Posted on 10/06/2018
Năm 2006, nhà hoạt động Trung Quốc Lưu Hiểu Ba đã
viết rằng “Internet là món quà của Đức Chúa Trời ban cho Trung Quốc”. Lưu ca
ngợi triển vọng cho nhân quyền của Internet, rằng nó sẽ mở ra một diễn đàn xã
hội dân sự đa dạng và thúc đẩy trách nhiệm giải trình của chính phủ.
Cái nhìn lạc quan của ông không phải là không có căn
cứ.
Trong mười năm trở lại đây, lượng người dùng mạng xã
hội ở Trung Quốc lớn hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Ước tính, vào năm
2018, sẽ có hơn 600 triệu người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội tại
Trung Quốc trong số hơn 730 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng ¼ người
dùng toàn cầu. Mỗi người trong số đó lại dành ra khoảng ba tiếng mỗi ngày lướt
điện thoại.
Nhìn thấy được sức lan tỏa của Internet, vào năm
2008, Lưu và hàng trăm nhà bất đồng chính kiến, học giả, nhà văn, luật sư và
nhà báo đã công bố lên mạng một bản tuyên ngôn dân chủ và nhân quyền có tên gọi
là “Hiến chương 08”, lấy cảm hứng từ “Hiến chương 77” do những người bất đồng
chính kiến Tiệp Khắc xuất bản năm 1977. Bản hiến chương này, ngay khi vừa được
tung lên mạng, đã thu hút hàng chục ngàn công dân Trung Quốc ký tên trực tuyến.
Chính quyền phản ứng dữ dội ngay tức thì. Lưu Hiểu
Ba đã bị bắt trước khi Hiến chương được chính thức công bố. Trong lúc đó, chính
quyền Trung Quốc đã khóa trang web nơi công bố bản Hiến chương, đồng thời cử
một đội nhân lực cần mẫn xóa toàn bộ các bản sao trên mạng. Thậm chí, cảnh sát
còn được cử đi chất vấn 303 người ký tên đầu tiên vào bản Hiến chương.
Một năm sau, vào tháng 12 năm 2009, Lưu Hiểu Ba bị
kết án 11 năm tù vì “lật đổ chính quyền nhân dân”. Chưa mãn hạn tù thì ông đã
qua đời trong năm 2017, vì mắc bệnh ung thư. Tin tức về cái chết của ông đã làm
dấy lên nỗi đau buồn và phẫn nộ trên khắp thế giới, với vô số những đêm tưởng
niệm tôn vinh vị học giả xuất sắc đã dành cả cuộc đời để đấu tranh bảo vệ nhân
quyền.
Nhưng ở Trung Quốc không mấy ai hay biết gì về
chuyện này. Tài liệu về Lưu bị kiểm duyệt toàn diện trên khắp các nền tảng
truyền thông xã hội và internet – từ các bài thảo luận công khai cho tới những
cuộc trò chuyện riêng tư.
Mười năm đã đi qua, thái độ của chính quyền Trung Quốc
không có gì quá khác biệt. Có chăng, cái khác là, chính quyền Trung Quốc đã
phát triển khả năng giám sát mạng xã hội tới mức họ đã có thể bóp chết những ai
có tư tưởng kiểu Lưu Hiểu Ba ngay từ trong trứng nước.
Bài viết này sẽ liệt kê ba cách Trung Quốc nhốt vào
lồng sắt cả một hệ thống mạng xã hội với hơn nửa tỷ người dùng, theo báo cáo
mới ra tháng Ba vừa rồi của tổ chức PEN
America.
Một tiệm Cafe Internet ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) vào năm 2010. Ảnh:
REUTERS/Stringer
1.
Kiểm soát bằng công nghệ
Nếu như Donald Trump, một trong những người quyền
lực nhất thế giới, có 48 triệu người theo dõi trên Twitter, thì nữ diễn viên
Trung Quốc Nana, người dẫn chương trình Khoái lạc đại bản doanh, có tới
90 triệu người theo dõi trên Sina Weibo.
Weibo có nghĩa là “microblog”, là một nền tảng mạng
xã hội cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc. Nó có đầy đủ các tính năng chia sẻ văn
bản, ảnh, video, tag tên người khác, hashtag, v.v. không khác Twitter là mấy.
Song độ phủ sóng của Weibo cũng chưa bằng WeChat.
Công ty Tencent của Trung Quốc ra mắt ứng dụng nhắn tin này vào năm 2011, và
cho tới nay nó đã thu hút hơn 900 triệu người dùng. Nhờ vào mức độ phổ biến này
mà WeChat trở thành nền tảng mua bán hàng hóa và dịch vụ sôi nổi cho các cộng
đồng doanh nghiệp.
Trung Quốc không giới hạn mình trong việc phát triển
các ứng dụng mạng xã hội. Qzone, ứng dụng trò chuyện phổ biến trong giới
trẻ, có hơn 600 triệu người dùng, còn diễn đàn Baidu thu hút hàng chục triệu
chủ đề thảo luận. Bên cạnh đó, ứng dụng Douban đóng vai trò như một “đài
phát thanh” trên mạng. Giới sinh viên, trí thức, nhà văn, nghệ sỹ,… sử dụng
mạng xã hội này để đánh giá âm nhạc, sách, phim, và các tài liệu nghệ thuật.
Chúng ta có Youtube thì người Trung Quốc có hơn 200
ứng dụng “live-stream” (phát trực tiếp video). Ngành công nghiệp này mang lại
cho Trung Quốc hơn 3 tỷ đô-la một năm.
Các hệ thống phủ sóng dày đặc như vậy, không ít thì
nhiều, đã cung cấp cho xã hội Trung Quốc một diễn đàn sôi động, sáng tạo, và
phong phú. Năm ngoái, Qi Xiaoxia, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế tại Cơ quan
Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã vỗ ngực tự hào mà phát
biểu rằng “bạn đoán xem ở Trung Quốc có bao nhiêu trang web? Chúng tôi có
đến năm triệu trang! Điều đó có nghĩa là quyền tự do ngôn luận và tự do biểu
đạt của người Trung Quốc hoàn toàn được đảm bảo.”
Nhưng, ta có thể diễn dịch chữ “tự do ngôn luận” như
thế này: người Trung Quốc chỉ được đảm bảo tự do trước ngôn luận, còn sau đó
thì… không.
Mà dẫu có thứ tưởng như là tự do ấy, thì hơn nửa tỷ
người sử dụng mạng xã hội ở Trung Quốc cũng chưa bao giờ thực sự được tự do. Họ
còn biết nói về thứ gì khác nữa, nếu không phải là đồ ăn, phim ảnh, ngôn tình,
hoặc là đường lối Marx, chủ nghĩa Mao, tư tưởng Tập?
Chính quyền không nhất thiết phải nhọc sức thọc tay
vào các ứng dụng và bóp chết những tư tưởng khác lạ. Họ chỉ cần rào hết đất
sống của những mầm mống nổi loạn, bằng một bức tường dày cộp mang tên “Vạn Lý Tường Lửa” – “The Great Firewall”,
nằm trong dự án Golden Shield.
Trung Quốc có đủ các dịch vụ mạng xã hội đáp ứng nhu cầu trong nước mà
khỏi cần đến các dịch vụ nước ngoài. Ảnh: Dragon Social.
Lá thư điện tử (email) đầu tiên từ Trung Quốc được
gửi đi là vào tháng 9 năm 1987, chỉ hai năm trước khi phong trào dân chủ ở
Quảng trường Thiên An Môn bị đàn áp đẫm máu. Lá thư này do một nhóm các nhà
nghiên cứu Trung Quốc gửi tới một trường đại học ở Đức, với tiêu đề: “Băng qua
Vạn Lý Trường Thành, đến mọi ngóc ngách của thế gian”. Họ, có lẽ, không biết
rằng chỉ vài năm sau, viên gạch đầu tiên của Vạn Lý Tường Lửa đã được đặt xuống
để mở màn cho một cuộc rào vây tư tưởng gắt gao.
Đó là tháng 8 năm 1996, khi chính quyền nhận thức
được mối đe dọa từ Internet và bắt đầu chặn một số trang mạng truyền thông nước
ngoài và các nhóm nhân quyền một cách có hệ thống.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông xã hội ngày
càng nổi lên như một nền tảng để công dân phơi bày những câu chuyện tham nhũng
và quản lý kém của chính quyền. Lan truyền dữ dội nhất có lẽ là tin tức về trận
động đất Tứ Xuyên đã cướp đi 90.000 mạng sống vào năm 2008. Mặc dù các phương
tiện truyền thông nhà nước như Tân Hoa Xã hay đài CCTV không được phép đưa tin
do các nghị định của chính phủ, song tin tức vẫn nhanh chóng len lỏi khắp các
diễn đàn mạng xã hội. Người dân Trung Quốc chỉ trích phản ứng của chính quyền,
tố cáo tham nhũng, lên án hành vi che đậy thảm họa.
Kể từ đó, truyền thông mạng xã hội ở Trung Quốc bước
sang một bước ngoặt mới: trở thành một không gian thay thế cho công dân để lên
tiếng về các sự vụ khẩn cấp, bên lề các báo cáo chính thức của chính phủ. Nhưng
chính quyền Trung Quốc đủ thông minh để nhận ra điều này.
Vài tháng sau, cả Twitter và Facebook đều bị chặn,
vào năm 2009. Một năm sau đó, Google tự đóng cửa và biến mất khỏi cõi mạng
Trung Quốc, vì không đồng ý tuân theo các mệnh lệnh kiểm duyệt cũng như giám
sát người dùng.
Một số trang web khác mà chính phủ cho là có thể
nguy hiểm, như Wikipedia, Bloomberg, tờ New York Times, và các ấn phẩm quốc tế
lớn khác cũng bị chặn hoàn toàn hoặc tạm thời cho vào danh sách đen. Nhiều từ
khoá bị chặn tuyệt đối, chẳng hạn như về vụ thảm sát Thiên An Môn hoặc Phong
trào Umbrella của Hong Kong.
Các tài liệu bị coi là đe dọa đối với sự ổn định
chính trị cũng bị cấm. Các nhà kiểm duyệt luôn túc trực ngăn chặn bất kỳ sự cố
nào liên quan đến Tây Tạng hoặc khu tự trị Tân Cương, nơi có nhóm thiểu số
người Hồi giáo Uighur, và cả phong trào Pháp Luân Công.
Các phương pháp chính của “Tường lửa” là điều chỉnh
băng thông, lọc từ khóa và chặn quyền truy cập vào các trang web nhất định,
bằng cách sử dụng công nghệ kiểm tra sâu rộng để phát hiện từ khóa.
Trung Quốc,
từ đây, đã phải móc hầu bao để phát triển các hệ thống các phương tiện xã hội
của riêng mình, không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế mà còn để kiểm soát công dân.
Đó chính là mảnh đất béo bở cho những Weibo, WeChat, Qzone.
Chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt cả Gấu Pooh vì… giống Tập Cận Bình.
Ảnh: Daily Express.
2.
Thiên la địa võng các quy định pháp luật
Hiến pháp Trung Quốc, cũng như Việt Nam, ghi nhận
quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của công dân.
Nhưng cả hai nước “bạn vàng” này có một điểm chung:
mặc dù Hiến pháp đảm bảo, nhưng hệ thống luật pháp lại tấn công trực diện vào
các quyền này với các biện pháp xử phạt cả hành chính lẫn hình sự.
Hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc vận hành nhờ mạng
lưới phòng ban dày đặc, như Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước (SCIO), Bộ
Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT), Tổng cục Báo chí – Xuất bản – Phát
thanh – Điện ảnh – Truyền hình Nhà nước (SAPPRFT), tất cả các cơ quan này đều
có thể ra lệnh kiểm duyệt đối với mọi tổ chức truyền thông cũ mới.
Năm 2011, Văn phòng Thông tin Internet Nhà nước
(SIIO) đã được thành lập như một nhánh dưới của SCIO, với mục đích hướng dẫn và
giám sát kiểm duyệt Internet.
Tới tháng 11 năm 2013, Trung ương Đảng Cộng sản
tuyên bố thành lập một nhóm chiến lược cấp cao, gọi là Nhóm Lãnh đạo Trung
tâm An ninh và Thông tin Internet, do Tập Cận Bình đứng đầu. Điều này cho
thấy mối quan tâm đặc biệt của Tập đối với việc giám sát Internet. Kể từ đây,
SIIO đổi tên thành Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), bắt
đầu báo cáo trực tiếp việc kiểm duyệt Internet cho nhóm lãnh đạo.
Trong khi CAC nổi lên như một cơ quan trung ương để
kiểm duyệt trực tuyến, thì các nhà cung cấp dịch vụ internet vẫn bị ảnh hưởng
bởi các quyết định pháp lý từ các cơ quan chính phủ khác, nhất là SAPPRFT và Bộ
Văn hóa, khi hai cơ quan này có thể ra các văn bản trực tiếp điều chỉnh hành vi
của nhà cung cấp mạng.
Ngoài ra, các công ty internet cũng phải tuân thủ
các chỉ thị do Phòng Tuyên truyền Trung ương ban hành, một cơ quan trực thuộc
đảng Cộng sản.
Nhà chức trách tuy nhận ra rằng các cơ quan quản lý
internet đang chồng chéo quyền hạn lên nhau, song họ coi đây là cách để các cơ
quan này phải dè chừng lẫn nhau và rồi phải tiến hành kiểm duyệt khắt khe hơn.
Với hàng chục luật liên quan đến việc kiểm soát
internet, Trung Quốc đã tạo nên một khuôn khổ pháp lý vững chắc để phát huy tối
đa việc kiểm duyệt bằng công nghệ.
Năm 2000, Hội đồng Nhà nước đã ban hành các Biện
pháp Quản lý các Dịch vụ Thông tin Internet, theo đó sẽ áp đặt các biện pháp
trừng phạt lên các nhà cung cấp dịch vụ khi “sản xuất, hỗ trợ sản xuất, phát
hành, hoặc phát sóng” những thông tin theo một danh sách mơ hồ. Có thể kể ra
một vài thông tin xử phạt trong danh sách này, như “lật đổ chính quyền”,
“gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của sự thống nhất đất nước”, “làm tổn hại đến
danh dự hoặc lợi ích của quốc gia”, hay “làm gián đoạn tình đoàn kết của nhân
dân”.
“Uh oh. Anh ta tìm kiếm từ khoá ‘nhân quyền’ quá nhiều lần”. Tranh:
Nicholson.
Vậy là, dưới áp lực từ các điều luật mơ hồ này, giới
công ty internet ở Trung Quốc phải “tự kiểm duyệt”, theo dõi và rà soát người
dùng của họ một cách chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Trong vài năm qua, khung pháp lý này thậm chí còn
liên tục được nâng cao, song song với tốc độ phát triển của công nghệ kiểm
duyệt của nhà nước.
Điển hình, nhà hoạt động Zhang Guanghong đã bị bắt
vào mùa thu năm ngoái khi chia sẻ một bài báo với một nhóm bạn bè trong và
ngoài Trung Quốc chỉ trích Tập Cận Bình, thông qua ứng dụng Whatsapp. Rõ là đây
là ứng dụng của Mỹ, thuộc sở hữu của Facebook mà hầu như không ai sử dụng ở
Trung Quốc.
Không ai biết được chính quyền Trung Quốc tiếp cận
thông tin này bằng cách nào, vì Facebook không có mặt tại Trung Quốc, còn
Whatsapp thì tự nhận là có khả năng mã hóa tin nhắn một cách hết sức bảo mật.
Bộ luật Hình sự của Trung Quốc cũng bao hàm một loạt
các tội mơ hồ như “phá hoại chủ quyền quốc gia” hay “lật đổ chính quyền nhân
dân”, kéo theo hình phạt tù lên đến hàng chục năm. Trong thực tế, các điều luật
này được đem ra áp dụng để chống lại những người bất đồng chính kiến và các
nhóm thiểu số. Tội phỉ báng được quy định tại điều 246 của Bộ luật Hình sự cũng
mơ hồ không kém, và nó còn áp dụng cho cả các phát biểu trên mạng. Ngoài ra,
cáo buộc “cãi vã và gây rối” trong điều 293 của luật này cũng được chính quyền
sử dụng để tấn công các phát ngôn chống đối trên internet.
Cụ thể, vào năm 2013, Tòa án nhân dân tối cao Trung
Quốc đã ra một phán quyết rằng “các tin nhắn hoặc bài viết trên mạng có thể bị
coi là vi phạm pháp luật ‘nghiêm trọng’ nếu nội dung sai phạm được nhấp vào hơn
5.000 lần hoặc được chia sẻ hơn 500 lần”. Hình phạt cho tội này lên tới ba năm
tù.
Khắt khe hơn, vào tháng 5 năm ngoái, CAC phát hành
một bộ quy tắc quản lý, theo đó chỉ các cổng thông tin trực tuyến được chính
phủ phê duyệt mới được phép xuất bản hợp pháp các báo cáo hoặc các bình luận.
Đây không khác gì một lệnh cấm, rằng công dân không được sử dụng mạng xã hội để
báo cáo hoặc phân tích các diễn biến chính trị, thiên tai, hoặc bất cứ sự kiện
chính trị nào mà chính quyền có thể quy là nhạy cảm.
Không chỉ vậy, CAC còn ban hành Quy định quản lý
dịch vụ Internet, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải cắt mạng của những ai không
xác minh danh tính bằng số điện thoại, nhận dạng, chứng minh thư. Cùng với đó,
người dùng sẽ được xếp hạng về mức độ tuân thủ các quy định của nhà nước, và
chính quyền có quyền truy cập vào các xếp hạng này.
Từ năm 2012, Sina Weibo đã là ứng dụng đầu tiên cập
nhật hệ thống xếp hạng. Người dùng sẽ có 80 điểm, và nếu bài đăng của họ vi
phạm các nguyên tắc kiểm duyệt thì họ sẽ bị trừ điểm dần dần.
Những hệ thống này không chỉ nhằm kiểm soát hành vi
con người, mà còn mang đầy tham vọng trong việc theo dõi tư tưởng công dân bằng
điểm số, từ đó liên kết điểm số này với các phúc lợi xã hội mà công dân có thể
nhận được. Chẳng hạn, nếu điểm thấp, một công dân có thể bị đóng tài khoản ngân
hàng, không được kinh doanh thương mại, không được đi tàu lửa và mua vé máy
bay, vân vân. Chính những nỗi lo sợ bị cô lập khỏi xã hội như vậy sẽ triệt tiêu
mầm mống tự do trong mỗi công dân.
Người dùng Internet tại Trung Quốc bị chính phủ chấm điểm. Ảnh: Getty.
3. “Chủ quyền không gian mạng”
Nhìn chung, luật pháp Trung Quốc được thiết kế để
đảm bảo cái gọi là “chủ quyền không gian mạng” của quốc gia, tức là kiểm soát
không gian mạng bên trong biên giới. Những cải cách quan liêu gần đây dưới
chính quyền Tập Cận Bình đã cho phép chính quyền thúc đẩy mục tiêu này mạnh mẽ
hơn, và nghiêm trọng hơn.
Trong khi cả thế giới đang ngày càng lo ngại về sự
lây lan của thông tin sai lạc, về an ninh mạng, và về một hệ thống internet lành
mạnh, thì Tập đã đưa ra diễn ngôn về chủ quyền không gian mạng như một giải
pháp hợp lý và chu đáo. Đây chính là tầm nhìn từ chối chủ nghĩa toàn cầu của
internet, với ý tưởng rằng mỗi quốc gia có quyền định hình và kiểm soát
internet trong biên giới riêng của mình.
Ý thức hệ này được lồng ghép vào trong Luật An ninh
mạng, đã đi vào hiệu lực từ tháng 6 năm 2017.
Trên danh nghĩa “chủ quyền”, các nhà chức trách đã
coi luật này là một nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh thông tin và bảo vệ lợi ích
quốc gia. Họ cũng lập luận rằng luật này giúp bảo vệ sự riêng tư của cá nhân
bằng cách yêu cầu các công ty phải đưa ra các biện pháp bảo vệ dữ liệu.
Song thực sự, Luật An ninh mạng lại áp đặt nghĩa vụ
kiểm duyệt lên các công ty mạng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Điều 12 của luật cấm các cá nhân sử dụng internet để
thực hiện các hoạt động mơ hồ như “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, khi mà
khoản cấm đoán này đã tồn tại trong Bộ luật Hình sự. Điều 47 lại buộc các nhà
mạng phải ngăn chặn việc lan truyền các hành động bất hợp pháp đó, và công ty
nào vi phạm có thể bị phạt tới 80.000 đô-la. Thậm chí, đối với những nhân viên
công ty chịu sai phạm cá nhân, họ có thể bị phạt 15.000 đô-la, tương đương với
mức lương cả năm của một người trung lưu ở Trung Quốc.
Chính quyền nước này không nói suông. Vào tháng 8
năm 2017, cả Tencent, Weibo, Baidu đều bị điều tra và phạt tiền.
Một khía cạnh khác đáng chú ý của Luật An ninh mạng
là, nó buộc các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu của người dùng Trung
Quốc trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc, và dĩ nhiên chính quyền có thể can
thiệp vào hệ thống dữ liệu này. Đây là một phần quan trọng của ý tưởng “chủ
quyền trên mạng”. Công ty nào không tuân thủ có thể bị phạt tới 150.000 đô-la
và đối mặt với án phạt hình sự. Các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc,
theo đó, đang phải chịu áp lực rất lớn cả về pháp lý lẫn kinh doanh và đạo đức
nghề nghiệp.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cũng phải đặt một số lượng lớn máy
chủ của mình ở Trung Quốc. Ảnh: Digital Commerce 360.
***
Vượt
tường lửa bất thành
Trước kia,
Ultrasurf, Psiphon và Freegate là các chương trình phần mềm phổ biến cho phép
người dùng Trung Quốc vượt tường lửa. Thế nhưng hàng loạt chương trình này đã
bị đội ngũ có tay nghề của Trung Quốc bẻ gãy vào năm 2015.
Về sau, nếu các “dân cư mạng” Trung Quốc muốn đọc
được tin tức từ nhiều báo nước ngoài hoặc truy cập vào các trang web bị chặn,
thì cách hữu dụng nhất và cũng duy nhất chính là sử dụng mạng ảo VPN.
Song giờ đây, những nỗ lực vượt tường lửa đã bị ngăn
chặn tức thời. Vào tháng 1 năm 2017, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin của
Trung Quốc ra tuyên bố yêu cầu tất cả các nhà cung cấp VPN phải được chính phủ
phê duyệt. Những nhà cung cấp VPN trái phép sẽ bị đóng cửa.
Trong suốt mùa hè năm ngoái, nhiều nhà cung cấp VPN
nổi tiếng ở Trung Quốc như Green VPN và VPN Haibei đã tạm ngưng dịch vụ sau khi
nhận được thông báo từ các phòng ban chính phủ.
Tới tháng 7 năm 2017, Bloomberg đưa tin rằng chính
phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho ba công ty viễn thông lớn là China Mobile, China
Unicom, và China Telecom chặn hoàn toàn quyền truy cập VPN, và lệnh này sẽ đi
vào hiệu lực vào năm 2018. Cũng trong tháng 7, Apple tuyên bố xóa hàng trăm VPN
từ App Store ở Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, một người tên là Wu Xiangyang đến từ
khu tự trị Quảng Tây đã bị kết án năm năm rưỡi tù giam vì bán VPN không có giấy
phép. Song đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp tương tự.
Người
Trung Quốc đang bị đặt vào một tình thế bức bách hơn bao giờ hết. Đáng nguy là,
tình cảnh thê thảm này rất có thể chính là một tương lai mơ mịt cho chính cư
dân mạng Việt Nam chúng ta, khi chính quyền Việt Nam lúc nào cũng chăm chăm học
theo những trò xảo thuật của quốc gia phương Bắc.
No comments:
Post a Comment