Saturday 10 July 2021

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HOA KỲ CẦN VƯỢT QUA NỖI LO SỢ BẤT ỔN (Fareed Zakaria - Washington Post)

 


Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cần vượt qua nỗi lo sợ bất ổn

Fareed Zakaria  -  Washington Post

Vũ Ngọc Chi, dịch

10/07/2021

https://baotiengdan.com/2021/07/10/chinh-sach-doi-ngoai-cua-hoa-ky-can-vuot-qua-noi-lo-so-bat-on/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/0-48-696x448.jpg

Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ chờ trực thăng vận chuyển ở Afghanistan vào ngày 2/7/2009. Nguồn: Manpreet Romana / AFP / Getty Images

 

Câu hỏi: Khi nào và tại sao Anh chiếm đóng Sudan? Câu trả lời là, vào năm 1899, sau một thập niên rưỡi chiến đấu, các lực lượng của Anh đã chống lại các dân quân Sudan tập hợp lại dưới ngọn cờ của một nhà lãnh đạo Hồi giáo lôi cuốn, người tự phong cho mình là Mahdi, là người mà người Anh coi là một kẻ khủng bố cuồng tín.

 

Có một bài học lịch sử đáng học ở đây về việc một đế quốc với quá xa, khi Hoa Kỳ rời Afghanistan. Nhiều tiếng nói cảnh báo rằng, những gì tiếp theo sẽ là sự bất ổn và cuối cùng thì Taliban sẽ tiếp quản. Họ lập luận rằng, đất nước này một lần nữa sẽ trở thành căn cứ của chủ nghĩa khủng bố, và vì vậy chúng ta phải ở lại để giữ cho nó ổn định và nằm trong vòng tay các nước thân hữu.

 

Sự thật là, kể từ ngày 11/9, Washington và hầu hết các chính phủ cấp tiến đã phát triển năng lực mạnh mẽ để đánh chặn những kẻ khủng bố, truy tìm chúng và ngăn chặn chúng phát động các cuộc tấn công quy mô lớn. Các nhóm như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo đang ở trong tình trạng tả tơi, bị săn đuổi khắp nơi và bị phân tán thành các lực lượng địa phương. Họ hoạt động ở nhiều quốc gia bất ổn khác nhau, chẳng hạn như Afghanistan, Mali và Yemen. Đây là một lập luận cho các nỗ lực chống khủng bố toàn cầu, không phải là sự chiếm đóng lâu dài của bất kỳ một địa điểm cụ thể nào.

 

Nhưng tâm lý thúc đẩy Hoa Kỳ chiếm đóng Afghanistan và Iraq là ác cảm của một đế quốc đối với bất kỳ sự bất ổn nào. Trong những năm cuối thế kỷ 19, Anh lo lắng rằng, sự bất ổn ở Sudan – đặc biệt là từ những kẻ khủng bố Hồi giáo – sẽ tràn qua và đe dọa quyền tiếp cận của Anh với Kênh đào Suez ở Ai Cập. Con kênh đó cung cấp huyết mạch cho các tuyến đường biển đến Ấn Độ, là viên ngọc quý trên vương miện của Đế chế Anh. Với tư cách là siêu cường của toàn cầu, Anh cũng có nỗi sợ hãi tương tự như ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, London đã gửi hàng chục ngàn quân tham gia chiến tranh ở Sudan và các nơi khác, thôn tính các lãnh thổ xa xôi ở châu Phi và châu Á (bao gồm cả Afghanistan!) – tất cả đều trở thành gánh nặng lớn cho nước Anh. Người Anh cho phép một phần nhỏ quyết định cho tình hình tổng thể.

 

Tất nhiên, sự so sánh này không hẳn chính xác, nhưng Hoa Kỳ hiện là siêu cường duy nhất trên thế giới. Sẽ thật không may nếu Taliban tái chiếm Afghanistan, Washington nên hỗ trợ chính phủ Kabul và làm việc với các quốc gia khác trong khu vực – Trung Quốc, Ấn Độ và trên hết là Pakistan – để tìm ra một thỏa thuận chia sẻ quyền lực bền vững ở Afghanistan. Nhưng Washington cũng cần lưu ý, như chính quyền Biden dường như đang làm, rằng các lực lượng Hoa Kỳ đã trải qua hai thập niên ở Afghanistan. Họ đã làm những gì có thể làm được, thành công trong việc hạ bệ al-Qaeda và tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Cuối cùng, Afghanistan không phải là việc chính yếu đối với vị trí cường quốc toàn cầu của Hoa Kỳ.

 

Sai lầm lớn nhất của nước Anh trong các cuộc mạo hiểm đế quốc vào đầu thế kỷ 20 là không phân biệt được đâu là lợi ích quan trọng của mình và đâu là lợi ích ngoại vi. Ngược lại, chiến lược gia người Mỹ lỗi lạc nhất trong Chiến tranh Lạnh, George F. Kennan, luôn nói rằng, Chiến tranh Lạnh phụ thuộc vào một số lượng nhỏ các trung tâm quyền lực. Ông lập luận, vào cuối thập niên 1940, rằng chỉ có 5 nước – Hoa Kỳ, Anh, khu vực Tây Đức, Nhật Bản và Liên Xô. Miễn là Washington có thể duy trì tỷ lệ 4 chọi 1, chống lại Moscow, thì nước này sẽ chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh.

 

Kennan thúc giục sự tập trung kiên định vào những trung tâm quyền lực này. Ông nói: “Chúng ta phải quyết định những khu vực nào là khu vực then chốt, và những khu vực nào không, những khu vực nào chúng ta phải nắm giữ bằng tất cả sức mạnh của mình và chúng ta có thể mang lại thắng lợi về mặt chiến thuật“. Nhưng Washington đã can thiệp vào những nơi xa xôi trên khắp thế giới để ngăn cản những người cộng sản giành được quyền lực ở bất cứ đâu. Đây là một việc vặt vãnh của một kẻ ngu ngốc và nó chỉ tạo ra những vết thương do chính mình gây ra. Chiến lược phải dựa trên lợi ích, không phải đáp trả đối với bất kỳ mối đe dọa nào hay tất cả các mối đe dọa.

 

Henry Kissinger, một người theo chủ nghĩa thực tiễn như Kennan, từng là một học giả hoài nghi về Chiến tranh Việt Nam. Là một thành viên của chính quyền Nixon, ông ủng hộ mạnh mẽ việc theo đuổi chiến tranh trong khi đàm phán về việc rút quân của Mỹ. Nhưng trong các cuộc trò chuyện riêng tư với Richard Nixon, ông tiết lộ rằng, ông không tin vào logic trọng điểm đã dẫn tới sự can thiệp của Mỹ. Ông nói với Nixon sẽ không thật sự quan trọng nếu miền Nam Việt Nam thất thủ, và miễn là điều đó xảy ra “một hoặc hai năm” sau khi quân đội Hoa Kỳ rút về, công chúng Hoa Kỳ sẽ không “quan tâm tới”.

 

Miền Nam Việt Nam đã thất thủ và nó gây ra một thảm kịch nhân đạo, nhưng về lâu dài nó không làm Hoa Kỳ tê liệt. Chỉ có một số quân cờ domino nhỏ rơi vào tay chủ nghĩa cộng sản ở châu Á, và 10 năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, chính quyền Reagan đang đàm phán từ một thế mạnh với Liên Xô. Đến năm 1989, Bức tường Berlin sụp đổ.

 

Tất nhiên, một trong những lý do chính dẫn đến sự sụp đổ của đế chế Moscow là sự can thiệp của nó vào Afghanistan, khiến Liên Xô đổ máu và hủy hoại ý chí của họ. Người Nga tham gia vì những lý do quen thuộc: một cuộc nổi dậy, chia rẽ nội bộ, lo sợ bất ổn. Lúc đó, Moscow lẽ ra phải chú ý đến lời khuyên khôn ngoan của George Kennan, như bây giờ chúng ta nên làm.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats