Posted on 11/06/2018
Không khó để tìm ra câu trả lời.
Địa chỉ cần tìm đến là Bộ Công an, bởi họ là cơ quan
chủ trì xây dựng dự luật này. Tháng 4/2017, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm công
bố hai quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật An ninh
mạng.
Trưởng Ban soạn thảo, không ai khác, chính là Bộ
trưởng Tô Lâm. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương là Phó Trưởng ban.
Tuy nhiên, người nhiều khả năng là nhân vật chính
lại không phải là hai người trên. Chúng ta sẽ cần để ý đến Thiếu tướng Hoàng
Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, người đóng vai trò là Thường trực Ban
Soạn thảo, Tổ trưởng Tổ Biên tập.
Ông chính là một trong những người xông xáo nhất
trong việc bảo vệ dự luật này, là cái tên được nhắc đến thuộc loại nhiều nhất
trong các bài báo của báo nhà nước về dự luật An ninh mạng.
Nhưng, câu chuyện chưa dừng lại ở đó.
Nhân
vật đặc biệt
Chỉ cần dùng Google, chúng ta có thể chỉ ra được một
cái tên nữa, quen thuộc hơn và quan trọng hơn rất nhiều: Trần Đại Quang, cựu Bộ
trưởng Bộ Công an (2011 – 2016), đương kim Chủ tịch nước (2016 – nay), uỷ viên
Bộ Chính trị (2011 – nay).
Ông Trần Đại Quang là người đích thân chủ trì lễ
thành lập Cục An ninh mạng vào ngày 28/8/2014. Khi đó, ông còn là Bộ trưởng
Bộ Công an kiêm Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương.
Gần tròn một năm sau, ông ra
mắt một cuốn sách về an ninh mạng, có tựa đề “Không gian mạng – Tương lai
và Hành động”, do Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành. Cuốn sách này giới
thiệu một số khái niệm nền tảng mà giờ đây đang là xương sống của Dự luật
An ninh mạng: biên giới mạng, cửa khẩu mạng, biên phòng mạng, và chủ quyền quốc
gia trên mạng.
Theo trang mạng trandaiquang.org, cuốn sách này nhấn
mạnh rằng mối đe doạ đến an ninh mạng cũng chính là mối đe doạ đến an ninh
quốc gia, và rằng sự thiếu vắng của một khung pháp lý hoàn chỉnh là một nguyên
nhân khiến Việt Nam chưa khai thác và kiểm soát được không gian mạng.
Mối quan tâm của ông Trần Đại Quang đến an ninh mạng
còn thể hiện rõ nét ngay cả khi ông đã rời Bộ Công an. Chỉ hai tháng sau khi
lên làm Chủ tịch nước, ông đã đến
thăm Cục An ninh mạng, ngày 4/6/2016.
Đến tháng 1/2017, ông lại đến chúc
Tết Cục An ninh mạng. Chính tại đây, ông đã nói tới một trong những nhiệm
vụ của Cục này là xây dựng Luật An ninh mạng. Tại thời điểm này, dự luật này đã
nằm trong kế hoạch lập pháp của Quốc hội.
Chưa hết, ông thể hiện một sự quan tâm đặc biệt đến
vấn đề an ninh mạng vào một thời điểm cũng hết sức đặc biệt. Đó là vào tháng 7
và tháng 8/2017, khi ông đột nhiên biến mất khỏi các sự kiện quốc gia trong hơn
một tháng. Rồi khi dư luận đang râm ran xây dựng đủ các thuyết âm mưu về việc
ông bị đầu độc, ông đi chữa bệnh, hay ông bị thay thế, ông lại bất ngờ tung ra
một bài viết về… an ninh mạng, với tựa đề “Tăng
cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới”, vào ngày
20/8/2017.
Trong bài viết này, ông đã đề cập đến việc “tập
trung xây dựng, ban hành Chiến lược An ninh mạng quốc gia, Luật An ninh mạng và
các văn bản hướng dẫn thi hành.”
Đồng thời, rất thú vị, ông đã nêu rõ quan điểm cần
yêu cầu các công ty Internet nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện và máy chủ
lưu trữ dữ liệu người dùng ở Việt Nam, đồng thời thắt chặt quản lý các trang
mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog, v.v.
Hơn một tuần sau khi bài viết này được đăng tải, ông
mới chính thức xuất
hiện trở lại vào ngày 28/8/2017 trong một số lễ nghi cấp nhà nước.
Thật khó có thể nghĩ theo hướng nào khác, ngoài việc
Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người thực sự đã thúc đẩy Dự luật An ninh mạng
và là người bảo trợ lớn nhất cho dự luật này.
Công
cụ đấu tranh nội bộ?
Khi phân tích tác động của Dự luật An ninh mạng, dư
luận thường xoáy vào mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, cho rằng chính
quyền muốn dùng đạo luật này để kiểm soát người dân. Nhưng thực tế có thể phức
tạp hơn thế rất nhiều.
Trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, không gian mạng
Việt Nam xuất hiện một nhân tố mới: các trang mạng bí ẩn tấn công một số phe
phái trong nội bộ đảng cầm quyền. Có hai cái tên đã trở thành huyền thoại: Quan
Làm Báo và Chân dung Quyền lực, những trang tin dường như sở hữu rất nhiều tài
liệu nội bộ và tập trung hạ uy tín của một số lãnh đạo cấp cao nhất của đảng.
Địa chỉ của các trang tin này, khó có thể là nơi nào khác ngoài các phe phái
trong nội bộ đảng.
Như vậy, không gian mạng không chỉ là sân chơi phân
định giữa chính quyền và người dân nữa, mà còn phân định giữa các phe phái
trong chính quyền với nhau.
Nếu Bộ Công an được giao quyền kiểm soát toàn diện
đối với không gian mạng như Dự luật An ninh mạng đề xuất, họ sẽ có thể ưu ái
cho thông tin của nhân vật này và triệt hạ thông tin của nhân vật kia. Kịch bản
hoàn toàn có thể xảy ra là Bộ Công an loại bỏ thông tin có hại cho một nhân
vật, nhưng làm ngơ với thông tin có hại cho đối thủ chính trị của nhân vật đó.
Thông tin có lợi hay có hại mang tính phe phái này
có thể nằm ở khắp nơi: báo chính thống, báo độc lập, báo đối lập, các trang
mạng xã hội, blog, v.v.
Khi Bộ Công an có quyền sinh sát với thông tin trên
mạng, họ, trên thực tế, sẽ trở thành một Ban Tuyên giáo thứ hai, quyết định
người dùng Internet được tiếp cận với những thông tin gì.
Khi đó, những chính trị gia nào không “được lòng” Bộ
Công an rất có thể sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng. Họ cũng sẽ trở thành nạn nhân
của đạo luật An ninh mạng.
No comments:
Post a Comment