China
: một Đảng Cộng sản cực tư bản và đế quốc chủ nghĩa
Jean-Louis Rocca - Le Monde
Diplomatique
Hoàng Hưng lược dịch
6 Tháng Bảy, 2021
http://vanviet.info/van-de-hom-nay/china-mot-dang-cong-san-cuc-tu-ban-v-de-quoc-chu-nghia/
CẦN HIỂU RÕ CHÂN
TƯỚNG ĐẢNG CỘNG SẢN CHINA
Trước tiên, xin phép được gọi tên quốc gia đề cập là
China theo tên giao dịch quốc tế của nó (People’s Republic of China), để tỏ rõ
thái độ không chấp nhận cái hàm nghĩa “Trung tâm văn minh Thiên hạ” mà nó tự
gán trong cái danh xưng Trung Hoa.
Tháng 7/2021, China rầm rộ kỉ niệm 100 năm thành lập
Đảng Cộng sản trong tâm thế cực kỳ tự tin về thế và lực đang lên như không gì cản
nổi của quốc gia, sự vững mạnh của chế độ chính trị, và thái độ công khai thách
thức Hoa Kì và các cường quốc phương Tây. Trong tâm trí những người có suy tư
trên toàn thế giới không thể không nổi lên nhiều câu hỏi khó giải đáp về các yếu
tố quyết định sự chuyển biến có thể coi là thần kỳ trong vòng chưa đầy 50 năm
qua của quốc gia này, cũng như về tương lai gần và xa của nó trong toàn cảnh thế
giới đầy biến động khó lường. Với người Việt Nam chúng ta, việc tìm hiểu thấu
đáo chính đảng cầm quyền và quốc gia China hiện nay có tầm quan trọng cực kỳ lớn
trong việc soạn thảo một chiến lược đối phó hữu hiệu với nguy cơ luôn thường trực
từ nó, cũng như cho việc học hỏi những bí quyết thành công từ người láng giềng
có nhiều đặc trưng tương đồng về mọi mặt.
Xin lược dịch nhanh bài viết trên báo Le Monde
Diplomatique do nhà giáo André Menras (Hồ Cương Quyết) giới thiệu.
Hoàng Hưng
***
Kỷ niệm 100 năm một tổ chức có 92 triệu thành
viên, từ Mao Trạch Đông (MTĐ) đến Tập Cận Bình (TCB), một đảng vì sự đổi mới quốc
gia.
Cả một thế giới cách biệt giữa Đảng Cộng sản
China do một nhúm nhà đấu tranh thành lập ngày 23/7/1922 trước khi vào tay MTĐ
năm 1934 và đảng của TCB có số đảng viên vượt quá dân số nước Đức. Ngay từ ban
đầu, đảng đã chứng tỏ sự uyển chuyển lạ thường, trong khi duy trì một mục tiêu
không đổi: khôi phục sự vĩ đại của nước China.
Từ Mao Trạch Đông
đến Tập Cận Bình, một chính đảng vì sự đổi mới quốc gia
Theo Hiến pháp, nước CHNDTH là một nước XHCN
do giai cấp công nhân lãnh đạo dựa trên liên minh công nông. Không ai ngạc
nhiên khi thấy Hiến pháp một nước không tương ứng chính xác với thực tế của nó.
Nhưng ở đây, là sự cách xa rất lớn. Từ nay, xã hội China thể hiện mọi đặc điểm
của chủ nghĩa tư bản: lao động là hàng hoá, xã hội tiêu thụ là bảo đảm cho sự ổn
định xã hội và động lực phát triển, tình trạng bất bình đẳng được củng cố vững
chắc bằng các cơ chế tái sản xuất xã hội dựa trên đồng tiền, tư bản học đường
và sự tụ họp theo từng nhóm có chung đặc điểm, lợi ích. Mỉa mai thay, trong khi
những người được coi là chủ xã hội lại là các giai cấp bình dân: nông dân và
công nhân.
Cái vực thẳm giữa câu chuyện kể và thực tế đó
chính là đặc trưng của lịch sử Đảng Cộng sản China. Hình dung một xã hội không
hề tồn tại là nhằm phát triển, nắm vững quyền lực nhưng cũng để biến đổi đất nước.
Chẳng cần tìm cái lý do nào khác khiến nó được đông đảo quần chúng ủng hộ. Việc
kiểm soát đại dịch Covid 19 đã góp phần nuôi dưỡng cảm thức là Đảng Cộng sản sẽ
vẫn không thể thay thế, bất chấp các khuyết tật sai lầm.
Sau các thất bại liên tiếp từ toan tính cải tổ
của triều Thanh, của nền cộng hoà 1912 do bọn quân phiệt, sự yếu kém của kinh tế
thị trường, phần lớn các nhà dân tộc chủ nghĩa China kết luận rằng chỉ có một
nhà nước mạnh do một đảng duy nhất lãnh đạo mới có thể hiện đại hoá China và
cho phép nó đứng vững trước các thế lực đế quốc.
Cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã củng cố niềm
tin ấy. Đảng Cộng sản tí hon đã có lợi thế trước Quốc Dân Đảng (QDĐ): có một lý
thuyết (Marxiste), một hình mẫu (bolchevisme) và một nhà nước (Liên Xô). Nhưng
nó không chần chờ khi thấy cần, cắt đứt với chỗ dựa chính (từ cuối thập niên
1950), với hình mẫu và lý thuyết.
Những sự dàn xếp với lý thuyết bắt đầu ngay từ
ban đầu.
Khó khăn thứ nhất: Đảng Cộng sản China không
phải đảng của giai cấp công nhân. Công nhân chỉ chiếm 0,5% dân số năm 1949, và
chiếm 8% số đảng viên năm 1930. Hầu hết lãnh đạo là người có học, xuất thân từ
các giai cấp trung lưu (trung nông, trí thức, viên chức)… Sau 1949, công cuộc
công nghiệp hoá làm tăng số công nhân lên 150 triệu năm 1995 (8% dân số và hơn
10% số đảng viên).
Chế độ mới cung cấp cho một bộ phận dân chúng
những điều kiện sống và làm việc thuận lợi: việc làm suốt đời, bảo hiểm xã hội,
nhà ở, tiêu thụ tập thể. Trở thành tủ kính của chế độ và công cụ của đường lối
công nghiệp hoá, các công nhân viên chức bảo vệ quyền lợi giai cấp của mình,
đôi khi chống lại Đảng Cộng sản. Chẳng hạn năm 1957 nhiều người đã chống lại việc
đưa vào những phương pháp lao động khoa học và sự cai trị của các tiểu thủ trưởng
xã hội chủ nghĩa. Họ chủ trương chủ nghĩa bình quân trong công nhân và đòi duy
trì các đặc quyền vật chất (trong cách mạng văn hoá 1966-1976).
Vấn đề thứ hai: Đảng coi việc tạo ra một xã hội
mới chỉ như phương tiện để khôi phục quốc gia và nắm vững quyền lực. Việc phân
tích về mặt giai cấp không chủ yếu nhằm nhận thức thực tế xã hội mà nhằm động
viên dân chúng. Vậy là sự thống nhất quốc gia và nắm chính quyền đòi hỏi liên
minh các lực lượng, như trong kháng chiến chống Nhật hay giữa năm 1945 – đầu thập
niên 1950. Giai cấp tư sản dân tộc được coi là đồng minh khách quan, trừ tư sản
mại bản (bán nước) và quan liêu (theo QDĐ).
Cũng vậy, giai cấp nông dân trở thành trung
tâm, không phải vì lý do lý thuyết mà là lý do thực dụng. Từ 1927, các tổ chức
thành thị đã bị QDĐ phá tan. Khi MTĐ nắm quyền năm 1934, giai cấp vô sản dứt
khoát được thay bằng nông dân như giai cấp cách mạng. Tuy nhiên, các nông dân
nghèo và không có ruộng không hề cách mạng, mà chính là trung nông có học và năng
động. CCRĐ năm 1950 cải thiện nông thôn và được ủng hộ. Nhưng rất nhanh chóng,
tập thể hoá biến nông dân thành giai cấp bị bóc lột, phục vụ công cuộc công
nghiệp hoá và xây dựng CNXH.
Thuyết Ba Đại diện
Cuối cùng, là vấn đề thứ ba: để tăng cường sức
mạnh quốc gia, thì phải dựa vào chính trị hay kinh tế, đấu tranh giai cấp hay sự
giàu mạnh? Mao cho rằng đấu tranh giai cấp luôn cần thiết. Nhưng một làn sóng
phê phán nổi lên, không nhằm huỷ bỏ Đảng mà chống lại sự chuyên quyền và tham
nhũng, cũng như không chấp nhận mức sống thấp kém. Để dập tắt đối lập, Đảng Cộng
sản sử dụng một lý thuyết giai cấp không dựa trên phương tiện sản xuất nữa mà
trên các giá trị, tức là thái độ đối với chính quyền. Nếu giai cấp tư sản đã biến
mất, thì tư tưởng tư sản có thể luồn vào mọi đầu óc. Trong CM văn hoá, những
người ủng hộ Người Cầm lái Vĩ đại được coi là các nhà cách mạng đích thực, bất
kể nguồn gốc ra sao. Lý thuyết này dùng để tiêu diệt những ai nghĩ rằng việc giải
quyết các vấn đề của đất nước nằm trong sự phát triển kinh tế.
Tất cả lại chao đảo vào cuối thập niên 1970 và
nhất là từ thập niên 1990. Phần lớn thành viên giai cấp cầm quyền bị phế bỏ lại
trở lại nắm quyền và dần dần đặt các cơ chế tư bản chủ nghĩa vào trong lòng nền
chính trị kinh tế. Với họ, chỉ có một khế ước xã hội mới dựa trên lời hứa hẹn
giàu mạnh mới có thể bảo đảm khôi phục sức mạnh China và sự trường tồn của Đảng.
Đối lại là sự bỏ rơi đấu tranh giai cấp như
phương pháp thống trị. Các công nhân chủ nhân đất nước bị thay thế bằng các
nông dân-thiên di, không có quyền gì cả, chỉ cần lao động. Năm 2002, với lý
thuyết Ba Đại diện, cần phải tôn trọng lợi ích của doanh nhân bên cạnh ngươi
lao động và trí thức, chính họ tạo ra sự tăng trưởng, việc làm và tăng cường sức
mạnh quốc gia.
Trong một nước China vẫn là XHCN, họ không thể
là kẻ bóc lột. Vậy thì đất nước là một xã hội phi giai cấp, gồm những làm công
ăn lương có thu nhập trung bình, mỗi người đều đóng góp cho hạnh phúc và sự vĩ
đại của quốc gia. Tất nhiên Đảng có các kẻ thù, nhưng trong thực tế đó là kẻ
thù của quốc gia.
Từ quan điểm ấy, khó phân tích con đường của Đảng
Cộng sản China như sự bỏ rơi hay thậm chí phản bội lý tưởng XHCN. Ngay từ ban đầu,
CNXH được tuyên bố không phải mục đích mà là phương tiện để thống nhất đất nước,
xây dựng một nền kinh tế mạnh và một nhà nước mạnh, nhằm đưa China trở lại
trung tâm bàn cờ quốc tế. “Lớp đặc tuyển XHCN” tạo thành một giai cấp cai trị mới,
tích tụ mọi quyền lực.
Phồn vinh nho nhỏ
cho mọi người
Bất kể những thất bại và lạc lối, China không
chỉ trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự, mà nó còn cho phép phần lớn
dân chúng thoả nỗi khát vọng bước vào xã hội tiêu thụ. Ngày nay, những hy vọng
và lối sống của người China trung lưu không hề khác người Pháp trung lưu. Chắc
chắn là Đảng Cộng sản China giải thích rằng các giá trị China đối lập với các
giá trị phương Tây, và lạ một cái là truyền thông phương Tây giúp vào lời giải
thích ấy, nhưng sự thật không hề chứng tỏ như thế. “Xã hội hài hoà” hay“giấc mơ
China” chỉ là sự kết hợp rút cuộc là thường thấy giữa một nhà nước mạnh nhưng
quản trị bằng luật pháp, một sự cai trị theo cách quản lý kinh điển (hệ thống
quan liêu hữu hiệu, ngăn ngừa các xung đột) với ý tưởng cổ xưa mà cũng là của
phương Tây về hạnh phúc tập thể. Còn về “tư tưởng TCB”, nó bắt nguồn từ chủ
nghĩa Lenine (bảo toàn sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi tổ chức), sự Khai sáng
(ưu đãi khoa học, “tạo ra một cộng đồng có chung định mệnh cho nhân loại”), diễn
ngôn nhân bản (cải thiện đời sống và phúc lợi của các cá nhân) hay trong những
ý tưởng chung với mọi quốc gia hôm nay (“sống hài hoà với tự nhiên”).
Còn xa mới phản bội, Đảng Cộng sản China vẫn
trung thành với hai nguyên lý. Một mặt, duy trì huyền thoại một xã hội phi giai
cấp; mặt khác, từ chối bỏ rơi ý tưởng hoà lẫn quốc gia với Đảng. Dĩ nhiên là
không phải tạo ra một xã hội bình đẳng, mà cho phép tổng thể dân chúng đạt được
một “sự phồn vinh nho nhỏ”. Không quan trọng việc khoảng cách thu nhập sâu thẳm,
một khi mà mỗi người có thể đạt được đời sống dễ chịu vừa phải và sự nghèo đói
biến mất. Đối với đa số dân chúng, mục tiêu ấy biện minh tạm thời cho sự thượng
tôn quyền lợi quốc gia và sự thống nhất về mọi điều còn lại.
Ngoài thập niên 1980, thời kỳ mà một số đảng
viên rao truyền một “Chủ nghĩa xã hội nhân bản” hay những hình thức khác nhau của
nền dân chủ “nhân dân” theo đúng nghĩa, Đảng Cộng sản chưa bao giờ đối mặt với
những đề xuất thay thế. Hôm nay vẫn thế, ngay cả những người phê phán mạnh nhất
cũng e ngại các chất men bất ổn của các cuộc bầu cử [tự do], không nói đến chủ
nghĩa bảo thủ chính trị của đa số dân chúng. “Bầu bán có được tích sự gì?” dường
như đó là tinh thần hiện thời. Chủ nghĩa bảo thủ ấy cũng được thấy trong sự thường
trực của nhân sự chính trị. Những người đứng đầu đất nước đến từ cùng chỗ của
các nhà cách mạng thời đầu chế độ: con cháu và đồng minh của các cán bộ và
thành viên trong các giai tầng chuyên nghiệp cao cấp.
Dẫu sao, nếu khế ước xã hội không được tôn trọng,
nếu dân chúng không còn cảm thấy định mệnh của mình gắn với định mệnh của Đảng
và quốc gia, thì nửa sau thế kỷ của Đảng Cộng sản có nguy cơ rút ngắn. Duy trì
sự ổn định nội bộ bao hàm việc nuôi dưỡng sự tăng trưởng, sự tăng trưởng không
còn dựa được vào tư bản nước ngoài và xuất khẩu hàng hoá giá rẻ.
Từ nay Đảng phải trông cậy vào yêu cầu trong
nước, đầu tư ra nước ngoài và đổi mới công nghệ; một loại chủ nghĩa quốc gia về
kinh tế đang đi vào xung đột (một phần) với các lợi ích của những cường quốc lớn
khác trên trường quốc tế. Sau 100 năm tồn tại, Đảng Cộng sản đã rèn nên được một
ước China hùng mạnh nhưng để giữ được ổn định, quốc gia này không có chọn lựa
nào khác là xô đẩy những lợi ích đã có trong thế giới đương đại, như thể hiện
trong sự xung đột với Hoa Kỳ. [Nhưng] đó cũng chính là sự mong manh của nó.
—-
Tác giả là GS Khoa chính trị học, nhà nghiên cứu
ở Trung tâm nghien cứu quốc tế (CER), đồng tác giả cuốn sách “Giai cấp và Đảng
Cộng sản China. Một trăm năm thay đổi xã hội” sắp xuất bản.
No comments:
Post a Comment