MỘT
SỐ SAI LẦM CẦN TRÁNH KHI THẢO LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH PHÒNG CHỐNG COVID-19
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=5930519647018983&id=100001830205620
Tôi viết bài này nhân đọc bài “Nên ngưng đếm số ca nhiễm và chiến lược thoát covid-19”
của GS. Nguyễn Văn Tuấn đăng trên blog cá nhân của ông ngày 7/7/2021, trong đó
tôi thấy có một số ngộ nhận, thậm chí là sai lầm nên tránh.
Trong điều kiện bình thường, tôi sẽ không bình
luận. Nhưng vì những nhận định sai lầm này có thể dẫn tới những nhận thức không
đúng đắn cho công chúng và các nhà làm chính sách; và trong bối cảnh dịch bệnh
đang leo thang ở Việt Nam, những nhận định sai lầm này có thể trở nên nguy hiểm,
thậm chí phải trả giá bằng sinh mạng, vì vậy tôi buộc phải bình luận.
Để ngắn gọn, tôi chỉ nêu ra 3 sai lầm quan trọng
của bài viết này.
SAI LẦM 1: DẪN CHỨNG
SAI SỰ THỰC
Câu đầu tiên trong bài, GS Tuấn viết “Đã đến
lúc chúng ta nên làm như Singapore: ngưng đếm số ca nhiễm virus mỗi ngày”.
Để kiểm tra, tôi vào trang web của Bộ Y tế
Singapore (www.moh.gov.sg) và thấy họ đang đếm số ca nhiễm Covid-19
hàng ngày, ngay cả khi chỉ là 3 ca như số liệu ngày 8/7/2021.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=5930499490354332&set=pcb.5930519647018983
https://www.facebook.com/photo/?fbid=5930500007020947&set=pcb.5930519647018983
Ảnh nơi cuối trang
SAI LẦM 2: ĐÁNH ĐỒNG
XÁC SUẤT TRONG CÁC ĐIỀU KIỆN KHÁC NHAU
Bình luận về tỷ lệ tử vong ở Việt Nam hiện là
0,4% so với mức bình quân của thế giới là 0,8%, GS Tuấn nhận xét “tính trung
bình, tỉ lệ tử vong Covid-19 ở VN chỉ bằng phân nửa tỉ lệ trên thế giới.”
Ở đây cần hiểu tỷ lệ tử vong 0,4% hiện nay ở
Việt Nam là trong điều kiện hệ thống y tế chưa bị quá tải. Nhớ lại trường hợp của
phi công người Anh (BN91) chỉ được cứu sống nhờ máy trợ thở và ECMO trong 68
ngày. Điều này ngụ ý rằng, khi tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nhiễm nặng và cần thở
máy hay ECMO vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế – điều chắc chắn sẽ xảy
ra nếu TP.HCM không áp dụng phong tỏa toàn thành phố – thì việc sử dụng máy trợ
thở và ECMO trong 68 ngày là điều vô cùng “xa xỉ”, vì cả TP.HCM hiện chỉ có 16
máy ECMO. Khi ấy, chắc chắn tỷ lệ tử vong không dừng ở con số 0,4% như trong điều
kiện chưa bị quá tải.
Trong khi tôi đồng ý với GS Tuấn rằng không
nên “đưa ra những con số thống kê thiếu bối cảnh nên làm cho người ta (có lẽ kể
cả nhà chức trách) hoang mang,” thì ở góc độ ngược lại, cũng không nên đưa ra
những con số thống kê thiếu bối cảnh làm cho người dân và chính quyền lạc quan
một cách không thực tế.
SAI LẦM 3: BẮT CHƯỚC
NƯỚC KHÁC MỘT CÁCH THIẾU CÂN NHẮC
Bài viết của GS Tuấn kết luận “đã đến lúc
chúng ta nên làm như Singapore: ngưng đếm số ca mỗi ngày (chỉ tập trung vào số
ca nặng) và chuẩn bị phương án sống chung với con virus này vĩnh viễn như Úc
đang làm”.
Như đã dẫn chứng ở trên, Singapore vẫn đang đếm
số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Ở Singapore, ngay trong điều kiện dịch đã được
kiểm soát gần như hoàn toàn (với tối đa 6 ca nhiễm trong 10 ngày qua), Chính phủ
tuy đưa ra lộ trình đi đến “bình thường mới”, nhưng đồng thời cũng khẳng định
“trong thời gian chờ đợi, chúng ta vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa
và bảo vệ cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm và nhập viện” (xem “Living normally, with Covid-19: Taskforce ministers on how S’pore
is drawing road map for new normal”).
Như vậy, trước khi có thể “sống chung một cách
bình thường với Covid-19” thì những biện pháp phòng chống dịch tích cực vẫn phải
được thực hiện – chưa kiểm soát được dịch thì khẩu hiệu “sống chung với dịch”
chỉ là ảo tưởng, không những thế là ảo tưởng nguy hiểm vì có thể sẽ phải trả
giá bằng rất nhiều sinh mạng.
GS Tuấn cũng khuyên Việt Nam học theo kế hoạch
exit 4 giai đoạn của Úc. Tuy nhiên, nếu đối chiếu tình trạng thực tế của Việt
Nam so với Úc và tham chiếu vào kế hoạch này, có lẽ Việt Nam đang ở “giai đoạn
-1”, vì vậy không thể vội vàng bỏ qua thời kỳ quá độ được.
Để kết thúc bài, GS Tuấn kết luận điều kiện để
sống chung với Covid-19 thì “ưu tiên số 1 là vaccine tiêm vaccine, chớ không phải
làm xét nghiệm đại trà.” Chắc chắn GS Tuấn biết Việt Nam hiện nay có bao nhiêu
liều vaccine và tình hình tiếp cận vaccine khó khăn đến nhường nào khi cầu vượt
xa cung trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, đừng áp đặt kinh nghiệm của một nước
phát triển và dân số tương đối thấp như Singapore hay Úc cho các quốc gia có điều
kiện rất khác, trong đó có Việt Nam.
Để chính sách – dù là về vaccine hay bất cứ điều
gì khác – có tính khả thi, nhất thiết phải bám sát điều kiện thực tiễn, trong
đó bao gồm những ràng buộc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, và trong trường
hợp Covid-19, cả những điều kiện y tế, tài chính, và địa chính trị nữa. Tôi
mong những nhà phân tích lưu ý những yếu tố này để những bình luận của chúng ta
góp phần soi sáng thực tại, từ đó giúp công chúng và người ra chính sách có nhận
thức và quyết định phù hợp.
No comments:
Post a Comment