Mon, 06/25/2012 - 13:37 — canhco
“Đêm từng không ngủ vì cảm giác rất vui sau
những ngày cùng đồng nghiệp "dày công" đưa hai chữ "phản
biện" vào Nghị quyết 11 như một chức năng quan trọng được Đảng và xã hội
thừa nhận của báo chí, ông sốt ruột vì được phản biện, nhưng báo chí "chưa
làm được bao nhiêu".
Đọc những dòng này không ít người tưởng là
tâm tư của một nhân vật…lịch sử nào đó, không ngờ là của ông Lê Doãn Hợp,
nguyên bộ trưởng Bộ 4T người nổi tiếng bây giờ và mãi mãi với câu tuyên bố:
“Báo chí cần theo lề phải”.
Câu tuyên bố này trở thành một slogan dán
trước cửa Bộ Thông tin và Truyền thông phản ảnh trung thực tình hình chịu đựng
của báo chí Việt Nam.
Ông Hợp đã bị búa rìu của cư dân mạng tấn
công tới tấp vì câu phát ngôn này và có lẽ người đâm nhát cuối cùng cho câu
phát biểu ngu muội của ông Hợp đi vào…lịch sử là của một nhà toán học chứ không
phải là một nhà văn hay nhà báo: '' Bám theo lề là việc của con cừu, không phải
việc của con người tự do.''
GS Ngô Bảo Châu nổi tiếng vì câu này, hơn
cả giải thưởng toán học Fields mà ông đã nhận.
Hình như vẫn không cam tâm, trả lời tờ Việt
Weekly, ông Hợp khẳng định là “anh em “ báo chí cắt ngắn câu nói của ông. Ông
chỉnh lại cho rõ như thế này:
"Tôi nói cái ý đó là tất cả mọi ngành
nghề trong đất nước này muốn an toàn và tự do thì phải làm đúng luật, cũng như
người đi bộ khi tham gia giao thông sẽ an toàn và tự do nếu mình đi đúng lề
đường bên phải. Chứ còn mình nhảy ra đường xe máy mình đi, mình nhảy sang đường
ô tô mình đi thì làm sao an toàn được.
Phải nói đầy đủ như vậy, nhiều khi nó cứ
cắt đi thì 'lề đường bên phải' như trói buộc, nhưng không phải."
Ngay cả khi có cơ hội nói thêm cho đầy đủ
ông Lê Doãn Hợp vẫn không thoát ra khỏi cái bẫy mà ông tự giăng cho mình. Câu
nói của ông nếu dùng để so sánh thì rõ ràng là kém thông minh. Người đi bộ và
người viết báo là hai chủ thể, hai phạm trù hoàn toàn khác xa nhau. Người đi bộ
dĩ nhiên phải đi trên lề không phải vì họ tôn trọng luật giao thông vì trước
hết họ ý thức một cách rõ ràng là bước xuống lề là chết, là tại nạn ập tới. Lề
dành cho họ là bắt buộc đối với bất cứ một quốc gia nào khi quy hoạch đường xá
đô thị.
Còn lề dành cho báo chí thì sao? Ông Hợp
không nói nhưng mọi người đều biết.
Sự nguy hiểm mà người cầm bút sẽ gặp là
đụng tới những vấn đề mà nhà nước muốn dấu. Những khu vực có gắn bảng “nhạy
cảm” được đương nhiên xem là nơi không được chĩa mũi vào mặc dù người dân cần
biết. Ông Hợp khẳng định nếu báo chí không lạc vào cái vùng ấy, tức là vùng đã
được quy định bằng mồm, thì không bao giờ nhà báo bị tai nạn, và vì vậy giống
như người đi bộ đúng theo lề quy định, nhà báo sẽ an toàn trên cái lề mà ông Lê
Doãn Hợp gọi là “lề phải”.
Ông Hợp đã chứng minh một lần nữa cho đúng
cái ý của ông. Và người dân thấy rõ ông chứng minh rất đúng với điều họ nghĩ.
Bài học về cừu những tưởng đã quá đủ để ông
Lê Doãn Hợp chấp nhận về hưu tuy có day dứt vì phát biểu kém thông minh, nhưng
ông Hợp xem ra không cam tâm mang tội với lịch sử báo chí nước nhà. Trong Ngày
Báo chí Cách mạng ông đã xuất hiện trên một bài phỏng vấn của báo VietnamNet,
một lần nữa dạy khôn người cầm bút. Ông chắt lưỡi, ông hít hà vì theo ông nhà
báo không dám xông pha trận mạc mà còn đổ thừa có quá nhiều vùng cấm dành cho
báo chí.
Ông tuyên bố: Báo chí Việt Nam không có vùng cấm.
Nghĩ tới nghĩ lui hoài không biết ông này ngứa mồm nói
dại hay ngứa tai vì đã khá lâu không nghe thiên hạ réo tên ra mà chứi nên ông
đâm cuồng. Bài phỏng vấn này phóng viên đã dành chỗ cho ông mặc tình phóng uế. Nhà
báo thời nay họ khôn lắm, đăng nguyên bài không sai một chữ nhằm cho độc giả
thấy rõ hơn bản chất của một tay lưu manh chữ nghĩa cho tới ngày về vườn vẫn
không từ bỏ thói bốc phét của đám hạ lưu.
Trả lời báo VietnamNet Online ông nói:
“Thời làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền
thông, tôi đã dày công cùng đồng nghiệp đưa hai chữ "phản biện" vào
Nghị quyết 11
Vì thế khi đưa được hai chữ "phản
biện" vào Nghị quyết 11, đêm ngủ tôi cứ lâng lâng. Nhưng còn buồn vì mặt
yếu nhất hiện nay của báo chí chính là phản biện. Báo chí gần như chưa làm được
gì nhiều với chức năng phản biện của mình.”
Thưa ông Hợp, ở chỗ này ông đã “vung tay
trật khớp” rồi. Ông nói dóc trơn như thoa mỡ. Ai cũng biết bất cứ nghị quyết
nào của đảng đưa ra cũng nhằm mục đích tuyên truyền còn thực chất thì lúc nào
vẫn một con số không to tướng. Ông vừa bảo báo chí phải theo lề phải lại bảo
nhà bảo phải phản biện thì rõ ràng ông xem thường nhà báo quá. Nếu ông chịu khó
nhìn lại mình thì chắc rằng khả năng viết một câu văn đúng nghĩa của ông còn
tồi hơn một nhà báo chưa ra trường.
Ông không thể “trằn trọc” như ông diễn kịch
trong khi trả lời phỏng vấn vì cơ địa của ông vốn không được cấu tạo có khu vực
“mẫn cảm” giống như Bác Hồ luôn thức và trằn trọc lo nghĩ cho vận nước trong
hang Pắc Bó.
Làm Bộ trưởng mà trong bài viết khi về hưu
ông ghi như thế này:
“Ở bất kỳ cương vị công tác nào tôi cũng tu
dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, lối sống, làm việc hết mình, dân chủ, sáng
tạo, kỷ cương, gương mẫu, tiến công, quyết liệt được mọi người tin yêu; luôn
phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao
phó. Được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý
Tôi vinh dự được Bộ Chính trị, Ban chấp
hành Trung ương cho thôi chức danh Bộ trưởng khi tín nhiệm trong đội ngũ cán bộ
chủ chốt của toàn Ngành Thông tin và Truyền thông dành cho tôi đang ở đỉnh cao
(93%).
43 năm liên tục phấn đấu cho Quân đội, cho
dân, cho Đảng. Nay được “ Hạ cánh an toàn” về làm Đảng viên và công dân cơ sở.”
Thứ nhất là ông tự cao tự đại (hình như các
ông cấp Bộ trở lên đều như vậy cả?) Có ai lại tự khen mình mà không sợ dân
chúng bịt mũi như thế? Thứ hai là ông không biết làm thống kê (thống kê kiểu Bộ
Giáo Dục và Đào tạo thường làm trong các kỳ thi hàng năm luôn đạt 99,99%) Ông
bảo là 93% yêu mến ông, cảm phục ông và lưu luyến vô cùng khi ông từ giã họ.
Thưa ông, bệnh tưởng đã làm ông mụ mị.
Không một thủ trưởng cơ quan nào được nhân viên dưới quyền yêu mến vượt quá 54%
là thống kê mà thế giới chấp nhận hợp lý nhất. Con số 93% xem ra còn khá khiêm
tốn so với kết quả kỳ thi vừa qua. Thôi thì duyệt cho ông qua.
Tuy nhiên câu cuối cùng thì không “duyệt”
được.
Ông đem câu xách mé của người dân nói về
một gã quan lớn hay Bộ trưởng nào đó sau khi no nê kiếm chác, về hưu mà không
bị tòa án xét xử mặc dù đơn thư tố cáo nằm chất chồng trong Viện kiểm sát.
Người dân gọi đó là “hạ cánh an toàn”.
Ông dùng nguyên xi câu này để nói về bản
thân ông đã làm người ta chết cười. Một Bộ trưởng Truyền thông như thế thì bị
mấy anh làm báo khinh bỉ là phải rồi.
Quay lại chuyện phỏng vấn. Ông nói:
“Một tờ báo từng hỏi tôi liệu có vùng cấm
đối với báo chí không. Tôi xin khẳng định ngay là không có vùng cấm nào, chỉ có
báo chí ngại không vào mà thành vùng cấm.”
Thưa ông, câu này thì ông nói quá đúng. Cho
ông 10 điểm. Tờ báo hỏi ông có ác ý rõ ràng nhưng ông rất thông minh để tránh
cái bẫy nguy hiểm này. Chỉ có các nước thiếu dân chủ mới có vùng cấm cho báo
chí còn báo chí cách mạng làm sao xảy ra những hiện tượng tồi tệ như thế được?
Chẳng qua các anh sợ công an đánh. Các anh
sợ Tổng biên tập cắt. Các anh sợ Ban tuyên giáo kỷ luật. Các anh sợ bị bắt như
Nguyễn Việt Chiến, như Nguyễn Văn Hải như Hoàng Khương chứ có công văn, nghị
quyết nào cấm các anh nhào vào vùng nóng tác nghiệp đâu?
Vậy là các anh hớn hở rồi nhé. Các anh nhận
thấy điểm hèn yếu không dám lăn xả rồi nhé. Từ nay khái niệm vùng cấm coi như
không hiện hữu phải không?
Ông cũng nói:
“Hãy nhớ rằng tiêu cực luôn sợ báo chí. Một
thiết chế chính trị mà báo chí đủ uy trước tiêu cực là thiết chế chính trị
tuyệt vời. Mà để làm được điều đó, báo chí chỉ có cách làm tốt công tác phản
biện.”
Cám ơn ông đã nhắc. Câu này hình như ông
cóp ở đâu thì phải! Tiêu cực không dễ tiêu diệt như ông bốc đồng nói ra đâu.
Chúng len lỏi, luồn lách trong mọi cơ quan từ nơi cao nhất là Ban Bí thư Trung
ương đảng cho tới nơi thấp nhất là tổ dân phố. Ông đề cao vai trò báo chí không
khác nào mặc áo giấy cho âm binh trước khi đem chúng đi đốt.
“Những vấn đề nóng của xã hội báo chí
chưa khoan đến đáy, chưa xoáy đến gốc, chưa chọc sâu đến tận cùng. Tôi thấy
chúng ta còn thiếu những bài báo có tính chiến đấu cao, dám lăn xả vào cuộc
sống.”
Đúng là những lời có cánh.
Nhưng là cánh của loài chim cánh cụt, hoàn
toàn không có khả năng bay, dù chỉ là cất lên rồi rơi xuống.
Thưa ông Hợp, uổng công ông mua chuộc nhà
báo để đăng bài của ông vì anh ta không chịu khó biên tập lại cho bớt đi tính
hài hước trong lời ông phát biểu.
Những điều mà ông nhấn mạnh chính là ước mơ
của bất cứ người làm báo nào có lương tâm. Sở dĩ họ không làm được vì lương tâm
của hầu hết những người đi theo lề phải do ông vạch ra đều đang chết lâm sàng,
hay sống đời thực vật, và do đó nếu ngòi viết của họ có run rẩy lần tìm miếng
cơm manh áo trong cái bóng tối nhờ nhờ của báo chí Việt Nam thì công đầu cũng
vẫn là của ông mà không ai giành được.
Làm ơn đừng xúi bẩy họ đi vào con đường
mang tên phản biện mà tuy nói mạnh miệng lắm nhưng ông vẫn cả tin trong lòng là
không anh nhà báo nào dám đi. Ông thì “hạ cánh an toàn” rồi, còn họ, những con
người sống bằng cái nghề nghe có vẻ cao quý ấy lại không biết làm cách nào để
vừa an toàn vừa không mang tiếng hèn, ngay cả khi họ không bao giờ dám mơ tới
chuyện cất cánh, dù chỉ cất cánh rồi rơi xuống như chim loài cánh cụt.
No comments:
Post a Comment