Wednesday, 27 June 2012

BỚT ĐI HAI CHỮ . . NHÂN DÂN (Hiệu Minh) / MỆNH LỆNH CỦA NHÂN DÂN (Thùy Linh)




Monday, June 25th, 2012 at 11:34 pm

Nhân đọc bài "Tự ra khỏi Đảng" lặng lẽ”, chợt giật mình, lo thay cho người rời đảng thì về đâu. Quan nhất thời, dân vạn đại. Làm dân thì làm tới cuối đời, không lo tăng chức, chẳng sợ mất chức, vừa sướng, vừa khổ.

Trước kia, nhiều nước trên thế giới họ hay nhấn mạnh từ Nhân dân trong các tên gọi của quốc gia, các tổ chức chính quyền hay xã hội, kể cả lực lượng vũ trang hay an ninh thường ăn theo.

Nay chỉ còn 5 quốc gia có People (nhân dân) là Trung Quốc, Bắc Triều tiên, Lào, Bangladesh và Algeria. Còn hầu hết có thêm chữ Cộng hòa (republic).

Quốc gia nào thêm chữ “nhân dân” trong tên gọi là y như khổ. Sang hỏi Lào, Trung Quốc hay dân Bắc Triều tiên là biết ngay.

Chính quyền Mỹ phi…nhân dân
Riêng nước Mỹ chẳng có Cộng hòa hay Nhân dân gì hết. Tên nước Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Quân đội gọi là USA Army, cảnh sát điều tra gọi là FBI, công an là police, gián điệp là CIA. Chính phủ gọi là Nhà Trắng, Quốc hội gọi là đồi Capitol.
Tòa án tối cao (Supreme Court) chỉ là..tòa án, vì gọi Tòa án Nhân dân chắc chỉ xử nhân dân, không xử cán bộ, trong khi tòa án Mỹ xử cả Tổng thống nếu phạm tội.
Từ chính quyền 50 bang và một tỉnh DC đến quận huyện chẳng thấy People đi kèm. Bang Texas đơn giản chứ không phải là Tiểu bang Nhân dân Texas. Bang Virginia, bang Maryland, tỉnh Washington DC là thủ đô đều thế cả.
Các hội đồng, tổ chức xã hội, nhân đạo các cấp không có people nốt.
Khổ thế, một quốc gia số một thế giới mà chính quyền các cấp không có nổi hai chữ “nhân dân”.
Không có people, chính quyền có “của dân, do dân và vì dân” hay không thì Tổng Cua chịu. Có lẽ cần vài trăm cuốn sách mới viết nổi.

Chính quyền Việt Nam đầy …nhân dân
Nước mình có bàn giao thế hệ hẳn hoi. Mới đẻ gọi là sơ sinh. Đi học vỡ lòng làm nhi đồng, hết tuổi nhi đồng thành thiếu niên tiền phong. Sau đó là đoàn viên nếu muốn. Ai may thành đảng viên. Ra đoàn, rời đảng, chỉ còn cách thành quần chúng, hay còn gọi chung là nhân dân.
Số đảng viên khoảng 3 triệu, số đoàn viên khoảng 6 triệu. Khối quần chúng đông đảo, khoảng 80 triệu người. Có lẽ vì thế mà đất nước này luôn có những từ kèm “nhân dân” rất đặc thù. Ít nhất là trong các tên gọi.
Ủy ban Nhân dân từ trung ương đến địa phương, Hội đồng Nhân dân các cấp.
Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân.
Quân đội Nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”
Cảnh sát Nhân dân, Công an Nhân dân “Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép”
Rồi danh hiệu như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nghệ sỹ Nhân dân đến mảnh giấy nho nhỏ Chứng minh…Nhân dân.
Kể ra thì rất nhiều tổ chức, cơ quan chính phủ mang danh nhân dân. Chưa kể tờ báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân mà độc giả hướng tới là quân đội, công an, đảng viên.
Cứ như là không có nhân dân thì người ta không biết những lực lượng này không phục vụ quần chúng.

Đơn giản hóa các tên gọi
Hội nhập, internet, thông tin quá nhiều, cần ngắn gọn ngay cả trong cái tên. Để đỡ tốn mực in laser, giấy in, báo chí tiết kiệm từ ngữ, nói năng đỡ dài dòng, nghe lặp đi lặp lại từ “nhân dân” rất nhàm, hay quần chúng đỡ mang tiếng xấu, ta nên đơn giản hóa các tên tổ chức chính quyền hay xã hội.
Công an Nhân dân Việt Nam – Công an Việt Nam đơn giản hơn nhiều
UB Nhân dân Tỉnh – UB tỉnh, xã, huyện. Ủy ban Tỉnh Ninh Bình chắc là ngắn và đầy đủ hơn là UB Nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Tòa án Nhân dân Tối cao – Tòa án Tối cao để đảm bảo không ai ngồi trên luật.
Và nhiều tên có từ “nhân dân” khác có thể viết ngắn lại mà không mất đi ý nghĩa “vì dân, do dân và của dân”.
Ai cũng biết, có hai từ đó hay không, các tổ chức và lực lượng này đều phục vụ nhân dân. UB Nhân dân Hành chính xã lại thành “hành dân là chính” thì càng không nên thêm hai chữ này vào.
Tại sao vậy. Vì rằng dân cũng sướng và…khổ lắm rồi.

Nhân dân gánh vác trọng trách và cả lỗi lầm
Quần chúng mang vác rất nhiều trọng trách, nhỏ thì tầm địa phương, lớn hơn là tầm quốc gia, xa hơn là khu vực, không kể cả vai trò nhân loại. Đôi lúc cũng sướng như các chân dài trên bãi biển dưới đây. Lúc nào đói kém, bán vài cái, vừa sướng vừa kiếm ối tiền.
Thời chống Mỹ, chống Pháp, chúng ta là nhân dân mang trên vai sứ mệnh lịch sử, phải chiến thắng mọi kẻ xâm lược, từ nhỏ đến to, từ mạnh đến yếu.
Chiến tranh với Campuchia, và Tầu, lời kêu gọi bảo vệ Tổ quốc được vang lên “Một lần nữa, sứ mệnh lịch sử lại giao phó cho nhân dân ta đánh bại chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh”.
Đến nỗi, người ta tự hỏi, lịch sử là thằng nào mà toàn giao cho quần chúng toàn sứ mệnh…khó thế.
Khi chiến thắng, được nghe những câu “vẻ vang này thuộc về nhân dân”, mất mát cũng thế “sự hy sinh xương máu cao quí này thuộc về nhân dân”.
Đôi lúc lỗi lầm, bất cập của chính quyền cũng thuộc về số đông này.
Văn hóa xuống cấp là các bác trên đổ luôn cho dân trí.
Giao thông lộn xộn, anh La Thăng nói đó là dân ý thức kém, Bộ Giao thông chẳng có trách nhiệm.
Kiến trúc tạp nham do dân trình độ thấp, không biết thiết kế nhà cửa cho ra hồn.
Nói bậy, chửi thề, toàn do dân hết.
Tham nhũng hối lộ cũng tại đám dân đen, chứ quan nào lại nhận tiền của người nghèo, họ cứ nhét vào tay, chả lẽ không nhận.
Nhớ vụ phá đổ cái lều trông cá của anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên lãng, đại tá Ca thản nhiên nói “đó là do nhân dân bức xúc phá”. Sau này người ta hiểu “nhân dân” không phải là…nhân dân.
Kết luận về việc cưỡng chế ở Văn Giang, Tiên Lãng và nhiều nơi khác, có nhiều sai lầm, nhưng chính quyền địa phương vẫn khẳng định “được nhân dân đồng tình ủng hộ”.
“Nhân dân” ở đây là mấy ngàn cảnh sát vũ trang, quân đội, đại gia giầu có, nhân dân thật thì bị cưỡng chế mất đất.
Đất cát chiếm xong rồi, chỉ có số ít “nhân dân” có tiền mua biệt thự, văn phòng trong đó. Còn “đại bộ phận nhân dân là tốt” đứng ngoài hàng rào nhìn cùng với “quân đội nhân dân, công an nhân dân” vì họ giải ngũ rồi cũng thành…quần chúng
Ở nước mình làm gì tốt xấu đều mang danh chung chung như thế. Kể cũng khổ, dân có tiếng không có miếng.
Vì thế, xin các vị hoạch định chính sách, các nhà chính trị, nhà trí thức, văn hóa khi định đặt tên cho tổ chức nên bỏ chữ nhân dân đi, mà chỉ cần thực hiện đúng lời hứa, chính quyền là “của dân, do dân và vì dân”, thế là phúc cho quần chúng lắm rồi.

HM. 25-06-2012

Đọc thêm:

--------------------------------------------------------------------

Thứ hai, tháng sáu 25, 2012

Lâu lắm mới nghe được một câu nói có tính an ủi từ miệng một lãnh đạo cao nhất của đất nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng, phải thành công trong việc chống tham nhũng vì đó là “mệnh lệnh của nhân dân”. Mới chỉ là an ủi vì từ câu nói này đến thực tế còn xa lắm. Mà cũng chỉ là toa thuốc xoa bóp lúc cơn đau hành hạ, chứ còn để chữa lành căn bệnh ung thư di căn phải cần đến phép màu. Nhưng thực tế vẫn có người khỏi bệnh ung thư đó thôi? Vậy vẫn còn hy vọng được chăng? Có con đường nào cho Việt Nam? Bây giờ ai tìm ra con đường đó dám chắc được giải nobel lắm?

Nhìn vào cuộc sống thì mệt mỏi lắm rồi, kiệt quệ lắm rồi. Đất đai, tiền bạc bị ăn cắp, ăn cướp, cái đói nghèo như bệnh kinh niên. Kinh tế giờ đây như chiếc xe lao xuống dốc không phanh. Bao giờ thì vực dậy để có ấm no, hạnh phúc? Tôn giáo cũng vẽ nên một thiên đường chưa ai thấy. Nhưng tôn giáo bảo đảm cho mọi người một khán chiếu vào thiên đường đó bằng đạo hạnh, hướng thiện. Còn thiên đường mà bao năm đất nước này vẽ ra cũng sẽ không bao giờ ai trông thấy, mà chỉ luôn là “định hướng”, là “con đường tất yếu”. Nhưng khán chiếu, visa của người dân vào thiên đường đó bị gán cho đói nghèo, còn quan chức là tiền tài không kể xiết. Không một đạo hạnh nào được thiết lập kể từ khi thiên đường ấy hình thành trên câu nói cửa miệng. Kể đến là tội ác, giả dối, nghèo đói, bất công, thiếu minh bạch, áp đặt, đểu giả…lên ngôi.  

Chưa khi nào tội ác nhiều và kinh hoàng như bây giờ. Càng ngày càng gia tăng số lượng và “chất lượng” tội phạm. Một xã hội rất dễ tổn thương và tâm hồn con người nhiều đau đớn, lo âu, nghi ngờ, hoang mang. An ninh, mạng sống con người mong manh và thiếu an toàn hơn bao giờ hết. Đến như trụ sở an ninh, cảnh sát (nơi bảo vệ an ninh, bảo vệ tính mạng người dân) mà người dân sợ nhất khi vào đó thì thử hỏi ở đâu là an toàn?

Nơi đào tạo con người thì tranh cãi năm này qua năm khác, qua mấy mùa Quốc hội mà vấn nạn “đồi Ngô” vẫn tái diễn, ngàng càng trầm trọng hơn. Vậy con người được giáo dục từ môi trường đó sẽ ra chất lượng và sản phẩm gì? Thế mới hay từ cái lò giáo dục đó mới cho ra lũ cán bộ mua tàu Hoa sen, mua ủ nổi rác rưởi, ăn cắp, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng là hợp logic. Chỉ có nền văn hoá và giáo dục đó mới có những người chỉ biết nói câu “rút kinh nghiệm”; “chỉ là hịên tượng cá biệt”; “tôi xin nhận khuyết điểm”; “đây là quyết định của chung”…mà không hề hổ thẹn và không bao giờ có văn hoá từ chức…Nói như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “công tác quản lý cán bộ có vấn đề”. Có vấn đề bao năm nay rồi chứ có phải gần đây đâu? Giải quyết tồn đọng của mấy mươi năm thế nào đây? Bởi sau mấy mươi năm xây dựng con người mới XHCN mà đất nước bi bét thế này thì biết con người mới của nền giáo dục ấy là ra sao? Nhưng đổ tội cho một mình ngành giáo dục e không công bằng. Giáo dục cũng bắt nguồn từ hướng đi của đường lối, chính sách mà thể chế qui định. Nhiều người nói về lỗi hệ thống rồi. Nói đến nhàm mấy năm nay nhưng có suy xuyển gì đâu? Thay hệ thống là thay đổi tư duy. Thay đổi tư duy là bắt đầu từ hy sinh quyền lợi của nhóm lợi ích, của quan chức? Ai dám nào?

Nhân dân chỉ có một mệnh lệnh: Hãy lột mặt nạ dối trá, tham lam, tham nhũng của từng quan tham xuống.

Nhân dân có thể tha thứ cho người hồi đầu. Nhưng sẽ không tha thứ cho hành động che giấu và ngụy tạo tội ác.

Liệu có được chăng? Vì như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: “Chúng ta không có con đường nào khác, chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải thành công. Cho dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm”.
Hy vọng đây không phải là bánh vẽ như rất nhiều bánh vẽ mà nhân dân đã phải gánh chịu dù “ông chủ” đã “được phép” ra mệnh lệnh cho đám “đầy tớ” nhiều năm trước đây… 







1 comment:

View My Stats