Thursday 1 July 2021

100 NĂM ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC, NGÀY ĐEN TỐI ĐỐI VỚI HỒNG KÔNG (Thanh Hà - RFI)

 



100 năm Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ngày đen tối đối với Hồng Kông

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 01/07/2021 - 12:42

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210701-100-n%C4%83m-%C4%91%E1%BA%A3ng-c%E1%BB%99ng-s%E1%BA.....BB%93ng-k%C3%B4ng

 

Hồng Kông im lặng vào lúc Bắc Kinh rầm rộ tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chính quyền đặc khu huy động hơn 10.000 nhân viên cảnh sát đề phòng biểu tình đúng ngày 01/07/2021 đánh dấu 24 năm Anh Quốc trao trả thuộc địa cũ lại Hoa Lục với lời hứa của chính quyền Đặng Tiểu Bình xưa kia bảo đảm cho vùng lãnh thổ này quy chế « một quốc gia hai chế độ ».  

 

https://s.rfi.fr/media/display/0a3e7faa-da52-11eb-aade-005056a90284/w:980/p:16x9/2021-07-01T005000Z_129470245_RC2CBO961RP7_RTRMADP_3_HONGKONG-SECURITY.webp

Một số người ủng hộ dân chủ Hồng Kông tuần hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc và 24 năm ngày Anh Quốc trao trả Hồng Kông lại cho Bắc Kinh. Ảnh ngày 01/07/2021. REUTERS - LAM YIK

 

Công luận Hồng Kông nghĩ gì về lễ kỷ niệm 100 năm ngày đảng Cộng Sản Trung Quốc ra đời và Bắc Kinh toan tính những gì cho Hồng Kông ? RFI Việt Ngữ đặt các câu hỏi trên với giáo sư Jean-Pierre Cabestan đại học Baptiste Hồng Kông, giám đốc trung tâm nghiên cứu khoa học CNRS của Pháp, thành viên trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Đương Đại của Pháp.  

 

RFI : Xin kính chào giáo sư Cabestan, trong bối cảnh hiện tại các quyền tự do tại Hồng Kông từng bước bị thu hẹp, công luận ở đặc khu hành chính này nghĩ gì về sự kiện Bắc Kinh kỷ niệm rầm rộ 100 năm ngày đảng Cộng Sản Trung Quốc được thành lập ?  

 

Jean-Pierre Cabestan :  Đối với người dân Hồng Kông, đảng Cộng Sản không thân thiện chút nào. Lực lượng chính trị này đã thâu tóm quyền lực tại Trung Quốc từ năm 1949. Rất nhiều gia đình đang sinh sống tại Hồng Kông đã bỏ chạy khỏi quân Cộng Sản để định cư tại Hồng Kông. Thành thử dân Hồng Kông có một cái nhìn tiêu cực, thậm chí là rất tiêu cực về đảng Cộng Sản Trung Quốc.

 

Điểm thứ nhì là đảng Cộng Sản Trung Quốc đã có những bước chuyển biến kể từ khi tiến hành cải cách, cuối thập niên 1970 dưới thời ông Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc đã phát triển và Hoa Lục giờ đây trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của Hồng Kông, có nhiều doanh nhân Hồng Kông có cơ sở hay giao thương với Hoa Lục. Số này tỏ thái độ hợp tác với Bắc Kinh, với đảng Cộng Sản Trung Quốc nhưng vẫn có một sự dè chừng và thái độ dè chừng đó đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân Hồng Kông.

 

Thành thử kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc không là sự kiện mà dân Hồng Kông hoan hỉ đón mừng, hay là họ cảm thấy dễ hòa đồng với tinh thần lễ hội đó cho dù Hồng Kông là một phần lãnh thổ Trung Quốc từ 1997. Đặc biệt hơn nữa với luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt từ một năm nay dân chúng Hồng Kông lại càng phải thận trọng hơn rất nhiều và không còn mấy ai dám mạnh mẽ bày tỏ chính kiến. 

 

*

RFI : Thái độ dè chừng đó được thể hiện một cách cụ thể ra sao ?  

 

Jean-Pierre Cabestan : Thái độ thận trọng đó bắt nguồn từ 2020, mọi người không còn dám công khai bày tỏ quan điểm chính trị Hồng Kông. nhưng đừng quên rằng trong hai đợt bầu cử gần đây nhất hồi 2016 và 2019, có từ 55 đến 60 % cử tri bỏ phiếu ủng hộ các ứng viên dân chủ. Do vậy chúng ta có thể thẩm định rằng đa số công luận ở đây không có thiện cảm với đảng Cộng Sản Trung Quốc, họ không đồng chí hướng với đường lối của đảng này, và không diễn giải như Bắc Kinh về mô hình « một quốc gia hai chế độ » mà ở đó những quyền tự do càng lúc càng bị bót ngạt.

 

Dân Hồng Kông lo ngại về tương lai chính trị do Hoa Lục đang áp đặt. Công luận tại đây từng hy vọng Trung Quốc rồi đây sẽ cởi mở hơn về mặt chính trị, thậm chí có thể có những tiến bộ trên con đường dân chủ. Nhưng rõ ràng là hiện tại không con mấy ai dám lên tiếng nữa vì họ biết rằng, nói ra lã sẽ bị khép vào tội lật đổ chế độ, vào tội đòi ly khai chiểu theo luật an ninh quốc gia. Thế rồi, với việc khai tử tờ báo Anh ngữ Apple Daily trong những ngày vừa qua, rõ ràng là tiếng nói đối lập cuối cùng chỉ trích Đảng bặt tiếng luôn. Đó là toàn cảnh chính trị mà giờ đây dân Hồng Kông phải thích nghi. 

 

*

RFI : Trong trung hạn và nhìn xa hơn một chút nữa tương lai Hồng Kông đi về đâu ? Tôi muốn nói đến các khía cạnh kinh tế và chính trị ?  

 

Jean-Pierre Cabestan : Tôi nghĩ rằng trước tiên về mặt kinh tế, trong ngắn hạn sự thịnh vượng của Hồng Kông giờ đây tùy thuộc khá nhiều vào tình hình kinh tế ở Hoa Lục, từ cả về tài chính, ngân hàng, chứng khoán… Nếu như tăng trưởng của Trung Quốc mà tươi sáng, thì Hồng Kông cũng được hưởng lợi theo. Nhìn xa hơn, mức độ lệ thuộc đó càng lúc càng lớn và đấy chính là điều khiến dân chúng Hồng Kông lo ngại. Bên cạnh đó thì còn phải tính đến môi trường quốc tế : Hồng Kông có nguy cơ bị kẹt giữa hai làn đạn trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Bắc Kinh với phương Tây.  

 

Về mặt chính trị, theo tôi về ngắn và trung hạn người ta không chờ đợi gì nhiều nhất là ngày nào mà ông Tập Cận Bình còn nắm giữ quyền lực. Bắc Kinh có chiều hướng theo đuổi đường lối cứng rắn hơn. Điều đó khiến dân cư Hồng Kông lại càng phải thận trọng hơn. Tuy nhiên vì những lý do gia đình, tài chính và cả yếu tố tâm lý nữa, không mấy ai có điều kiện để đi khỏi Hồng Kông. Nhưng rõ ràng là càng lúc càng khó để lên tiếng chỉ trích chế độ.

 

Hệ thống chính trị của Bắc Kinh ngăn cản mọi quyền tự do phát biểu. Nhưng nhìn về tương lai xa, mọi việc có thể thay đổi. Câu hỏi còn lại là khi nào Tập Cận Bình từ bỏ quyền lực, có thể là tự ý hoặc bắt buộc phải ra đi. Chỉ khi đó may ra mới có một sự thay đổi nhưng liệu rằng tình hình bớt căng hơn để cho phép dân Hồng Kông dễ thở hơn hay không ? Chúng ta cần thận trọng bởi vì tôi nghĩ trong một thời gian dài nữa, toàn cảnh chính trị Hồng Kông không có gì thay đổi.

 

Thanh niên Hồng Kông đang rất lo lắng cho tương lai và phần lớn trong số này ý thức được rằng tương lai của họ được đặt ở Hoa Lục nhưng giới trẻ Hồng Kông không mấy hào hứng sang đấy làm việc mà đơn giản là ở Hoa Lục, người ta không được dùng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Instagram… mà đó là lại là điều kiện cơ bản trong mắt thanh niên Hồng Kông.   

 

*

RFI : Xin một câu hỏi chót : Bắc Kinh đang tính toán những gì cho Hồng Kông ? 

 

Jean-Pierre Cabestan : Tôi cho rằng trong nhãn quan của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tương lai Hồng Kông rồi đây sẽ hoàn toàn gắn liền với Hoa Lục. Trên nguyên tắc đến năm 2047 quy chế « một quốc gia hai chế độ » sẽ không còn tồn tại. Hồng Kông sẽ là một thành phố như bao thành phố khác của Trung Quốc.

 

Chắc chắn về mặt chính trị, Hồng Kông sẽ hoàn toàn phải hội nhập với Hoa Lục, thế nhưng về kinh tế và luật pháp có thể hy vọng rằng Hồng Kông vẫn có một chỗ đứng riêng và  tương đối tự do hơn nơi khác, bởi vì Trung Quốc cũng cần Hồng Kông là địa bàn mà vốn đầu tư quốc tế được tự do lưu thông. Về mặt pháp lý khác với ở Hoa Lục, Hồng Kông tiếp tục theo truyền thống thông luật được chính quyền thuộc địa Anh lập ra cho dù nguyên tắc này đã bị bộ luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt giới hạn đáng kể.  

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats