Tuesday, 26 June 2012

TRỤC CHÂU Á MỚI (Asia’s Next Axis - Yoon Young-kwan)




Yoon Young-kwan

Trang La dịch – BS Hồ Hải hiệu đính
Thứ ba, ngày 26 tháng sáu năm 2012

Bài viết của ông Yoon Young-kwan, là cựu bộ trưởng ngoại giao Nam Triều Tiên năm 2003-2004, hiện đang là Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul.


SEOUL - Tháng trước, các lãnh đạo của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán vào cuối năm nay về thỏa thuận tự do thương mại ba bên. Nếu các đàm phán này thành công, bản đồ thương mại toàn cầu sẽ phải vẽ lại. Một hiệp định tự do thương mại giữa ba quốc gia, lần lượt là các nền kinh tế lớn thứ hai, thứ ba và thứ mười hai toàn cầu (theo sức mua tương đương năm 2011), với dân số khoảng 1.5 tỷ người, có thể làm suy yếu sức mạnh của Liên minh châu Âu và Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA: North American Free Trade Agreement) giữa Hoa Kỳ, Gia Nã Đại(*) và Mễ Tây Cơ(**).

Quả vậy, Đông Á có thể trở thành trục thứ ba của hội nhập kinh tế khu vực, sau EU và NAFTA. Cho tới nay, khu vực này đã không thể thể chế hóa các tập đoàn kinh tế mạnh mẽ như Châu Âu và Bắc Mỹ đã có. Nhưng nếu đề xuất được thảo luận tại Bắc Kinh hồi tháng trước được thực thi, thì Hiệp định thương mại tự do (dựa trên đề xuất đó) có thể vượt qua NAFTA về mức độ hội nhập và tầm quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.

Thêm vào đó, sự hình thành của khu vực mậu dịch tự do Trung-Nhật-Hàn có thể tạo ra một chuỗi phản ứng dây chuyền. Chẳng hạn, ảnh hưởng của Hiệp định có thể mở rộng xuống phía Nam và kích thích khu vực Asean, vốn đã có Hiệp định tự do thương mại với cả ba quốc gia này, tham gia cùng. Diễn biến này sẽ tương đương với việc thành lập khu vực mậu dịch tự do Đông Á, bản chất chính là khối Asean+3 đã được hình thành từ cách đây một thập niên. Nếu điều đó xảy ra, các quốc gia khác – Úc, Tân Tây Lan(***), và, quan trọng nhất là, Ấn Độ - có thể sẽ tìm cách vào cuộc.

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tất nhiên, sẽ phải có động thái trước kết quả về bất cứ Hiệp định tự do thương mại ba bên Đông Á nào (được ký kết) nhằm bảo vệ vai trò của mình trong thương mại toàn cầu – và trong các chuỗi cung ứng thống trị các nền kinh tế châu Á. Nó có thể sẽ tìm kiếm nhằm mở rộng và thắt chặt thêm quan hệ Hợp tác xuyên Thái Bình Dương mới ra đời, vốn dĩ là hiệp định thương mại mà Tổng thống Barack Obama đã đại diện cho Mỹ cam kết hồi năm ngoái.

Đặc biệt, Hoa Kỳ sẽ ra sức khuyến khích Nhật Bản tham gia vào Hợp tác xuyên Thái Bình Dương, bởi Mỹ muốn một cộng đồng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương thống nhất thay vì có sự chia tách giữa châu Á và Thái Bình Dương. Vì các lý do chiến lược, Nhật Bản hẳn không muốn bị cắt đứt từ phía Mỹ, bởi vậy có lẽ Nhật sẽ hoàn toàn chấp nhận lời mời của Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh này, cả Nhật Bản và Hàn Quốc có lẽ sẽ muốn kiếm tìm một vài phương tiện để kết nối với một Trung Hoa là trung tâm của châu Á (a Sino-centric Asia) và Hoa Kỳ là trọng tâm của khu vực Thái Bình Dương (a US-centered Pacific). Mặc dù là nền kinh tế nhỏ hơn, Nam Hàn dường như đã được chuẩn bị tốt hơn Nhật Bản để đóng vai trò chiến lược này. Nam Hàn đã ký kết Hiệp định tự do thương mại với Mỹ, sau nhiều năm thương lượng khó khăn, và đã lên kế hoạch thương lượng song phương với Trung Quốc trong năm nay. 

Vì lẽ đó, câu hỏi then chốt là liệu Nhật Bản có sẵn sàng để đóng vai trò cầu nối tương tự hay không, và sẵn sàng đến mức nào. Sự tham gia nhiệt tình của Nhật Bản sẽ làm giảm thiểu sự phân rẽ châu Á – Thái Bình Dương và góp phần tạo đà cho hội nhập khu vực.

Tuy nhiên, sức ép từ những thách thức nội địa mà Nhật Bản gặp phải hiện nay có vẻ quá lớn để các nhà lãnh đạo chính trị Nhật chủ động thực thi vai trò quốc tế. Chính phủ Nhật Bản dễ đổ vỡ và có thời gian tại vị rất ngắn ngủi trong suốt một thập niên gần đây, và tranh cãi hiện tại về việc tăng thuế giá trị gia tăng có thể dẫn tới một sự thay đổi nữa trong bộ máy cầm quyền. Hơn nữa, các nhóm lợi ích nông nghiệp có thế lực của Nhật Bản, đặc biệt là Liên minh hợp tác xã nông nghiệp trung ương, có thể phản kháng mạnh mẽ hơn nữa đối với cả Hiệp định tự do thương mại ba bên với Trung Quốc và Hàn Quốc cũng như Hợp tác xuyên Thái Bình Dương với Mỹ.

Mặc dầu vậy các lãnh đạo của Nhật đang chịu áp lực từ cả hai phía. Nếu họ không làm gì trong khi Nam Hàn tiếp tục ký kết các Hiệp định tự do thương mại, Nhật Bản sẽ mất đi các thị trường ở Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng nếu họ hành động, sự phản kháng chính trị nội địa sẽ tước đi quyền lực của họ. Đây là lý do chính lý giải tại sao sẽ rất khó khăn cho Nhật Bản để ký kết Đề xuất về Hiệp định tự do thương mại ba bên, mặc dù Thủ tướng Yoshihiko Noda mới đây đã tán thành. Thật vậy, có lẽ chỉ có một Hiệp định tự do thương mại lỏng lẻo hơn, bỏ qua các khu vực kinh tế nhạy cảm của mỗi quốc gia, mới có thể khả thi.

Đối với Trung Quốc, các cân nhắc chính trị có lẽ là động cơ mạnh mẽ nhất để theo đuổi Hiệp định tư do thương mại Đông Bắc Á. Nhưng việc sử dụng FTA(free-trade agreement: hiệp định thương mai tự do) ba bên để mở rộng nền kinh tế và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc có thể buộc quốc gia này gia tăng tính minh bạch, mở rộng lĩnh vực dịch vụ và loại bỏ các rào cản phi thuế quan. Về bản chất, Trung Quốc sẽ phải chấp nhận một hệ thống dựa trên luật lệ cho mối quan hệ giữa nó với hai láng giềng, một điều mà chính phủ Trung Quốc luôn thận trọng đề phòng. Tuy nhiên, một lợi thế cho Trung Quốc trong việc theo đuổi chiến lược FTA đó là nó vẫn là một nhà nước độc đảng, và vì thế nó có thể dẹp bỏ những đối lập nội địa dễ dàng hơn nhiều so với các chính phủ đa nguyên của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cuối cùng, Nam Hàn, quốc gia đã ký nhiều Hiệp định tự do thương mại với phần lớn các nền kinh tế quan trọng trên toàn cầu – Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Asean, Ấn Độ và các quốc gia khác – có thể sẽ được chuẩn bị tốt hơn so với Nhật Bản để ký kết một Hiệp định thương mại ba bên. Nhưng, đồng thời, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm lợi ích ở các khu vực nông nghiệp và sản xuất nội địa, có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn so với những gì họ đã làm để phản đối hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ.

Nếu một Hiệp định tự do thương mại ba bên Đông Bắc Á được ký kết, ba nền kinh tế này có thể tạo ra nhu cầu cho thị trường nội địa nhiều hơn trong thời điểm sức cầu từ phương Tây yếu kém, và có thể gây được ảnh hưởng lớn lao hơn trong nền kinh tế chính trị toàn cầu. Một Hiệp định tự do thương mại ba bên cũng có thể tạo nên sự ổn định cho mối quan hệ chính trị rắc rối giữa bản thân ba quốc gia này, và có thể tạo ra môi trường tốt hơn để cuối cùng tái thiết kinh tế Bắc Triều Tiên.

Các lợi ích lớn lao về một Hiệp định thương mại tự do Đông Bắc Á đã rất rõ ràng. Vấn đề đặt ra là liệu đó có phải đó là một tham vọng xa vời.

Một số ghi chú thêm:

(*)Gia Nã Đại: Canada
(**)Tân Tây Lan: New Zealand
(***) Mễ Tây Cơ: Mexico

Project Syndicate – 2012





1 comment:

View My Stats