Saturday, 16 June 2018

TRUMP ĐÁNH LỪA CỬ TRI MỸ BẰNG "NỬA SỰ THẬT" (Tôn Thất Thông, CHLB Đức)




Tôn Thất Thông, CHLB Đức
15-6-2018

Tóm tắt
Phong cách hùng biện của Trump thì chúng ta đã quá quen thuộc. Đấy là phong cách “cả vú lấp miệng em”, không để cho người nghe kịp suy nghĩ và phản ứng. Nhưng với Trump, có những chuyện vượt ra ngoài sự tưởng tượng của những người có một chút hiểu biết và một ít suy nghĩ. Đấy là trò chơi đánh lừa cử tri Mỹ bằng những con số khủng để kích thích hận thù, không ngoài mục đích tăng cường sự ủng hộ của họ về những chính sách thiển cận và thiếu đạo đức đối với các nước bạn lâu năm. Xin đơn cử ra đây vài con số của Trump về thâm hụt ngoại thương Mỹ.

Thế giới thêm một lần ngao ngán, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trên chuyến bay đến Singapore đánh một Tweet làm chấn động dư luận: Mỹ không ký vào bản tuyên bố chung của hội nghị G7 vữa được thỏa thuận trước đó chỉ vài giờ đồng hồ. Trump đã nổi danh về sự bất nhất, nói trước và rút lời sau, nhưng đến mức buồn cười như cái tweet vừa rồi thì cũng vượt quá mọi khả năng hư cấu của chúng ta. Mà Trump quyết định rút lại thỏa thuận chung chỉ vì một lý do thật trẻ con: Trump không hài lòng về vài lời tuyên bố của Thủ tướng Canada. Có lẽ Trump đạt được một điều: thỏa mãn cho chính mình và trưng bày bắp thịt cho cử tri Mỹ xem.

Dường như màn kịch kích động này đã được tính toán từ trước: rời hội nghị trước một ngày, công kích tất cả các nước còn lại trong G7 về cái mà Trump thường gọi là “unfair” trong chính sách ngoại thương của các nước khác, đã làm cho cán cân thương mại của Mỹ liên tục thâm hụt. Trong hội nghị, Trump lập đi lập lại về 800 tỉ độ la thâm hụt ngoại thương và đòi hỏi các nước bạn làm những chuyện đi ngược với chính sách ngoại thương đã mang lại phồn vinh cho mọi quốc gia, kể cả Mỹ, suốt 70 năm qua. Có lẽ các vị nguyên thủ khác quá đỗi khiêm nhường và cả nể, không muốn vạch mặt Trump trước công luận.

Thâm hụt ngoại thương của Mỹ có đúng là 800 tỉ đô la mỗi năm? Quả tình có con số 800 tỉ, nhưng việc Trump đưa ra số liệu đó một cách hùng biện và gọi đó là thâm hụt ngoại thương là chuyện xảo trá, vì nó chỉ là một nửa của sự thật, mà một người có chút quan tâm đến thống kê kinh tế đều thấy dễ dàng.

Mới đây, Bloomberg đưa ra những số liệu cho thấy Mỹ không hề có thâm hụt, nếu xem xét tất cả mọi yếu tố liên quan đến thương mại và chuyển dịch tư bản. Tuy nhiên đấy là những số liệu còn bàn cãi.

Vì thế, để lý giải sự xảo trá của Trump, chúng ta chỉ nên dùng những con số thống kê của US Bureau of Economic Analysis (viết tắt là US-BEA), một cơ quan đầu não của bộ thương mại liên bang Mỹ, chuyên thu thập số liệu kinh tế để Trump và chính quyền liên bang dựa vào đó để định chính sách, chẳng lẽ Trump không biết hay không muốn biết? US-BEA định nghĩa bốn thành tố cấu tạo nên cán cân giao dịch: 1) Mua bán hàng hóa (Goods), 2) Mua bán dịch vụ (Services), 3) Thu nhập trước tiên (Primary income), 4) Thu nhập thứ cấp (Secondary income).

Thu nhập trước tiên (primary income) bao gồm thu nhập của tất cả các công ty con của một quốc gia đang hoạt động ở ngoại quốc và hàng năm chuyển lơi nhuận về nước. Thí dụ Google lập công ty con ở vài nước của EU để dễ dàng tiếp cận thị trường chung châu Âu, trả thuế ở các nước đó và hàng năm chuyển thu nhập ròng về Mỹ. Ngược lại Siemens cũng lập hãng con ở Mỹ để hoạt động và chuyển thu nhập ròng về Đức. Lấy thí dụ trong quan hệ 2 thương mại với thị trường chung châu Âu (EU), US-BEA định nghĩa rằng, hiệu số của thu nhập tất cả các hãng Mỹ ở EU, trừ bớt thu nhập của các hãng châu Âu ở Mỹ, con số đó là thu nhập trước tiên, một trong bốn thành tố cấu tạo nên cán cân giao dịch với châu Âu (hoặc tương tự, với các nước khác). Đặc biệt với Mỹ, đây cũng là thành tố vô cùng quan trọng, vì trong lĩnh vực này, Mỹ là quán quân vô địch trên thế giới.

Thu nhập thứ cấp (secondary income), nếu lấy quan hệ ngoại thương với EU làm thí dụ, US-BEA định nghĩa thu nhập thứ cấp là hiệu số của toàn bộ tiền mà người Mỹ ở châu Âu chuyển về hàng năm, trừ bớt số tiền người châu Âu sinh sống ở Mỹ chuyển về nhà. Đó là thành tố thứ tư, dù không lớn như ba loại trên, nhưng cũng có một vai trò nhất định trong thống kê kinh tế.

Số liệu của US-BEA năm 2017 được trình bày trong bảng [1] dưới đây, hoặc xem thêm đồ thị [1] về cán cân giao dịch theo từng quí từ năm 2009. Qua những dữ liệu thống kê này chúng ta thấy rằng trong suốt 8 năm qua, mua bán dịch vụ và thu nhập trước tiên của Mỹ luôn luôn thặng dư, trong lúc mua bán hàng hóa và thu nhập thứ cấp luôn luôn thâm hụt. Chúng ta không đi sâu bàn luận tại sao, xin gát lại dịp khác. Thâm hụt năm 2017 của Mỹ là 466 tỉ đô la (chứ không phải 800 tỉ). Cho dù đó cũng là một con số lớn, nhưng việc Trump lập đi lập lại rằng Mỹ thâm hụt ngoại thương mỗi năm 800 tỉ đô la là một lối chơi xảo trá, dùng con số có thực 811 tỉ để kích động những người cử tri trong tầng lớp thấp, ít suy nghĩ hoặc suy nghĩ quá giản dị. 811 tỉ chỉ là một trong bốn thành tố cấu thành cán cân giao dịch. Câu hỏi là: tại sao mua bán hàng hóa của Mỹ lại thâm hụt nhiều như thế? và tại sao người Mỹ ra ngoại quốc gởi tiền về nhà ít như thế? Thay vì phân tích để tìm lời giải có ích cho dân Mỹ, thì Trump chỉ muốn gây chiến tranh thương mại để đánh lạc hướng. Cuối cùng, mọi quốc gia kể cả người dân Mỹ đều bị thiệt thòi.

Bảng [1]: Cán cân giao dịch Mỹ so với toàn cầu (Nguồn: IFO Institute Munich, tổng kết từ:  

Mua bán hàng hóa Thâm hụt 811 tỉ đô la
Mua bán dịch vụ Thặng dư 243 tỉ T
hu nhập trước tiên Thặng dư 217 tỉ
Thu nhập thứ cấp Thâm hụt 115 tỉ ____________________________________________________
Cán cân giao dịch      Thâm hụt 466 tỉ đô la so với toàn cầu

Đồ thị [1]: Cán cân giao dịch theo từng quí từ 2009-2017 (Mỹ so với toàn cầu) (Nguồn:  https://blog.bea.gov/category/current-account-deficit-2/ )

Bây giờ chúng ta xét riêng quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU, thì sự xảo trá của Trump đã tiến đến mức độ khó lường. Cũng sử dụng lập luận unfair, Trump lập đi lập lại về thâm hụt ngoại thương 150 tỉ (!) hàng năm để đưa ra chính sách bảo hộ mậu dịch, ép thuế lên thép và nhôm, và có thể sau này còn thêm thuế nhập khẩu lên xe hơi. Tất nhiên là EU phản công lại bằng cách áp đặt thuế quan lên các món hàng dân dụng của Mỹ. Nhưng, giả dụ một nước thành viên nào đó của EU được Mỹ mua chuộc, sử dụng quyền phủ quyết, thì đạo luật sẽ thành vô hiệu, Trump trở thành vị anh hùng của những người Mỹ đã từng bị kích động. Chúng ta cứ chờ vài tuần nữa sẽ biết kết quả.

Từ đâu Trump đưa ra con số 150 tỉ đô la thâm hụt để cáo buộc EU là unfair trong quan hệ thương mại với Mỹ? Bảng [2] sau đây là thống kê của US-BEA. Từ bảng thống kê đó, chúng ta thấy một lần nữa, Trump sử dụng một nửa sự thật để đánh lừa cử tri. Trump đưa ra con số thực, là 153 tỉ đô la thâm hụt về mua bán hàng hóa. Nhưng ngoại thương đâu chỉ là mua bán hàng hóa, mà theo US-BEA là tổng hợp của bốn thành tố. Và cũng chính US-BEA kết luận giùm cho Trump: So với EU, Mỹ có thặng dư ngoại thương năm 2017 là 14 tỉ đô la. Và tình trạng thặng dư này Obama đã đạt được trong suốt 8 năm làm tổng thống, chứ không chỉ riêng năm 2017.

Bảng [2]: Cán cân giao dịch Mỹ so với Liên hiệp châu Âu (Nguồn: IFO Institute Munich, tổng kết từ: https://www.bea.gov/iTable/iTable.cfm?ReqID=62&step=1#reqid=62&step=1&isuri=1&6200=1)

Mua bán hàng hóa     Thâm hụt 153 tỉ đô la
Mua bán dịch vụ        Thặng dư 51 tỉ
Thu nhập trước tiên   Thặng dư 106 tỉ
hu nhập thứ cấp        Thâm hụt 10 tỉ 4 _________________________________________________
Cán cân giao dịch      Thặng dư 14 tỉ đô la so với EU

Tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung (Báo Nam Đức) mới đây lấy số liệu của BEA đề làm một đồ thi khá rõ ràng về cán cân giao dịch giữa Mỹ và EU, có thêm chi tiết về một vài nước quan trọng: Pháp, Anh, Đức, Ý và Hòa Lan (mũi tên màu xanh chỉ lên trời là thặng dư của Mỹ so với EU, mũi tên màu đen chỉ xuống đất là thâm hụt. Những con số có đơn vị là tỉ đô la)


Các dữ liệu thống kê nói trên có một ngôn ngữ rất rõ ràng: Trong tổng thể, Mỹ có thặng dư chứ không phải thâm hụt so với EU. Nhưng có một thành viên EU nào than phiền về “thiệt hại” của mình hay không? Tuyệt đối không. Vì lợi và hại của một chính sách ngoại thương không nằm ở dấu trừ hay cộng trước những con số, mà cần xét trên tổng thể là chính sách đó mang lại phồn vinh nhiều hay ít cho quốc gia một cách tổng thể, cho dù trong đó có một vài thành phần trong một vài khu vực kinh tế bị thiệt thòi.

Logic của Trump tiếc thay không phải là thế, mà Trump chỉ thấy “thắng và thua” trong quan hệ với thế giới, kể cả những nước bạn lâu năm. Cho nên mỗi dấu trừ trước một con số thống kê, theo Trump là một sự nhục mạ, cần phải trả đũa bằng thuế quan, bằng xé bỏ các hiệp ước. Những chuyện đó chỉ dẫn đến một hậu quả tất yếu: Mỹ ngày càng bị cô lập.

Không biết Trump là con người lành mạnh về tâm lý, hay là người “yêu mình thái quá", hay thuộc loại bất bình thường, nhưng dường như không ai trên thế giới có thể đưa Trump trở về với những logic bình thường của một con người bình thường không mang bịnh tâm lý. Chỉ có cử tri Mỹ mới có thể cải thiện tình trạng này. Quí vị hãy dùng lá phiếu của mình để lấy lại uy tín cho nước Mỹ trên thế giới.

Tác giả: Tôn Thất Thông
Frankfurt, tháng 6.2018







No comments:

Post a Comment

View My Stats