Tuesday, 5 June 2018

HAI NGƯỜI CHÚNG TÔI : BẠN TÂM THƯ TRONG CHIẾN TRẠNH VIỆT NAM HỘI NGỘ SAU 34 NĂM (Amanda Hooton - The Sydney Morning Herald)




Amanda Hooton  -  The Sydney Morning Herald
DCVOnline dịch
Posted on June 3, 2018 by editor

Nadine Taylor, 68 tuổi, và Tiến Nguyễn, 70 tuổi, trở thành bạn tâm thư vào năm 1964, khi Tiến còn là một học sinh ở Sài Gòn, và Nadine sống đằng sau cửa hàng của cha mẹ của cô ở miền bắc nước Anh. Sau một năm viết thư cho nhau, đôi bạn này đã mất liên lạc suốt 34 năm sau đó.

Nadine Taylor và Tiến Nguyễn thân với nhau vì cùng thích Beatles khi họ bắt đầu viết thư cho nhau vào năm 1964.

Nadine Taylor và Tiến Nguyễn – người đã rời Việt Nam: “Thật là lòng đau tan nát, tôi chỉ thấy đại dương trước mặt, và nước mắt tuôn trào, ‘Tạm biệt quê hương, không bao giờ gặp em lần nữa.”. Nguồn ảnh: Louise Kennerley

TIẾN: Nhà của chúng tôi ở Sài Gòn rất nóng và chật chội – tôi là thứ hai trong chín người con – vì thế tôi hay đạp xe đến trụ sở Hội đồng Anh Quốc để học bài. Trong giờ nghỉ tôi đọc tạp chí thanh niên. Một ngày nọ tôi thấy “Tìm bạn tâm thư”. Tôi vừa 16 tuổi. Tôi đã gửi tin tức về mình và một vài tuần sau Nadine đã viết thư cho tôi.

Một vài người khác cũng viết, nhưng tôi đã chọn cô ấy. Tôi không có đủ tiền để mua quá nhiều tem! Nadine sống ở Southport gần Liverpool, thật là điều thú vị: Tôi yêu nhạc của những năm 60, như Beatles, và Liverpool là cái nôi của nó. Nadine đã gửi cho tôi các tạp chí như Mersey Beat, nhờ nó mà tôi đã rất được hâm mộ!

Cô ấy gửi cho tôi một tấm hình: một cô gái xinh đẹp với đôi mắt mơ màng, và làn tóc bay trong gió. Tôi đã rất cảm kích. Cô ấy cũng có vẻ tốt bụng: Tôi là một người thích sưu tầm tem và cô ấy gửi cho tôi những con tem phát hành ngày đầu tiên. Cô ấy muốn có một máy xay hạt tiêu, và tôi đã gửi cho cô ấy.

Chúng tôi đã viết thư cho nhau đến năm 1965, cứ ba hoặc bốn tuần một lần. Nhưng tôi đang theo ôn học bài để thi vào Y khoa, sau đó tôi gia nhập quân ngũ [quân đội Việt Nam Cộng hòa chống Cộng sản Việt Nam] với tư cách là một bác sĩ, vì vậy thư từ giữa chúng tôi đã dần biến mất. Tôi đã đi đánh giặc trong rừng núi từ năm 1973 cho đến khi tôi bị bắt vào năm 1975. Sau đó, tôi bị đưa vào trại tù làm lao động nặng nhọc trong ba năm, sau đó được gửi đến phòng khám bệnh lao phổi, ở đó tôi chỉ được phép chữa bệnh cho những thành phần “có sản suất” — không ai quá 45 tuổi.

Điều đó làm tôi rất đau buồn, và sau một năm tôi trốn thoát.

Trong khi tôi đang chạy trốn, vợ chưa cưới của tôi [nay đã là người vợ 37 năm qua] Ái-Minh và tôi quyết định rời Việt Nam. Đó là mọt quyết định đau lòng. Khi chúng tôi khởi hành và tôi chỉ nhìn thấy đại dương trước mặt, nước mắt tuôn trào. “Tạm biệt quê hương, không bao giờ gặp lại em lần nữa.”

Chúng tôi, tất cả 33 người, trong một chiếc thuyền gỗ dài 9 mét trôi trên biển trong 10 ngày. Thật là một phép màu chúng tôi còn sống sót. Thuyền của chúng tôi có thể  bị lật úp dễ dàng nếu gặp thời tiết khắc nghiệt, nhưng biển yên như mặt hồ bơi. Cướp biển phá hỏng động cơ con tầu của chúng tôi vào ngày thứ hai, vì vậy chúng tôi trôi dạt gần như suốt hải trình. Chúng tôi bị cướp bảy lần, nhưng mỗi lần bọn cướp biển lại cho chúng tôi thức ăn và nước uống. Chúng tôi đã đến Malaysia, sau đó đến Úc vào năm 1980.

Trong những năm đó, tôi quên hết về Nadine — quá nhiều chuyện đã xảy ra! Sau đó, vào năm 1999, một người bạn ở Canada đã gửi cho tôi một quảng cáo mà Nadine đã đăng trên báo tìm tôi. Quá đỗi ngạc nhiên!

Nadine rất tò mò. Đó là lý do cô ấy cố tìm tôi. Tôi rất cảm kích với những cố gắng của cô ấy. Chúng tôi đã bắt đầu trao đổi email thường xuyên. Sau đó, vào năm 2008, cô và chồng cô, Geoff, đến nhà chúng tôi ở Sydney và chúng tôi gặp lại nhau lần đầu tiên. Tựa như gặp lại một người bạn cũ. Cuộc hội ngộ rất êm đềm. Tất nhiên, tôi đã đánh mất tấm hình Nadine ngày xưa, nhưng đó vẫn là một người. Chỉ già đi! Cô ấy là một phụ nữ dịu dàng, rất duyên dáng. Cô ấy không buột miệng trả lời ngay lập tức: cô ấy nghĩ trước khi nói.

Tôi biết rằng sau khi rời trường, cô ấy đã đi giữ trẻ ở Mỹ, kết hôn, có hai đứa con. Gia đình chuyển về Anh và cuộc hôn nhân tan vỡ. Sau đó, Nadine gặp Geoff. Chúng tôi đến thăm họ ở Liverpool vào năm 2012 — chúng tôi đã thấy Cánh đồng Dâu (Strawberry Fields), Ngõ Penny (Penny Lane), nhà của John. Họ lại đến thăm chúng tôi một lần nữa vào năm 2013, sau đó năm ngoái và năm nay nữa..

Vào năm 2010, con gái tôi du lịch đến Anh, và Nadine đưa lại cho con tôi nguyên bản những lá thư tôi đã viết. Tôi suýt bật khóc khi nhận được gói thư đó. Tôi nhìn lại nét chữ viết tay, và nhìn lại mình, cậu bé năm xưa. Tôi chưa bao giờ trở về Việt Nam — trong 38 năm qua. Những bức thư đó là kỷ vật duy nhất còn lại trong cuộc đời tôi ở đó.

Strawberry Field và Penny Lane. Nguồn: The Beatles Story

NADINE: Tôi sống ở Southport; Bố là một thợ nề và mẹ lo trông cửa hàng ở góc phố của chúng tôi. Khi vừa 14 tuổi, thấy giáo địa lý mời chúng tôi viết cho bạn tâm thư và tôi giơ tay xung phong. Điều làm tôi ngạc nhiên về Tiến là tiếng Anh hoàn hảo của anh ấy và anh là một người thật bình thường: một thiếu niên bình thường. Anh yêu nhạc pop. Khoảng thời gian đó, tờ Daily Mirror đăng một bài báo nói rằng nơi duy nhất mà mọi người không biết The Beatles là Việt Nam. Tôi đã viết lại, “Bạn tôi ở Việt Nam rất thích Beatles!” Họ đã đăng lá thư của tôi.

Chúng tôi mất liên lạc sau một năm, sau đó tôi đã đi Mỹ. Tôi gặp một thanh niên, kết hôn, mang thai, trở về Anh. Đủ để nói đó là một thảm họa lớn. Tôi đã tự nuôi con mình và sống cùng bố mẹ. Cuối cùng tôi đã gặp Geoff, một người thật đáng yêu.

Tôi luôn lo nghĩ về Tiến. Chúng tôi đã nói về cuộc chiến trong những lá thư, và tôi không biết anh ta đã chết hay còn sống. Vì vậy, khi đến Việt Nam vào năm 1998, chúng tôi đã tìm đến thăm nhà cũ của anh ấy. Trên góc phố có một cửa hàng xe máy. Họ chưa bao giờ nghe nói về Tiến, nhưng có một cụ già đi ngang qua và nói rằng cụ ấy còn nhớ gia đình của Tiến: tất cả đều đã sang Canada. Vì vậy, tôi tìm cuốn sổ điện thoại của Canada, và tự nghĩ: “Có bao nhiêu người họ Nguyễn có thể ở đó?” Hàng trăm người! Tôi đã viết cho những người tôi có thể viết: tôi không gặp may. Sau đó, tôi tìm được một tờ báo Việt Nam ở Toronto, vì vậy tôi đã viết thư cho tờ báo. Một tuần sau, tôi nghe tin từ anh ấy.

Tôi đã rất sốc khi nhận được lá thư gởi từ Úc! Sau đó, tôi đã thực sự vui mừng. Anh ấy yên lành, anh ấy là một bác sĩ gia đình, anh ấy có một gia đình — nó làm tôi nổi da gà. Anh ấy chỉ là một người đáng yêu, thật đáng yêu. Và vợ của anh ấy, Ái-Minh là một người đẹp tuyệt vời. Bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng được những gì họ đã trải qua nếu chỉ nhìn những gì họ đang có. Và họ còn có ba cô con gái đáng yêu nữa: một gia đình rất thân ái và hạnh phúc. Họ làm việc rất nhiều cho những tổ chức từ thiện. Trong một chuyến đi, họ đưa chúng tôi đến một bữa tiệc gây quỹ lớn, để cảm ơn những người bạn đã giúp đỡ cho những người Việt Nam tị nạn. Họ rất ý thức về điều đó, rất biết ơn.

Tôi giữ tất cả những lá thư của Tiến viết trong một cái hộp trên gác mái. Tôi biết anh ấy không còn gì của quá khứ, nên khi Giselle [cô con gái thứ hai của Tiến] đến ở với chúng tôi ở Anh vào năm 2010, tôi đêm hộp thư xuống và nói, “Hãy đưa những lá thư này cho Bố cháu.” Anh ấy rất chống chế độ ở Việt Nam. Anh sẽ không trở lại. Đó phải là một nỗi buồn cho anh.

Tôi đã nghiên cứu rất nhiều về lịch sử gia tộc, và gần đây đã tìm được một liên hệ di truyền với một phụ nữ Việt Nam, Hương Đài Nguyễn. Cô là một đứa con nuôi: có lẽ cha cô là một chiến binh người Mỹ — và một số trong gia tộc tôi đã di cư đến Mỹ. Tôi nói với Geoff, “Có lẽ Tiến và tôi có họ hàng!”

© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn: Two of us: Penfriends brought together by the Vietnam war are reunited after 34 years. By Amanda Hooton | The Sydney Morning Herald |2 June 2018.








No comments:

Post a Comment

View My Stats