Tuesday, 19 June 2012

PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM, NHÌN TỪ VĂN BẢN (Trần Minh Khôi)




Trần Minh Khôi
Tuesday, June 19, 2012 at 12:58am

Văn bản, như đề cương hay lời hiệu triệu, đóng một vai trò rất khiêm tốn trong sự thành công của các phong trào vận động xã hội. Một phong trào xã hội thành công là vì nó đáp ứng đúng thời điểm cho những nhu cầu và bức xúc xã hội. Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay hay một trăm năm trước, ít ai tự nguyện tham gia một phong trào xã hội chỉ vì tình cờ đọc được một đề cương hay hoặc một lời hiệu triệu nhiệt thành. Người ta tham gia một phong trào xã hội vì những nhu cầu bức thiết của cá nhân họ. Văn bản chỉ đóng vai trò xúc tác.

Ngược lại, nếu một phong trào xã hội thất bại thì sự thất bại này không nói lên được là các yếu tố nhu cầu và bức xúc xã hội có ở đó hay không. Sự thất bại có thể đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể có nguyên nhân của sự yếu kém của văn bản, nghĩa là sự yếu kém trong việc chuyển tải thông điệp đến với đại chúng. Kho thuốc nổ có ở đó nhưng ngọn lửa quá yếu, không đủ nhiệt lượng để làm bùng nổ một phong trào.

Mặt khác, ngôn ngữ là tư duy. Văn bản cho phép chúng ta, trong sự thiếu vắng những thông tin cá nhân làm nền tảng cho sự tin tưởng hoặc nguồn cảm hứng, có những đánh giá xác đáng về quy trình tư duy của những người khởi xướng. Cái note này là nhằm xem xét Phong trào Con đường Việt Nam từ gốc độ các văn bản cũng như sự hình các văn bản của nó. Ba tài liệu: Danh sách những người được mời tham gia sáng lập, Lời phát động phong trào, và Tổng quan về phong trào.

I. Danh sách những người được mời tham gia sáng lập
Đây là văn bản quan trọng nhất của Phong trào Con đường Việt Nam. Nếu không có văn bản này thì Phong trào Con đường Việt Nam đã không có sự quan tâm như nó đang có. Văn bản này liệt kê một danh sách gần 250 người được mời tham gia phong trào mà phần lớn là những gương mặt có thể nhận diện được trong các sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội ở thời điểm này. Việc cho công bố danh sách này rõ ràng nằm trong chiến lược “tiếp thị” của những người khởi xướng. Chiến lược này thành công; nó lập tức tạo một tiếng vang trên không gian mạng.

Những phản ứng, có lúc rất mạnh mẽ, của một số người trong danh sách gợi ý rằng những người được mời chưa bao giờ đọc qua các văn bản hoặc nghe nói đến Phong trào Con đường Việt Nam trước khi tên của họ xuất hiện trên mạng. Đây là một việc làm thiếu chính đáng của những người khởi xướng. Trước khi mời một ai đó tham gia một việc nào đó thì anh phải giải thích cho họ hiểu công việc đó là gì, anh phải cho họ đọc trước đề cương, tôn chỉ của anh. Đây là một đòi hỏi tối thiểu để chứng tỏ rằng anh tôn trọng sự tham gia của họ. Những người được mời có thể là những nhân vật của công chúng, nhưng mối quan hệ giữa họ và công việc của anh, ngay cả khi công việc của anh phục vụ mục đích công, vẫn thuộc phạm vi cá nhân cho đến khi họ đồng ý cho phép anh công khai mối quan hệ đó. Việc tự ý công khai hóa các quan hệ dự định này để phục vụ cho công việc của anh là thiếu đạo đức.

Mặt khác, nhìn qua danh sách này không ai có thể nghĩ rằng những người khởi xướng thực sự tin vào chuyện những người được mời sẽ tham gia phong trào của họ. Điều này có nghĩa rằng việc công khai hóa danh sách này là để phục vụ những mục đích nào đó khác. Cho đến nay ông Lê Thăng Long vẫn chưa giải thích những mục đích này là gì. Cho đến khi có lời giải thích chính đáng cho việc công khai danh sách này, nó vẫn sẽ được coi là một “trò chính trị” mà những người khởi xướng đã lên án trong các tài liệu của họ.

Đấu tranh cho công lý và tự do là đấu tranh cho những giá trị lớn mà bất cứ một hành xử thiếu chính đáng nào đều phải được coi là sự phản bội các giá trị đó. Trong cuộc đấu tranh này, phương tiện là mục đích. Phương tiện thiếu chính đáng gợi ý những mục đích thiếu chính đáng, dù đề cương, tôn chỉ của anh hào nhoáng đến mức nào.

II. Lời phát động phong trào và Tổng quan về phong trào
Không có khác biệt gì lớn từ văn phong, từ ngữ, đến lập luận ở hai tài liệu này. Chúng có vẻ như đã được soạn thảo một cách vội vã, chứa những lỗi rất sơ đẳng về lý luận, và có nhiều đoạn tối nghĩa, có nhiều đoạn như là những đoạn văn dịch thuật vụng về. Đâu đó, như là để tạo thêm sự quyến rũ cho niềm đam mê dân tộc chủ nghĩa, chúng viện dẫn những cụm từ có tính trấn áp, không-thể-cải-lại-được như “dân tộc Lạc Hồng”, “văn minh Lạc Hồng”, “con Lạc cháu Hồng”, “hồn thiêng sông núi”, bên cạnh loại ngôn ngữ mệnh lệnh của tư duy tiền định như “quy luật khách quan tất yếu”. Những khái niệm này được nhào trộn không cần logic như là chỉ để tạo ấn tượng của loại tiếng vang lẻng kẻng hơn là để giúp người đọc hiểu về đề cương, tôn chỉ mà chúng muốn nhắm tới.

Hãy đi vào văn bản:

Nếu như chính quyền cai trị của Pháp lúc đó không đàn áp thành công các phong trào yêu nước này thì giờ đây tinh thần “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” đã đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển không thua kém gì Nhật Bản và các nước thuộc thế giới thứ nhất khác.

Câu này nằm ngay trong đoạn mở đầu. Cái giả định ấu trĩ trong lập luận này không cần phải nói thêm. Bên cạnh đó, “đàn áp thành công”không phải là lối nói của một lời hiệu triệu nghiêm túc. Người đọc khó tính có thể bỏ qua toàn bộ tài liệu mà không cần phải đọc thêm nữa. Nhưng chúng ta thì vẫn sẽ tiếp tục. Những đoạn trích bên dưới minh họa sự diễn đạt hoặc kỳ lạ, hoặc rắc rối, tối nghĩa của hai tài liệu. Trong vài trường hợp chúng có vẻ như không muốn người đọc hiểu:

Đây chính là căn nguyên cốt lõi khiến nước ta đến giờ vẫn còn chậm tiến cho dù nhân dân ta đã rất vất vả, luôn cần cù chịu thương chịu khó và luôn khát vọng vươn lên đến cháy bỏng.Chỉ có như thế thì mọi quyền lực nhà nước mới có thể thực sự thuộc về nhân dân. Nhà nước đó mới thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Những giá trị này không bao giờ có được do sự ban phát hay thiện ý của những người cầm quyền. Bất kỳ ai đó nếu đã có thể nghĩ, có thể nói mình làm được như vậy thì quyền lực đã thuộc về họ chứ không còn là của nhân dân nữa.
Hãy hưởng ứng phong trào Con đường Việt Nam để tiếp tục phong trào Duy Tân, làm cho nó lớn mạnh thành một hoạt động chính trị thực sự của nhân dân chứ không phải của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì bất kỳ một tư tưởng chủ nghĩa nào của bất kỳ ai để nói lên nguyện vọng của chúng ta, khẳng định mong muốn của chúng ta và đòi hỏi yêu cầu của chúng ta đối với bất kỳ thiết chế quyền lực nào muốn nhân danh nhân dân chúng ta.
- dứt khoát nhưng ôn hòa. - Ôn hòa nhưng cương quyết.

Sự rối rắm, tối nghĩa này thể hiện rõ hơn trong bản tiếng Anh của Tổng quan với những câu như:

Only with such a state can Vietnam obtain an indispensable basis for sustainable development to become a democratic and prosperous nation having the Lac Hong identity civilization.The Movement of The Path of Vietnam strives for developing Vietnam following the below evolution in conformity with the objective principle of nature.

Về nội dung, các tài liệu của Phong trào không đưa ra được thêm ý tưởng nào mới. Cụm từ “Quyền con người” chỉ để thay cho một từ quen thuộc là “nhân quyền”, và cũng không được định nghĩa rõ ràng gồm những quyền gì ngoài việc đề cập đến Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Ý tưởng “nhân quyền” là nền tảng của phát triển cũng không phải là ý tưởng mới. Điều đáng nói ở đây là tác giả của các tài liệu này đã trộn lẫn “nhân quyền”theo truyền thống của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền với các ý niệm của chủ nghĩa dân tộc. Đây là lối lập luận mang tính cơ hội chủ nghĩa. Dùng sự đam mê dân tộc chủ nghĩa để cổ xúy cho nhân quyền là một trò chơi nguy hiểm. Chủ nghĩa dân tộc, trong rất nhiều trường hợp, là kẻ thù tiềm ẩn của nhân quyền.

Cụm từ “quy luật khách quan tất yếu” (bản dịch tiếng Anh có lẽ đã mượn một cụm từ trong các trước tác của Kant là “objective principle of nature”) mà tác giả, hay những người khởi xướng, lặp đi lặp lại nhiều lần trong các tài liệu gợi ý hoặc là sự lười biếng về lý luận hoặc là chủ ý nhằm vào thói quen tư duy tiền định chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa lịch sử các loại, mà điển hình nhất là của chủ nghĩa Marx. Thế nào là “quy luật khách quan”? “Quy luật”này có tuân thủ cấu trúc của một lý thuyết khoa học không? Hay nó chỉ là một lối diễn đạt có tính áp đặt, ngay cả khi áp đặt những giá trị cao thượng?

Niềm tin vào các giá trị lớn của nhân loại, như nhân quyền, tự do, công lý, tự nó đã chứa đựng đầy đủ quyền lực đạo đức để hành xử nhân danh những giá trị này mà không cần phải viện dẫn bất cứ “quy luật”nào. Lối tư duy cho rằng có cái gì đó trong đời sống xã hội gọi là quy luật, nếu làm đúng thì xã hội sẽ tiến bộ và nếu đi ngược lại thì xã hội sẽ lụn bại, tiêu biểu cho lối tư duy độc đoán. Nhân loại trong hai thế kỷ qua đã phải trả những cái giá rất đắt cho lối tư duy này. Cũng như dân chủ, nhân quyền là kết quả mang tính sáng tạo của nhân loại trong hành trình đi tìm tự do và công lý. Cũng như dân chủ, nhân quyền là một lựa chọn, một xác tín giá trị. Nó không phải là kết quả của một “quy luật” nào cả. Và quan trọng hơn, nhân danh một thứ “quy luật” nào đó để cổ xúy nhân quyền tiềm ẩn nguy cơ chống lại nhân quyền.

Để kết luận, Phong trào Con đường Việt Nam bộc lộ trọn vẹn sự yếu kém của nó qua các văn bản. Việc công khai hóa danh sách những người được mời tham gia, mà không được phép của họ và không có lời giải thích chính đáng, là một “trò chính trị” thiếu đạo đức. Lời hiệu triệu và tôn chỉ của nó được soạn thảo một cách vụng về, vội vã với những lập luận cũ được bao bọc bởi lối diễn đạt nhằm lôi cuốn đam mê cảm tính của thói quen tư duy dân tộc và lịch sử. Nó ẩn chứa nguy cơ độc đoán, dù rằng nó đang cố gắng cổ xúy những giá trị của tự do.

Nhìn từ góc độ văn bản, Phong trào Con đường Việt Nam không hứa hẹn gì nhiều về tương lai của nó. Như đã nói ở trên, sự thất bại của một phong trào xã hội không nhất thiết phản ảnh đúng thực tại của nhu cầu và bức xúc xã hội. Có khi kho thuốc đã sẳn sàng bùng nổ nhưng ngọn lửa lại quá yếu.


------------------------------------------------------------------


PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM  -  LÊ THĂNG LONG
















































No comments:

Post a Comment

View My Stats