Tuesday, 20 July 2021

MỘT BÀI HÁT HIP-HOP ĐÃ THÚC ĐẨY CÁC CUỘC BIỂU TÌNH CHƯA TỪNG CÓ Ở CUBA (Bill Chappell)

 


Một bài hát Hip-Hop đã thúc đẩy các cuộc biểu tình chưa từng có ở Cuba

Tác giả: Bill Chappell

Bùi Xuân Bách dịch

19/07/2021

https://baotiengdan.com/2021/07/19/mot-bai-hat-hip-hop-da-thuc-day-cac-cuoc-bieu-tinh-chua-tung-co-o-cuba/

 

Cuba đang trải qua một mùa hè thiếu thốn nghiêm trọng, từ lương thực và điện, cho đến thuốc men. Người dân Cuba đã chán ngấy, đang xuống đường trong các cuộc biểu tình chưa từng có và họ đang bày tỏ sự phẫn nộ của mình qua một bài hát có tên Patria y Vida – Đất nước và cuộc sống.

 

Khẩu hiệu này đã nhái lại khẩu hiệu kéo dài hàng thập niên của chế độ cộng sản là “patria o muerte” – Tổ quốc hay là chết. Với những ngôn từ mạnh mẽ, bài hát cáo buộc chính phủ đang hủy hoại chất lượng cuộc sống ở Cuba. Nó trở thành một thông điệp nhanh chóng thu hút những người biểu tình đang đòi hỏi sự thay đổi.

 

Đừng dối trá nữa. Nhân dân chúng tôi yêu cầu tự do. Không cần học thuyết nào nữa!” ca từ của bài hát lên tiếng. Nó kêu gọi mọi người hãy thét lên “Đất nước và cuộc sống … và bắt đầu xây dựng những gì chúng ta hằng mơ ước / (là) những gì người ta đã phá hủy bằng bàn tay của chính họ”.

 

Bài hát lan truyền rộng rãi đã trở thành một khẩu hiệu chính trị

 

Patria y Vida đã trở thành một hiện tượng khác thường kể từ khi phát hành đầu năm nay. Bài hát là sự hợp tác giữa một nhóm ca sĩ dòng nhạc regga người Cuba gốc Phi và các ngôi sao hip-hop sinh sống tại Miami, chẳng hạn như Yotuel Romero và Alexander Delgado, cùng với các rapper Maykel Osorbo và El Funky, những người đang sống ở Cuba. Một video trên kênh  YouTube của bài hát này đã được xem gần 6 triệu lần.

 

Khi đĩa đơn được phát hành, Romero, thành viên của băng nhạc Orishas,​​ nói rằng, với anh ấy bài hát đã ra đời nhờ việc nhìn lại lịch sử lâu đời của Cuba.

 

Trước cách mạng, chúng tôi đã có một Havana tươi đẹp; bây giờ chúng tôi chỉ còn những tàn tích hoang phế”, anh ấy nói với Billboard vào tháng Hai. “Ngay từ lúc đó, tôi đã nói, ‘Tôi sẽ không im lặng nữa’“.

 

Khẩu hiệu ban đầu thời Castro là lời kêu gọi mọi người cầm vũ khí đứng lên chống lại ảnh hưởng từ nước ngoài, khẩu hiệu mới kêu gọi mọi người xuống đường và giành lại đất nước của mình.

 

Bây giờ nó đã chấm dứt! Và chúng tôi không sợ hãi”, bài hát tuyên bố.

 

Patria y Vida nhanh chóng trở thành quốc ca. Khi các cuộc biểu tình lớn bùng nổ vào tháng 4, bà Carrie Kahn của NPR (*) tuyên bố, đó là điều “đáng kinh ngạc” và là dấu hiệu của “một phong trào đang gia tăng thách thức chế độ mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập niên”.

 

Sau khi bài hát được công bố, chính quyền Cuba đã bắt giữ Osorbo. Những người ủng hộ anh đã gửi đơn khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc về cách đối xử với anh, nói rằng chính phủ đang đàn áp anh do bày tỏ quan điểm của mình và vì anh đã giúp viết nên bài hát.

 

Các cuộc biểu tình đã trở thành một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Cuba

 

Hàng ngàn người Cuba đã tham gia vào các cuộc biểu tình ở Havana và các nơi khác trên hòn đảo, lên tiếng đòi tự do hơn, cùng với những lời kêu gọi chấm dứt tình trạng vật giá gia tăng và bất ổn kinh tế. Sự cố mất điện đã càng tăng thêm sự thất vọng của họ.

 

Đám đông đã hô vang những khẩu hiệu phản đối Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, cũng như yêu cầu được tiêm chủng vaccine chống Covid nhiều hơn. Cuba đã gặp phải mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19 và số ca tử vong trong những tuần gần đây. Tính chung, cả nước đã có  gần 245.000 trường hợp nhiễm bệnh.

 

Cảnh sát đã giải tán các cuộc tuần hành và biểu tình, bắt giữ hàng loạt và sử dụng hơi cay chống lại những người biểu tình vào ngày Chủ Nhật. Phóng viên Nora Gámez Torres của Miami Herald và El Nuevo Herald nói với NPR, các video lan truyền trên mạng cũng cho thấy cảnh sát đã nổ súng vào đám đông.

 

Đó là những hình ảnh quả thật chưa từng có trên hòn đảo này”, bà nói.

 

Tại sao Cuba chịu khổ đau?

 

Có một số lý do chính, kể cả các lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ đã được thắt chặt thêm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và những thiệt hại do đại dịch đối với nền kinh tế và cơ sở hạ tầng trên đảo. Cuba cũng đang nhận được sự giúp đỡ kinh tế ít hơn từ một trong những đồng minh chính là Venezuela.

 

Torres nói: “Chính phủ đang mắc nợ và không có tiền. Vì vậy, dân chúng đã phải chịu đựng sự khan hiếm nghiêm trọng về thực phẩm và thuốc men”.

 

Nhiều người cũng tức giận và thất vọng trước chính sách bán thực phẩm bằng đô la Mỹ của Cuba – thứ mà hầu hết người dân nước này không kiếm được.

 

Kiều hối từ người thân ở Mỹ và các nơi khác gửi về cũng suy giảm. Và giống như nhiều nơi khác, ngành du lịch của Cuba đã phá sản do bị hạn chế đi lại hơn một năm nay vì COVID-19.

 

Vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, Torres nói.

 

Bà nói: “Thậm chí ngay cả khi chính phủ giữ được quyền kiểm soát, đó là kịch bản có khả năng xảy ra nhất, nhưng người dân Cuba hiện thấy họ có thể làm gì nếu có đủ người xuống  đường phản đối. Vậy là điều tồi tệ đã đến rồi và bực dọc cũng chẳng đi đến đâu”.

 

Bà cảnh báo, chính phủ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu sắc, và chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự đàn áp mạnh tay hơn trong những ngày tới.

 

Chính phủ Cuba đang đổ lỗi cho Hoa Kỳ

 

Granma, tờ báo của Đảng Cộng sản, đổ lỗi cho các cuộc biểu tình là do “quyền lợi của những kẻ muốn thôn tính Cuba, được Hoa Kỳ trả tiền và chỉ đạo”.

 

Ông Díaz-Canel cho biết Cuba đang phải đối mặt với những khó khăn mà họ biết sẽ đến, khi Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chặt chẽ đối với đất nước này. Và trong khi đại dịch đã làm cho tình hình tồi tệ hơn, tổng thống nói, tất cả các quốc gia trên thế giới đang bắt buộc phải đối phó với virus corona.

 

Trong một bài phát biểu hôm thứ Hai, Díaz-Canel cũng nói về hệ thống điện quốc gia của đất nước mình, rằng cơ sở hạ tầng của nó đang gặp khó khăn vừa do lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và vừa do tiêu thụ quá mức.

 

Lập trường của Hoa Kỳ

 

Tổng thống Biden cho biết, ông ủng hộ mạnh mẽ những người biểu tình. Biden nói trong một sự kiện tại Nhà Trắng hôm thứ Hai: “Người dân Cuba đang đòi hỏi tự do của họ từ một chế độ chuyên chế. Tôi không nghĩ rằng, trong một thời gian dài, chúng ta đã chứng kiến những cuộc biểu tình như thế này, nếu nói thẳng ra là chưa từng thấy”.

 

Biden nói thêm: “Hoa Kỳ sát cánh cùng người dân Cuba khi họ đấu tranh giành các quyền phổ quát của họ. Và chúng tôi kêu gọi chính phủ Cuba kiềm chế bạo lực trong nỗ lực của họ nhằm bóp nghẹt tiếng nói của nhân dân Cuba”.

 

 

Ghi chú:

 

*) NPR (National Public Radio – Hệ thống phát thanh công cộng toàn quốc) là một tổ chức truyền thông độc lập, bất vụ lợi, được thành lập với sứ mệnh tạo ra một công chúng với nhiều thông tin hơn. Mỗi ngày, NPR kết nối với hàng triệu người Mỹ  qua làn sóng điện, qua mạng trực tuyến và gặp trực tiếp để khám phá tin tức, ý tưởng và ý nghĩa của việc “là con người”. Thông qua mạng lưới các đài thành viên, NPR biến những câu chuyện địa phương thành những câu chuyện quốc gia, những câu chuyện quốc gia thành địa phương và những câu chuyện toàn cầu thành chuyện cá nhân.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats