COVID-19
làm giới tài phiệt đã giàu lại còn giàu hơn bằng cách nào?
VINCENTE NGUYEN - LUẬT KHOA
16/07/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/07/covid-19-lam-gioi-tai-phiet-da-giau-lai-con-giau-hon-bang-cach-nao/
Các chính sách chống dịch đang gây nên
tình trạng “lấy của người nghèo chia cho người giàu”.
Ảnh: Reuters, EPA,
Albin Lohr-Jones/PA. Thiết kế: Luật Khoa.
Tại Việt Nam, những câu chuyện về người nghèo
gặp khốn khó trong đại dịch COVID-19 không phải hiếm, nhưng phần còn lại của
các nhóm dân cư thì ít ai nhắc đến: giới nhà giàu.
Có thể nhiều người sẽ bất ngờ, nhưng đại dịch
COVID-19 kéo dài gần hai năm với nhiều người chết và chưa có hồi kết này dường
như chỉ làm giới nhà giàu giàu thêm. Nỗi tréo ngoe này đã được nhắc đến rất nhiều
trên báo chí và các nghiên cứu nước ngoài.
Nhưng liệu giới nhà giàu tại Việt Nam có đang
giàu lên? Không có nghiên cứu chính thức nào xác nhận việc này.
Trong bối cảnh đó, xem xét các luận điểm được
đưa ra từ hiện trạng quốc tế có thể giúp chúng ta phác thảo phần nào bức tranh
trong nước. Đây cũng là mục tiêu chính của bài viết này.
***
Trong một báo cáo có ảnh hưởng lớn của Oxfam, tổ chức từ thiện
này ghi nhận chỉ từ ngày 18/3 cho đến cuối năm 2020, tổng tài sản của các tỷ
phú trên thế giới tăng lên 3,9 nghìn tỷ Mỹ kim. [1] Cùng lúc đó, thu nhập của
giới công nhân toàn thế giới giảm một khoản tương đương, khoảng 3,8 nghìn tỷ Mỹ
kim. Một sự trùng hợp dường như rất tình cờ, nhưng cũng cho chúng ta thấy sự tồn
tại của một cán cân nhất định giữa bên được và bên mất trong đại dịch.
Hiển nhiên, Oxfam không phải là tổ chức uy tín
duy nhất nói về sự bất bình đẳng này.
Tổ chức Lao
động Thế giới (International Labour Organisation – ILO) đã cảnh báo từ rất sớm rằng hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu
người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương đã và đang mất việc làm trên toàn thế giới
từ thời điểm COVID-19 bắt đầu lan rộng ra toàn cầu.
Tất cả các chỉ số khác, [2] từ tỷ lệ công việc có thể chuyển đổi
sang làm việc tại nhà, tỷ lệ mất việc dựa trên sắc tộc và giới tính, tỷ lệ phân
bổ vaccine giữa các nước giàu và nghèo, cho đến các vấn đề an ninh lương thực đều
cho thấy người nghèo đã khó khăn lại càng bị đẩy thêm về đáy xã hội.
Như vậy, người lao động đang bị bần cùng hóa
là một sự thật hiển nhiên. Còn người giàu thì từ đâu mà có thêm bộn tiền trong
đại dịch?
Người viết tạm thời tổng hợp được ba “nguồn”.
Trước tiên là thị trường chứng khoán. Báo chí phương Tây thường dùng thị trường
chứng khoán để tính toán sự giàu lên của giới tài phiệt. Tạp chí Forbes lừng
danh dựa hoàn toàn vào những con số này. [3]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/jeff-AP.png
Jeff Bezos, người
giàu nhất thế giới hiện tại, đã bỏ túi thêm 86 tỷ đô-la Mỹ kể từ tháng 1/2020,
lúc COVID-19 vừa bắt đầu hoành hành, theo Forbes. Ảnh: AP.
Theo tạp chí này giải thích, tình trạng phong
tỏa và sự vô định của các kênh đầu tư truyền thống lẫn hoạt động sản xuất kinh
doanh đẩy nguồn tiền của quốc gia vào thị trường chứng khoán. Họ ghi nhận rằng
kể từ ngày 1/1/2020, lúc COVID-19 mới xuất hiện tại các quốc gia trên thế giới,
chỉ số S&P 500 đã tăng đến 29%. Dù trải qua nhiều đợt trượt giá và khủng hoảng
vì đại dịch, chỉ số Dow Jones Industrial Average nhìn bình quân cũng đã tăng đến
19%.
Hiển nhiên, tổng tài sản thực tế của Jeff
Bezos (người sáng lập Amazon) tăng thêm đến 86 tỷ Mỹ kim kể từ tháng 1/2020 có
hoàn toàn nhờ vào cổ phiếu của Amazon tăng giá hay không thì còn nhiều tranh
cãi.
Tuy nhiên, rất nhiều gia đình và cá nhân tài
phiệt ở Hoa Kỳ (cũng như toàn thế giới) có cơ cấu tài sản gắn liền với các danh
mục đầu tư và quỹ đầu cơ liên quan đến các công ty tương tự. Sự tăng trưởng
chóng mặt của thị trường chứng khoán cho phép các gia đình này trích xuất một
nguồn tư bản khổng lồ khỏi thị trường vốn (thông qua việc chuyển nhượng lại số
lượng lớn cổ phiếu đang tăng giá) – nơi mà các gia đình bình dân Hoa Kỳ vốn
không thể tiếp cận.
Thứ hai, nhiều nhà quan sát cho rằng đại dịch đang củng cố vị thế độc quyền của các tập đoàn quốc gia và
đa quốc gia. [4]
Cheesecake Factory
là một trong những tập đoàn hưởng lợi từ các chính sách chống dịch. Ảnh:
Wikimedia Commons.
Hiện tượng này không có gì quá khó hiểu hay
khó lý giải.
Cần phải nhận ra rằng các biện pháp cách ly,
các mô hình phong tỏa của gần như tất cả các quốc gia có lợi cho sự tồn tại của
những cửa hàng, hệ thống phân phối, các dây chuyền sản xuất của các nhà tư bản
khổng lồ.
Họ là những người “có tóc”, có địa chỉ “truy vết”,
có khả năng chi trả cho những biện pháp chống dịch tối ưu và dễ dàng được nhà
nước phê chuẩn.
Ngược lại, các cửa hàng tạp hóa, các quán ăn
khu vực, các khu chợ truyền thống, các hãng sản xuất nhỏ lẻ địa phương lại thường
được xem là những điểm mù trong công tác phòng chống dịch. Họ, đôi khi không có
địa chỉ cụ thể, đôi khi không có chi phí trang trải cho các sản phẩm kháng khuẩn
hay công tác theo dõi – truy vết, nên bị đặt vào thế phải ngừng hoạt động.
Nếu tiếp cận thực trạng này chỉ dưới góc độ
phòng chống dịch, đại bộ phận công chúng sẽ cho rằng lựa chọn “thí tốt” của nhà
nước là đương nhiên. Nó vừa dễ thực hiện, vừa an toàn.
Tuy nhiên, nếu nhìn theo góc độ công bình và
an sinh xã hội, lựa chọn chính sách này tiếp tục nối dài và tạo điều kiện cho sự
phát triển của hệ thống xã hội bất bình đẳng sẵn có.
Bằng biện pháp cưỡng bức đóng cửa hàng loạt
thành phần kinh tế nhỏ lẻ, yếu thế (nhưng có tổng thị phần rất đáng kể trong
các kênh phân phối, sản xuất), các nhà nước trên thế giới đang vô tình định hình lại thị trường và từ đó tái phân phối
của cải, tư liệu sản xuất theo chiều ngược, hay nói nôm na là lấy của người
nghèo chia cho người giàu. [5]
Nếu không có các biện pháp bổ sung nào để tái
cân bằng quá trình này, sự tịnh tiến của thị trường cùng với dịch bệnh kéo dài
sẽ đẩy các nhóm yếu thế trong nền kinh tế vào con đường chết. Cùng lúc đó, quyền
lực tối thượng của các tập đoàn quốc gia hay đa quốc gia ngày càng được củng cố.
Thứ ba, chắc chắn chúng ta phải kể đến các gói cứu trợ khổng lồ.
“Cứu trợ người dân,
đừng cứu trợ các ngân hàng” – một biểu ngữ phản đối việc các gói cứu trợ làm lợi
cho giới nhà giàu. Ảnh chụp tại New York, 2008. Nguồn: Spencer Platt/ Getty
Images.
Các khoản cứu trợ khổng lồ chảy vào túi các
nhà tư bản và tài phiệt lớn không phải là câu chuyện lạ trong hoạt động “cứu trợ”
kinh tế của nhà nước. Gói cứu trợ nền kinh tế Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng tài
chính 2008, theo đánh
giá của các nhà quan sát, chỉ chảy vào túi của giới tài chính,
các quỹ đầu cơ và những nhà quản trị ngân hàng với mức lương đã sẵn triệu đô.
[6]
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ nhận thức rất rõ về vấn
đề này và đã có những biện pháp can thiệp. Chẳng hạn, họ đề ra các quy định và
điều kiện hỗ trợ tài chính nhà nước, như giải ngân đi kèm với các biện pháp
giám sát, hạn chế việc mua lại cổ phần của các công ty kinh doanh kém cũng như
đặt ra trần bồi thường nghỉ việc của các chức danh quản lý. Tuy nhiên, dường
như bấy nhiêu vẫn là chưa đủ.
Một số thống kê cho thấy các gói hỗ trợ hay gói kích
thích kinh tế ở Mỹ trong thời COVID-19 chỉ làm lợi cho cánh nhà giàu. [7]
Ví dụ, các gói hỗ trợ trị giá hàng triệu đô được
trao cho những nhà tuyển dụng lớn mà không xem xét liệu họ có thật sự giữ lại
việc làm cho người lao động hay không. Điển hình nhất là trường hợp của doanh
nghiệp Cheesecake Factory. Họ cắt bỏ gần 41.000 lao động khỏi bảng lương, nhưng
vẫn hưởng trợ cấp thuế lên đến 50 triệu Mỹ kim.
Ngành tài chính ngân hàng và thị trường vay vốn
cũng là một ngành tiềm ẩn sự bất bình đẳng cao. Các chính phủ đổ hàng trăm triệu
Mỹ kim giúp các ngân hàng và các tập đoàn khổng lồ tiếp cận được một nguồn vốn
lãi suất thấp. Trong khi đó, rào cản về tín dụng và tài sản thế chấp loại trừ đại
đa số những hộ kinh doanh, cá thể kinh doanh vốn đang chật vật tìm đường sống
trong một nền kinh tế kiệt quệ.
***
Ba hiện tượng trên đều đã và đang xảy ra tại
Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Không có gì quá bất ngờ nếu thực tế ở Việt Nam
diễn ra với kịch bản tương tự.
----------------
Chú thích
1. Oxfam International. (2021,
January). The Inequality Virus. Oxfam.Org.
2. IMF. (2021). Inequality and
COVID-19 – IMF F&D. Imf.Org.
https://www.imf.org/external/pubs/ft/fandd/2021/06/inequality-and-covid-19-ferreira.htm
3. Peterson-Withorn, C. (2021, April
30). How Much Money America’s Billionaires Have Made During The
Covid-19 Pandemic. Forbes.
4. Stoller, M. (2020, May 8). Here’s
How Covid-19 Is Boosting Monopolization and Market Power. ProMarket.
https://promarket.org/2020/05/08/heres-how-covid-19-is-boosting-monopolization-and-market-power/
5. Dayen, D. (2020, August 7). The
Pandemic Is Making Monopolies Worse. The Atlantic.
https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2020/07/pandemic-making-monopolies-worse/614644/
6. Abramson, A. (2020, June 18). “No
Lessons Have Been Learned.” Why the Trillion-Dollar Coronavirus Bailout
Benefited the Rich. Time.
https://time.com/5845116/coronavirus-bailout-rich-richer/
7. Whoriskey, P. D. M. (2020, October
5). The U.S. coronavirus bailout spent trillions solving the wrong
problem. Washington Post.
https://www.washingtonpost.com/graphics/2020/business/coronavirus-bailout-spending/
No comments:
Post a Comment