Wednesday, 13 June 2018

DỰ LUẬT ĐẶC KHU 'HOÀN TOÀN KHÔNG PHỤC VỤ KINH TẾ' (tin tổng hợp)





VOA Tiếng Việt
13-06-2018

Các đặc khu kinh tế mà Việt Nam đang dự tính xây dựng không có tác dụng thử nghiệm gì về thể chế mà chỉ giúp làm giàu cho những người đầu cơ bất động sản, một nhà kinh tế đồng thời là nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội nói với VOA.

Ông Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS, nói rằng Việt Nam không nên học tập kinh nghiệm ở một nơi khác ở một thời điểm khác vốn không thích hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, ông A cũng nêu lên quan ngại những đặc khu này có thể làm lợi cho các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là Luật đặc khu, vốn được Quốc hội trì hoãn cho đến tháng 10 mới thông qua do sức ép từ dư luận, đã tạo nên làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ trong và ngoài nước do lo ngại dự luật này sẽ mở đường cho những nhà đầu tư Trung Quốc chiếm giữ những vị trí trọng yếu của đất nước.

Trao đổi với VOA, ông A nêu ra ba lý do chính khiến ông ‘phản đối kịch liệt’ dự luật đặc khu này: không đem lợi ích gì về kinh tế, không có tác dụng thử nghiệm thể chế và quan ngại về an ninh.

Về kinh tế, ông A cho rằng ba đặc khu kinh tế được dự định mở ra ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là ‘nhắm vào ba địa điểm đã được giới kinh doanh bất động sản đã ào ào đổ vào đầu tư’ lâu nay.

Ông gọi việc thành lập các đặc khu này là “hợp thức hóa các ưu đãi cho các nhà đầu tư bất động sản” và so sánh với việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội trước kia.

“Khi nghe ngóng có ý định như thế, các quan chức đã cấu kết với các doanh nghiệp bất động sản đã mua hết số đất có thể phát triển bất động sản được. Sau đó họ ra luật hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội, điều đó đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bất động sản kiếm những khoản lời khủng khiếp,” ông giải thích và cho rằng do đó về mặt kinh tế thì các đặc khu này ‘không hiệu quả’.

Về việc thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào các đặc khu, ông A cho rằng “đó chỉ là mong mỏi hão huyền”.

“Các nhà đầu tư công nghệ cao chỉ đầu tư vào những nơi thật sự có trí tuệ, có đông lao động có trí tuệ như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi tập trung lực lượng có thể thúc đẩy công nghệ cao như vậy,” ông giải thích. “Ở Hà Nội, hơn hai mươi mấy năm nay Khu công nghệ cao Hòa Lạc chình ình ra đấy mà không thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao nào vào.”
“Tôi dám cá là khi luật này được thông qua thì sẽ không có nhà đầu tư công nghệ cao nào nhảy vào để đầu tư ngoài những chuyện như casino hay khách sạn này kia,” ông khẳng định.

Nguyên do phản đối thứ hai mà ông A đưa ra là các đặc khu không có tác dụng thử nghiệm thể chế mới để có thể áp dụng cho toàn quốc vì “nền kinh tế Việt Nam hiện đã rất mở rồi”.

Ông nói Việt Nam không nên học tập mô hình của Trung Quốc từ cách nay bốn thập niên vì khi ấy Trung Quốc hình thành các đặc khu vào lúc nền kinh tế của họ còn khép kín với bên ngoài nên các đặc khu của họ có tác dụng rất lớn trong việc thử nghiệm các chính sách cải cách mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài mà sau đó được nhân rộng ra trên toàn quốc.

“Nền kinh tế Việt Nam có lẽ mở cửa nhất ở khu vực bây giờ. Đã có rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài,” ông nói. “Không cần mở cửa thêm nữa.”

“Việt Nam đúng là còn rất nhiều rào cản về thể chế và việc tháo dỡ rào cản bằng luật là rất cần thiết. Lẽ ra Chính phủ nên làm và khơi dậy những nguồn trong nước nhưng họ lại không làm,” ông nói.

Theo ông thì trong dự thảo luật đặc khu này “không có những quy định gì về thể chế vượt trội có thể mang ra áp dụng cho toàn quốc” cộng thêm việc quy mộ của các đặc khu này ở cấp rất nhỏ nên không có tác dụng về thử nghiệm thể chế như ở Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã bật đèn xanh để thành lập các đặc khu Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn để thử nghiệm những chính sách mới trong công cuộc cải cách khai phóng cũng như để thu hút đầu tư nước ngoài. Bốn đặc khu ban đầu này đã thành công để rồi sau đó được nhân rộng ra khắp cả nước.

“Độ mở của nền kinh tế Việt Nam bây giờ không phải như tình trạng 30, 40 năm trước đây của Trung Quốc,” ông giải thích.

“Giả sử Việt Nam làm đặc khu kinh tế vào thời điểm 25, 30 năm trước thì lại khác.”
“Chúng ta không thể mù quáng đi học tập kinh nghiệm của nước khác vào thời điểm khác,” ông nói thêm và thừa nhận rằng việc thế giới mở đặc khu không phải là chuyện gì mới mẻ nhưng bên cạnh sự thành công của Trung Quốc thì cũng có những đặc khu ở Nam Á, ở châu Phi ‘bị thất bại hoàn toàn’.

Về lý do an ninh, ông cho rằng ba địa điểm dự định mở đặc khu ‘rất nhạy cảm về an ninh quốc gia’.

Dù luật đặc khu không đề cập đến Trung Quốc và trên thực tế mở cửa cho bất kỳ nhà đầu tư nào đủ điều kiện và quan tâm, nhưng ông A cho biết những quan ngại về Trung Quốc ‘không phải không có cơ sở’.

Ông đưa ra dẫn chứng là nhà máy bô xít ở Tây Nguyên, mặc dù không phải đầu tư của Trung Quốc mà đứng ra đầu tư là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, nhưng tiền vay là của Trung Quôc và công nghệ là mua của Trung Quốc.

“Khi người ta xây xong (nhà máy bô xít) thì người lao động Trung Quốc ở đó,” ông cho biết.

“Với những điều không tường minh cho lắm trong dự thảo, người ta chỉ có thể nghĩ là tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc đến mà thôi,” ông nói và nêu ra dẫn chứng trong dự thảo Luật đặc khu có đề cập đến ‘công dân của nước láng giềng’.

Nếu bỏ qua quan ngại về an ninh thì theo ông A, nếu không phải là nhà đầu tư Trung Quốc mà là các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản hay Tây Âu vào thì ông cũng phản đối vì ‘bản chất những quy định hiện thời trong dự thảo này hoàn toàn không phục vụ gì cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam cả.”

Một điều nữa cũng làm cho ông A lo ngại là nếu tập trung nguồn lực vào các đặc khu này thì ‘sẽ làm mất nguồn lực, mất thời gian’ để phát triển những khu vực khác.

Quốc hội, Chính phủ phải tập trung tháo dỡ những nút thắt kinh tế mà lại làm những chuyện vô bổ như thế,” ông nói.

----------------------------------

13/06/2018

Dân chúng Việt Nam đã bày tỏ cả suy nghĩ lẫn thái độ của họ về ba đặc khu mà Bộ Chính trị Đảng CSVN quyết định sẽ thành lập tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Giờ chót, Quốc hội Việt Nam đã quyết định gạt Dự luật về “Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt” ra khỏi chương trình nghị sự của kỳ họp thứ năm. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân bảo đó là bằng chứng về việc Quốc hội luôn luôn lắng nghe và rất tôn trọng cử tri.

Cũng theo bà Ngân thì Dự luật về “Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt” sẽ được “chỉnh sửa” và bốn tháng nữa, khi các đại biểu Quốc hội ngồi lại với nhau trong kỳ họp thứ sáu, họ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật này.

Nói cách khác, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ tạm ngưng, chưa đặt định cơ sở pháp lý để khai sinh ba đặc khu ngay vào lúc này, chứ không phải là loại bỏ vĩnh viễn ý tưởng dùng luật để “thử nghiệm” ba “Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt”.

Nếu luôn luôn lắng nghe và thật sự tôn trọng cử tri, trước khi giải tán, kết thúc kỳ họp thứ năm, Quốc hội nên yêu cầu Bộ Chính trị và hệ thống công quyền Việt Nam nghiên cứu, trả lời rạch ròi những thắc mắc mà công chúng đã nêu ra và vì không có viên chức hữu trách nào thèm trả lời nên sự phẫn nộ mới dâng cao tới mức họ phải bày tỏ thái độ cả trên Internet lẫn ngoài đường phố…

***
Chủ trương thành lập cùng lúc ba đặc khu ở cả ba miền được giải thích là để “thử nghiệm thể chế”, gia tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, phát triển kinh tế.

Việt Nam hiện đã có 18 nơi mà cả mục tiêu lẫn tính chất vốn đã là đặc khu, chỉ khác cách gọi (Khu Kinh tế).

Tại sao miền Trung - khu vực có đặc khu đầu tiên (Khu Kinh tế Chu Lai - Quảng Nam, 2003), sau này có thêm hàng loạt đặc khu nữa: Khu Kinh tế Dung Quất (QuảngNgãi, 2005), Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế, 2006), Khu Kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Khu Kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên, 2008) vẫn nghèo? Cho tới năm ngoái, trừ Đà Nẵng, Khánh Hòa có thể đóng góp cho ngân khố quốc gia, chính quyền các tỉnh còn lại đều ngửa tay xin chính quyền trung ương trợ giúp.

Nếu 18 đặc khu hiện hữu chưa tạo ra hiệu ứng tích cực nào cho kinh tế - xã hội Việt Nam thì lập thêm ba đặc khu nữa để làm gì? Vì lẽ gì mà không xem xét, chấn chỉnh 18 đặc khu hiện có để tiền đã đổ vào đó phát huy tác dụng?

Chỉ tính từ đầu thập niên 2000 đến cuối năm 2010, tổng vốn đầu tư cho các Khu Kinh tế ở Việt Nam đã xấp xỉ 170.000 tỉ đồng. Bởi hệ thống công quyền Việt Nam chưa công bố từ 2010 đến nay đã rót thêm bao nhiêu tiền cho 18 đặc khu ấy, song có thể đoan chắc, con số đó không nhỏ, không thể dưới mức hàng trăm ngàn tỉ đồng nữa nhưng Ban Quản lý Khu Kinh tế nào cũng than thiếu tiền, chưa được đầu tư đúng mức thành ra hiệu quả chưa như mong đợi.

Thế thì hệ thống công quyền Việt Nam sẽ moi từ đâu 1 triệu 570 ngàn tỉ nữa cho ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc? Một số viên chức hữu trách từng thừa nhận, họat động của các đặc khu mà khi thành lập Việt Nam gọi là Khu Kinh tế không như đã hứa hẹn là vì đầu tư dàn trải thành ra tất cả cùng dở dang, cộng với thiếu cơ chế phù hợp nên không đủ sức hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư từ ngoại quốc. Trong bối cảnh công khố thường xuyên thiếu trước, hụt sau, nợ nần càng lúc càng cao, để có tiền chi tiêu phải tìm đủ mọi cách thu thêm thuế, tăng thêm phí khiến kinh tế lao đao, dân chúng oán giận, tại sao không dồn tiền đầu tư cho các Khu Kinh tế hiện hữu “ra tấm, ra món” mà chỉ khăng khăng làm thêm ba đặc khu nữa? Tại sao không điều chỉnh cơ chế quản lý – điều hành 18 Khu Kinh tế cho phù hợp với mong muốn gia tăng mức độ hấp dẫn mà dứt khoát chỉ “thử nghiệm thế chế” ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc?

Nếu 18 đặc khu hiện hữu có nhiều bất ổn, không bao giờ có thể đạt mục tiêu đề ra, tại sao không tổng kết, rút kinh nghiệm và đặc biệt truy cứu trách nhiệm cả tập thể đã đề ra chủ trương và những cá nhân đã tham gia phê duyệt những kế hoạch đốt tiền này? Trong trường hợp ba đặc khu mà Bộ Chính trị chủ trương thành lập, Quốc hội khăng khăng biến thành luật để giao cho chính phủ thực hiện cũng không thành công, sẽ truy cứu trách nhiệm những tập thể, cá nhân nào? Xử lý ra sao?

Tại sao có thể xác định việc xây dựng ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ hết 1 triệu 570 ngàn tỉ nữa mà không thể xác định sẽ tìm nguồn tiền này từ đâu? Nếu thu từ dân thì sẽ dựa trên những cơ sở nào để tăng thêm thuế, thêm phí, nếu vay thì vay ai, lãi bao nhiêu, thuế phí ưu đãi đặc biệt như thế thì bao giờ có thể trả nợ, trả trong bao lâu? “Luôn luôn lắng nghe” có đồng nghĩa với sẵn sàng minh bạch về tài chính, kế hoạch chi tiết hay không?..

Tại sao xác định phải xây dựng ba đặc khu để thu hút đầu tư công nghệ cao, phát triển kinh tế mà lại chọn Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc? Tại sao không chọn các Khu Công nghệ cao đã có sẵn cả về hạ tầng lẫn công nghệ ở Hà Nội, Sài Gòn? Dựa vào đâu để bảo đảm nguồn nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ dịch chuyển tới Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang để tìm cơ hội tốt hơn? Trừ Bắc Vân Phong, tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch ở Vân Đồn, Phú Quốc đã rất rõ ràng, bỏ thế mạnh hiện có để lập các đặc khu, phát triển công nghệ cao có… uổng không? Còn nếu thành lập đặc khu để phát triển du lịch thì trước giờ, rõ ràng du khách cả trong lẫn ngoài Việt Nam đâu có chờ những nơi ấy thành đặc khu mới đổ đến. Vậy thì khăng khăng trút tiền vào đó làm gì, đặc biệt là khi không sẵn tiền?

***
Chủ tịch Quốc hội không giấu được sự ấm ức vì phải tổ chức cho các đại biểu Quốc hội thực hiện thủ tục bỏ phiếu tạm hoãn biểu quyết Dự luật về “Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt”, bà mắng dân ngu dốt (không hiểu, ngộ nhận), hồ đồ (bị lợi dụng). Nếu dân thật sự ngu dốt, hồ đồ, Bộ Chính trị anh minh, Quốc hội sáng suốt thì tại sao không biến Dự luật về “Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt” thành luật ngay trong tháng này, chờ thêm bốn tháng nữa chẳng phải là lỡ thời cơ sao?

Nếu “luôn luôn lắng nghe” và nhìn xa, trông rộng, biết nhiều, Bộ Chính trị nên nghiên cứu, chính phủ nên cung cấp tài liệu để bà Ngân giải thích cho các loại thường dân xem tại sao dứt khoát phải chọn Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc làm đặc khu?

Cho dù các loại thường dân đã phát giác Vân Đồn, Bắc Vân Phong là những điểm nằm trên “One Belt, One Road” (Một vành đai, một con đường – chiến lược giúp Trung Quốc bành trướng trên toàn thế giới, một phần của “One Belt, One Road” bọc kín Việt Nam, tách đất liền với biển Đông). Vào lúc này, tuy nằm ngoài nhưng với những ưu đãi đặc biệt mà Bộ Chính trị Đảng CSVN chủ trương dành cho các đặc khu, Phú Quốc chắn chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc, vốn Trung Quốc và tác động từ đặc khu Phú Quốc sẽ khiến chính phủ Thái Lan đổi ý, hợp tác với Trung Quốc để thực hiện kênh đào Kra, giúp “One Belt, One Road” ngắn hơn mà vẫn ôm trọn thế giới – Bộ Chính trị, chính phủ thông qua bà Ngân có thể chứng minh đó hoàn toàn là ngẫu nhiên, những âu lo về vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc chỉ là… hão?

Thông qua bà Ngân, Bộ Chính trị có thể công bố Việt Nam đang vay Trung Quốc tổng cộng là bao nhiêu và dự tính sẽ vay thêm bao nhiêu, trong đó có vay để thực hiện chủ trương thành lập ba đặc khu không? Trong tương lai Bộ Chính trị có hành xử như Sri Lanka - gán cảng Hambantota cho Trung Quốc để lấy tiền trừ nợ vì trót vẽ ra, dấn vào những chủ trương lớn vô bổ. Nếu Bộ Chính trị khẳng định là không thì tại sao Bộ Chính trị không thể nói không với Dự án Metro Cát Linh – Hà Đông, nhỏ hơn về quy mô, ít quan trọng hơn về tính chất nhưng giãy hoài vẫn không bứt ra được?

Bốn tháng không ngắn nhưng cũng không quá dài để người ta quên khẳng định “luôn luôn lắng nghe” và chờ xem có phải lắng nghe xong thì vứt bỏ hay không?









No comments:

Post a Comment

View My Stats