Saturday, 17 July 2021

HỌC VỊ, DANH HIỆU và . . . TỰ TRỌNG! (Lê Huyền Ái Mỹ)

 


HỌC VỊ, DANH HIỆU và . . . TỰ TRỌNG!   

Lê Huyền Ái Mỹ

23:32  16/07/2021   

https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/216292053706570

 

Ngó qua cái thông tư mới toanh của ông Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, có yêu cầu mở rộng – nhưng theo chiều hướng dễ dãi, hạ thấp về chuyên môn và ngoại ngữ của chuẩn đầu ra, tui nghĩ giờ mà gom các ông bà tiến sĩ, nhất là tiến sĩ ngành khoa học xã hội nhân văn lại rồi cho “Leo lên đỉnh Olympia” bằng tiếng Anh (hoặc Pháp, Trung, Nhật…) bằng chính kiến thức nền tảng cộng kiến thức của lĩnh vực mà họ nghiên cứu, đạt được học vị thì e là cũng lắm chuyện cười ra nước mắt.

 

Vấn đề không chỉ là cái phương tiện sinh ngữ, mà là với chiếc chìa khóa ấy, người làm nghiên cứu, khoa học sẽ có điều kiện mở những cánh cửa tri thức của thế giới để tiếp cận, chọn lọc, học hỏi, phản biện; và chiều ngược lại, họ sẽ giới thiệu, trình bày cho cộng đồng khoa học năm châu những gì là thành quả nghiên cứu của chính họ, của những tinh hoa trong nước.

 

Không ai phủ nhận toàn bộ tạp chí khoa học, hay có một hàm lượng khoa học nào đó ở trong nước. Nhưng nếu đã gọi là chuẩn của khoa học – nơi không có đường biên địa lý, càng lại cần hơn bao giờ hết trong thời “thế giới phẳng” – thì tại sao không giữ nguyên cái chuẩn cũ, đảm bảo tỷ lệ nghiên cứu sinh phải có bài đăng trên các tạp chí khoa học Scopus/ISI…

 

Sự thay đổi, lại là thay đổi trong hoạt động nghiên cứu khoa học luôn luôn được đặt ra theo chiều tiến bộ hơn, chất lượng phải ngày một cao hơn để đáp ứng, phục vụ cho cái thực tế đang phức tạp hơn, đa dạng hơn.

 

Còn thay đổi để “nhân văn” theo chiều dễ dãi, dễ thở nên càng là kẽ hở cho những người kém cỏi, cơ hội, săn bằng cấp học vị, thì đó là sự thay đổi thụt lùi, phản quy luật.

 

Nói thêm, ngoài chuyện túm cổ mấy ông bà tiến sĩ lại cho “trắc nghiệm” sinh ngữ còn yêu cầu họ trình bày hoạt động nghiên cứu, nghiên cứu phục vụ đào tạo ngay trong lĩnh vực họ từng nghiên cứu sau khi ẳm bằng và xênh xang áo mũ. Thử đi. Đố.

 

Cho nên, có những quy định, thông tư ra đời, nó không những không tạo được sự thách đố kiêu hãnh cho người tham dự mà ngược lại, nó có phần cào bằng và “xúc phạm” chính những người có đủ tư chất, năng lực, khát vọng thật sự trong cuộc thách đố chân chính ấy.

 

Cũng như, có những tước hiệu, danh vị bị thấp kém đi bởi cá nhân con người ứng cử.

 

Có những danh hiệu cao quý được đặt ra và trao tặng cho những tài năng, tận hiến, dù thầm lặng (ở những liên hoan, hội diễn) nhưng dậy sóng trong lòng công chúng. Vậy mà, nhìn vào hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT của Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM, ở danh sách 22 ứng cử viên cho danh hiệu NSND, có một, hai người, tôi thật sự không hiểu vì sao họ dám tự “điền tên mình” vào đơn từ, vì sao hội đồng xét duyệt cơ sở lại dám thông qua?

 

Hay chính họ tự bỏ phiếu cho mình?

 

Nghệ thuật là chuỗi sáng tạo từ tài năng, từ khát vọng tận hiến tự thân trước cuộc đời, con người với đầy đủ những khổ đau, hạnh phúc, bức bối, bất công, tươi đẹp… Nó không phải là phép cộng thô sơ của những thành tích thi thố theo mùa, vai diễn nhàn nhạt, vị trí công tác hay… lòng thương người được đong đếm qua các cuộc từ thiện, viếng thăm người nghèo khó, cơ nhỡ.

 

Nhìn danh sách ứng cử NSND, nếu tôi có quyền hạn và… tự trọng nghề nghiệp, tôi sẽ rút tên mình để đề cử vinh thăng những tài năng xứng đáng hơn: Nghệ sĩ Thanh Nga, nghệ sĩ Út Bạch Lan, nghệ sĩ Trường Sơn, đạo diễn Ca Lê Hồng, nghệ sĩ Thành Lộc, nghệ sĩ Hữu Châu, nghệ sĩ Ái Như, nghệ sĩ Thanh Thủy, ca sĩ Cẩm vân, ca sĩ Ánh Tuyết…

 

44 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats