Tuesday, 13 July 2021

COVID-19, NGÒI NỔ CHO CÁC CUỘC BIỂU TÌNH CHƯA TỪNG CÓ Ở CUBA (Thanh Phương - RFI)

 


Covid-19, ngòi nổ cho các cuộc biểu tình chưa từng có ở Cuba

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 13/07/2021 - 12:35

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210713-covid-19-ng%C3%B2i-n%E1%BB%95-cho-c%C3%A1c-cu%E1%BB%99c-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-ch%C6%B0a-t%E1%BB%ABng-c%C3%B3-%E1%BB%9F-cuba

 

Nếu như ngòi nổ của các cuộc biểu tình chưa từng có làm rung chuyển Cuba hôm Chủ Nhật 11/07/2021 chính là đại dịch Covid-19, thì phong trào phản kháng của người dân hòn đảo này bùng phát còn là do khủng hoảng kinh tế và tác động của Internet di động.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a9cc0522-e337-11eb-814e-005056bf30b7/w:980/p:16x9/642d26dd7ac902a10440cecdcc2d45e937a23c20.webp

Người dân Cuba biểu tình chống chính phủ tại thủ đô La Habana, ngày Chủ Nhật 11/07/2021. YAMIL LAGE AFP

 

Khủng hoảng kinh tế

Cuba đã lâm vào khủng hoảng kinh tế từ lâu trước khi virus corona lan đến nước này vào tháng 03/2020. Có hai lý do chính: sự sụp đổ kinh tế của Venezuela, nguồn hỗ trợ chủ yếu của Cuba, và việc chính quyền Donald Trump tăng cường lệnh cấm vận.

 

Người tiền nhiệm của tổng thống Joe Biden đã ban hành thêm 243 biện pháp trừng phạt Cuba, đặc biệt là đình chỉ dịch vụ chuyển tiền Western Union, dịch vụ được người dân Cuba sử dụng nhiều nhất để nhận tiền của người thân từ nước ngoài gửi về. Ngành du lịch Cuba thì bị thất thu khá nhiều do lệnh cấm các du thuyền của Mỹ ghé qua hòn đảo này. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư và ngân hàng của Hoa Kỳ không còn dám đầu tư vào Cuba, vì chính quyền Trump áp dụng trở lại điều 3 trong đạo luật Helms-Burton. Đó là điều luật cho phép các công dân Mỹ gốc Cuba kiện đòi bồi thường đối với các cá nhân hay tổ chức của Cuba và nước ngoài sử dụng các tài sản của họ trước đây.

 

Cho tới nay, tổng thống thuộc đảng Dân Chủ Joe Biden vẫn chưa hủy bỏ hay sửa đổi chính sách của người tiền nhiệm đối với Cuba. Vốn đã gặp khó khăn do nhịp độ cải tổ quá chậm chạp và bộ máy quan liêu nặng nề, kinh tế Cuba càng bị khủng hoảng trầm trọng do lệnh cấm vận của Mỹ, nên đã bị sụt giảm đến 10,9% trong năm 2020, mức tệ hại nhất kể từ năm 1993.   

 

Khủng hoảng dịch tễ

Sau một năm Cuba có số ca nhiễm và ca tử vong thấp hơn nhiều so với các nước khác ở châu Mỹ La tinh, tình hình dịch Covid-19 tại hòn đảo này trong những tháng gần đây lại diễn biến xấu, và đặc biệt từ mấy tuần nay, số ca nhiễm và ca tử vong đã tăng vọt. Hiện nay, Cuba đã có gần 250.000 ca nhiễm, trong đó có gần 1.600 ca tử vong, trên tổng số 11,2 triệu dân. Nhưng cái chính là đại dịch Covid-19 đã khiến đời sống thêm khó khăn, đặc biệt là do nạn khan hiếm lương thực và thuốc men, khiến dân chúng càng bất mãn. Ấy là chưa kể hiện nay, do khủng hoảng kinh tế, chính quyền buộc phải cúp điện mỗi ngày nhiều tiếng đồng hồ. 

 

Tác động của Internet di động

Nhưng những yếu tố nói trên sẽ chưa đủ để giải thích tầm mức của các cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật, mà còn phải tính đến tác động của Internet di động. Có thể nói là trong vòng chưa tới 3 năm, mạng Internet di động đã làm đảo lộn xã hội Cuba và đã trở thành một “đồng minh” tích cực của những người biểu tình hôm Chủ Nhật, cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi mạng thông tin này đã bị chính quyền nhanh chóng cắt đứt. 

 

Trong nhiều năm vẫn là một quốc gia ít kết nối mạng nhất thế giới, Cuba chỉ cho mở Internet di động kể từ tháng 12/2018. Số người sử dụng đã tăng nhanh đến chóng mặt. Tính đến cuối năm 2020, trên tổng dân số 11,2 triệu dân Cuba, đã có đến 4,4 triệu người sử dụng Internet trên điện thoại di động. Theo nhận định của nhà xã hội học người Mỹ Ted Henken, tác giả cuốn sách “Cách mạng số ở Cuba”, đây chính là cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài cho người dân Cuba và góp phần vào việc hình thành một loạt các cuộc huy động, phản kháng và yêu sách trong những tháng gần đây. 

 

Cho đến tuần trước, hashtag #SOSCuba đã nhanh chóng lan truyền trên các mạng xã hội để xin cứu trợ nhân đạo cho hòn đảo mà nay phải gánh chịu cả hai cuộc khủng hoảng kinh tế và dịch tễ. Đối với một số cư dân mạng, đây chính là ngòi nổ cho các cuộc biểu tình lịch sử hôm Chủ Nhật vừa qua.  

 

Hôm đó, khi người dân của thành phố nhỏ San Antonio de los Baños, cách La Habana khoảng 30 km, bắt đầu xuống đường với những tiếng hô “Đả đảo độc tài”, những hình ảnh của cuộc biểu tình đã được truyền trực tiếp trên mạng Facebook.  

 

Một nhà báo kể với hãng tin AFP: “Người dân bỗng nhìn thấy những hình ảnh đó và điều này đã thúc đẩy họ xuống đường ở các thành phố khác.” Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, khoảng 40 cuộc biểu tình đã nổ ra khắp Cuba và cũng được truyền trực tiếp trên mạng xã hội.   

 

Nhìn xa hơn, theo hãng tin AFP, ngày càng có nhiều người dân Cuba đòi chính quyền của chủ tịch Miguel Diaz-Canel phải cho phép hình thành một không gian để họ có thể tự do bày tỏ những ý kiến “trái chiều” mà không bị trừng phạt. Họ cũng đòi cải thiện đời sống và thêm một số quyền tự do về kinh tế tại một quốc gia đang dè dặt mở cửa cho khu vực tư nhân.

 

                                                  ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

CUBA - BIỂU TÌNH

Biểu tình ở Cuba: La Habana đổ lỗi cho Mỹ

 

ĐIỂM BÁO

Người Cuba rời bỏ đất nước Cách mạng bằng mọi giá

 

CUBA - BIỂU TÌNH

Cuba : Biểu tình đông đảo chống chính phủ chưa từng thấy

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats