Wednesday, 14 July 2021

CUBA : BUỘC PHẢI TRỞ THÀNH TỘI PHẠM ĐỂ KIẾM SỐNG (Phan Thế Hải)

 


Cuba : Buộc phải trở thành tội phạm để kiếm sống   

Phan Thế Hải

05:16  14/07/2021  

https://www.facebook.com/hai.phanthe.73/posts/918330322049151

  

Khi phần đầu bài viết được đăng lên trang cá nhân, tôi nhận được rất nhiều comment và tin nhắn từ bạn đọc. Một số người do lo sợ chuyện “nhạy cảm” ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị nên né tránh, không dám “like”, “còm”. Một số người khác lại tỏ ra hào hứng, rằng, Việt Nam- Cuba là hai nước có nhiều điểm tương đồng. Kinh nghiệm của nước này có thể là bài học cho nước kia.

 

Người Việt Nam với thiện chí của mình vẫn mong muốn cho một nước Cuba giàu mạnh, văn minh, người dân được hưởng nhiều quyền lợi, không chỉ vật chất mà còn cả tinh thần. Không ai tự túm tóc để nhấc mình lên khỏi mặt đất. Việt Nam cũng từng vướng phải những sai lầm sau chiến tranh nhưng sớm nhận thức được xu thế của thời đại nên đã kịp mở cửa hội nhập với thế giới từ hơn ba chục năm qua.

 

Dẫu bị hai cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng những thành tựu mà người Việt đạt được là rất đáng khích lệ. Dẫu còn nhiều hạn chế nhưng với kinh nghiệm của người từng đi qua nhiều quốc gia lão có thể đưa ra cách nhìn độc lập, khách quan để ai đó, nhất là người Cuba đọc được có thể suy ngẫm để chia sẻ, như thế mới có thể thay đổi được nhận thức của dân tộc mình.

 

Như đã nói ở phần trên, cuộc khủng hoảng kinh tế trong năm qua được coi là tồi tệ nhất trong 30 năm gần đây ở Cuba. Lạm phát cao ngất trời, thiếu lương thực, thiếu hàng tiêu dùng kéo dài, nhu cầu thiết yếu không được đáp ứng và các quyền tự do bị hạn chế, kìm kẹp.

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế này một phần do sự thất bại trong việc áp đặt mô hình quản lý kinh tế quốc doanh cứng nhắc, quan liêu. Các lệnh trừng phạt của Mỹ gia tăng dưới thời Donald Trump và đại dịch Covid đã làm cạn kiệt khách du lịch - một nguồn thu nhập chính của hòn đảo này.

 

Nền kinh tế giảm mạnh 11% trong năm 2020, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1993 ở đất nước 11,2 triệu dân.

 

Các cuộc cải cách kinh tế nhằm loại bỏ dần đồng peso "chuyển đổi" được ghim bằng đô la Mỹ - chỉ để lại đồng peso chính thức ít giá trị hơn - đã khiến tiền lương của nhà nước tăng lên, nhưng không đủ để bù đắp cho lạm phát giá cả tăng với chiều thẳng đứng. Nhiều cửa hàng hiện chỉ chấp nhận đô Mỹ, đồng tiền có khả năng bảo toàn giá trị tốt hơn, nhưng không phải người dân nào cũng được tiếp cận với USD.

 

Bạn tôi, một kẻ giang hồ có dịp đến Cuba kể lại: Buổi tối tản bộ trên đại lộ Malecon ở La Habana, bắt gặp một cô gái rất xinh liền bắt chuyện làm quen. Ngoài tiếng Latin, cô còn nói tiếng Anh, tiếng Pháp khá lưu loát. Cô không từ chối khi anh có nhã ý mời một chầu Café ở sảnh Hotel Nacional de Cuba. Cô hiện đang là giảng viên của một trường đại học, am hiểu khá nhiều lĩnh vực. Câu chuyện từ chỗ cởi mở đến tình tứ và sau đó họ đồng ý qua đêm với nhau. Trước khi chia tay, anh rút tờ 100 USD nhưng vẫn không khỏi băn khoăn, rằng, “A little gift for you!”- (chút quà nhỏ cho em), không ngờ cô gái mừng rỡ, cám ơn rối rít, rằng “With this money I can buy many things…” (số tiền này tôi có thể mua được rất nhiều thứ…).

 

Cũng cần phải nói thêm, sự xuất hiện của Internet và smartfone vào cuối năm 2018 đã tạo ra một sự thay đổi căn bản về nhận thức trong công chúng ở Cuba, với khả năng truy cập thông tin và các diễn đàn mới để bày tỏ chính kiến, thậm chí phản đối với sự áp đặt vô lý của chính quyền.

 

Dẫu rằng, kiểm soát thông tin luôn là một công cụ quan trọng của quy tắc của đảng Cs Cuba (PCC) nhưng rồi với sự đồng lõa của một số cảnh sát có học vấn khiến nhiều thông tin theo hướng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” vẫn được lan truyền.

 

Chủ tịch Cuba Miguel Díaz Canel (SN 1960), người nhậm chức vào năm 2018 sau khi Raul Castro từ chức đã chống lại các lời kêu gọi cải cách dân chủ và có các vấn đề kinh tế cấp bách cần quản lý, cũng như đại dịch.

 

Không nhà lãnh đạo nào có khả năng mạo hiểm tương lai chính trị của mình bằng chính sách ngoại giao táo bạo hay thực thi những đột phá về chính sách, thay đổi đường lối của người tiền nhiệm. Nhưng những người Cuba trẻ tuổi tiếp tục tách mình ra khỏi các chính sách và ưu tiên của chính phủ họ, hướng sự chú ý và tìm kiếm các mối quan hệ khác với đối phương.

 

Sau khi lật đổ chế độ độc tài Batista năm 1959, Cuba đã sớm liên minh với Liên Xô, khi đó là kẻ thù lớn nhất của Mỹ. Mỹ đáp trả bằng một lệnh cấm vận thương mại nghiêm ngặt. Trong sáu thập niên kể từ đó, quan hệ Mỹ- Cuba đã xen kẽ giữa thù địch và băng giá. Một thời gian ngắn tan băng dưới thời Tổng thống Barack Obama.

 

Cuba của Fidel Castro đã hỗ trợ các cuộc nổi dậy cánh tả và các đồng minh của Liên Xô trên khắp châu Mỹ Latinh và thế giới, từ Nicaragua đến Angola. Năm 1962, Castro cho phép Liên Xô đặt hệ thống tên lửa ở Cuba nhắm vào Hoa Kỳ trong cự ly 100 dặm. Điều này đã đưa Mỹ và Liên Xô đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.

 

Với người Mỹ, Cuba vẫn là cộng sản và nằm trong danh sách các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố cùng với Iran và Triều Tiên. Điều khác biệt là khi người bảo trợ Liên Xô tan rã khiến Cuba mất điểm tựa và không còn gây nguy hiểm cho Mỹ và các đồng minh của họ nhưng Cuba không mấy thay đổi thái độ khi biến cố này xẩy ra. Không những thế Cuba vẫn tiếp tục làm nhiều điều khiến các tổng thống Mỹ khó chịu bằng cách ủng hộ các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh chống lại quyền lực của Mỹ. Mối quan hệ Mỹ- Cuba vì thế mà không những không được cải thiện lại còn có xu hướng xấu thêm.

 

Theo thời gian, người dân Cuba cũng đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là trong giới trẻ. Không giống như cha ông của họ, những người Cuba ở độ tuổi 20, 30 và 40 không tin vào sự bền vững và những hứa hẹn của chế độ.

 

Năm 2008, sự eo hẹp của ngân sách khiến chính phủ của Raul Castro cắt giảm biên chế công và cho phép người dân Cuba kiếm thêm thu nhập ngoài giờ mà không bị coi là phạm pháp. Sự nới lỏng này khiến người dân Cuba kiếm được nhiều tiền hơn và tạo thêm nhiều nguồn thu cho ngân sách. Trước đây, tất cả các công việc ở Cuba đều là công việc của chính phủ, cho dù bạn là người bán tạp hóa hay kiến trúc sư, với mức lương do chính phủ quy định…

 

Lạm phát phi mã khiến giá cả hàng hóa tăng cao, lương nhà nước Cuba đã tăng kể từ khi tự do hóa kinh tế, nhưng không đủ bù đắp chi phí của người dân. Nhiều người Cuba hoạt động ngoài vòng pháp luật, buôn bán mọi thứ, từ quần áo đến sắt vụn hoặc xăng dầu ăn cắp từ nhà nước.

 

“Chúng tôi buộc phải trở thành tội phạm chỉ để kiếm sống”, Carlo Rodríguez, 26 tuổi, một người phục vụ tại một nhà hàng ở Havana, cho biết. Đó là những gì có thể điểm qua về nền kinh tế ở Cuba.

 

Ảnh: “Women turn to prostitution in order to survive in communist Cuba” (Không ít phụ nữ Cuba phải bán dâm để kiếm sống); Giá thực phẩm tăng lên ở Cuba, hàng hóa tại các chợ đều do chính phủ điều hành…

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=918330285382488&set=pcb.918330322049151

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=918347075380809&set=pcb.918330322049151

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=918347168714133&set=pcb.918330322049151

 

63 BÌNH LUẬN

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats