Tuesday, 26 June 2012

LUẬN VỀ TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC (BS Hồ Hải)




Thứ hai, ngày 25 tháng sáu năm 2012

Tuổi thơ ở đâu thì Quê hương ở đó. Lòng yêu nước cũng lớn lên từ Quê hương có tuổi thơ hiện diện. Không cần phải hô hào, kêu gọi, tự dưng lòng yêu Quê hương kết tinh thành tình yêu Đất nước. Đó là một tình yêu mà nó đã thấm đẫm vào máu thịt, vào tiềm thức và lượng chất hóa thành vô thức. Cứ hễ Đất nước lâm nguy thì, bất cứ ai, già trẻ, lớn bé, giàu nghèo, hoặc sang hèn đều quặn đau, và sống chết vì nó.

Cũng chính vì đặc tính vô thức của tình yêu đất nước mà, nó đã nhiều khi bị chính khách hoặc các nhóm chính trị lấy làm công cụ để lợi dụng người dân. Và thế giới có bất công, phân hóa giàu nghèo, chiến tranh máu đổ đầu rơi chỉ để phục vụ bản chất của loài người: tư hữu và quyền lực.

Đứng trên quan điểm triết học của duy vật luận, trong tình yêu đất nước có hai vế: chung và riêng. Không có cái riêng thì không thể có cái chung, ngược lại, cái riêng mà không biết hợp quần để thành sức mạnh dời non lấp bể thì cái riêng không lớn được.

Trên quan điểm cái chung, nước mất thì nhà tan. Cho nên khi Đất nước có họa xâm lăng, tình yêu Đất nước ăn sâu và tiềm thức của dân bị chính khách kích lên thành tình yêu Đất nước một cách vô thức để nhảy vào chảo lửa chiến tranh, phục vụ cho mục đích mà tầng lớp tinh hoa chính khách đã vạch ra. Nhưng khi mục đích của chính khách đã đạt được dù máu có chảy thành sông, xương có chất thành núi, thì mọi công lao của người dân cũng bị lãng quên. Và chính khách hưởng của hồi môn trên những máu xương của dân tộc, bằng vào luật lệ họ đặt ra để họ sử dụng cho việc chăn dân.

Trên quan điểm cái riêng, thì tình yêu Đất nước phải gắn liền với yêu bản thân, gia đình và cái mà mỗi công dân được sở hữu chủ. Nhưng ở một số quốc gia, ngay cả tư duy của mỗi công dân cũng bị chính khách tước đoạt khi đưa ra hình thái xã hội chính trị công hữu về tư liệu sản xuất. Truyền thông định hướng tư duy công chúng. Hiến pháp và pháp luật chiếm hữu và tước đoạt mọi quyền sở hữu của công dân. Người dân chỉ còn sở hữu tình yêu Đất nước khi chính sách cần những con thiêu thân nhảy vào chảo lửa. Và đây là cái mà chính khách luôn biết lợi dụng, tung tin, hun đúc tinh thần dân tộc để biến dân chúng trở thành đám đông vô thức, sẵn sàng nhảy vào lửa bỏng dầu sôi để chính khách ngồi mát ăn bát vàng.

Lịch sử nhân loại song hành với lịch sử của tranh giành quyền lực và tư hữu cá nhân. Và lịch sử nhân loại cũng diễn đi, diễn lại trò mỵ dân bằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan để xua dân và vũng lầy chém giết cho chính khách. Thế nhưng, để người dân phân biệt rạch ròi, đâu là tình yêu Đất nước đúng nghĩa, và đâu là tình yêu Đất nước bị xúi giục, thì có được mấy ai?

Tình yêu Đất nước đúng nghĩa chỉ có khi và chỉ khi ở Đất nước ấy, người dân được quyền sở hữu chủ cái tối thiểu là tư liệu sản xuất của mình. 

Còn đối với những đất nước mà, ngay cả cái tối thiểu về quyền sở hữu tư liệu sản xuất của chính mình làm ra cũng bị tước đoạt, thì tình yêu Đất nước ấy là tình yêu nước vô thức, bị xúi giục vào cõi u mê. Hay nói cách khác, ở những đất nước ấy không có tình yêu Đất nước đích thực. Vì yêu Đất nước và chết vì tình yêu ấy không phải vì cho mình, mà vì kẻ khác đã chiếm đoạt nó từ tay mình.

Về duy vật luận, nhìn tình yêu Đất nước rạch ròi và công tâm, hơn là chỉ biết yêu Đất nước vì cái tiềm thức tuổi thơ với điệu ru, câu hò, bóng nắng, cơn mưa, hay chùm khế ngọt, v.v... mà không cần phải minh chứng. 

Là một công dân sinh sống trên Tổ Quốc mình sao ai lại không yêu Quê Hương và Chủng Tộc. Nhưng trong tình huống của một đất nước lắm đau thương và nhục nhằn như nước Việt, thiết nghĩ, tình yêu Đất nước cũng cần phải luận bàn một cách rạch ròi, để thấy đâu là yêu nước chân chính, và đâu là tình yêu Đất nước bị lợi dụng.

Bài viết liên quan:




1 comment:

View My Stats