Friday, 23 July 2021

CHIẾN LƯỢC và TÂM LÝ NÀO QUẢN LÝ COVID-19? (Phạm Phú Khải)

 


Chiến lược và tâm lý nào quản lý Covid-19?

Phạm Phú Khải

19/07/2021

https://www.voatiengviet.com/a/covid-vaccine-chien-luoc-tam-ly/5971118.html

 

 

Hơn một năm rưỡi sau khi đại dịch Covid-19 lây lan toàn cầu từ nơi xuất phát Vũ Hán, tình hình vẫn còn nhiều bất định bởi ba nguyên nhân chính: sự giới hạn của vaccine có hiệu năng cao so với nhu cầu hiện nay; sự biến thể của Covid-19, nào là Alpha, Beta, Gamma, nhất là Delta, đang lây lan trên 70 quốc gia; cung cách quản lý Covid-19 trên bình diện quốc gia.

 

Cho đến lúc viết bài này (19 tháng 7), theo John Hopkins University, thì có hơn 190 triệu người trên thế giới bị nhiễm, hơn 4 triệu tử vong, trong khi có 3.6 tỷ liều vaccine được tiêm trên thế giới.

 

Nhìn chung, cung cách quản lý dịch bệnh của mỗi quốc gia sẽ phụ thuộc vào viễn kiến lãnh đạo của quốc gia đó, vào khả năng đối phó của hệ thống y tế (từ tổ chức, con người và chính sách như định chế, chuyên viên và phương tiện y tế, và kế hoạch hành động) và sau cùng, là tình trạng dân trí của quốc gia mình.

 

Dù cung cách quản lý khác nhau, mục đích sau cùng của mọi chính quyền hiện nay là loại trừ Covid-19 hoàn toàn. Điều này có đạt được hay không, và khi nào đạt được, thì chưa ai tiên đoán được lúc này.

 

Tại Úc, lãnh đạo chính trị và y tế vạch ra chiến lược quốc gia của Úc để quản lý Covid-19 theo 3 giai đoạn: giảm thiểu (mitigation); chấm dứt (suppression); và loại trừ (elimination). Tuy thành công phần nào ở giai đoạn 1, Úc cũng đang vất vả với chiến lược ở giai đoạn 2 và 3 này. Giai đoạn 3 còn quá xa và quá bất định để xét đoán lúc này.

Giai đoạn 1 là giảm thiểu sự lây lan Covid-19 sâu rộng trong cộng đồng đối với số ca nhiễm và số tử vong.

 

Trong năm 2020, Việt Nam và Thái Lan được xem là quản lý dịch bệnh khá thành công. Nhưng kể từ tháng 4 năm 2021 trở đi, nhất là từ khi biến thể Delta lây lan, khả năng kiểm soát để ngăn chặn lây lan trong cộng đồng tại hai nước này đã cho thấy tính tổn thương trong hệ thống y tế. Chính quyền Việt Nam ban hành hai tuần giới hạn đi lại cho 16 tỉnh phía Nam kể từ hôm nay sau khi Covid-19 lây lan quá nhiều trong cộng đồng. Thái Lan mở rộng lệnh phong tỏa vào hôm qua cho nhiều tỉnh thành khác với số ca nhiễm kỷ lục trong ba ngày liên tục. Theo tin tức hôm nay, số ca nhiễm trong cộng đồng Úc chỉ có 121 ca, trong khi Thái Lan 11.397 ca, Việt Nam 5.887 ca.

 

Indonesia thì đang trong tình trạng vô cùng nghiêm trọng, với 54.000 ca vào thứ Sáu tuần trước, 1.205 tử vong. CNN cho rằng có khả năng còn tăng lên cao nữa trong thời gian tới.

 

Hiện tượng này nói lên một số vấn đề. Một, nếu không may có dạng biến thể còn nguy hiểm chết người hơn cả Delta, thì thử thách và đe dọa lên các quốc gia có hệ thống y tế thiếu hiện đại sẽ rất cao. Hai, chiến lược giảm thiểu của Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Úc, hay bất cứ quốc gia nào, cũng chỉ mang tính giai đoạn thôi. Bởi Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục là mối đe dọa, trừ phi đến một lúc nào đó, bị loại trừ hoàn toàn khỏi trái đất này. Ba, cho đến lúc này thì chấm dứt là biện pháp tối ưu, bằng phong tỏa, cách ly v.v… và bằng vaccine. Vì vậy, cho đến khi nào có được miễn nhiễm cộng đồng (herd/population immunity), tỷ lệ 80% hay hơn, đã được chích ngừa, thì con người vẫn phải sống với Covid-19 này một cách bình thường nhất có thể. Cách đối phó và quản lý Covid-19 để sống an toàn nhất có thể (Covid-Safe) là khả năng không dễ gì làm được, tuy Singapore đang thực hiện mô hình này một cách đáng chú ý.

 

Tại Úc, dù là 121 ca hôm qua, hay chỉ vài ca đi nữa, chính quyền các tiểu bang, nơi quyết định chính sách phong tỏa (lockdown) và ban hành các hạn chế (restrictions), đều chủ trương ngăn chặn tức khắc trước khi nó lây lan thêm trong cộng đồng. Áp dụng chính sách này một hay vài tuần thì sẽ kiểm soát được tình hình, như đã thấy tại một số tiểu bang, đặc biệt tại Victoria, và cả NSW hiện nay, trong suốt một năm qua. Nhưng các cơ sở thương mại, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, luôn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì phải đóng cửa thường xuyên mà không có khách. Chỉ riêng tại Victoria, The Australian Financial Review cho biết mỗi ngày bị phong tỏa hay bị hạn chế nặng nề làm tốn tiểu bang 125 triệu đô la (theo chính phủ Victoria thì tốn 100 triệu đô la), và một tuần lên đến cả tỷ đô la. Theo The Conversation, thì phong tỏa tại Sydney tốn nhiều hơn, vì Sydney là thành phố giao thương lớn nhất tại Úc, tốn 140 triệu đô la. Đối với các cơ sở doanh nghiệp nhỏ này, nhiều người phụ thuộc vào đồng lương hàng ngày của mình khi được đi làm. Nếu không đi làm thì không có lương. Tiền hỗ trợ của chính phủ hiện nay rất giới hạn.

 

Ngay từ đầu, tất cả lãnh đạo chính trị và y tế Úc hiểu rõ rằng giảm thiểu/ngăn chặn chỉ là bước cần thiết, trước khi có vaccine. Tuy nhiên, khi đã có vaccine, nó lại nẩy sinh ra vấn đề khác: Người dân lo ngại chích ngừa. Nếu có đủ vaccine để chích mà không có đủ người, hoặc ngược lại, thì cũng không đạt được mục đích miễn nhiễm cộng đồng. Từ đây đến đó tùy thuộc vào khả năng thuyết phục người chích ngừa và khả năng có đủ vaccine để chích. Nước nào đạt được mục đích trên thì sau đó mới dám nghĩ đến bước 3: loại trừ hẳn Covid-19.

 

Cản trở lớn cho chiến lược chích ngừa tại các nền tiên tiến hàng đầu là tâm lý sợ hãi của con người. Đối với dân Úc, vì ca nhiễm không cao, nên Covid-19 chưa phải là mối đe dọa lớn. Nhưng người ta vẫn sợ tác dụng ngược của vaccine, đặc biệt AstraZeneca, về huyết khối (blood cloth). Theo báo cáo vào ngày 18 tháng 6 của cơ quan thẩm quyền thuốc men Therapeutic Goods Administration/TGA thuộc Bộ Y Tế của chính phủ Úc, 2 trên 100.000 người có thể bị huyết khối (hay tên gọi chuyên môn là thrombosis with thrombocytopenia syndrome, TTS), trong đợt tiêm đầu, và 1 trên 1.5 triệu vào đợt hai. Cũng theo TGA thì chỉ có 3% tổng số ca bị TTS đưa đến tử vong, trong khi so với các nước khác thì tỷ lệ tử vong là 20%. Có lẽ sự khác nhau nằm ở khả năng quản lý và điều trị bệnh nhân, tức hệ thống y tế của mỗi quốc gia. Bản báo cáo mới nhất từ TGA vào ngày 15 tháng 7 cho biết trong số 5.4 triệu liều chích AstraZeneca, có 83 trường hợp (51 chắc chắn, 32 có thể) bị TTS, và tử vong chỉ có 2 cho đến nay.

 

Hy vọng và sợ hãi là điều rất tự nhiên của con người. Tại Úc, muốn thắng giải độc đắc xổ số, như Saturday Lotto, thì theo một nhà toán học, cơ hội chỉ là 1 trên 8.145.060. Nhưng không phải vì cơ hội mỏng manh như thế mà người ta không chơi. Số người nuôi hy vọng và tham gia chơi mỗi tuần vẫn rất cao. Bởi vì ai cũng mong là cơ hội sẽ đến với mình. Có hy vọng, người ta bất chấp số liệu hay xác suất, nhất là khi cái giá phải trả chỉ nhỏ thôi, và giá để đạt thì rất lớn.

 

Dựa trên số liệu mới nhất, từ TGA nói trên, thì chỉ có 1 trong 2.7 triệu người chích AstraZeneca bị tử vong. Với dân số 25 triệu thì số tử vong cao nhất chỉ là 9 người, nếu tất cả đều tiêm AstraZeneca. Nhưng 3.7 triệu liều Pfizer cũng đã được sử dụng tính đến ngày 11 tháng 7. Nói cách khác, xác suất bị huyết khối đã thấp, tử vong còn thấp hơn. Nhưng số liệu đó vẫn không làm cho người ta bớt lo sợ. Vì lo sợ, người ta cũng bất chấp số liệu, vì nghĩ cơ hội tử vong cũng đến với mình, dù rất thấp.

 

Sợ là tâm lý bình thường của con người, như đã nói trên. Nhưng sợ luôn có yếu tố chủ quan và khách quan. Sợ khách quan là khi biết dựa vào thông tin dữ liệu chính xác, rồi lý luận và kết luận trên những gì mình có trước mặt mình. Nhưng phần lớn con người đều ít nhiều bị cái sợ chủ quan lấn át. Nhất là từ môi trường chung quanh, đặc biệt là mạng xã hội thời nay. Cái tâm lý sợ từ người chung quanh, nhất là bạn bè mình, sẽ tác động lên mình ít nhiều. Khi quá lo sợ, nó sẽ tác động lên lý trí, khả năng lý luận và quyết định của mình.

 

Nhưng điều đáng nói hơn là sợ vì dựa trên thông tin giả. Khi không chịu tìm hiểu thông tin từ các cơ quan thẩm quyền y tế, mà chỉ nghe những người không chuyên môn, dù có uy tín bao nhiêu đi nữa, nó sẽ rất độc hại cho các quyết định quan trọng của một người. Trong một xã hội dân chủ phóng khoáng, chính quyền sẽ làm mọi cách để giúp công dân của mình nắm rõ thông tin hầu lấy quyết định tối hảo. Nhưng quyết định sau cùng vẫn là do mỗi công dân. Công dân thiếu hiểu biết mà lại nghe theo tin giả trên mạng xã hội thì chính quyền cũng bó tay. Cho nên Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo cách đây hai ngày rằng sự lan truyền thông tin sai lệch về Covid-19 và về đại dịch trên phương tiện truyền thông xã hội là "giết người". Theo số liệu chính thức từ chính quyền Mỹ, số ca tử vong tại Mỹ, nhất là vì dạng Delta, gần như tuyệt đối xảy ra cho người chưa chích ngừa.

 

Nhiều người Mỹ, và Úc, may mắn sống trong quốc gia đang có sẵn vaccine hiệu nghiệm hàng đầu thế giới, nhưng lại sợ nên không đi chích ngừa, dù là miễn phí. Trong khi đó, những người tương đối khá giả tại Thái Lan, chẳng hạn, sẵn sàng chi gần 10 ngàn đô để được sang Mỹ chích ngừa. Nên Thái Lan đang có những chương trình du lịch chích ngừa như thế. Vaccine của Trung Quốc, Sinovac, hiệu quả rất thấp nên người Thái không tin tưởng. Trong số 677,000 nhân viên y tế Thái được chích ngừa hai liều Sinovac thì có đến 618 người bị nhiễm Covid-19 trở lại.

 

Khoa học, như vaccine cho Covid-19 được sử dụng công nghệ cao, là giải pháp cho đại dịch như thế này. Nhưng chưa đủ. Dân trí, kể cả kiến thức tối thiểu về Covid-19 và vaccine, là nền tảng để không bị các tin giả và các thuyết âm mưu lừa gạt hay khống chế. Nó giúp cho chính quyền có thể quản lý được rủi ro và các phản ứng ngược.

 

Điều hành lãnh đạo quốc gia, nhất là tại các nền dân chủ cấp tiến, khó ở chỗ đó. Nói phải, chưa hẳn sẽ được lắng nghe. Nói trái, chưa hẳn là bị bỏ ngoài tai. Không nói, có thể bị xem là thiếu thông tin, hay thiếu khả năng truyền thông. Thông tin nhiều quá, sẽ làm cho người ta lúng túng và rối thêm. Cân bằng chắc là sự cần thiết. Nhưng làm sao để cân bằng cho đúng liều lượng quả là một nghệ thuật hiếm quý hiện nay.

 

====================

 

BÀI CŨ :

 

PHẠM PHÚ KHẢI

Chính trị quốc gia và quốc tế: Phân hóa và phi dân chủ tại Đông Nam Á

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats