23/07/2021
https://baotiengdan.com/2021/07/23/khi-quyen-luc-bi-tha-noi/
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/12-11.jpg
Bảo vệ dân phố tát
tài xế mặc áo xe ông công nghệ Grabbike tại chung cư Miếu Nổi, phường 3, quận
Bình Thạnh, TP.HCM ngày 22-7-2021. Ảnh trên mạng
Quyền lực luôn gắn với những công cụ pháp lý,
tác động lên toàn bộ đời sống, vì thế nó phải được quản lý cực kỳ chặt chẽ và
phải được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, một cách chính đáng. Bởi vì quyền lực
luôn là con dao hai lưỡi: Vừa để bình ổn xã hội, duy trì sự an toàn cho con người,
trừng phạt và ngăn ngừa cái ác nhưng nếu bị lợi dụng, bị chiếm đoạt bất hợp
pháp, nó chính là nguồn gốc của cái ác, đầu mối của mọi thảm họa.
Chẳng phải đợi đến khi sự việc chấn động dư luận
xảy ra tại phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, trong đó lực lượng
dân phòng, bảo vệ khu phố đánh trọng thương một thanh niên bán hàng rong, xã hội
mới bức xúc và phẫn nộ về nhiều hành động quá đáng của lực lượng này. Trước hết
chúng ta hãy thử tìm hiểu xem lực lượng này thuộc tổ chức nào và quyền hạn của
họ đến đâu dù có thể nhiều người đã biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hóa ra Dân
phòng chủ yếu được quy định tại Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC); Bảo vệ dân phố
được quy định tại Nghị định 38 của Chính phủ; còn nhiệm vụ của Dân quân tự vệ
được quy định tại Luật Dân quân tự vệ. Cũng theo những văn bản pháp quy đã nêu,
thì các thành phần trên không phải là công chức, viên chức, mà là các lực lượng
quần chúng, được hình thành và hoạt động ngay tại địa phương nơi họ cư trú,
trong đó quy định rất rõ quyền hạn của từng bộ phận: Dân phòng chủ yếu tham gia
PCCC; Bảo vệ dân phố tham gia giữ gìn an ninh trật tự; Dân quân tự vệ tham gia
chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước.
Tất cả các lực lượng này đều không được dừng
phương tiện giao thông, kiểm tra giấy tờ người và phương tiện. Trong trường hợp
khẩn cấp, trong những tình huống cụ thể có quy định, họ được phép hỗ trợ các lực
lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự…
Dân phòng, Bảo vệ dân phố không có quyền bắt
người, không có quyền khám xét, trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc
đối tượng bị truy nã.
Nếu đối chiếu với quy định đã dẫn, so với phần
lớn việc làm mà các bộ phận vừa kể vẫn đang “hồn nhiên” tiến hành trên mọi con
đường, khu phố ở các thành phố, thị xã…có thể thấy rất rõ một điều nguy hiểm:
Quyền lực đang bị thả nổi, bị hiểu sai và bị lạm dụng dưới danh nghĩa duy trì
trật tự công cộng.
Cũng còn may khi đây chỉ là thứ quyền lực “vụn
vặt”.
Nhiều ông dân phòng, bảo vệ khu phố có lẽ từ
lâu tưởng mình là một thứ “công an quần chúng”. Nhiều nơi họ tự cho mình quyền
làm thay công việc của cảnh sát. Chuyện này vẫn xảy ra ngày ngày khi dân phòng
cũng vung gậy dừng xe vi phạm, kiểm tra giấy tờ, áp giải chủ và xe vào lề đường,
mà không biết làm thế là chính họ đang vi phạm pháp luật trước. Nhưng chán hơn
cả là cảnh những ông mặc áo dân phòng lấp ló trong các ngóc ngách rình rập, rồi
bất ngờ xồ ra túm chiếc xe máy nào đó, túm cổ áo một ai đó ngay giữa đường giữa
chợ, vừa gây phản cảm, vừa cho ấn tượng về một xã hội đầy bất an, mặc dù mục
đích tổ chức ra các lực lượng này là để tăng cường an ninh trật tự!
Cứ thử quan sát mà xem, cùng là “dân” với
nhau, nhưng phần lớn những ông “dân phòng” luôn nhìn đám “dân thường” như những
kẻ đối địch! Trước khi anh Trần Xuân Tình bị đánh hội đồng, đã có hàng trăm,
hàng ngàn người khác bị hành hung, đe dọa ở những mức độ khác nhau. Hậu quả
cũng đã nhãn tiền với hàng loạt vụ người dân phản ứng lại bằng các cuộc ẩu đả,
có cả đổ máu, thương tích nặng.
Thực trạng đó chỉ là do việc lạm quyền, vượt
quá chức trách khi làm nhiệm vụ mà gây nên, hay còn có nguyên nhân sâu xa nào
khác? Nếu chỉ lạm quyền, vượt quyền thì chấn chỉnh là xong. Nhưng thực tế, đã
có hẳn cả một thông tư nhắc nhở các lực lượng này, về loại công việc họ được
làm và không được làm, nhưng tình hình “lạm quyền, vượt quyền” vẫn không giảm
là mấy. Theo chúng tôi, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng đang bàn tới nằm ở chỗ
khác. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu.
Chúng tôi, ở một bài viết trước đây của mình,
đã chỉ ra đang có sự dễ dãi trong việc tuyển lựa đầu vào khi đào tạo công an,
nhất là lực lượng công an giao thông. Còn với lực lượng dân phòng, bảo vệ khu
phố thì tuyển lựa là một khái niệm xa xỉ và xa lạ, vì hầu như không có bất cứ sự
tuyển lựa nào đúng nghĩa. Chúng tôi không hề phủ nhận vai trò tích cực của lực
lượng này trong một số hoạt động mang tính tự quản. Khá nhiều trong số đó là những
người có phẩm chất tốt, hiểu rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình khi nhận gánh
vác công việc dân phòng, bảo vệ khu phố. Nhưng mặt sáng đó không át nổi cảm
giác chung về một lực lượng thiếu tổ chức, thiếu hiểu biết pháp luật và thiếu
lòng bao dung cần thiết với đời sống dân sinh.
Có lẽ sai sót đầu tiên là từ khâu tuyển dụng. Ở
nhiều nơi, người ta chủ động tuyển lựa những người có tướng mạo dữ dằn, có khả
năng đánh đấm, phồng mang trợn mắt, quát lác, với quan niệm thô thiển rằng chỉ
những người như vậy mới làm cho người dân sợ mà chấp hành trật tự!
Một số ông dân phòng, bảo vệ vốn từng là dân
võ biền, quen hành xử bằng chân tay, nay như tìm lại được đất để thỏa mãn thói
ưa bạo lực. Trước kia, mọi hành động bạo lực của họ đều phải chịu trách nhiệm
cá nhân. Còn giờ đây, cũng với hành động đó, lại được khoác danh nghĩa thực thi
công vụ thì không chỉ vừa sang, vừa oai mà còn vừa yên tâm về mặt luật pháp!
Với lực lượng công an thì kỷ luật, điều lệnh,
sự hiểu biết pháp luật do được đào tạo…chi phối hành động thực thi công vụ của
họ. Còn với lực lượng dân phòng, bảo vệ khu phố được “nhặt” lên từ khắp nơi,
nhiều người đọc còn chưa thông, thì vấn đề hoàn toàn khác. Họ luôn có xu hướng
phóng đại vai trò vốn là hạn chế của mình, bởi thói sĩ diện, bởi sự thiếu hiểu
biết và do không chịu bất cứ chế tài trực tiếp nào.
Với không ít người, ngày ngày được nghênh
ngang diễu qua các khu phố, được thể hiện quyền lực với đám đông và chứng kiến
cảnh dân tình khiếp sợ, là khoái cảm lớn nhất của họ.
Vì thế, một khi có quyền lực, dù là thứ quyền
lực tép riu, họ cũng tìm cách sử dụng triệt để ở mức tối đa. Không những thế, họ
còn luôn muốn vượt ra ngoài chức phận, vì vô số lý do, trong đó có cả sự thả nổi
vô lối từ những người quản lý quyền lực. Đó là lý do vì sao ông chủ tịch phường
25, quận Bình Thạnh, cứ cố sống cố chết khẳng định không hề có chuyện anh Trần
Xuân Tình bị đánh hội đồng?
Bản thân người viết bài này đã từng chứng kiến
một ông trật tự khu phố, mặt như đâm lê, lạnh lùng đá tung gánh cá quả của một
bà già nông thôn ngay tại vỉa hè của phố Tô Hiến Thành, Hà Nội. Những con cá quả
bắn tung trên mặt đường khiến bà già xót của phải nằm bò ra để ngăn chúng khỏi
lao xuống rãnh thoát nước, bất chấp bị kẻ “bảo vệ mình” đạp thêm cho mấy cái
vào mạng sườn. Không biết khi hành động như vậy, ông trật tự kia đang nghĩ gì
trong đầu? Trước mắt ông ta là người dân lành, khốn khổ kiếm sống và vì thế mà
mắc lỗi hay là kẻ thù nguy hiểm, chỉ đáng bị trừng phạt?
Sự nhầm lẫn về cảm giác này không hề là chuyện
hiếm nếu chúng ta chịu khó để ý thái độ và cách hành xử của khá nhiều dân
phòng, trật tự khu phố. Nó thể hiện đặc sắc, đầy tai tiếng và đáng xấu hổ trong
vụ việc vừa xảy ra tại phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Những
hành động như vậy không chỉ đơn thuần là do lạm quyền, mà chủ yếu nó được chi
phối bởi thứ tâm lý bệnh hoạn và đáng nguyền rủa: Tao có quyền và tao được quyền
làm như vậy.
No comments:
Post a Comment