03:10:pm
28/06/12
Người
ta đã tổ chức và gọi đó là một cuộc hội thảo;
hiểu nôm na là họp nhau lại để trao đổi ý kiến, hay thảo luận về một đề tài. Đề
tài được đưa ra là hiện tình Đất Nước, việc giải thể chế độ CS và xây dựng Dân
chủ cho VN. Do một sự thỏa thuận nào đó, Ban Tổ Chức đã mời ông Bùi Tín làm
diễn giả chính của buổi thảo luận, và đã đưa ra một vài quy tắc về thời lượng
cho phần thuyết trình cũng như phần đặt câu hỏi của cử tọa dành cho diễn giả.
Những
gì đã thật sự diễn ra cho thấy rằng dường như không có thảo luận, chẳng có mấy
trao đổi đàng hoàng, và cũng chẳng có gì gọi là bàn luận quanh đề tài đặt ra.
Chỉ có diễn giả trình bày quan điểm mình, còn cử toạ thì phần đông mượn dịp để
bình phẩm và công kích cá nhân diễn giả. Thế thôi!
Trước
hết về phía diễn giả, thì những gì ông trình bày về hiện tình Đất Nước, về các
lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, v.v… là hết sức cô đọng, đến độ
sơ sài, không đạt được mức sâu sắc cần thiết cho một cuộc thảo luận. Có thể là
vì thời lượng quá ngắn so với đề tài, hoặc vì diễn giả đã không có một trợ cụ
nào khi thuyết trình (như Power Point, hay slider, hay projector,…) , và có lẽ
cũng do tuổi tác của diễn giả nữa, nên phần thuyết trình không đủ bao quát, kém
hấp dẫn, và thiếu gợi mở suy tư thắc mắc về một đề tài quan trọng như vậy.
Do
tư thế đặc biệt của diễn giả, và do cách mà Ban Tổ Chức đặt đề tài, cử toạ
nghiêm túc chắc hẳn sẽ mong đợi ở Ông một sự trình bày sâu sắc hơn về hiện tình
nội bộ đảng CSVN, đặc biệt là ở cấp cao nhất, trong Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và
Uỷ Ban Trung Ương Đảng; về những khuynh hướng khác biệt nếu có, hay phe nhóm
chính, trong giới lãnh đạo; về căn bản sâu xa của chính sách đối ngoại của đảng
CS hiện nay; từ đó dự đoán những tình huống (scenarios) trong tương lai của
việc thay đổi-kế thừa lãnh đạo. Có lẽ người ta cũng mong đợi được nghe ở diễn
giả về tình hình chung của đảng CS, về mức độ gắn bó của đảng viên đối với lý
tưởng, đối với chế độ, về phẩm chất đảng viên. Cử toạ có lẽ cũng mong muốn được
nghe xem lòng dân trong Nước bây giờ ra sao, thái độ của các tầng lớp dân chúng
đối với hiện tình Đất Nước, đối với đồng bào ở hải ngoại; quan trọng nhất là
đâu là yếu tố dân tâm mà các nhà hoạt động ở hải ngoại cần nắm bắt để vận động
và thuyết phục họ. Người ta cũng cần nghe xem là có thời cơ nào gần nhất cho những
chuyển biến chính trị trong tương lai gần hay không; về khả năng tổ chức và huy
động quần chúng; về năng lực, uy tín và tầm ảnh hưởng của các nhà đối kháng tên
tuổi hiện nay . V.v… và v.v…
Nghĩa
là, phần thuyết trình là quá sơ sài so với đề tài đặt ra và so với sự mong đợi
của những người tham dự đứng đắn. Dường như Ban Tổ Chức, và có lẽ cả diễn giả,
đã đưa ra một nghị trình quá rộng lớn trong một khung cảnh và thời lượng hết
sức hạn chế, nói như người Mỹ là ” they bite off more than they can chew”; có vẻ
như họ hơi tham lam. Hoặc cũng có thể là chủ ý không phải là để tạo ra một cuộc
thảo luận đúng nghĩa, mà chẳng qua để tạo ra dịp nhằm thăm dò xem phản ứng của
người Việt ở San Jose sẽ đối với nhân vật Bùi Tín như thế nào. Và về phần mình,
ông Bùi Tín có lẽ cũng muốn có dịp để phản biện những cáo buộc đã dành cho Ông
lâu nay từ phía những người của chiến tuyến mà hơn 20 năm nay Ông đang muốn
đứng cùng?
Lâu
nay trong cộng đồng người Việt tị nạn CS ở Mỹ tỏ lộ hai thái độ trái ngược đối
với trường hợp ông Bùi Tín. Một phía thì đón nhận Ông với thái độ ân cần dành
cho một người, trước đây có chỗ đứng vững vàng trong hàng ngũ CS, nay đã phản
tỉnh và quay về với chính nghĩa. Phía này tìm thấy ở ông BT một người am hiểu
nội tình đảng CSVN, kiến thức quảng bác, có lòng yêu Nước, luôn nặng ưu tư về
việc dân chủ hoá VN. Nhiều nhân sĩ, trí thức ở hải ngoại đã cộng tác với Ông
trong công cuộc vận động cho một VN đa nguyên-đa đảng, xem Ông là một cây bút,
một diễn giả quan trọng, đã đóng góp tích cực cho nổ lực giải thể chế độ CSVN
bằng đường lối hoà bình.
Phía
khác thì ngược lại, không tin rằng ông Bùi Tín đã thật lòng phản tỉnh, trở
thành người chống CS quyết liệt và kiên định như họ. Phía này hoài nghi rằng
ông Bùi Tín hoặc chỉ là kẻ đón gió, trở cờ, hoặc có thể là người được đảng CSVN
gài ra hải ngoại, đóng kịch, trà trộn vào hàng ngũ phe quốc gia để hoạt động
cho lợi ích của Đảng…Những người thuộc phía này đã từ lâu tung ra nhiều cáo
buộc về ông Bùi Tín, tập trung vào quá khứ trước đây của Ông, ngay cả đưa ra
những chi tiết liên quan đến công việc thông dịch của thân phụ Ông, trong thời
Pháp thuộc, nữa. Nhưng những cáo buộc như vậy, tuy được đưa ra một cách hùng
hồn, lại không tỏ ra có đủ chứng cứ khả tin hổ trợ, và ông Bùi Tín đã nhiều lần
tỏ ra không ngần ngại để đối chất với những người buộc tội Ông.
Sự
chống đối dành cho ông Bùi Tín ít nhiều có những nét tương tự như những chống
đối dành cho một số các cựu CS phản tỉnh khác, như đối với nhạc sĩ Tô Hải, nhà
thơ Nguyễn Chí Thiện, hay ông Vũ Thư Hiên, v.v…Nó tương tự cả về thành phần
những người chống đối, lẫn nội dung của sự chống đối. Đa số những người chống
đối là những vị có thái độ chống CS quyết liệt, là những người hoạt động trong
các cộng đồng người Việt với chủ trương duy nhất là chống Cộng đến cùng, bằng
mọi phương cách, và không chấp nhận hoà hợp hoà giải. Đặc điểm dễ nhận ra ở
những vị này là tỏ ra hết lòng gắn bó với quá khứ của VNCH và với ngọn cờ Vàng.
Đặc điểm khác nữa là hoạt động chống CS của họ tập trung nhiều vào nổ lực ngăn
chận sự xâm nhập của CS vào các cộng đồng tại hải ngoại, hơn là quan tâm đến sự
vận động quần chúng ở trong Nước, trong một chiến lược lâu dài và rộng lớn hơn
để giải thể chế độ CS tại VN. Bề ngoài, nội dung của sự chống đối thường quay
quanh việc hoài nghi mức độ kiên định về lập trường và, nhất là, năng lực của
những người phản tỉnh. Nhưng sâu bên trong, sự chống đối là để nhằm khẳng định
rằng chỉ có các cựu viên chức sĩ quan của chế độ VNCH trước đây là có lập
trường kiên định nhất, và họ là thành phần duy nhất có đủ năng lực, xứng đáng
để lãnh đạo các cộng đồng ở hải ngoại trong công cuộc chống Cộng.
Trở
lại cuộc thảo luận của ông Bùi Tín thì rõ ràng cuộc thảo luận đó không thành
công, xét theo ý nghĩa đích thực của sự thảo luận. Tiếng thì thảo luận, nhưng
trên thực tế lại được tổ chức theo lối một buổi thuyết trình, trong đó diễn giả
trình bày đề tài và cử toạ chỉ có mỗi người vài phút để đặt câu hỏi. Tất nhiên
đặt câu hỏi thì không phải là trao đổi ý kiến, không phải là thảo luận. Ở đây
không hiểu vô tình hay cố ý người ta đã lẫn lộn giữa thuyết trình và thảo luận.
Bởi nếu muốn thảo luận về một đề tài nào đó thì chí ít phải có từ hai diễn giả
trở lên, trình bày hai hay nhiều quan điểm khác nhau về đề tài, để rồi từ trao
đổi luận bàn với nhau, và cử toạ có thể nêu câu hỏi cho bất kỳ diễn giả nào
mình muốn.
Mặt
khác, hầu hết cự toạ đều đã lạc đề (digression), đã không hề đặt ra một câu hỏi
nào đi đúng trọng tâm của đề tài đặt ra, và đã được diễn giả trình bày. Thay vì
đặt câu hỏi thì hoặc là người ta nêu lên nhận xét hay bình phẩm nhân cách của
diễn giả, hoặc là công kích hay buộc tội diễn giả, còn không thì đặt những câu
hỏi mang tính hoài nghi quan điểm của diễn giả. Chưa kể có người chỉ đến và tìm
cơ hội để la ó! Có thể nói đó không phải là cử toạ của một cuộc mạn đàm hay
thảo luận, mà là những người tham dự một cuộc đấu tố cá nhân thì đúng hơn. Nó
cũng cho thấy rằng dường như người Việt chúng ta chưa quen với tinh thần đối
thoại của thảo luận, mà chỉ quen với tinh thần độc thoại, với việc chỉ muốn
nghe những điều quen thuộc hoặc điều mình ưa thích thôi.
Tuy nhiên xét từ một
góc độ khác thì có vẻ như Ban Tổ Chức và diễn giả đã đạt được một vài thành
công.
Về phía Ban Tổ Chức thì
chí ít người ta cũng đã tạo được dịp để giới thiệu ông Bùi Tín với giới quan
tâm trong cộng đồng ở San Jose. Ban Tổ Chức có lẽ cũng cảm thấy hài lòng vì có
được dịp để chứng tỏ với nhiều người rằng họ đã không ủng hộ sai người.
Có thể
nói người thành công hơn hết là ông Bùi Tín. Ông không thành công về việc trình
bày đề tài đã được đưa ra, nhưng đã thành công trong việc chứng tỏ được con
người thật của mình trước công chúng, trước những kẻ chống đối Ông, lẫn những
người gặp và nghe Ông nói chuyện lần đầu.
Một
cụ già đã ngoài 80 tuổi, tuy sức khỏe tỏ ra không được tốt nữa, đã đứng trình
bày quan điểm của mình một cách rạch ròi, mạch lạc, ứng đối trôi chảy, tỏ ra
hiểu biết rộng với một thái độ khoan hoà nhã nhặn ngay trước một cử toạ, mà
phần đông tỏ ra thù địch, trong hàng giờ đồng hồ. Chưa kể, việc với tuổi tác
như vậy, Ông đã lặn lội ngàn dặm, đến một nơi mà thù nhiều hơn bạn, để bàn luận
quốc sự , chứng tỏ Ông là một người thật lòng nặng mối ưu tư về hiện tình Quê
hương và đồng bào trong Nước. Một người ở tuổi ấy chắc chỉ làm như vậy vì một
động cơ tinh thần, chứ không vì một danh lợi phù du nào khác? Tạm gác ra ngoài
vấn đề lập trường hay giá trị của các quan điểm, một nhân cách như vậy không lẽ
không đáng được tôn trọng sao?
Điểm
đáng chú ý ở đây, là những người muốn mượn cuộc thảo luận để lên án và cáo buộc
ông Bùi Tín, đã một cách vô tình giúp ông ta một dịp tốt để bào chữa thành công
cho mình. Trước hết là vì sự cáo buộc, tuy hùng hồn trong cách diễn đạt, là quá
yếu ớt ,không được minh chứng vững vàng, và kém tính thuyết phục. Ông Bùi Tín
đã dễ dàng để phản bác những lời buộc tội yếu ớt như vậy, và qua đó thanh minh
cho mình. Có vẻ như người ta đã cho Ông cơ hội bằng vàng!
Mặt
khác sự tương phản giữa phong cách của đôi bên cũng đã giúp, nhiều hơn là hại,
ông Bùi Tín. Thái độ thù địch, ít nhiều kiêu căng và hơi hung hãn của những
người buộc tội đã khiến cho cung cách ôn nhu, hoà nhã của ông Bùi Tín trở nên
nổi bật và có sức thu hút hơn. Có thể dự đoán mà không sợ sai là phần đông khán
giả tại hải ngoại, và nhất là ở trong Nước, khi xem những video clips về cuộc
thảo luận này, sẽ hoặc bớt ác cảm hoặc nghiêng thiện cảm của mình về phía ông
Bùi Tín, hơn là về phía những người chống Ông.
Sunnyvale,
6/27/2012
(Tác
giả gửi dưới dạng ý kiến bạn đọc, BBT đưa lên thành bài chủ)
Xem video ở đây
©
Trương Đình Trung
©
Đàn Chim Việt
------------------------------------------
06:13:pm 25/06/12
-----------------------------------------
Qua
đối chất với Ls Nguyễn Tâm, ông Bùi Tín cho điểm Hồ Chí Minh: 0 trên 10 điểma
đối chất với Ls Nguyễn
Tâm, ông Bùi Tín cho điểm Hồ Chí Minh: 0 trên 10 điểm
No comments:
Post a Comment