Lễ
kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc: Những vấn đề xoay
quanh
Đỗ
Kim Thêm
02/07/2021
Lý Lập Tam, Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu và một số
ít trí thức yêu nước theo đường lối Mác xít đã thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc
(ĐCSTQ) vào ngày 31 tháng 7 năm 1921 tại Thượng Hải. Lúc đầu, chỉ có một vài ngàn
đảng viên hoạt động yếu kém và rời rạc, nên Liên Xô không quan tâm. Về sau, Mao
Trạch Đông mới xuất hiện trong một chi bộ thuộc tỉnh Quảng Đông và đến năm 1945
trở thành Chủ tịch Đảng. Hiện nay, tổng số đảng viên hơn 95 triệu.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, Bắc
Kinh có dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh, đưa ra một bảng đối chiếu với hiện
tại, ca ngợi các thành tựu và nhìn về tương lai.
Thật ra, lại
một lần nữa, Trung Quốc thể hiện những mâu thuẫn rõ rệt,
vừa ca ngợi thành tích có chọn lọc, vừa lừa dối lịch sử thương đau.
Giống như trước đây, trong dịp lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng
hòa Nhân dân, Trung Quốc cũng không thể làm khác hơn.
Thành tích chọn lọc?
Chắc chắn là dân chúng và ĐCSTQ có rất nhiều tự
hào, nhưng nhất vẫn là về kinh tế.
Với chính sách Cải cách từ năm 1979, Đặng Tiểu Bình
chủ trương tập trung sản xuất hàng chế biến để xuất khẩu cung ứng cho thị trường
thế giới. Sau hơn 40 năm mở cửa, Trung Quốc đã biến thành một công xưởng cho thế
giới và đưa trên 400 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo và không có quốc gia
nào đã thành công tương tự. Nền kinh tế tập
trung cho xuất khẩu lại được xem là một thành tố chủ yếu giúp cho thế giới đạt
được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc đặt ra vào năm
2000.
Trong lịch sử cận đại về phát triển kinh tế quốc
gia, Trung Quốc, từ nhà nước nghèo của
công nhân và nông dân, trở thành nền công nghiệp tiên tiến lớn, đứng vào
thứ hai trên thế giới, đúng là một kỳ tích đáng khâm phục.
Hiện nay, kinh
tế Trung Quốc vượt qua Ấn Độ và nhiều nước khác, đặc biệt là trong lĩnh vực chế
biến, công nghệ và quốc phòng. Trong khi sức mạnh mềm của Trung Quốc chưa phát
triển và gây ảnh hưởng mạnh như của Mỹ, triển vọng vượt trội hơn nền kinh tế Mỹ
về sản xuất công nghiệp trong thế kỷ XXI là một đề tài được tranh luận sôi nổi.
Sự trỗi dậy kinh tế còn làm thay đổi cảnh quan
địa chiến lược, điển hình là dự án xây dựng “Một Vành Đai, Một Con Đường” đưa mọi
con đường đều sẽ đến Bắc Kinh. Ý đồ bành trướng của Bắc Kinh càng thể hiện rõ ở
biển Đông và nhiều nơi khác.
Gần đây, thành công trong việc phòng chống đại
dịch COVID-19 và hồi phục kinh tế nhanh chóng làm mô hình Trung Quốc càng được
đề cao: Chế độ độc đảng sẽ chiếm ưu thế trong mọi đề án phát triển kinh tế
tương lai mà không cần cải cách hệ thống chính trị.
Chắc chắn một điều là, ở trong nước, với các
thành tựu đã làm cho uy tín lãnh đạo của Tập Cận Bình và tính chính danh hợp
pháp của chế độ càng được củng cố. Do đó, nhìn lại 100 năm thành hình cũng là một
dịp để cho ĐCSTQ tự ca ngợi về thành tích lãnh đạo trước thế giới.
Tuy nhiên, vinh quang này chỉ là soi sáng một
khía cạnh của vấn đề đa dạng. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn không cải thiện được
toàn diện hệ thống; ngược lại, các bất lực nội tại còn kéo dài, còn nhiều khía
cạnh khác là trầm trọng hơn và không thể là một mô hình phát triển để cho các
nước nghèo noi theo.
Cụ thể, việc vi phạm luật thương mại quốc tế,
tác quyền trí tuệ và chuyển giao công nghệ, cho thấy Trung Quốc không nêu cao
tinh thần trọng pháp. Ở trong nước, việc vi phạm nhân quyền, bất bình đẳng sắc
tộc, đàn áp thô bạo đối với xã hội dân sự, bất đồng chính kiến và tôn giáo, kiểm
soát hà khắc đối với Tây Tạng và Tân Cương, kiểm soát các phương tiện truyền
thông, phát triển không bền vững và đồng bộ, làm cho môi sinh cạn kiệt và bất
công xã hội phát sinh. Tất cả các đặc thù này của Trung Quốc không thể biện
minh hay hãnh diện, mà cần phải cấp thiết cải thiện.
Lạm dụng việc theo đuổi mục tiêu địa chính trị
để xâm chiến Biển Đông, uy hiếp Đài Loan hay hạn chế tự do ở Hong Kong, cũng
không giúp cho Trung Quốc gây thiện cảm trong sinh hoạt quốc tế.
Gần đây, sau các cuộc hội thảo song phương ở
Alaska, G7 và NATO, Trung Quốc càng tỏ ra không có thiện chí để giải quyết vấn
đề tồn đọng với Mỹ như cạnh tranh mậu dịch và chuyển giao công nghệ. Đối với
khu vực, Trung Quốc làm cho vấn đề Đài Loan, Hong Kong và Biển Đông phức tạp
hơn.
Quan trọng nhất là Trung Quốc không quan tâm đến
lợi ích phát triển của các nước chậm tiến như châu Phi và mang lại các giá trị
phổ quát cho cộng đồng quốc tế. Các Viện Khổng Tử phải đóng cửa là một vết nhơ
trong nỗ lực phổ biến văn hoá truyền thống.
Đi ngược lại hy vọng của quốc tế, Trung Quốc
còn trở nên gay gắt cáo buộc về bản chất của chế độ dân chủ phương Tây, thách
thức trật tự quốc tế và bác bỏ chủ nghĩa đa phương, trong khi chủ trương chính
là nỗ lực “Bình Thiên hạ” như một “Thiên mệnh” theo “Trung Quốc mộng”.
Do đó, vấn đề thành tựu kinh tế của Trung Quốc
không thể dừng lại khi chỉ tập trung thảo luận về các luận điểm như đối tác chiến
lược, cạnh tranh kinh tế hay hợp tác quốc tế.
Quan trọng hơn là phải tìm xem “Đặc thù Trung
Quốc” là gì, cụ thể là có đủ nguồn lực thật sự của một cường quốc không (có nhiều
vấn đề còn giấu kín như dân số già nua và mất cân bằng về giới tính, một hệ thống
chính trị vô trách nhiệm theo kiểu Lenin và một hệ thống kinh tế tài chính còn
do nhà nước độc quyền thống trị); niềm tin của dân chúng nơi xã hội, chính quyền
và lãnh đạo có khả năng không.
Nhìn chung, không một bảo đảm nào cho Trung Quốc
có thể đem đến một triển vọng cho toàn dân và đóng góp tích cực cho hòa bình thế
giới. Bằng chứng là, Trung Quốc không quan tâm đến những lợi ích của các quốc
gia láng giềng và quốc tế. Tình trạng bất trắc đang còn kéo dài và sẽ là một lo
âu chung. Hậu quả là tình hình đối đầu ở Biển Đông trở nên sôi động và có thể dẫn
đến một cuộc thế chiến.
Sự thật lịch sử?
Gần đây, Tập Cận Bình phát động chiến dịch kêu gọi
dân chúng học tập lịch sử để nâng cao tinh thần tuân phục Đảng. Nhưng ký ức lịch
sử là một vấn đề giáo dục có chọn lọc khôn ngoan. Trung Quốc vẫn còn cố tình
che giấu những sự thật thương đau do ĐCSTQ đã gây ra.
Cho đến nay, không ai được phép nhớ, không sử gia
nào có can đảm hay được phép làm sáng tỏ vai trò lịch sử của Mao Trạch Đông
trong sự phát triển của Đảng.
Chính sách “Bước tiến nhảy vọt” làm cho hàng triệu nạn
nhân chết oan uổng, sau đó đã kết thúc với một nạn đói kinh hoàng và có lẽ hơn
40 triệu người chết.
Hàng trăm ngàn trí thức đã bị bức hại, tra tấn hoặc
giết trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Vụ thảm sát ở Thiên An Môn cũng không để lại
một dấu tích nào hay một luận đề để cho thế hệ trẻ học tập nghiêm chỉnh.
Dĩ nhiên, tất cả sự thật này vẫn là điều cấm kỵ
và không được đề cập đến dịp lễ kỷ niệm
100 năm.
Tóm lại, trong chiều hướng khép lại lịch sử cận
đại một cách khôn ngoan, Trung Quốc sẽ không
trình bày khách quan các sự thật lịch sử. Nhưng còn một hy vọng
là một ngày nào đó, sự thật lịch sử sẽ được sáng tỏ.
Đối sách của
Phương Tây
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang là một thách
thức nghiêm trọng đối với phương Tây. Trong thời gian gần đây, tinh thần bài
Hoa lan rộng và thanh danh của ĐCSTQ bị mờ nhạt, nhất là trong vụ COVID 19, vì
Trung Quốc tỏ ra vô trách nhiệm trong việc giải trình nguyên nhân của thảm hoạ.
Vì dị biệt văn hoá mà các nước trên thế giới
không muốn trở thành Trung Quốc và noi theo “Mô hình Trung Quốc”. Ý thức được
điều này, Bắc Kinh cũng luôn khẳng định rằng, “Đặc thù Trung Quốc” là ưu việt,
nhưng sẽ không xuất khẩu nó và đang cố gắng cải thiện lại hình ảnh qua các biện
pháp viện trợ ào ạt trang thiết bị y tế cho các nước nghèo lo chống đại dịch.
Thật ra, Trung Quốc đang tận dụng nhiều phương
cách để làm lũng đoạn thế giới, mà phân hóa tiềm lực của ASEAN là một hình thức
đầu tiên.
Trước đây, công luận nhận định rằng, hệ thống
chính trị Trung Quốc là trở ngại chính cho vấn đề phát triển toàn diện. Muốn đạt
mục tiêu này, điều kiện tiên quyết và duy nhất là Trung Quốc phải nới lỏng tự
do chính trị nhiều hơn nữa.
Hiện nay, thực tế là ngược lại. Những cải cách
thận trọng dưới thời Hồ Cẩm Đào đã không còn tiếp tục. Trong thời Tập Cận Bình,
các biện pháp đàn áp còn gắt gao hơn, hầu như những cải cách đều bị đình trệ.
Phát triển mạnh nhất là làm sống lại tinh thần sùng bái lãnh tụ “Hoàng đế Tập Cận
Bình” như thời Mao Trạch Đông.
Các nước phương Tây, điển hình là Mỹ, đang lâm
nguy, mà các khủng hoảng tài chánh, bất bình đẳng xã hội, bất công kinh tế và kỳ
thị sắc tộc không được giải quyết là thí dụ điển hình.
Do đó, mô hình phát triển dân chủ của phương
Tây cũng đã đi vào tàn lụn; không có dấu hiệu nào cho thấy phương Tây sẽ nêu
cao các giá trị dân chủ để thu phục Trung Quốc thay đổi.
Ngoài ra, dân chúng và ĐCSTQ cũng không có lý
do gì để muốn dân chủ hoá theo như các nước phương Tây, khi “Đặc thù Trung Quốc”
đang và sẽ là một ưu việt đáng hãnh diện. Kể cả giới trẻ Trung Quốc hấp thụ được
văn hoá phương Tây cũng không có những suy nghĩ khác hơn.
Trước mắt, phương Tây phải làm quen dần với một
Trung Quốc hùng mạnh, thôn tính các nước láng giềng, xem sự trỗi dậy như là một
tình trạng bình thường mới trong khi tìm một đối sách hữu hiệu.
Cách tốt nhất để phương Tây lấy lại vị trí
lãnh đạo trong quan hệ với Bắc Kinh là hồi phục vị thế như bối cảnh trước đại dịch.
Ba điều kiện chính cần theo đuổi là tăng cường nguồn lực thật sự, phát huy niềm
tin của dân chúng trong xã hội và khả năng lãnh đạo của chính quyền.
Nhìn chung, hiện nay, không có một bảo đảm nào
cho cả hai chế độ Trung Quốc và dân chủ phương Tây là có thể vận hành hoàn hảo
trong tương lai.
Khi tình trạng bất trắc còn kéo dài, thì nỗi
lo sợ thường trực là thế chiến có nguy cơ bùng phát. Vấn đề hiện nay là làm sao
xác định mức độ leo thang xung đột trong khu vực Đông Á, liệu xem có biến thành
thế chiến không.
Vấn đề cụ thể cần thảo luận sâu rộng hơn liên
quan đến vị thế của Iran, Bắc Hàn, Đài Loan và Ấn Độ – Thái Bình Dương, khả
năng tác chiến di động của Mỹ và tiềm năng công hãm trong không gian mạng và
tình báo chiến lược của Trung Quốc để làm suy yếu phương Tây.
_______
Bài liên quan:
Vạch trần dối trá lịch sử cận đại của Trung Quốc
Điều gì có thể gây ra chiến tranh Mỹ-Trung?
Kỷ niệm 70 năm, Trung Quốc phải chấp nhận thách thức to lớn nhất
No comments:
Post a Comment