Friday, 23 July 2021

OLYMPIC TOKYO : MỘT BUỔI LỄ KHAI MẠC ĐƯỢC THEO DÕI TỪ XA (Thanh Hà - RFI)

 


Olympic Tokyo : Một buổi lễ khai mạc được theo dõi từ xa

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 23/07/2021 - 11:32

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210723-olympic-tokyo-m%E1%BB%99t-bu%E1%BB%95i-l%E1%BB%85-khai-m%E1%BA%A1c-%C4.....BB%AB-xa

 

Sau đúng một năm chờ đợi, vào lúc 8 giờ tối ngày 23/07/2021, Thế Vận Hội Tokyo khai mạc. Đại dịch Covid-19 làm xáo trộn sự kiện thể thao rất được mong đợi này đến giờ chót. Không một khán giả nào được vào xem ngoại trừ gần 1.000 khách mời. Số vận động viên rước cờ và diễu hành trên sân vận động Tokyo giảm thiểu đáng kể.

 

https://s.rfi.fr/media/display/696a4aea-eb91-11eb-8f6c-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2021-07-23T061132Z_1655828171_RC22QO9XS2HT_RTRMADP_3_OLYMPICS-2020.webp

Cảnh sát đứng gác xung quanh Sân vận động Quốc gia (National Stadium), Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/07/2021. REUTERS - NAOKI OGURA

 

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron hay phu nhân nguyên thủ Mỹ bà Jill Biden là những thượng khách quốc tế hiếm hoi có mặt trong buổi lễ khai mạc tối nay tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Tổng cộng có chưa đầy 1.000 quan khách có mặt tại một sân vận động có thể đón đến 68.000 khán giá.

 

Nhật Bản và thế giới đã chuẩn bị chờ đón sự kiện này từ 2013 nhưng rồi virus corona đã làm thay đổi hẳn cục diện Olympic Tokyo. Nước chủ nhà đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có được lễ khai mạc đêm nay. Ban tổ chức báo trước chương trình lễ hội thể thao này sẽ « đơn giản và khiêm tốn » hơn so với dự kiến. 206 phái đoàn dại diện cho các quốc gia tham dự cũng sẽ tuần hành trên sân vận động Tokyo nhưng số thành viên đã được giảm mạnh. Với Pháp chẳng hạn có đến hơn 370 vận động viên tham dự Thế Vận Hội Tokyo nhưng chỉ có chưa đầy 80 người được diễu hành trên sân vận động trong buổi lễ khai mạc đêm nay.

 

Ngọn lửa Olympic sẽ thắp sáng thủ đô Tokyo đánh dấu mùa tranh tài, nhưng các chương trình lễ hội phần lớn đều đã bị hủy bỏ trong bối cảnh Nhật đang phải đối mặt với một đợt dịch Covid-19 mới và thủ đô Tokyo đang bị đặt  trong tình trạng khẩn cấp y tế.

 

Trong hai tuần lễ sắp tới các vận động viên quốc tế sẽ tranh tài trong sự thiếu vắng tiếng vỗ tay, hô hào cổ vũ của khán giả Nhật Bản và khoảng 600.000 người ngoại quốc dự trù đến dự sự kiện thể thao này.

 

 

Sức sống thể thao vẫn còn dù không khí ảm đạm  

 

Trong hoàn cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, để duy trì được Olympic Tokyo 2020 chưa từng có trong lịch sử này, các nhà tổ chức, chính phủ Nhật và Ủy Ban Olympic Quốc Tế đã phải nỗ lực hết sức. Tiêu chí hàng đầu là bảo đảm an toàn sức khỏe cho hơn 11 nghìn vận động viên đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng chục quan chức thành viên các đoàn và báo chí.

 

Ban tổ chức đã ban hành một loạt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất để hạn chế virus lây lan. Mặc dù vậy, đến ngày khai mạc, đã phát hiện hàng chục ca nhiễm Covid-19 trong một số vận động viên, thành viên các đoàn thể thao hay nhân viên phục vụ sự kiện. Không khí ngày hội thể thao quốc tế thực sự không thể có được trong bối cảnh Tokyo vẫn đặt trong tình trạng khẩn cấp y tế và mối lo lắng dịch lây lan vẫn thường trực. Đến sát ngày khai mạc sự kiện, mọi cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy đại đa số người dân Nhật (hơn 80%) đều không muốn Thế Vận Hội Tokyo diễn ra giữa dịch bệnh. Một số vụ lùm xùm, bê bối liên quan đến khâu tổ chức đã phát sinh. Nhưng dù sao thì Thế Vận Hội Tokyo đã dành chỗ cho các cuộc so tài thực sự của các vận động viên. Vẫn có một bộ phận người hâm mộ thể thao ủng hộ duy trì sự kiện với hy vọng sức mạnh của thể thao có thể giúp mọi người đoàn kết vượt qua những thử thách khó khăn nhất. 

 

Thông tín viên Clea Broadhurst tại Tokyo ghi nhận : 

 

Với kỳ Thế Vận Hội quá đặc biệt này, vì tình hình dịch bệnh, vấn đề phát triển kinh tế hay giao lưu quốc tế không được đặt ra. Trái lại, về khía cạnh thể thao thuần túy thì vẫn có. Ông Hirotaka Matsuoka, giáo sư kinh tế chuyên về thể thao thuộc đại học Waseda, Tokyo, hy vọng kỳ Thế Vận Hội này trước tiên sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với trẻ em.

 

Ông nói : « Bất kể hoàn cảnh nào, Thế Vận Hội vẫn có thể khơi dậy lợi ích của thể thao cho những người là khán giả hay người chơi thể thao. Điều này có thể có hệ quả tích cực cho tương lai. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các cuộc trình diễn thể thao lớn có những hiệu ứng tích cực, khuyến khích mọi người chơi thể thao. Ở kỳ Thế Vận Hội Tokyo 1964, thế hệ những người khi đó ở vào từ 10 đến 20 tuổi, nay đã 60-70 tuổi rất ham mê thể thao ».

 

Đúng là có một số người dân Nhật được phỏng vấn trên đường phố cho biết đang mong mỏi được xem một số môn thi đấu. Một người qua đường cho biết : « Tôi sẽ xem các môn thi đấu. Tôi yêu thích tất cả các môn thể thao, nhất là môn Karaté và Judo. Tôi cũng chơi những môn này. »

 

Một người khác cho biết thêm : « Nhưng khi nghĩ tới các vận động viên, tôi tự nhủ tôi mong muốn Thế Vận Hội diễn ra. Đó là dịp để những người xem được mơ ước chút ít. Tôi sẽ cổ vũ cho các vận động viên. »

 

Tất cả đều hy vọng thể thao sẽ tập hợp đoàn kết mọi người và có thể sẽ làm thay đổi suy nghĩ của những người còn e ngại với các cuộc gặp gỡ quốc tế như thế này.

 

                                                             ****

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

NHẬT BẢN - THẾ VẬN HỘI - COVID-19

Thế Vận Hội Tokyo : Nhật hoàng lo ngại nguy cơ gia tăng dịch bệnh Covid

.

NHẬT BẢN - THẾ VẬN HỘI

Nhật bãi bỏ tình trạng khẩn cấp tại Tokyo 1 tháng trước Thế Vận Hội

.

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

Tokyo 2020, Mêhicô 1968, Melbourne 1956, Berlin 1936: Những mùa Thế Vận khó quên !

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats