì sự thật, vì tính chất tuyệt đối của công lý mà tôi không thể bỏ qua cho họ. Tôi chưa hề gửi xin giấy phép xuất bản ở bất cứ nơi đâu, vì thế mọi đồn đoán về việc nó bị ngăn cản là không có cơ sở. Những gì đã trích in nằm trong mục đích của tôi mà tôi đã nói. Dưới đây tôi sẽ LƯỢC TRÍCH nốt những gì chỉ liên quan đến tôi, để không cảm thấy áy náy là đã đánh đố bạn đọc.

 

Đây là lời đề từ của cuốn tự truyện: “CÓ NHỮNG SỰ THẬT KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI ĐƯỢC NÓI RA. NHƯNG NHỮNG GÌ ĐÃ QUYẾT ĐỊNH NÓI RA THÌ PHẢI LÀ SỰ THẬT. CHỈ ĐIỀU ĐÓ MỚI CÓ THỂ ĐẢM BẢO MỘT CUỐN HỒI KÝ KHÔNG THÀNH VÔ NGHĨA VÀ VÔ ĐẠO ĐỨC”.

 

                                                       ***

 

Một lát sau thì cửa boong-ke mở ra. Một gã vệ binh bảo thằng nào tên là Chiến thì lên làm việc. Chiến đu người chui lên. Cửa boong-ke lại sập xuống. Sau đó ít phút đến lượt cậu lính Hà Nội được gọi tên. Cậu ta cuống quýt bám vào cửa boong-ke đu lên, như sợ bọn bên trên đổi ý.

 

Còn lại Tâm và tôi. Tâm trách tôi sao lại ngang bướng không đúng chỗ để phải ăn đòn. Nhưng ngay sau đó nó bảo tôi: “Thế nào em cũng được lên trước bác và thế nào bọn chó cũng hỏi bọn em về bác. Bác nghĩ đi, em phải trả lời thế nào để có lợi nhất cho bác.” Trong đêm tối đen mà tôi có cảm giác khuôn mặt của Tâm sáng rực như một ngọn đèn. Nào ngờ thằng em hiền lành, tính tình như con gái, tiết kiệm từng xu để chờ ngày ra quân lập nghiệp, suốt ngày xoa bụng vì thèm gái, sểnh ra là thủ dâm rồi kêu lên như bị ai bóp cổ ngay dưới giao thông hào… lại sâu sắc và trải đời đến thế.

 

Tôi bỗng muốn khóc quá, vì cảm động và cũng có cả niềm ân hận với bố đẻ của mình. Tôi không ân hận khi vì ông một phần mà tôi quyết định dấn thân vào cuộc đời quân ngũ. Tôi ân hận và thương bố vì tuy bố con xung khắc nhưng ông luôn lo lắng cho sức khỏe của tôi, có lẽ vì thấy tôi là đứa ốm yếu nhất. Vậy mà thứ ông nâng niu, còn hơn cả thịt da của chính ông, vừa bị giày xéo không thương tiếc. Hình như tôi đang bị trừng phạt vì đã hành động như một kẻ mù quáng và kiêu ngạo là coi thường chính cuộc sống của mình, thứ không chỉ thuộc về riêng tôi. Tôi đáng bị trừng phạt lắm!

 

Thấy tôi im lặng, Tâm giục: “Bác nghĩ nhanh lên kẻo không kịp”. Tôi bảo: “Cảm ơn thằng em, nếu bọn chó hỏi về tôi, chú cứ bảo tôi là nhà báo”.

 

Đúng như phán đoán của Tâm, chỉ một lúc sau kể từ khi Chiến và cậu lính Hà Nội được đưa lên, cánh cửa boong-ke lại mở, với một mệnh lệnh: “Thằng nào tên là Tâm thì nắm vào chiếc que này”.

 

Đến đây tôi phải tạm xin phép dừng lại để nói một sự thật kỳ lạ đã xảy ra với tôi. Sau khi bị dốc đầu cho rơi tõm xuống căn hầm đầy nước, cảm giác đầu tiên của tôi là không kẻ nào có thể giết chết mình được. Bộ mặt như rắn hổ mang của thằng Nhừn, vẻ lỳ lợm đần độn của thằng Tiển, cặp mắt khô cháy đầy thù hận cuộc đời của Định Mắm từng khiến tôi sởn tóc gáy ít phút trước khi nghĩ rằng chúng có thể hạ sát tôi trong đêm tối, thì giờ đây nó không còn khiến tôi phải cảnh giác. Nó có cái vẻ của những thằng hề.

 

Tôi bình tâm đến độ thậm chí còn giễu cợt chính mình đã để bị hoảng loạn. Hình như mấy gã quỷ sứ kia chỉ là những con muỗi, rất giỏi hút máu nhưng không thể làm gì hơn. Nếu tôi nói rằng mình có thể hát trong hoàn cảnh ấy có lẽ bạn đọc sẽ không tin, nhưng tâm hồn tôi đủ hứng khởi để làm điều đó. Những gì tôi vẫn mò mẫm trong tù mù suốt mấy chục năm, thì giời ạ, giờ đây bỗng sáng rõ đến từng ly từng tý. Hình như câu thơ của Bùi Minh Quốc: “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”, ông viết riêng cho tôi. Tôi nhớ lại trong chớp mắt cả cái quãng đường dài dằng dặc mà tôi đã đi qua, từng cột mốc, từng sự kiện, những sự kiện không thuộc về riêng bất cứ cá nhân nào trên đất nước này nhưng lại làm nên số phận của từng con người cụ thể, trong đó có tôi.

 

Những gì tôi tưởng rắc rối và đã mất nhiều công để rắc rối thêm, thì hoá ra vô cùng đơn giản, y như phép tính hai cộng hai là bốn. Đó là siêu cảm giác mà tôi đã trải qua trong căn hầm tối tăm ấy ở Lào Cai năm 1985, rất khó diễn đạt lại một cách rành mạch bằng ngôn ngữ. Nhưng nhờ nó mà tôi bỗng bừng tỉnh ra rất nhiều điều. Tôi không biết cảm giác của người “đốn ngộ” nó thế nào, nhưng rõ ràng, chưa khoảng khắc vui sướng nào trong cuộc đời tôi có thể sánh được với tâm trạng kì lạ của tôi lúc ấy?

 

Lại lần nữa Tâm đúng, khi chỉ chờ đưa cậu ta vào nhà là gã vệ binh áp giải hỏi luôn (như sau này Tâm kể lại): “Thằng già trước khi vào lính làm nghề gì mà nó ngang bướng thế?” Tâm đáp khẽ theo cái lối bí mật: “Bác ấy là nhà báo đấy. Hình như làm ở báo Quân đội nhân dân”. Tôi không nghĩ Tâm lại thông minh đến thế. Tôi chỉ dặn cậu ấy bảo tôi là nhà báo, vì trên thực tế tôi cũng là người viết lách. Trước khi vào bộ đội tôi đã có 6 truyện ngắn và mấy bài bút ký dài in ở các báo lớn, trong đó có báo Quân đội nhân dân. Nhưng chưa bao giờ tôi nhận mình là phóng viên, lại còn là phóng viên của báo Quân đội nhân dân. Thế mà Tâm lại nghĩ giúp tôi điều đó.

 

… Sau này Tâm kể, khi nghe cậu nói vậy, câu đầu tiên mà gã vệ binh thốt ra là: “Thôi chết rồi”. Liền đó gã chạy biến đi, để lát sau đến thẳng nơi nhốt tôi, mở nắp hầm và nhẹ nhàng gọi:

 

– Anh gì ơi, cầm lấy đầu cái gậy nhé.

 

Thêm một lần nữa cái thứ tưởng vô dụng là chữ, bị bố tôi khinh hơn mẻ, bị chính tôi ghẻ lạnh suốt thời bé, lại cứu tôi. Bỗng dưng tôi muốn mỉm cười vì cái trò láu của Tâm. Tôi vẫn vô cùng tỉnh táo. Trước hết, giống như năm nào ở đồn công an Hòa Bình, mình cũng cần ra khỏi đây đã. Giữa nơi rừng núi xa xôi này, một mạng người nào có đáng kể gì. Họ có thừa cớ để đòm cho mình một phát rồi bịa ra vô số lý do biện hộ. Dễ nhất là gán cho tội phản chiến!

 

Và có thể mình tan biến vào quên lãng còn nhanh hơn cả một cái bong bóng nước. Không người tử tế nào có thể trực tiếp thắng những trò bẩn, đó là điều tôi đã học được từ cuộc đời. “Hẵng ra khỏi đây đã”. Cảm ơn Bạch Xịch. Giá như có nhiều người như anh, hẳn cái đất nước này đã khác một chút, bộ mặt nó đã bớt đi sự hung tợn. Anh không thể biết lời anh khuyên anh dành cho tôi sâu sắc và lợi hại như thế nào đâu. Nghĩ vậy nên tôi chủ động túm vào đầu chiếc gậy để gã vệ binh kéo lên.

 

Toàn thân tôi ướt lướt thướt. Tôi cứ thế đi theo gã vệ binh vào một căn phòng có đủ bàn ghế và mấy chiếc giường. Gã vệ binh mang đến cho tôi mượn bộ quân phục binh sỹ đã cũ, bảo tôi mặc. Gã móc những giấy tờ và một số tiền trong túi quần của tôi, giơ lên trước ánh đèn bảo tôi kiểm tra xác nhận cho gã là không hề mất mát. Tôi xác nhận xong gã mới mang đi, sau khi dặn: “Đêm nay anh ngủ ở đây, chờ sáng mai đơn vị cử người ra đưa về”.

 

Ở ba cái giường khác là Tâm, Chiến và cậu lính Hà Nội. Những anh chàng này ngồi im, vừa lo sợ vừa thương tôi. Vì cuối cùng chỉ có mình tôi bị tra tấn. Mọi việc diễn ra ngay trước mắt họ. Nhưng chỉ một lát sau thì tất cả đã kéo bễ. Tôi cứ trằn trọc không ngủ. Tôi nghe tiếng lính gác đeo súng đi lại phía bên ngoài, bước đi có vẻ rón rén. Hình như họ đều linh cảm thấy chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Thỉnh thoảng họ lại ghé mắt nhìn xem chúng tôi ngủ ra sao. Không thấy bóng dáng của những kẻ đã tra tấn tôi, y như vào cái buổi chiều tôi chuẩn bị ra khỏi đồn công an Hoà Bình hai năm trước. Tôi nhận ra ở những gã có tâm địa quỷ sứ là họ có chung đặc tính rất sợ ánh sáng của công lý. Họ biết sắp phải đối mặt với tôi ở cái nơi sức mạnh không thuộc về họ.

 

Và khi đó thì nom họ sẽ thật thảm hại, như tôi đã từng thấy gã Quang Xồm ngày nào năn nỉ xin bạn tôi nói với tôi tha cho gã ra sao? Nhưng vào thời khắc như vừa chui lên từ địa ngục ấy, ý nghĩ của tôi lại hướng về những năm tháng tuổi thơ, về cuộc báo thù dai dẳng của dòng họ khiến tất cả chúng tôi cùng trở thành nạn nhân, về mối bất hoà giữa bố tôi và tôi, chủ yếu do bất đồng về cách nghĩ mà giọt nước tràn ly là sự kiện ông ép tôi phải lấy một phụ nữ không hề quen biết, về những người bạn đã lo lắng cho tôi khi tôi quyết định nhập ngũ, một quyết định mà họ không thể hiểu nổi.

 

Cuối cùng thì cái đêm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi cũng trôi qua. Buổi sáng ở vùng biên giới trong tiết trời tháng Tám khá êm ả. Có thể nói là rất đẹp và thơ mộng. Những làn gió thổi lên từ phía sông Hồng mát lịm và có mùi thơm của rừng. Không có cảm giác gì về sự chết chóc luôn sát nách. Nhưng tâm trí tôi không cho phép mình tận hưởng thứ qùa tặng đó của trời đất vùng địa đầu. Chúng tôi phải xếp thành hàng một rồi thực hiện mệnh lệnh “về đơn vị chiến đấu” phát ra từ miệng còn hơi sữa của cậu lính trẻ măng. Không một ai ở tiểu đoàn bộ biết tôi bị bắt và bị đánh. Vì thế trở về là tôi kịp xuống bếp nấu bữa sáng ngay.

 

Nhưng chẳng hiểu sao thì chiều hôm ấy anh em trong đơn vị đều đã biết tường tận sự việc của tôi. Người bức xúc nhất là Nguyễn Ngọc Khoa, trung uý trung đội thông tin, nơi tôi từng là chiến sỹ của anh. Chúng tôi ngang tuổi nên nhanh chóng thành bạn bè. Bố Khoa là dân tập kết, chọn Sa Pa làm nơi sinh sống. Tôi đã lên thăm hai cụ và được hai cụ coi như con. Khoa chửi ầm lên mấy câu rồi cười hề hề an ủi tôi, rằng thế mới biết mùi lính biên nó là thế nào.

 

Trong khi đó thì Phan Hoán, lính tháng 8-82, người Vĩnh Phú (lúc ấy), do ngang tàng nên hay bị kỷ luật nhưng lại rất quý tôi. Nhờ chỗ đồng hương với tiểu đoàn trưởng mà Hoán được ở riêng một chỗ để canh hoa mầu do anh em lính tăng gia và chặn hỏi những người khả nghi khi đi qua địa bàn tiểu đoàn bộ. Đó thực sự là đặc ân. Vì với công việc ấy, Hoán có thể thức khuya, dậy muộn, muốn cải thiện gì cũng được. Cậu ta lại có tài đi xin nên lúc nào cũng sẵn đồ nhắm. Hoán mê những chuyện tôi kể và cứ tự phong tôi là Tạ Đại Ca. Mỗi khi có miếng gì ngon, Hoán không bao giờ quên “Bác Tạ”. Hoán cứ muốn tôi nhận cậu ta là thằng em kết nghĩa nhưng tôi thì sợ mình không xứng đáng nên chưa dám nhận lời. Biết tin tôi bị bọn vệ binh trung đoàn tra tấn, Hoán về chỗ cậu ta, lắp đầy 30 viên đạn vào khẩu AK.

 

Sau đó cậu ta lặng lẽ ra máng nước, cách Trung đoàn bộ chừng một cây số, nằm phục kích bọn Định, Nhừn, Tiển… Nhờ có người báo nên tôi mới biết. Người này kể, lúc say rượu, Hoán bảo sẽ cho thằng Nhừn, thằng Định Mắm, thằng Tiển mỗi thằng đủ mười viên để trả thù cho Tạ Đại Ca. Tôi phải vừa xin vừa doạ sẽ từ mặt cậu ta nếu làm như vậy, Hoán mới chịu cất súng. Tuy thế mỗi khi rượu vào, Hoán lại gào lên đòi đi cắt tiết mấy thằng đã đánh tôi. Về phần mình, tôi luôn lo sợ Hoán làm liều, nên không dám dời mắt khỏi cậu ta.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10223061787510699&set=a.10214678173885598

Ảnh tư liệu

 

Hôm sau thì tiểu đoàn trưởng cũng biết chuyện. Bất ngờ nhất với tôi là tiểu đoàn trưởng không coi việc tôi bị đánh là nghiêm trọng. Thậm chí ông ta còn cười cười hỏi: “Nó đấm có đau không? Chắc bố lại ngang với bọn chúng chứ gì. Tính bố thì cũng dễ ăn đòn lắm. Mẹ kiếp già thế mà không thoát bị vệ binh đánh. Ức nhỉ!”. Tôi bảo là tôi sẽ kiện. Ông ta lại cười nhưng không nói gì. Có thể ông ta cười cái tính ngây thơ của tôi do không tiện nói thẳng rằng có mà kiện củ khoai. Nhưng chỉ là tôi phỏng đoán thế thôi.

(Còn nữa)

 

 

245 BÌNH LUẬN  

 

.

Sao Mai

Câu chuyện dưới đây thêm một bằng chứng sống về sự tàn ác trong quân đội:

https://www.facebook.com/chantroimoimedia/posts/1306133102763572/

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats