Mỹ
nỗ lực tăng cường quan hệ với ASEAN và Việt Nam
Nguyễn
Quang Dy
27/07/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/07/27/my-no-luc-tang-cuong-quan-he-voi-asean-va-viet-nam/
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thời
Biden cũng như thời Trump, dựa trên quan hệ với ASEAN và “Bộ Tứ” (Quad) làm nền
tảng cho cấu trúc an ninh khu vực để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong khi Trump coi trọng quan hệ song phương và coi nhẹ đồng minh thì Biden
coi trọng quan hệ đa phương với đồng minh. Đó là bối cảnh của chuyến thăm của Bộ
trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến Singapore, Việt Nam, Philippines vào cuối
tháng này.
Bối cảnh
Theo một khảo sát gần đây của viện Nghiên cứu
Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute tại Singapore), 61,5% những người được
hỏi ở khu vực đã ủng hộ liên kết với Mỹ, chứ không phải Trung Quốc. Sự trở lại
của các quan chức ngoại giao kỳ cựu dưới thời Obama đã làm nhiều nước
ASEAN kỳ
vọng vào một “thời kỳ vàng son” trong quan hệ Mỹ-ASEAN.
Sau bốn năm dưới thời Trump, hầu hết các nước
ASEAN hoan nghênh Biden trở lại, và mong đợi chính quyền Biden sẽ chủ động cải
thiện quan hệ với ASEAN. Nhưng sau nửa năm cầm quyền, họ vẫn cảm thấy bị
Washington lãng quên. Cú sốc đầu tiên là Hướng dẫn Chiến lược An ninh
Quốc gia Tạm thời chỉ nhắc một cách chung chung đến ASEAN và một số nước
như Việt Nam và Singapore, nhưng không nói đến Philippines và Thailand.
Cú sốc thứ hai là các ngoại trưởng ASEAN phải
chờ 45 phút tại cuộc họp (trực tuyến) lần đầu với ngoại trưởng Mỹ (ngày 25/5)
khi Antony Blinken đang bay từ Châu Âu đi Trung Đông, nên phải hoãn cuộc họp
vào phút chót vì không kết nối được mạng.
Các nước ASEAN thường phàn nàn về sự vắng mặt
của lãnh đạo Mỹ tại các cuộc họp cấp cao ở khu vực. Đối với các nước ASEAN, sự
có mặt của tổng thống Mỹ không chỉ có ý nghĩa tượng trưng, mà đó còn là dấu hiệu
của sự cam kết về chính sách. Trong khi các nước ASEAN thất vọng trước sự cố
ngoại giao nói trên, thì Bắc Kinh “ngư ông đắc lợi”. Ngay sau đó, ngoại trưởng
Trung Quốc đã tổ chức một “hội nghị đặc biệt” với các ngoại trưởng ASEAN tại
Trùng Khánh (7-8/6/2021).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã thay mặt
Ngoại trưởng Blinken xin lỗi các ngoại trưởng ASEAN. Washington đã cử thứ trưởng
ngoại giao Wendy Sherman tới Indonesia, Campuchia, và Thailand (25/5-4/6/2021).
Theo giới truyền thông, Wendy Sherman là quan chức ngoại giao cao nhất của Mỹ đến
thăm ASEAN kể từ khi Biden nhậm chức. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc
gia cũng khẳng định rằng Washington đang chuẩn bị một cuộc họp ngoại trưởng với
ASEAN (13/7) để thay thế cho cuộc họp đã bị hoãn.
Theo học giả Joshua Kurlantzik, sự cố ngoại
giao nói trên đã khiến Mỹ mất điểm với khu vực, làm các nước ASEAN cảm thấy
không được coi trọng như mong đợi. Trong sáu tháng đầu, Team Biden “xoay trục
sang Châu Á”, nhưng ưu tiên cho “Bộ Tứ”, họp cấp cao lần đầu và ra tuyên bố
chung (13/3). Ngoại trưởng Blinken và bộ trưởng Quốc phòng Austin thăm Nhật và
Hàn Quốc (16/3). Tổng thống Biden dự họp cấp cao G-7 tại Anh (12/6). Dự kiến Tổng
thống Biden sẽ trực tiếp dự hội nghị
thượng đỉnh ASEAN vào cuối năm.
Ngoại trưởng Blinken đã điện đàm với 7/10 ngoại
trưởng ASEAN. Tổng thống Biden đã mời ba nhà lãnh đạo ASEAN dự hội nghị trực
tuyến về biến đổi khí hậu (tháng 4/2021), nhưng ông chưa điện đàm với một ai
trong số 10 nhà lãnh đạo ASEAN. Sau các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Nhật
Bản và Hàn Quốc, ASEAN dường như bị lãng quên.
Gần đây, Washington càng tỏ ra khó chịu trước
việc lãnh đạo ASEAN không phản ứng quyết liệt đối với cuộc đảo chính quân sự ở
Myanmar (2/2021). ASEAN đã không đình chỉ tư cách thành viên của Myanmar, mà
còn ngăn cản các biện pháp trừng phạt (dù khiêm tốn) đối với chính quyền quân sự
của Myanmar. ASEAN đã hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar bằng cách mời họ
tới dự các cuộc họp cấp cao trong khu vực.
Nhưng Trung Quốc mới là nguồn bất cập lớn nhất
giữa chính quyền Biden và ASEAN. Trên thực tế, tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN
(ngoại trừ Việt Nam), không dám công khai liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc.
Các đồng minh Philippines và Thailand đã “xoay trục” về phía Trung Quốc. ASEAN
đã tỏ ra ngần ngại tham gia bất kỳ chiến lược ngăn chặn nào do Mỹ dẫn dắt, nhằm
đối phó với sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc.
Tuy chính quyền Biden cũng như Trump xác định
Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chính”, và định vị Trung Quốc là “phép thử địa
chính trị lớn nhất”, nhưng các nước ASEAN chưa quên bài học đã từng bị Mỹ bỏ
rơi. Đó là chưa kể Trung Quốc tăng cường phân hóa và lôi kéo ASEAN, bao gồm các
nước đồng minh của Mỹ như Philippines và Thailand.
Chính quyền Biden đang cổ vũ kế hoạch “Tái thiết
Thế giới Tốt hơn” (Build Back Better World) do Mỹ hậu thuẫn cho các dự án hạ tầng
chất lượng cao. Tuy kế hoạch này sẽ giúp các nước khu vực có sự lựa chọn thay
thế cho chương trình “vành đai Con đường” của Trung Quốc, nhưng kế hoạch đó khó
triển khai nhanh vì đại dịch.
Mỹ với khu vực
Theo giáo sư Carl Thayer,
Chính quyền Biden đã xác định Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên
chiến lược, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới đồng minh
và đối tác. Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Lâm thời (3/2021)
cam kết “cộng tác với Singapore và Việt Nam để đạt được mục tiêu chung”.
Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin đã có kế hoạch
đến thăm Việt Nam trước khi tham dự Đối thoại Shangri-la (Singapore,
4-5/6/2021), nhưng phải hủy bỏ vì đại dịch bùng phát. Vì vậy, tiếp theo cuộc họp
trực tuyến giữa Ngoại trưởng Anthony Blinken và các ngoại trưởng ASEAN
(13/7/2021), chuyến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines của Austin là một
chỉ dấu rằng Mỹ đang tăng cường quan hệ với các nước ASEAN.
Trong cuộc họp báo ngày 21/7, Austin nhấn mạnh
rằng Mỹ sẽ củng cố một trong những “tài sản chiến lược là mạng lưới đồng minh
và đối tác hùng mạnh của chúng ta”. Austin xác định ba thông điệp chính trong
chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ trong bài diễn văn chính tại Viện
Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Thứ nhất, “Mỹ là đồng minh đáng tin cậy cho an
ninh khu vực”, giúp các nước đối phó với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch. Thứ
hai, “Mỹ cam kết vì một trật tự khu vực công bằng hơn, cởi mở hơn, và bao
trùm”, cùng với các giá trị chung. Thứ ba, “Mỹ sẽ làm việc chặt chẽ với các đối
tác để theo đuổi tầm nhìn mới và khả năng răn đe tích hợp”, nhằm hiện đại hóa
năng lực của Mỹ và ASEAN để đối phó với Trung Quốc đang bắt nạt khu vực.
Tại sao Austin lại chọn Singpapore, Hà Nội, và
Manila? Singapore là đồng minh và đối tác quân sự đáng tin cậy nhất của Mỹ
trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc
gia Lâm thời nhắc đến Singapore và Việt Nam. Mỹ đã đồng ý bán 12 máy
bay chiến đấu tàng hình F-35B cho Singapore như một ưu tiên cao.
Philippines vốn là đồng minh của Mỹ, nhưng
Duterte đã ngả theo Trung Quốc. Về lâu dài, Mỹ phải lôi kéo Manila trở lại,
nhưng trước mắt Austin cần thỏa thuận với Manila về Hiệp định Lực lượng Viếng
thăm cho Mỹ đóng quân tại nước này. Đối với Việt Nam, chuyến thăm của Austin
chuẩn bị cho chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris (dự kiến vào giữa
tháng 8).
Austin sẽ trao đổi với lãnh đạo các nước ASEAN
mà ông đến thăm về kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhằm cập nhật và hiện đại hóa
năng lực quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và đề xuất chương
trình hợp tác song phương với các nước khu vực trong tương lai. Việt Nam được
các chính quyền Mỹ đánh giá cao là đối tác an ninh tiềm năng có nhiều đóng góp
tích cực cho hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
Ngoại trưởng Blinken và bộ trưởng quốc phòng
Austin đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm kết nối với các đồng minh và đối tác chiến
lược ở khu vực. Trong cuộc họp trực tuyến lần đầu với các ngoại trưởng
ASEAN, Blinken
nhấn mạnh đến “lợi ích chung” và cam kết ủng hộ “vai trò trung
tâm của ASEAN” để định hình cơ chế an ninh khu vực.
Trong cuộc họp ngoại trưởng Mỹ-ASEAN (13/7),
Blinken đã nói thẳng về “mối quan ngại sâu sắc của Washington” đối với hành động
thiếu quyết đoán của ASEAN trước cuộc khủng hoảng Myanmar, và kêu gọi phải thả
ngay các nhà hoạt động dân chủ và lãnh đạo dân sự, đã bị giới cầm quyền
quân sự ở Myanmar “bắt giam một cách bất công”.
Trong khi Trung Quốc không để phí thời gian nhằm
lôi kéo các nước khu vực bằng đầu tư, và gần đây bằng vaccine, thì Mỹ cũng nóng
lòng lôi kéo các nước ASEAN. Blinken nhấn mạnh cam kết của Chính quyền Biden muốn
thông qua ASEAN để đối phó với các thách thức của Trung Quốc ở khu vực. Mỹ kiên
quyết bác bỏ các đòi hỏi phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, lên án Trung Quốc
bắt nạt Malaysia, Việt Nam, và Philippines.
Vào giữa tháng 3 và tháng 5/2021, Philippines
đã bị cuốn vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc tại Đá Ba Đầu (Whitsun Reef),
khi 238 tàu dân quân biển của Trung Quốc đã hoạt động phi pháp trong vùng đặc
quyền kinh tế nước này. Tại Singapore, Austin sẽ giới thiệu các nét chính về
Chiến lược Quốc phòng của Chính quyền Biden nhằm đối phó với Trung Quốc. Theo
người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyến thăm của Austin chứng tỏ vai trò
quan trọng của ASEAN như “một phần thiết yếu trong chiến lược Ấn Độ Dương –
Thái Bình Dương”.
Manila đã nhảy từ cực này sang cực khác dưới
thời tổng thống Duterte. Chuyến thăm Manila của Austin đúng vào thời điểm
quan trọng, chỉ vài tuần sau khi Duterte quyết định hoãn việc khôi phục hoàn
toàn Hiệp định Lực lượng Viếng thăm. Nay Tổng thống Duterte đang chìa cành
ô-liu cho Tổng thống Biden. “Lúc này tôi chỉ muốn đàm phán với ai đó ở
Washington, dù là Phủ Tổng thống hay là Bộ Ngoại giao, hay là Bộ Quốc phòng”.
Mỹ với Việt Nam
Chính quyền Biden đánh giá cao vai trò của Việt
Nam, và muốn nâng quan hệ song phương với Việt Nam lên mức cao hơn. Marc
Knapper (dự kiến là đại sứ mới của Mỹ tại Việt Nam) đã nói với Tiểu ban Đối ngoại
của Thượng viện Mỹ trong phiên điều trần (ngày 13/7) rằng “Hiện nay, chúng ta
có quan hệ “đối tác toàn diện” với Việt Nam; hy vọng chúng ta sẽ nâng cấp lên
thành “đối tác chiến lược”, qua tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam.
Các cuộc thảo luận của Austin với lãnh đạo Việt
Nam sẽ nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với an ninh và ổn định tại Biển Đông, để đối
phó với hành động bắt nạt và đe dọa của Trung Quốc. Hai bên sẽ trao đổi quan điểm
về các vấn đề chiến lược, nhằm điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc, và các ưu
tiên của Việt Nam về hợp tác quốc phòng trong tương lai.
Theo Carl Thayer, trong chuyến thăm này,
Austin có thể mời bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang thăm Mỹ. Nếu hai bên khó
đạt được một thỏa thuận chính thức, hãy giao cho các quan chức quốc phòng hai
bên tiếp tục làm việc, như mua/bán, chuyển giao khí tài quân sự và công nghệ quốc
phòng, cũng như đào tạo các chuyên gia cho Việt Nam.
Các đại sứ Việt Nam ở Mỹ cũng như các đại sứ Mỹ
ở Việt Nam đều nhấn mạnh “mô tả quan hệ song phương như thế nào không quan trọng
bằng bản chất chiến lược của quan hệ đó”. Chính quyền Biden tuy nhấn mạnh việc
nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược”, nhưng nếu Austin nêu vấn
đề này ra, chắc Hà Nội sẽ lúng túng.
Theo một nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu
Quốc tế và Chiến lược, Mỹ muốn ưu tiên cho đối tác chiến lược với Việt Nam.
Nhưng Thayer cho rằng quan điểm đó thiếu thực tế vì quan hệ Mỹ-Việt là “đồng
sàng dị mộng”. Việt Nam hợp tác quân sự với Mỹ rất thận trọng, để tránh bị
Trung Quốc coi đó là khiêu khích. Tuy bên ngoài tích cực hợp tác, nhưng bên
trong Hà Nội cần đồng thuận.
Hà Nội muốn Chính quyền Biden tái khẳng định lập
trường cứng rắn mà cựu Ngoại trưởng Pompeo đã tuyên bố (7/2020) rằng Bãi Tư
Chính là của Việt Nam và Trung Quốc không có quyền khai thác dầu khí ở đó.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Hà Nội muốn nâng cấp ngay quan hệ lên đối tác
chiến lược, mà cần xúc tiến một cách thận trọng.
Việt Nam nằm trong danh sách các nước khu vực
được ưu tiên nhận vaccine của Mỹ qua cơ chế COVAX. Đến nay Mỹ đã cung cấp cho
Việt Nam 5 triệu liều vaccine Moderna, và hứa sẽ cung cấp thêm vaccine cho Việt
Nam để đối phó với đại dịch đang diễn biến phức tạp. Viện trợ vaccine cho Việt
Nam đúng lúc là một bước xây dựng lòng tin, như câu thành ngữ “người bạn thực sự
là người bạn khi cần”.
Mỹ và Việt Nam đều không muốn Trung Quốc cư xử
một cách côn đồ, nhưng hai bên vẫn khó nhất trí phải làm thế nào. Theo các
chuyên gia, sau việc ưu tiên đối phó với đại dịch Covid-19 sẽ là ưu tiên đối phó
với biến đổi khí hậu, nhất là khi John Kerry (một người thân thiện với Việt
Nam) đang phụ trách vấn đề đó.
Theo các chuyên gia về quan hệ Mỹ-Việt, mỗi
khi vấn đề nhân quyền nổi lên, nó thường làm gián đoạn các sáng kiến mà lãnh đạo hai nước đang theo đuổi và có thể làm cho
quan hệ thụt lùi. Đạo luật Sáng kiến Trấn an Châu Á đề cập đích danh Việt Nam
trong phần nói về nhân quyền, và để ngỏ khả năng trừng phạt nếu Việt Nam vi phạm.
Mấy năm qua, Mỹ và Việt Nam đã có bước phát
triển vững chắc về đồng thuận chiến lược, do mối lo chung trước sự trỗi dậy đầy
nguy hiểm của Trung Quốc ở khu vực, từ thượng lưu sông Mekong đến Biển Đông. Vì
vậy, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Nguyễn Thị Hồng đã ký thỏa thuận về tiền tệ.
Tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức
cáo buộc Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Đến tháng 4/2021, tuy Bộ Tài chính
Mỹ đã rút Việt Nam khỏi danh sách thao túng tiền tệ, nhưng nói rằng Việt Nam,
cùng với Đài Loan và Thụy Sỹ, đã vượt ngưỡng. Trong tuyên bố chung ngày 19/7,
Việt Nam đã xác nhận cam kết theo quy định của IMF “sẽ không thao túng tỷ giá hối
đoái để tránh phải điều chỉnh cán cân thanh toán, hoặc giành lợi thế cạnh tranh
không công bằng”, và hứa “sẽ không phá giá đồng tiền để cạnh tranh”.
Vai trò của Bộ Tứ
Nếu chính quyền Trump đã nhân cơ hội Trung Quốc
bành trướng ở khu vực để hồi sinh “Bộ Tứ” thì chính quyền Biden đặt “Bộ Tứ”
vào tâm
điểm của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là một
bước chuyển lớn, đặt “Bộ Tứ” vào đúng chỗ và đúng lúc.
“Bộ Tứ” có thể phát huy vai trò đối với các nước
ASEAN ven biển như Indonesia, Việt Nam và Philippines, để định hình lại các nỗ
lực nhằm đạt được một bộ quy tắc ứng xử (COC) có tính ràng buộc, với các biện
pháp làm giảm thiểu rủi ro để tránh leo thang do xung đột xảy ra ngoài ý muốn.
“Bộ Tứ” có thể chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài năm 2016, theo đó đòi hỏi
về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
“Bộ Tứ mở rộng” có thể đưa sáng kiến ra Hội
nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để thông qua hoặc giao vấn đề đó cho Diễn đàn Khu vực
ASEAN hay các cơ chế khu vực khác thảo luận và báo cáo cho EAS. Cuộc họp cấp
cao giữa các nguyên thủ quốc gia có thể xem xét để phê chuẩn sự hợp tác về các
vấn đề cụ thể. Đối với các vấn đề phức hợp, “Bộ Tứ” có vị trí thuận lợi để xúc
tác giúp các nước khu vực hợp tác hiệu quả hơn, làm đòn bẩy cân bằng lực lượng,
hoặc hợp tác với Trung Quốc. Nói cách khác, “Bộ Tứ” có vai trò lớn trong chiến
lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chính quyền Biden dự kiến sẽ họp cấp cao “Bộ Tứ”
tại Washington vào cuối năm nay, với nội dung hợp tác trên các lĩnh vực như hạ
tầng số chất lượng cao, đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng, và công nghệ thông tin,
kỹ thuật số. “Bộ Tứ” là một cơ chế tuy không chính thức nhưng bền vững, và có
tác dụng “nhân bản sức mạnh” để đảm bảo an ninh khu vực. Vì mang tính ứng biến
(improvisational), nên chưa rõ “Bộ Tứ” sẽ tham gia thế nào vào cơ chế chính thức
của khu vực.
Trong một khu vực còn nhiều thể chế cứng nhắc,
nhàm chán, và quan liêu, thì bước chuyển nhằm kiến tạo các hành động tập thể
theo chức năng là một sự đổi mới lớn dựa trên nguyên tắc đơn giản là “hình thức
phải theo chức năng”. Nói cách khác, ai ngồi vào bàn phải đảm bảo sẵn sàng và
có thể đem lại giá trị gia tăng. “Bộ tứ” có thể mời các nước ASEAN ven biển như
Indonesia, Viêt Nam, Singapore, Malaysia và Philippines tham gia thảo luận về lập
trường chung hoặc các hành động cụ thể.
“Bộ Tứ” có thể quyết định nâng cao năng lực
hàng hải cho khu vực. Để đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng, “Bộ Tứ” có thể mời Hàn
Quốc và Singapore tham gia, như hai trung tâm công nghệ lớn của Châu Á. Vì
ASEAN không đe dọa lợi ích các nước lớn, nên họ hoan nghênh vai trò đối thoại về
chính trị và an ninh khu vực để các bên tham gia. Nói tóm lại, ASEAN có vai trò
quan trọng trong mạng lưới ngoại giao của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình
Dương.
Nhiều người cho rằng diễn đàn ASEAN chỉ là nơi
để nói chứ không đem lại kết quả. Nguyên tắc của ASEAN là đồng thuận thay vì đối
đầu, tuy đạt được một số thành công nhưng nếu ASEAN áp dụng nguyên tắc đó vào
đàm phán COC cho tranh chấp Biển Đông thì có thể phản tác dụng. ASEAN không thể
im lặng vì lý do đồng thuận trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Từ cuối thập niên 2000, các nước Malaysia,
Philippines, và Singapore đã buộc phải lên tiếng cùng với Việt Nam trước thái độ
ngày càng ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu đồng thuận đòi hỏi tất cả
các thành viên ASEAN phải nhất trí thì triển vọng các nước ASEAN dám đương đầu
với Trung Quốc chỉ là ảo tưởng.
Theo quan điểm của Mỹ, sự có mặt của hải quân
Mỹ và “Bộ Tứ” có thể làm thay đổi cục diện bất lợi giữa Malaysia và Trung Quốc,
giúp Malaysia có sự răn đe cần thiết. Nhưng lãnh đạo Malaysia lại có quan điểm
khác, lo ngại sự có mặt của hải quân Mỹ sẽ buộc Trung Quốc leo thang vượt ra khỏi
khả năng kiểm soát của họ. Vì vậy, trong cuộc đối đầu năm ngoái, trong khi tàu
chiến Mỹ phải rút, thì tàu chiến Trung Quốc vẫn ở lại.
Các nước khu vực từng hy vọng rằng ASEAN có thể
định đoạt quan hệ của họ với nhau và với các nước lớn. Nhưng trên thực tế, các
nước lớn như Trung Quốc đang định đoạt quan hệ nội bộ của ASEAN. Nhưng ASEAN vẫn
có cơ hội thành công nếu họ chấp nhận vai trò các nước khác như “Bộ Tứ” để cân
bằng lực lượng. Dù muốn hay không, sức mạnh vẫn cần thiết trong quan hệ quốc tế.
Nếu ASEAN không từ bỏ ý tưởng về “con đường thứ ba” và không cần đến các nước lớn,
thì đó chỉ là ảo tưởng.
------------------
Tham khảo
1.
Interim National Security Strategic Guidance, the White House, March 03, 2021.
2.
Why Biden has been a disappointment to Southeast
Asia so far, Richard Heydarian, South
China Morning Post, June 8, 2021.
3.
The Quadrilateral Security Dialogue Is Consolidating
Its Power Against China, Robert Manning &
James Przystup, National Interest, July 4, 2021.
4.
Vietnam-US Reach Accord on Alleged Currency
Manipulation, Sebastian Strangio,
Diplomat, July 20, 2021.
5.
US moves to repair its ties with ASEAN, Richard Heydarian, Asia Times, July 21, 2021.
6.
US Defense Secretary Austin to Visit Vietnam,
Singapore and the Philippines, Carl Thayer, July 22,
2021.
=========================================
Có Thể Bạn Quan
Tâm:
1. Chiến lược mới của Mỹ tại
Đông Nam Á
2. Điều gì
đang xảy ra với các đồng minh Đông Nam Á của Mỹ?
3. Giải
mã chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc đối với các nước láng giềng
4. Dự báo chính
sách đối ngoại của chính quyền Biden (P2)
5. Dự báo chính
sách đối ngoại của chính quyền Biden (P4)
6. Việt
Nam, ASEAN và Đối đầu Mỹ-Trung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
7. Tuần trăng mật
của Biden: Vai trò Bộ Tứ và Xoay trục 2.0
8. Tại sao
Mỹ nên theo đuổi chủ nghĩa ‘tiểu đa phương’ với ASEAN?
No comments:
Post a Comment