Tuesday 26 June 2012

TÔN TRỌNG LUẬT BIỂN ? (Trần Khải)




06/24/2012

Luật Biển vừa được Quốc Hội Việt Nam thông qua. Những chi tiết của bản văn chưa được phổ biến, nhưng được biết rằng Luật Biển khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc ngay lập tức phản đối dữ dội.

Vấn đề là, cụ thể bản văn Luật Biển sẽ viết những gì? Tại sao chủ quyền thiêng liêng của đất nước lại phải giấu biến đi, hay trì hoãn phổ biến – có phảỉ là còn thương lượng gì với Bắc Kinh để rồi sẽ sửa đổi bản văn? Nhưng, câu hỏi cốt tủy là, cả Bắc Kinh và Hà Nội đều là những chế độ không biết tôn trọng những gì họ đã ký kết (thí dụ, Hiệp Định Paris, hay Tuyên Ngôn Nhân Quyền LHQ đều bị nhà nước Hà Nội vi phạm), vậy thì Luật Biển có giá trị gì? Hay chỉ để xoa dầu cù là cho những người bất mãn?

Cũng không phảỉ tình cờ, một ngày sau khi Luật Biển được thông qua, một tàu Hải Quân Hoa Kỳ tiến vào Đà Nẵng. Như thế, Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn đã tính toán những gì?

Mà tàu này không phải chỉ ghé bến vui chơi như những tàu trước đầy đã thăm VN, mà tới để hợp tác nghiên cứu và huấn luyện nghiên cứu Biển Đông, nghĩa là có công tác gắn liền với Biển Đông.

Bản tin VTC cho biết, vào sáng 22/6, tàu nghiên cứu khoa học Roger Revelle (Hoa Kỳ) đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), chính thức bắt đầu chương trình hợp tác nghiên cứu về hải dương học biển Đông Việt Nam. VTC viết:

“Theo đó, tàu Roger Revelle sẽ thực hiện 2 đợt tập huấn về nghiên cứu hải dương học và sử dụng các thiết bị nghiên cứu hiện đại cho hơn 40 nhà nghiên cứu khoa học thuộc Bộ KH-CN và các trường ĐH của Việt Nam trong thời gian 1 ngày rưỡi/đợt.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ "Chương trình nghiên cứu hợp tác chung về hải dương học biển Đông Việt Nam và tương tác Biển và lục địa” giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ....

Dự kiến, tàu Roger Revelle sẽ lưu lại Đà Nẵng trong thời gian 7 ngày và rời Đà Nẵng vào ngày 22-29/6/2012.”

Cho dù có những khiếm khuyết thế nào đi nữa, riêng lời công nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa trong Luật Biển cũng là một dấu mốc lớn trong quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh: leo thang giành chủ quyền Biển Đông.

Bản tin RFI cho biết, hôm Thứ Năm 21/06/2012 Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển, trong đó khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay lập tức Trung Quốc đã lên tiếng kịch liệt phản đối. Theo báo chí Việt Nam, Luật Biển đã được 495/496 đại biểu bỏ phiếu tán thành.

RFI ghi nhận, Đại biểu Quốc hội đồng thời là nhà sử học Dương Trung Quốc đã xác nhận với AFP việc Quốc hội Việt Nam hôm Thứ Năm đã thông qua Luật Biển, trong đó có đoạn «khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa». Tuy nhiên, ông cho biết bộ luật này chưa được công bố trong nhiều ngày tới. Còn theo báo chí Việt Nam, Luật Biển đã được 495/496 đại biểu bỏ phiếu tán thành, đạt tỉ lệ 99,2%.

Ông Dương Trung Quốc nói thêm: «Việc thông qua Luật Biển hôm nay là rất quan trọng đối với Việt Nam. Luật này sẽ củng cố việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa». Ông nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam có được một bộ luật về Biển Đông.

Ngay lập tức Trung Quốc đã kịch liệt phản đối. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã triệu đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, ông Nguyễn Văn Thơ, lên để chính thức trao kháng nghị. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm tuyên bố, Trung Quốc cực lực phản đối và kiên quyết bác bỏ việc Việt Nam xem cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển bao quanh là lãnh thổ Việt Nam.

Câu hỏi chúng ta thắc mắc là, lá phiếu thứ 496 không tán thành Luật Biển là của ai? Không có thông tin nào về nhân vật bí ẩn này.

Ngay hôm Thứ Sáu 22/6/2012, trên báo China Daily, bản tin của phóng viên Zhou Wa nói rằng Luật Biển VN, trong đó tuyên bố chủ quyền chồng lên “các đảo Trung Quốc,” sẽ “nghiêm trọng gây thiệt hại quan hệ giữa VN-TQ.”

Bản tin cũng ghi lời Ruan Zongze, chuyên gia trong viện nghiên cứu China Institute of International Studies, đấu tố VN là Luật Biển VN không tranh được chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.

Ruan cũng hù dọa là, Việt Nam có thể nghĩ là Mỹ ủng hộ lập trường VN, nhưng “đó là ngộ nhận.”

Thực tế, Hà Nội không có lựa chọn nào đẹp hơn là thông qua Luật Biển. Bởi vì nỗi đau khổ của ngư dân Việt đã tràn bờ.

Bản tin Infonet hôm Thư´ Ba 19/06/2012 đã kể về sự áp bức của tàu TQ nơi biển VN qua bản tin nhan đề “Thêm nhiều tàu cá gặp nạn do bão và tàu lạ.”

Bản tin này viết:

“Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng), bão số 2 và cả tàu lạ mang ký hiệu có chữ Hán đã khiến thêm nhiều tàu đánh cá của ngư dân miền Trung gặp nạn khi đang hoạt động đánh bắt hải sản trên biển Đông.

Sáng 19/6, Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) cho hay, theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy PCLB - Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Phú Yên, tính đến 22 giờ đêm qua (18/6) đã kiểm đếm và thông báo cho 23.986 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi chuyển của bão số 2 để chủ động phòng tránh...

Tại Bình Định, tàu cá BĐ95289TS của ông Vũ Văn Vinh với 10 ngư dân đang hoạt động đánh bắt ở vùng biển 11034 vĩ độ Bắc, 112000 kinh độ Đông thì bị tàu lớn có ký hiệu MFHL có 02 chữ Hán phía sau đâm mạnh lúc 9g15 ngày 15/6. Tàu BĐ95289TS bị vỡ vỏ, hỏng nặng. Đến 15g cùng ngày, tàu này đã được tàu BĐ51069TS đến lại dắt vào bờ. Hiện hai tàu đang trên đường về cảng Nha Trang.”

Tàu lạ có chữ Hán? Có phải tàu của “đế quốc Mỹ” hóa trang để gây chia rẽ tình anh em xã hội chủ nghĩa “vĩ đại”?

Luật Biển VN hình thành trong hoàn cảnh cả nước bị bao vây bởi những tàu lạ có chữ Hán như thế. Thông qua Luật Biển là một bước đi đúng.

Nhưng cả Bắc Kinh và Hà Nội đều biết tẩy nhau rồi: không ai tôn trọng bất kỳ văn bản luật pháp nào hết.

Và chúng ta đành phải chờ để đọc kỹ bản văn, và các diễn tiến tiếp theo vậy. Nhưng cần nhớ lời ông Thiệu, rằng đừng tin những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm.

Trần Khải



1 comment:

View My Stats