Thursday 28 June 2012

BẠN ĐỒNG HÀNH CỦA ĐỘC TÀI (Nguyễn Hưng Quốc)




27.06.2012

Kết quả các cuộc điều tra quốc tế về mức độ lạc quan hay thỏa mãn đối với cuộc sống của dân chúng thường cho thấy một nghịch lý: phần lớn các nước phát triển, giàu có có trình độ dân trí cao thường bị xếp hạng rất thấp, có khi gần cuối bảng (ví dụ, trong bảng xếp hạng về chỉ số hạnh phúc mới đây, Đan Mạch đứng thứ 110; Bỉ, 107; Mỹ, 105; Singapore, 90; Úc, 76; Phần Lan, 70; Pháp, 50) trong khi đó, các nước kém phát triển, nghèo nàn, và có trình độ dân trí thấp, ngược lại, lại có chỉ số rất cao, có khi, như trường hợp của Việt Nam, đứng đầu bảng, nếu không nhất thế giới thì cũng nhất châu Á (các nước đứng bên cạnh Việt Nam trong chỉ số hạnh phúc là Colombia, El Salvador, Jamaica, Bangladesh và… Cuba!)

Tại sao lại có sự nghịch lý như vậy?

Trong bài trước, tôi đã kể về bà dì họ của tôi, dì Mười, như một ví dụ. Theo tôi, trường hợp như vậy khá phổ biến, từ đó, có thể cho chúng ta một câu trả lời: Tầm nhìn ngắn và hẹp với mấy biểu hiện chính:

Thứ nhất, chỉ quan tâm đến những nhu cầu trước mắt, chủ yếu là nhu cầu kinh tế, trong đó, hầu hết chỉ giới hạn trong chuyện ăn, mặc và ở. Có được nơi để ở và đủ ăn, đủ mặc là đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Không những ăn no mà còn có thể nhậu nhẹt, cà phê vào buổi sáng, bia ôm vào buổi chiều lại càng hạnh phúc. Mặc quần áo không những lành lặn mà còn có hiệu, dù là hiệu nhái, lại càng hạnh phúc hơn nữa.

Trong khi đó, ở các nước Tây phương, người ta không chỉ quan tâm đến các nhu cầu vật chất. Người ta còn để ý đến môi trường, đến sự bình đẳng, không những sự bình đẳng trong nước mà còn trong phạm vi cả thế giới, đến những nhu cầu về tinh thần, đến chuyện du lịch và giải trí. Nếu chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế, người ta cũng lo nghĩ đến ngày mình bị thất nghiệp và tình trạng thất nghiệp của người khác, đến chuyện hưu bổng cho một, hai hay nhiều thập niên tới, đến tình hình kinh tế của quốc gia hay thậm chí, của cả thế giới. Rồi người ta so sánh mức sống ở nước mình với những nước khác. Càng nhìn xa và rộng, người ta càng dễ thấy bất bình và bất an.

Thứ hai, như là hệ quả của tâm lý vừa nêu, người Việt Nam cũng như dân chúng ở hầu hết các nước nghèo và độc tài, hầu như không bao giờ quan tâm đến các chính sách của nhà nước. Với nhà nước, đó là điều cấm kỵ, một “bí mật quốc gia”. Với dân chúng, đó là những chuyện viển vông. Hiện tượng này khác hẳn các quốc gia Tây phương, nơi dân chúng lúc nào cũng chằm chặp săm soi từng chính sách lớn nhỏ của chính phủ. Họ hạch hỏi. Họ phân tích. Chính vì vậy, họ dễ cảm thấy chính phủ lạc hướng (wrong direction).

Ngay cả khi họ không nghĩ chính phủ lạc hướng, họ cũng thấy chiến lược của chính phủ trong một số lãnh vực nào đó là bất toàn và có thể điều chỉnh hoặc cải thiện. Trong mọi trường hợp, họ ít khi hài lòng với hiện thực. Họ thích tra vấn. Họ yêu cầu phát triển. Họ khao khát sự hoàn thiện và hoàn mỹ.

Cuối cùng, vì thiếu tầm nhìn rộng, người ta rất dễ có ảo tưởng về thực trạng của mình. Cứ thấy xã hội mình như một thiên đường. Ngay trong giới cầm bút, tôi cũng thường thấy hiện tượng đó. Rất nhiều người cứ nghĩ thơ Việt Nam là nhất; truyện Việt Nam cũng là nhất. Lý do thế giới chưa ngã mũ thán phục văn chương Việt Nam là vì họ không biết tiếng Việt. Giả dụ văn chương Việt Nam được dịch nhiều và xuất bản ào ạt thì chắc chắn mọi người sẽ thấy Việt Nam không hề thua kém ai cả. Mà không phải chỉ có văn chương. Thức ăn Việt Nam cũng vậy. Cũng nhất thế giới. Người Việt Nam cũng vậy nữa: nhan sắc thì tuyệt trần, tính tình thì hòa nhã, hiếu khách, lịch sự, dễ thương. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều được bọn Tây phương mê như điếu đổ.

Với những tâm lý và tính cách như vậy, việc người Việt Nam được xem là lạc quan hay hài lòng với cuộc sống nhất châu Á hay thậm chí nhất thế giới cũng chẳng có gì khó hiểu cả.

Không khó hiểu, nhưng rất đáng lo. Về phương diện văn hóa và kinh tế, không có tâm lý gì nguy hại cho bằng sự tự thỏa mãn: Nó giết chết mọi sự cố gắng và mọi sự sáng tạo, từ đó, ngăn chận mọi sự phát triển. Ai cũng thấy Việt Nam còn nghèo, rất nghèo, và lạc hậu, rất lạc hậu. Việt Nam hơn, may ra, Lào và Kampuchea cũng như một số nước châu Phi. Hết. Ở vị thế của Việt Nam hiện nay, sự tự mãn chỉ dẫn đến bi kịch: hết nước này đến nước khác qua mặt. Người ta không chỉ qua mặt. Qua mặt xong, người ta sẽ quay lại bóc lột mình. Cuối cùng mình chỉ mãi mãi vẫn là những kẻ làm gia công cho người khác.

Tuy nhiên, đáng lo nhất là về phương diện chính trị. Không có ai cảm thấy có nhu cầu thay đổi nếu lúc nào cũng thấy hài lòng với cuộc sống như vậy. Đó là điều hết sức oái oăm. Từ cái nhìn bên ngoài, hầu như ai cũng thấy Việt Nam có nhiều vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết nhưng chính phủ và đảng cầm quyền thì nhất định cự tuyệt mọi sự thay đổi cần thiết ấy. Sự cự tuyệt ấy thành công vì họ không hề gặp bất cứ một sức ép nào từ dân chúng. Trong khi đó thì dân chúng lại cảm thấy mọi sự đều thỏa đáng cả.

Bởi vậy, có thể nói, sự hài lòng và lạc quan dễ dãi của dân chúng chính là điều mà chính phủ và đảng cầm quyền tại Việt Nam đang mong đợi. Dân chúng càng cảm thấy thỏa mãn và lạc quan, giới cai trị càng bớt lo lắng và có thể tha hồ tập trung vào việc vơ vét tài sản quốc gia để làm giàu cũng như phân phối chức tước và quyền lực cho con cháu.

Có thể nói một cách tóm tắt thế này: sự thỏa mãn và lạc quan là bạn đồng hành của độc tài.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats